Ông Bùi Sỹ Lợi: “Chúng ta ngồi đây thấy chậm một tháng, một quý có vẻ không quan trọng, nhưng người lao động lại chờ từng ngày, từng giờ” - Ảnh: L.K |
Đạo luật này liên quan đến quyền lợi hàng triệu người lao động, đã có hiệu lực từ 1-1-2016. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Minh Huân, đến nay vẫn còn 2 nghị định và một số thông tư chưa kịp ban hành.
“Chúng tôi nhận thức luật có hiệu lực rồi mà các văn bản hướng dẫn chưa ra được thì cũng gây khó khăn cho công tác triển khai” - ông Huân nói.
Doanh nghiệp bỏ trốn, người lao động bơ vơ
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN Mai Đức Chính cho biết: Cuối năm 2015 có tình trạng một số doanh nghiệp “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, dẫn đến tình trạng là doanh nghiệp cũ “biến mất” trong khi doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỷ đồng.
“Người lao động trở thành con tin giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp chưa đóng, chưa trả nợ BHXH và người lao động chưa được giải quyết quyền lợi BHXH dù có bị ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc về hưu” - ông Chính nói.
Ông đề nghị “bổ sung quy định hướng dẫn về quyền lợi của người lao động khi chủ lao động bỏ trốn.
Khoản 7 điều 10 Luật BHXH quy định Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động.
Cũng theo quy định mới của luật, các cấp công đoàn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực BHXH.
“Vướng mắc ở đây là Luật BHXH có hiệu lực từ 1-1 nhưng Bộ luật Tố tụng Dân sự thì đến 1-7 mới có hiệu lực thi hành, nên tạo ra một khoảng trống pháp luật bắt người lao động phải chờ” - ông Chính nêu.
Vẫn rối như gà mắc tóc
Nghe các bên trình bày, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết trước cuộc họp này ông đã đi thực tế tại một số địa bàn. “Chúng ta ngồi trên đây nói là văn bản rất hay, nhưng xuống thực tế thì rất bức xúc, người ta kêu rất nhiều, cứ như gà mắc tóc chứ không như chúng ta nghĩ đâu” - ông nói.
Ông Lợi cho biết gặp vướng mắc và bức xúc nhiều nhất là người lao động trong các doanh nghiệp thuộc khu vực phía Nam: “Tôi đề nghị tới đây mời lãnh đạo Bộ Lao động, Bảo hiểm Xã hội VN đi cùng tôi xuống thực tế, gặp người lao động để nắm tình hình”.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết có tình trạng một số bộ, ngành cho rằng các văn bản hướng dẫn luật cũ vẫn phù hợp nên chưa cần ban hành văn bản mới, trong khi đó dưới địa phương cứ chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện.
“Các bộ, ngành hiểu rằng không cần ban hành văn bản mới là không đúng, bởi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi luật mới có hiệu lực thì tất cả các văn bản hướng dẫn luật cũ đương nhiên là mất hiệu lực” - vị này nói.
Ông Lợi nói ngay: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy định thi hành luật đó cũng đồng thời hết hiệu lực là đúng rồi. Nhưng xử lý vấn đề này rất dễ, không mất thời gian gì cả. Các bộ, ngành chỉ cần nêu căn cứ pháp lý mới rồi thông báo thì ở dưới người ta biết để thực hiện”.
Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi hối thúc các bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định còn nợ, các văn bản hướng dẫn khác cũng không được để chậm trễ hơn nữa.
“Hướng dẫn luật không được gây khó khăn cho người lao động. Bởi thực hiện BHXH là thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính phải đơn giản, thông thoáng, đảm bảo cho người lao động dễ tiếp cận thì mới đảm bảo được chính sách an sinh xã hội. Chúng ta cảm thấy chậm một tháng, một quý có vẻ không quan trọng, nhưng người lao động lại chờ từng ngày, từng giờ” - ông Lợi nói.
Ông Mai Đức Chính nêu nhiều vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật BHXH, và khó khăn cuối cùng lại đổ lên đầu người lao động - Ảnh: L.K |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận