Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing trao đổi với đơn vị tiếp nhận thực tập trong "Ngày hội tuyển sinh viên thực tập" do trường tổ chức giữa tháng 12-2011. Đây là hoạt động nhằm tăng hiệu quả kỳ thực tập thực tế cho sinh viên |
Năm 2007, Nguyễn Quang Trung trúng tuyển vào ngành Việt Nam học (chuyên ngành du lịch) của Trường ĐH An Giang. Sau ba năm học tại trường, Trung và các bạn trong lớp được đi thực tập tại các nhà hàng, khách sạn để làm quen với chuyên môn đã học.
“Chỉ được nhìn”
“Đừng nghĩ doanh nghiệp là trường học” “Sinh viên không nên mang tư tưởng môi trường ở doanh nghiệp, cơ quan là chỉ là trường học trong thời gian thực tập. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của người làm việc và tư duy theo cách sẽ làm được gì, đóng góp được gì cho sự phát triển của doanh nghiệp. Không doanh nghiệp nào từ chối sự đóng góp hữu ích cho doanh nghiệp cả. Kiến thức, kỹ năng thì có thể học thêm và bạn hãy tận dụng thế mạnh về thái độ học hỏi, làm việc của mình và chứng tỏ điều đó cho doanh nghiệp” - ông Đinh Phương Nam đưa ra lời khuyên. Tương tự, anh Phạm Đình Bắc - từng thực tập tại một văn phòng luật sư - cho rằng điều quan trọng nhất trong quá trình thực tập là sinh viên phải hỏi, nhiều việc sinh viên tự ý làm dẫn đến làm sai. “Trong quá trình thực tập, sinh viên phải chủ động hỏi, cái nào không biết thì hỏi những anh chị đi trước để được hướng dẫn. Đừng xem thường những việc nhỏ, những việc tưởng chừng không đụng đến chuyên môn nhưng đó cũng là cách đơn vị tiếp nhận đánh giá thái độ làm việc của sinh viên. Trước khi đến thực tập tại một doanh nghiệp, sinh viên nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp ở lĩnh vực hoạt động, văn hóa doanh nghiệp, công ty và cả nội quy của công ty để thực hiện...”. |
Khác hẳn hình dung ban đầu, Trung tâm sự dù mang tiếng đi thực tập nhưng suốt thời gian đó, bạn và nhóm bạn của mình “chỉ được... nhìn chứ không được đụng tay vào công việc”.
Trung đưa ra suy nghĩ: “Phần vì nhà hàng sợ sinh viên làm không quen sẽ đánh vỡ chén, dĩa. Và cũng vì quản lý ngại sinh viên chưa biết cách phục vụ sẽ làm phiền lòng khách”. Thật khó để nhận định Trung và nhóm bạn của mình học được gì từ những buổi thực tập ấy. Chỉ có điều chắc chắn đó không phải là điều sinh viên mong muốn khi đi thực tập.
May mắn hơn trường hợp kể trên một chút, hai sinh viên tốt nghiệp bậc cao đẳng ngành thư viện thông tin của một trường ĐH tại TP.HCM cũng được “đụng tay” vào công việc nhưng rất khiêm tốn. Hè năm 2011 hai sinh viên này được giới thiệu đến thực tập tại thư viện của một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Hôm sinh viên cầm giấy giới thiệu đến, ban quản lý thư viện vui vẻ tiếp nhận. Thế nhưng trong quá trình thực tập, sinh viên được “gợi ý” chỉ nên đến mỗi tuần... hai buổi.
“Còn lại là ở nhà dài dài - một trong hai sinh viên nhớ lại - những lần đến cũng bê sách, tiếp bạn đọc nhưng chủ yếu là xem... không khí làm việc ở đó thế nào”. Theo hai sinh viên này, nhiều sinh viên cùng khóa các bạn, khi thực tập tại những nơi khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Thậm chí bạn Nguyễn Anh Thư (sinh viên năm cuối ngành công tác xã hội Trường ĐH Công đoàn), chia sẻ: “Ông phó phòng nơi mình thực tập nói thẳng luôn là không cần phải đến nhiều vì cũng không có việc gì để làm cả, cần nhận xét thế nào thì ông ấy sẽ nhận xét cho như thế”.
Từng giới thiệu nhiều sinh viên đi thực tập, ông Nguyễn Thái Châu, phó giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing, nhận định nhiều doanh nghiệp là đơn vị sử dụng lao động sau khi qua đào tạo tại trường nhưng vẫn còn “né tránh” trong việc nhận và hỗ trợ sinh viên thực tập.
Ông Châu nói: “Có sinh viên đi thực tập về kể chỉ được nhìn, được công ty “hỗ trợ” bằng cách đưa đề tài, số liệu cho sinh viên copy và đóng dấu xác nhận là xong, nên sinh viên không học được gì nhiều từ thực tiễn. Có công ty còn không cử người hướng dẫn sinh viên, vì cho rằng mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc của công ty”.
Sinh viên thụ động?
Về việc tiếp nhận và tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, một số doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng họ không yên tâm khi giao việc cho sinh viên vì kiến thức, kỹ năng kém. Trong khi đó, cử người kèm cặp lại ảnh hưởng đến công việc chung của công ty.
Ông Đinh Phương Nam - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư công nghệ và nội dung VEGA, đơn vị thường nhận sinh viên thực tập - phân tích: “Doanh nghiệp nhận sinh viên vào thực tập bao giờ cũng dựa vào những tiêu chí cơ bản như kiến thức, kỹ năng, thái độ. Hầu hết các đơn vị thực tập rất hiếm tìm được những sinh viên có kiến thức và kỹ năng để doanh nghiệp có thể trao việc ngay”.
Do đó, theo ông Nam doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập “phải chịu rủi ro nhiều hơn” bởi sinh viên kém chuyên môn, khi vào thực tập doanh nghiệp phải bố trí một người kèm về chuyên môn và một người quản lý trực tiếp. Đó là chưa kể việc bố trí chỗ ngồi, thiết bị... cho sinh viên.
Trong khi đó, tỉ lệ sinh viên có đóng góp cho doanh nghiệp hay quay trở lại doanh nghiệp làm việc cũng rất hiếm. Và cũng còn một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp ngại nhận sinh viên thực tập là do khó khăn về kinh tế, nên doanh nghiệp chỉ tập trung vào những việc mang lại hiệu quả trước mắt chứ chưa có định hướng nhân sự lâu dài. “Từ những nguyên nhân trên dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phân công sinh viên làm các việc lặt vặt không tên như pha trà, rót nước và photocopy... Hết thời gian thực tập, doanh nghiệp nhận xét trong báo cáo thực tập của sinh viên toàn “lời hay ý đẹp” nhưng kinh nghiệm thực tế sinh viên tích lũy lại chẳng bao nhiêu” - ông Nam lý giải.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng sinh viên còn quá thụ động trong quá trình thực tập và chưa tự tìm cơ hội cho mình. Chị Ngọc Phúc - nhân viên một công ty tư nhân - từng nhận hướng dẫn nhiều sinh viên thực tập về kế toán, cho biết: “Nhiều bạn sinh viên kiến thức chuyên môn chưa vững nhưng lại không chịu làm những việc các bạn cho là nhỏ.
Chẳng hạn như khi tôi nhờ các bạn sắp xếp lại hồ sơ, nhờ các bạn đi photo tài liệu để các bạn chủ động hơn và học từ những cái nhỏ nhất thì các bạn tỏ vẻ không ưng ý lắm. Từ những công việc như thế, tôi đánh giá thái độ làm việc của các bạn. Nếu bạn làm tốt những việc nhỏ và chịu khó học hỏi, bạn sẽ được trao việc nhưng sinh viên chưa nhận ra điều này”.
Để việc thực tập của sinh viên thật sự mang lại hiệu quả cho cả hai bên, ông Đinh Phương Nam, cho biết tại công ty ông khi mới nhận sinh viên thực tập, ông đã trao đổi trước với sinh viên là các bạn sẽ được học việc trong một tháng.
“Hết tháng này, bạn nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị loại và những sinh viên làm việc hiệu quả, có tinh thần cầu tiến, chịu học hỏi sẽ được trao việc và trả lương theo những công việc sinh viên hoàn thành được. Với cách làm này, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc thực tế và doanh nghiệp cũng giải quyết được một phần công việc của mình” - ông Nam nói.
Áo Trắng số Tất Niên (số 1) ra ngày 15/01/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận