05/10/2008 08:30 GMT+7

"Thực phẩm có melamine: Làm gì để bảo vệ sức khỏe người dân?"

TTO
TTO

TTO - Trước nỗi lo lắng của cộng đồng, đặc biệt là các phụ huynh về nguy cơ có melamine trong thực phẩm như sữa, bánh, kẹo... gây hại đến sức khỏe, từ 8g30 đến 12g sáng nay, 5-10, Tuổi Trẻ Online đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Thực phẩm có melamine: làm gì để bảo vệ sức khỏe người dân".

BlqmrbcE.jpgPhóng to
Nhiều loại bánh kẹo có melamine

155 mẫu sữa không có melamineWHO công bố 65 sản phẩm có melamineThêm 25 mẫu sữa không có melamineThêm 52 mẫu sữa không có chất melamineThêm 2 sản phẩm sữa nhiễm melamineThêm 59 mẫu sữa không có melamine

Trong những ngày vừa qua, mỗi ngày có hàng trăm bạn đọc đã gửi mail thắc mắc đến Tuổi Trẻ trước những phát hiện của các cơ quan chức năng về melamine trong thực phẩm, đặc biệt là sữa.

Melamine là gì? Melamine được điều chế như thế nào và được áp dụng vào những lĩnh vực nào? Melamine trong thực phẩm có tác hại ra sao đến sức khỏe con người? Cấp độ nguy hại của sạn thận do melamine?

Người dân nên có những hiểu biết gì khi mua và sử dụng sản phẩm từ sữa? Làm sao phát hiện được sản phẩm có melamine? Ngoài sữa, người dân còn phải thận trọng trước những loại thực phẩm nào khác có thể chứa melamine?

Quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm chế biến từ sữa tại Việt Nam đang được áp dụng như thế nào? Những quy định chuẩn về kiểm nghiệm và công bố sản phẩm có melamine trên thế giới và tại nước ta ra sao? Những công ty sữa tự kiểm nghiệm và công bố có hợp lệ hay không? Những hành động và chiến lược của Bộ Y tế và Chính phủ hiện tại và trong thời gian tới trong vấn đề melamine trong thực phẩm như thế nào? Việc xử lý các doanh nghiệp và sản phẩm có melamine? Tại sao nhiều thương hiệu sữa lớn vẫn chưa có tên trong những danh sách công bố?...

Nhiều thắc mắc của bạn đọc đã được bà NGUYỄN THỊ LÂM, Viện phó Viện Dinh dưỡng; bác sĩ TRẦN VĂN KÝ - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, phụ trách ATVSTP phía Nam; TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH, Trưởng phòng Dinh dưỡng cộng đồng - TT Dinh dưỡng TP.HCM trực tiếp trả lời.

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN:

* Đã có nhiều sản phẩm được kiểm tra xem có Melamin hay không nhưng tôi không thấy công bố các sản phẩm sữa thông dụng đang quảng cáo trên tivi như Enfa, Similac... Nếu nhà phân phối các sản phẩm này không gửi mẫu kiểm tra thì cơ quan chức năng có kiểm không? (Khánh Giang, 32 tuổi, dutranth@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng: Một số công ty có hợp tác với nước ngoài thì đang gửi mẫu kiểm tra tại nước ngoài, như Abbott, Ducht Lady... và chắc chắn sẽ có kết quả sớm trong đầu tuần tới. Một số hãng khác đã tự gửi mẫu kiểm nghiệm trong và ngoài nước và tự công bố kết quả không nhiễm melamine. Các doanh nghiệp này đã cam kết tự chịu trách nhiệm với những kết quả đã công bố.

Các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên, định kỳ để kiểm tra.

bOYYotsv.jpgPhóng to
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm đang trả lời giao lưu trực tuyến cho bạn đọc từ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - Ảnh: Khiết Hưng

* Hiện nay các bà mẹ thường được khuyên: nên cho em bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Nhưng theo luật thì thời gian nghỉ thai sản chỉ có 4 tháng. Vậy làm sao có thể cho con bú trong 2 tháng còn lại? Sự kiện sữa nhiễm độc chất melanine đã được phát hiện từ ngày 9-9, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được biết danh sách những sản phẩm có sử dụng sữa nguyên liệu nói trên? Vậy có hợp lý không? (Nguyễn Ngọc Linh, 30 tuổi, dangtam0409@...)

- TS.BS.TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, bà mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu. Trong thời điểm nhạy cảm này, bà mẹ càng phải cố gắng tận dụng tối đa nguồn sữa mẹ. Trong trường hợp đi làm thì có thể vắt sữa mẹ để dành cho con. Dụng cụ chứa sữa có thể bình nhựa hoặc ly thủy tinh đậy kín nắp.

Sữa mẹ để trong nhiệt độ phòng (27oC) sẽ bảo quản được 4 tiếng, nhiệt độ 21 độ C để được 10 tiếng, để tủ lạnh (4oC) có thể giữ được 5 ngày. Bà mẹ cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để có đủ sữa cho con. Nếu sữa mẹ không đủ thì có thể bổ sung bằng sữa công thức, nên chọn loại sữa đã được công bố chất lượng bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ và phù hợp với tháng tuổi của con mình.

Các công ty sữa cần sớm công bố chất lượng sản phẩm của công ty mình, đặc biệt là sữa dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Trong 2 tháng còn lại, bà mẹ có thể trao đổi với lãnh đạo cơ quan để làm việc nửa ngày hoặc được phép đi muộn, hoặc về giữa giờ cho con bú, hoặc thu xếp công việc gia đình. Nếu cơ quan xí nghiệp có điều kiện có thể tổ chức một phòng cho bà mẹ mang con đến cơ quan để tranh thủ cho bú giữa giờ. Ở Philippin đã thực hiện việc này rất tốt.

Bộ Y tế đã cập nhật thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về sản phẩm không có melamine cũng như các sản phẩm nhiễm melamine. Bạn có thể tra trên thư mục Sức khỏe ở một số báo điện tử hàng ngày: VnExpress, Tuổi Trẻ...

* Ngoài sữa, bánh kẹo... còn những mặt hàng nào khác có nguy cơ nhiễm melamine? Bộ Y tế có kế hoạch gì cho việc kiểm tra và hạn chế, khắc phục không? (kim loan, 30 tuổi, khanhminh.lenguyen@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Bất cứ sản phẩm nào có sử dụng nguyên liệu từ sữa như cream, bánh bích quy, bột dinh dưỡng, cà phê sữa uống liền, trà sữa... đều có nguy cơ nhiễm melamine.

Bộ Y tế đã thành lập 15 đoàn thanh tra liên ngành đi lấy mẫu ngẫu nhiên tại các tỉnh thành, nhằm phát hiện sớm các sản phẩm nhiễm melamine để ngăn ngừa kịp thời.

* Con tôi được 40 tháng tuổi, thường uống sữa Fristi sữa uống tiệt trùng có đường, thời gian gần đây, nước tiểu cháu hơi đục, để qua đêm trong bô có một lớp ván mỏng nổi lên trên, tuy nhiên cháu không có biểu hiện bệnh hay khó chịu. Xin hỏi, có nên đưa cháu đi xét nghiệm hay khám không? Nếu có thì nên đến địa điểm nào? (Mai Hồng Quang, 36 tuổi, maihongquang1@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Nước tiểu hơi đục có nhiều nguyên nhân. Ngay cả trường hợp cháu được uống không đủ nước cũng có thể gây tình trạng nước tiểu đục. Nếu muốn, bạn có thể đưa cháu đến các phòng khám thuộc bệnh viện nhi khoa như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, các Trung tâm xét nghiệm y tế để xét nghiệm nước tiểu.

* Tôi có hai con, một trai - 11 tháng và một gái - 3,5 tuổi. Hai con của tôi do sinh non nên không bú sữa mẹ từ lút mới lọt lòng. Thực phẩm chính của hai con tôi là sữa bột của hãng ABBOTT sản xuất. Cho tôi hỏi, sữa ABBOTT có bị nhiễm melamine hay khong? Chân thành cảm ơn. (Nguyen Bao Quan, 1971 tuổi, bq25971@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Theo tôi được biết hãng Abbott đang gửi mẫu sữa kiểm nghiệm tại nước ngoài và sẽ có kết quả sớm trong tuần tới.

* Xin cho biết những biểu hiện hoặc triệu chứng khi trẻ bị nhiễm chất melamine? Xin chân thành cám ơn. (Quốc Dũng, 29 tuổi, dungtq@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Triệu chứng khi trẻ nhiễm melamine là trẻ có thể quấy khóc, trẻ lớn đi tiểu đau, tiểu khó, đi tiểu ra máu, trẻ gầy sút, có tiền sử uống sữa nhiễm melamine. Ở VN, hiện chưa phát hiện được trẻ bị sỏi thận do uống sữa nhiễm melamine.

* Tại sao khi sản phẩm từ sữa đã chế biến xong các cơ quan kiểm tra không phát hiện ra các chất độc hại mà khi đưa vào thị trường gặp nguy hại mới phát hiện và đề phòng. Trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm như thế nào? (nguyen thi ngoc diep, 19 tuổi, karty_funny_lovely@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Từ trước tới nay, các cơ quan kiểm nghiệm VN và quốc tế đều không có quy định kiểm nghiệm melamine như một trong những chỉ tiêu bắt buộc. Bình thường, đã có quy định bắt buộc kiểm tra thành phần dinh dưỡng, chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh, nấm mốc. Sữa chỉ được lưu hành khi các chỉ tiêu kể trên đạt độ an toàn theo quy định quốc tế cũng như của ngành y tế VN.

Từ thời điểm này thì chắc chắn tất cả các sản phẩm sữa và chế biến từ nguyên liệu sữa đều có kết quả kiểm nghiệm không nhiễm melamine trước khi đưa ra thị trường.

* Tại sao không kiểm tra trước, đến khi vụ việc sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc xảy ra thì Việt Nam mới kiểm tra? Làm sao yên tâm khi hai con tôi mỗi ngày uống trên dưới 1 lít sữa mỗi đứa, nhà sản xuất thì biết rồi nhưng còn nguyên liệu nhập từ đâu? Dutch Lady ở Singapore, Nestle ở Đài Loan bị nhiễm, liệu ở Việt Nam có không? (THU THẢO, 27 tuổi, H_KIM07@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Hiện Ducht Lady đang gửi mẫu kiểm nghiệm sữa ở nước ngoài và labo của Viện dinh dưỡng. Đã có một số mẫu cho kết quả không nhiễm melamine. Kết quả toàn bộ cũng sẽ được công bố sớm trong tuần tới.

* Làm cách nào để nhận biết về thông tin của sữa có chất melammin? Con gái tôi đang dùng loại sữa Vinamilk nhưng tôi chưa thấy thông báo về loại sữa này (duong le ha loan, 28 tuổi, tohe2007@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Các doanh nghiệp gửi mẫu kiểm nghiệm, bên cạnh hoạt động lấy mẫu kiểm tra của Bộ Y tế. Thông tin đang được cập nhật hàng ngày. Bạn nên theo dõi trên các báo/trang thông tin điện tử...

* Trong danh mục các sản phẩm sữa không có chất melamine, có rất nhiều sản phẩm của Dutch Lady, nhưng không có tên sản phẩm Dutch Lady fristi - sữa uống tiệt trùng có đường. Vậy xin hỏi sữa fristi có melamine không? (Mai Hồng Quang, 36 tuổi, maihongquang1@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Để an toàn, bạn nên sử dụng loại các loại sữa đã được công bố. Công ty sữa Dutch Lady cũng cần sớm công bố tất cả các loại sữa có mặt trên thị trường.

SrMNRHT5.jpgPhóng to
TS.BS.Trần Thị Minh Hạnh đang trả lời câu hỏi bạn đọc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 5-10 - Ảnh: N.C.T.

* Xin cho biết melamine là loại hóa chất gì và có nguồn gốc từ đâu? Những tác hại của melamine đối với sức khỏe của con người khi dùng sữa chứa có quá nhiều chất melamine? Melamine được dùng trong lĩnh vực nào trong cuộc sống? Xin chân thành cảm ơn. (Kim Minh Tấn, 23 tuổi, minhtannet@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Melamine là một chất hữu cơ màu trắng, khó hòa tan trong nước, tên khoa học là 1,3,5-Triazine-2,4,6 Triamine. Về cấu trúc hóa học, melamine gồm 3 nguyên tử carbon, 6 nguyên tử hydrogen và 6 nguyên tử nitrogen. Trọng lượng phân tử của melamine là 126, trong đó 66% là nitrogen. Ở Trung Quốc, đã có một số doanh nghiệp gian dối, đưa melamine vào sữa nhằm tăng hàm lượng nitrogen trong sữa, thực chất nhằm tăng độ đạm giả tạo, tăng giá thành sữa.

Về tác hại với sức khỏe con người, melamine tự nó không được xem là một chất độc. Nó chỉ độc khi kết hợp với axit cyanuric, kết hợp với cyanuric trở thành melamine cyanurate. Những tinh thể này sẽ lắng đọng ở trong đường tiết niệu, gây hiện tượng sạn thận, sỏi thận.

Vì giàu nitrogen, nên melamine được sử dụng làm chất dập lửa, melamine thường kết hợp với formaldehyt để sử dụng trong sản xuất nhựa, keo, giấy...

* Tôi hiện nay mang thai (lần 2), chuẩn bị sinh. Tôi sắp làm sinh nhật cho con gái và muốn đặt một cái bánh kem cho cháu nhưng sợ loại sữa tươi họ dùng không biết có nhiễm melamine? (Võ kim trang, 33 tuổi, Doanvanpho@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tôi nghĩ bạn nên đến đặt bánh tại các cơ sở sản xuất có uy tín, đã được kiểm tra nguyên liệu không nhiễm melamine. Danh sách này đã đăng tải trên các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, các tờ báo...

* Đối với danh mục các chất nguy hại đến sức khỏe, nhà nước có yêu cầu nào về kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất và lưu hành thực phẩm không? (Nguyễn Hữu Vương, 37 tuổi, vuong.nguyen.huu@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Nhà nước vẫn quy định các sản phẩm thực phẩm như sữa, sản phẩm chế biến phải kiểm nghiệm thành phần dinh dưỡng, các vitamine, khoáng chất có thể hiện trên nhãn mác. Các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm như kim loại nặng, vi sinh nấm mốc phải nằm dưới ngưỡng an toàn theo quy định của Bộ Y tế trước khi được phép đưa ra thị trường.

* Tôi có 1 bé trai 27 tháng tuổi. Sau thời gian hậu sản đi làm lại tôi đã cho cháu uống sữa ngoài. Cháu lần lượt uống sữa Dumex gold, Pediasure, Enfagrow... và từ khi cháu 2 tuổi tôi đã cho cháu uống hoàn toàn sữa Dielac anpha 123 của Vinamikl.

Hiện gia đình đang rất lo lắng hoang mang và không muốn cho cháu uống sữa nữa vì sợ ít nhiều bị ảnh hưởng. Đồng thời muốn đưa cháu đi khám xem có bị sạn thận không để yên tâm và nếu phát hiện thì cho chữa trị sớm càng tốt. Xin tư vấn cho tôi trong lúc này phải làm thế nào để tinh thần gia đình được ổn định hơn. Xin chân thành cảm ơn. (Thanh Nga, 28 tuổi, mingo1511@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Sữa là thực phẩm cần thiết cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Chị không nên quá hoang mang mà ngưng không cho cháu uống sữa vì sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cháu. Gia đình nên theo dõi thông tin thường xuyên trên báo đài và hãy chọn những loại sữa đã được công bố chất lượng sản phẩm.

Nếu cháu có triệu chứng bệnh lý đường tiết niệu (đau lưng, đau bụng, tiểu gắt, buốt, tiểu ra máu, hoặc nước tiểu đục…) thì hãy đưa cháu đi khám. Nếu vẫn lo âu, chị có thể cho cháu làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu trước. Nếu kết quả bình thường thì có thể yên tâm.

* Ngoài melamine liệu còn chất độc hại nào mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra không? (Đỗ thành tài, 18 tuổi, dothanhtai36@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Bình thường, không có chất độc hại trong sữa, mà chỉ có người sản xuất gian dối, vì mục tiêu lợi nhuận đưa các chất không được phép vào trong sữa như melamine.

* Nhà nước có ban hành danh mục các chất bị cấm hoặc có tác hại đến sức khỏe áp dụng trong nghành thực phẩm không? Người dân có thể biết được danh mục này? (Nguyễn Hữu Vương, 37 tuổi, vuong.nguyen.huu@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành danh mục các chất chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Người sản xuất chân chính phải tuân thủ quy định này. Chỉ có những người sản xuất gian dối mới cho thêm những chất độc hại không được phép vào thực phẩm vì mục đích lợi nhuận. Bạn có thể tham khảo thông tin tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

* Xin hỏi bác sĩ, nếu lỡ ăn bánh có chứa melamine thì có bị sao không, có bị sạn thận hay bệnh gì không? Xin cám ơn. (linh, 19 tuổi, KaKaShj_XXX@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Theo FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ), liều lượng an toàn của melamine cho người lớn là 0,63 mg/kg thể trọng/ngày; trẻ em là 0,32 mg/kg thể trọng/ngày. Nếu lượng melamine có trong bánh là 10 mg/kg bánh, thể trọng của em là 50 kg, thì em phải ăn lượng bánh chứa lượng melamine vượt ngưỡng 31 mg/ngày, tương đương 3 kg bánh/ngày, trong thời gian kéo dài ít nhất là 13 tuần thì mới có nguy cơ sạn thận. Nếu bạn chỉ ăn 2 chiếc bánh nhiễm melamine thì không sao.

* Hiện nay trên thị trường sữa Việt Nam, các công ty sữa lớn như Abbott, Mead johnson, Dumex, Friso chiếm hầu hết thị phần sữa nhưng chưa công bố các sản phẩm của họ có bị nhiễm melamine hay không? Cũng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm sữa này? Xin hỏi khi nào thì mới công bố các sản phẩm sữa tên tuổi có hoặc không có nhiễm melamine để chúng tôi yên tâm cho sức khỏe con cái chúng tôi? (Hoang Le My, 34 tuổi, hoanglmy@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin từ bộ Y tế và của các hãng sữa nêu trên về việc có chất melamine trong sữa hay không. Vấn đề này, bạn phải chờ Bộ Y tế công bố.

WMB0saol.jpgPhóng to
BS Trần Văn Ký (trái) - Ảnh: N.C.T.

* Việc kiểm tra thực phẩm chứa melamine có được khách quan không, các mẫu thử nghiệm có được lấy ngẫu nhiên trên thị trường hay các đơn vị tự gởi mẫu? Bộ y tế có lấy mẫu hết các thực phẩm có chứa sữa liên quan đến melamine không? Trẻ em đang dùng sữa ở độ tuổi nào thì cần phải đi kiểm tra? (NTTam, 39 tuổi, Tam_nt@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Việc kiểm tra thực phẩm chứa melamine hay không được thực hiện rất nghiêm túc và khách quan, tại 22 labo được Bộ Y tế xác định có đủ năng lực kiểm tra chỉ tiêu melamine.

Như chúng ta đã biết, trên thị trường hiện có hàng triệu sản phẩm sữa và các sản phẩm chế biến có nguyên liệu từ sữa nên Bộ Y tế đã lấy mẫu ngẫu nhiên sữa và các nguyên liệu chế biến để kiểm tra. Bộ Y tế cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự gửi mẫu đến các labo trong danh sách kể trên để kiểm nghiệm melamine. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả công bố. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên, định kỳ để kiểm tra lại. Trẻ em nếu không có tiền sử uống sữa nhiễm melamine thì không cần đi kiểm tra.

* Con gái tôi hiện được 8 tháng tuổi (vừa mới cai sữa mẹ), tôi đã cho bé ăn dặm thêm bột nestle và uống sữa Dumex từ lúc 3 tháng tuổi. Hiện bé đi nước tiểu vàng và hay táo bón. Tôi rất lo ngại không biết bé có bị ảnh hưởng đến thận hay không vì có chất malenime trong sữa và bột? Bây giờ tôi phải làm gì? Tôi lấy mẫu nước tiểu của bé và mang đi xét nghiệm có được không hay phải bế bé đến bệnh viện để lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm mới có hiệu quả? (HỒNG NHUNG, 28 tuổi, phuonghongnhung@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Trẻ đi nước tiểu vàng và táo bón có thể do lượng nước uống chưa đủ mà lại bị đổ mồ hôi do thời tiết nóng nên nước tiểu bị cô đặc và phân khô hơn. Chị nên tăng lượng nước uống cho bé và cho bé bú các loại sữa đã được công bố là an toàn. Danh sách các loại sữa này sẽ được cập nhật mỗi ngày trên báo chí.

* Tôi có 2 người con: 20 tuổi và 18 tuổi. Từ khi các cháu còn bé cho đến bây giờ, tôi thường cho các cháu những thức ăn bổ sung như socola, bánh kem, bánh Cosy Marie, sữa chua và uống sữa Golden Food (Australia)... Gia đình tôi hiện quá lo lắng, mong Bác Sỹ hướng dẫn dùm: Muốn kiểm tra xem 2 cháu có bị nhiễm do những thứ thực phẩm trên không thì phải đến trung tâm y tế nào? Nếu nhiễm bệnh có được chữa khỏi không? Khi có những chất độc hại như vậy, những người lớn như chúng tôi phải làm gì để bảo vệ sức khỏe con trẻ, nên cho uống những loại sữa nào cho cháu phát triển mà không bị nhiễm các chất độc? Xin chân thành cảm ơn. (PHẠM THỊ HƯỜNG, 40 tuổi, phuphong18a@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Bệnh sạn thận có triệu chứng lâm sàng là đau vùng hông lưng, nước tiểu có máu vi thể (thấy hồng cầu trong nước tiểu) hoặc đại thể (tiểu ra máu). Muốn kiểm tra sạn thận thì có thể đến các bệnh viện đa khoa hoặc các trung tâm chẩn đoán y khoa.

Để bảo vệ cho trẻ thì bạn cần chọn loại sữa được công bố là an toàn về chất lượng sản phẩm (xem thông tin trên các báo).

* Có giải pháp nào liên quan đến máy bán sữa (đã qua kiểm dịch) tự động được đặt ở những nơi công cộng hay không? (Trương Duy Bách, 27 tuổi, truongduybach@)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Tùy loại sữa được đưa vào sử dụng tại các máy bán sữa tự động thuộc công ty nào thì công ty đó hoàn toàn chịu trách nhiệm. Do vậy, tại các máy bán sữa tự động, bạn cũng nên chọn loại sữa đã được công bố chất lượng an toàn.

* Con tôi thường uống sữa Friso, nhiều khi tối cháu uống không hết, còn khoảng 1/2 ly, để đến sáng thì thấy sữa đặc lại giống như sữa chua, đó có phải là hiện tượng có chứa melamin không? Tôi nghe nói nếu uống sữa có chứa melamin với liều lượng ít (1 ngày khoảng 1 ly) thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ có đúng không? (Phúc, 31 tuổi, mailam1978@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Nếu pha sữa cho con thì bạn nên ước lượng lượng sữa con bạn uống để uống hết ngay trong một lần. Trường hợp lỡ pha dư nhưng chưa uống tới có thể bỏ tủ lạnh 0 - 5oC, hôm sau uống lại. Còn đã uống mà dư thì nên đổ bỏ luôn.

Sữa nào đã có nhiễm melamine đều ảnh hưởng không ít thì nhiều đến hệ thống tiết niệu, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi vì lứa tuổi này hệ tiết niệu chưa hoàn chỉnh nên ảnh hưởng rất lớn. Trường hợp nhiễm nhiều dẫn đến tử vong. Bạn không được cho con bạn uống sữa nhiễm melamine, dù mỗi ngày chỉ một ly.

Trường hợp bạn để sữa đã pha ở nhiệt độ thường thì sữa sẽ bị lên men và đặc lại giống sữa chua, bạn không được cho con bạn uống sữa này vì dễ bị đau bụng tiêu chảy. Trường hợp này không thể kết luận được là sữa có melamine hay không.

* Tôi có thể dùng sữa bò tươi (sữa vắt ra từ bò) cho bé uống hằng ngày được không? Liệu sữa đó có đủ dưỡng chất cho bé phát triển không? (Trần Uyên Trang, 34 tuổi, tranuyentrang@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Sữa vắt ra trực tiếp từ bò mà không qua tiệt trùng hoặc thanh trùng sẽ có thể bị nhiễm lao từ bò. Chất lượng của sữa sẽ tùy thuộc bò được nuôi đầy đủ dinh dưỡng và vệ sinh hay không. Trẻ trên 12 tháng có thể uống được sữa bò tươi, tuy nhiên sữa bột hoặc sữa tươi có bổ sung vi chất vẫn là chọn lựa ưu tiên trong độ tuổi này do trẻ chưa ăn uống đa dạng và có thể thiếu một số chất cần cho sự phát triển của trẻ.

* Làm sao phát hiện người bị nhiễm melamine, đối với người lớn và trẻ sơ sinh? (luphuongtu, 31 tuổi, luphuongtu@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Bình thường, nhìn bên ngoài không thể biết được cơ thể có bị nhiễm melamine hay không.

Trường hợp nghi ngờ, bạn phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe toàn diện và hệ thống tiết niệu xem có bệnh gì liên quan đến sữa nhiễm melamine hay không. Nếu bạn đã uống sữa có nhiễm melamine trong một thời gian dài, thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra và xác định.

* Xin cho hỏi, con tôi đã dùng hết 2 lon sữa tăng chiều cao Golden Food cho trẻ từ một tuổi trở lên. Tôi sợ quá, không biết có gây nên sỏi thận không, giờ không biết uống sữa gì để bảo đảm, xin bác sĩ tư vấn dùm. Cảm ơn. (Thanh Thảo, 28 tuổi, thôngctrangdethuong@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Tôi rất hiểu nỗi lo của bạn về chuyện sữa, nếu con bạn mới chỉ uống 2 lon sữa tăng chiều cao Golden Food thì mức độ ảnh hưởng của chất melamine có trong sữa này cũng chưa đến mức nguy hại đến sức khỏe của cháu. Bạn không nên quá lo lắng, và nếu chưa yên tâm thì bạn có thể đưa con bạn đến bệnh viện Nhi Đồng để được kiểm tra và xác định xem hệ thống tiết niệu của cháu có bị ảnh hưởng hay không.

Bạn hãy chọn những nhãn sữa có nhãn mác ghi đầy đủ các thông tin như tên sản phẩm, tác dụng, hạn sử dụng, nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu có địa chỉ rõ ràng, thành phần của sữa, có số chứng nhận công bố chất lượng của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và đã được Bộ Y tế công bố là sữa không nhiễm chất melamine.

* Các loại sữa của Việt Nam có được kiểm tra xem có melamine hay không? Đã có loại sữa nào của Việt Nam sản xuất được phát hiện có melamine? (Minh Giang, 32 tuổi, diepgiang_04@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Nếu phải kiểm tra thì tất cả các loại sữa dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu hoặc được đóng gói tại Việt Nam đều phải kiểm tra như nhau. Các loại sữa sản xuất trong nước sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu Việt Nam chưa phát hiện có nhiễm melamine.

* Tôi có con trai 5 tuổi, cháu không thể bỏ sữa được. Tôi đang cho cháu uống sữa PEDIASURE nước chai 237ml, dành cho trẻ từ 1-13 tuổi nhập khẩu từ Mỹ, nhưng hiện tôi không an tâm vì không biết rõ trong sữa có độc tố hay không? Tôi đã chọn hãng sữa ABBOT danh tiếng của Mỹ, rất mong ý kiến tư vấn của các chuyên gia. Sữa này có trên trang web:www.pediasure.com. Tôi đang sống tại Nha Trang, muốn đem sữa đi kiểm tra phải gởi mẫu đến đâu? Xin cảm ơn. (Trần Thị Thu Oanh, 1969 tuổi, thuoanh_69@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Công ty Abbot đang kiểm tra chỉ tiêu melamine tại nước ngoài, sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất. Bạn sẽ có thông tin sớm. Bạn không cần gửi mẫu đi kiểm tra bởi một mẫu kiểm nghiệm melamine khá đắt, có giá thành khoảng 600.000 đồng.

* Xin cho hoi, ba me mang thai uong sua co melamine thi co hai gi den thai nhi trong bung va dua tre khi sinh ra hay khong? (hoang hanh, 32 tuổi, em31map@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Với hàm lượng melamin công bố trong một số loại sữa tại VN, lượng sữa bà mẹ uống 2-3 ly mỗi ngày (khoảng 400-600ml) thì hàm lượng melamin (nếu có nhiễm) vẫn ở trong mức cho phép (0,63mg/kg cân nặng/ngày).

Cho đến nay chưa có nghiên cứu về nhiễm melamin trên người, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Với những thông tin hiện nay thì melamin không được hấp thu vào cơ thể mà được thải qua thận và hình thành sỏi thận. Do vậy, melamin có thể cũng không qua nhau thai nên sẽ không ảnh hưởng trên thai nhi.

* Vo toi moi sinh chau nho. Vi sinh mo nen vo toi co it sua khong du cho con bu, nen vo toi va con toi co dung sua Ensure(cho tre) va sua Pediasure (cho me). Xin hoi bac si 2 loai sua tren co nhiem malamine khong? (pham tien nam, 35 tuổi, diepxangpy@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Sữa Pediasure không dành cho trẻ sơ sinh và trẻ < 12 tháng. Do vậy, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là loại sữa bạn chọn không phù hợp với tháng tuổi của trẻ. Bạn nên chọn loại sữa phù hợp với tháng tuổi của cháu (< 6 tháng hoặc 6-12 tháng) và được công bố là an toàn. Các sản phẩm bạn đang dùng là của công ty Abbott sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.

Các công ty sữa khác cũng cần nhanh chóng công bố chất lượng của sản phẩm, không chỉ với melamin mà còn phải quan tâm đến các tiêu chuẩn khác (vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng).

Các cơ quan chức năng cũng cần công bố sớm các chất lượng các sản phẩm sữa có mặt trên thị trường Việt Nam, ưu tiên các sản phẩm thay thế sữa mẹ (vì trẻ không có chọn lựa nào khác ngoài sữa), kế đến là sữa dành cho trẻ nhỏ do trẻ chưa ăn được đa dạng mà luôn cần bổ sung sữa.

* Con tôi đang uống sữa Friso Gold 3, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thấy công bố trên báo đài loại sữa này có nhiễm melamine hay không? Nếu trường hợp uống phải sữa có melamine thì có cách nào đào thải ra ngoài không? (Nguyễn Thị Phượng, 27 tuổi, Phuong_isvn@...)

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Nếu uống phải sữa nhiễm melamine, melamine sẽ kết hợp với cyanuric tạo nên các tinh thể lắng đọng ở đường tiết niệu. Trong trường hợp này thì nên uống nhiều nước, uống các nước có tác dụng lợi tiểu nhẹ như nước râu ngô, bông mã đề... để tăng cường đào thải các tinh thể nói trên để giảm nguy cơ sỏi thận, sạn thận.

* Các cơ quan chức đã có những kế họach gì nhằm kiểm soát các chỉ tiêu an toàn đối với ngành thực phẩm trong tương lai để tránh các sự cố tương tự sữa nhiễm melamine, nước tương có 3MCPD, hàn the trong bánh phở... (Nguyễn Hữu Vương, 37 tuổi, vuong.nguyen.huu@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không những là vấn đề thời sự của Việt Nam mà còn là của cả thế giới. Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng có những sản phẩm thực phẩm bị nhiễm độc gây bệnh nguy hiểm cho người như bệnh bò điên ở Anh, sữa gây bệnh đầu to ở Trung Quốc... Chính phủ đã nhận biết được vấn đề này và đã quyết định cho thành lập chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các tỉnh thành.

Việc thành lập chi cục chỉ còn là vấn đề thủ tục, và sẽ hoàn tất trong thời gian sắp tới. Sau khi chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh thành ra đời thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn sẽ được chuyển biến tốt.

* Trong thời gian, do có thông in về sữa và các sản phẩm về sữa có nhiễm melamine, chúng tôi là những phụ huynh có con nhỏ rất e ngại khi lựa chọn sữa. Xin hướng dẫn cách chọn sữa an toàn? Các công ty tự mang sản phẩm sữa đi kiểm tra có đáng tin cậy không? (tubathao, 36 tuổi, tubathao@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Việc chọn sữa cho con phải dựa trên các tiêu chuẩn: phù hợp độ tuổi của trẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện nay cần thêm tiêu chuẩn là không có melamin. Hai tiêu chuẩn trên đều có in trên nhãn hiệu bao bì, tiêu chuẩn thứ 3 cần theo dõi báo đài để cập nhật thông tin thường xuyên. Việc công ty tự mang mẫu đi kiểm nghiệm thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Tuy nhiên, cách lấy mẫu để thử của công ty và các cơ quan có thẩm quyền có thể khác nhau. Do vậy, trong khi chờ đợi nhà nước công bố thì bạn có thể tham khảo thông tin do công ty công bố.

* Xin cho biết, tại sao các hãng sữa khác phải đưa mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm mà không phải là các trung tâm kiểm nghiệm lớn trong nước? Theo tôi biết, các trung tâm trong nước có hoàn toàn có khả năng làm việc này? (pham van thien, 28 tuổi, thien4cr@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Hiện nay, tất cả các phòng xét nghiệm ở Việt Nam có khả năng xét nghiệm chất melamine đều đã quá tải. Do vậy việc doanh nghiệp gởi mẫu đi nước ngoài để có kết quả nhanh nhất cũng đang được khuyến khích.

* Hiện nay, tuy cơ quan chức năng đã công bố những loại thực phẩm có chất melamine nhưng theo tôi điều đó vẫn chưa đủ để làm yên tâm người tiêu dùng. Tôi được biết các cơ quan chức năng đã lấy mãu sữa của các hãng sữa Dumex, Dutch Lady... cung cấp để kiểm tra chứ không phải lấy ngẫu nhiên mẫu sữa ở ngoài thị trường. Vậy làm cách nào để người tiêu dùng biết được sữa mà họ đang sử dụng là sữa an toàn? (Phạm Thị Thúy, 25 tuổi, phamthuy006@gmail.com)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Tuy các mẫu sữa được lấy từ công ty nhưng nếu phát hiện melamin thì các loại sữa đang bán trên thị trường có cùng lô hàng sản xuất sẽ được nhanh chóng thu hồi. Do vậy, bạn hãy theo dõi báo đài và chỉ chọn các loại sữa được công bố là an toàn.

* Tại sao để các sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng mà các cơ quan có thẩm quyền không kiểm tra an toàn trước? (tran binh minh, 33 tuổi, 27 truong dinh@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Hiện nay, theo quy định một sản phẩm trước khi được lưu thông trên thị trường thì phải có các điều kiện sau:

- Sản phẩm phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại sở Y tế hoặc Bộ Y tế (đối với sản phẩm nằm trong 10 nhóm có nguy cơ cao thì cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm loại này phải có thêm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm).

- Sau khi sản phẩm lưu thông trên thị trường thì cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra giám sát, lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để phát hiện sản phẩm nào không đạt tiêu chuẩn như đã công bố để có hướng xử lý theo pháp luật. Nhưng trên thực tế vấn đề hậu kiểm chưa thực hiện được bao nhiêu, không muốn nói rằng kiểm soát không nổi nên vấn đề quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang được Nhà nước đưa ra các biện pháp cải tổ một cách cấp bách.

* Vì sao phải trộn chất melamine vào sữa? Con tôi được 3 tuổi và đang uống sữa Pediasure nhưng tôi chưa thấy công bố kết quả về loại sữa này? Mỗi tháng con tôi lại bị nóng sốt 1 lần xin BS vui lòng cho biết nguyên nhân và cách phòng ngừa? Chân thành cám ơn. (Phương Đài, 27 tuổi, phuongdaist@...)

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Melamine được cho vào sữa là cách làm gian đối nhằm tăng độ đạm giả tạo của sữa do việc xét nghiệm đánh giá độ đạm dựa vào hàm lượng Nitơ trong thực phẩm. Bạn nên chọn loại sữa đã được công bố là an toàn.

Những khi bé bị nóng sốt, bạn cần kiểm tra xem bé có mọc răng, nổi ban, sốt ho hay tiêu chảy đi kèm hay không. Nếu có các bệnh lý đi kèm thì nên đưa bé đến các cơ sở khám nhi để điều trị. Nếu chỉ sốt đơn thuần thì có thể cho bé uống paracetamol 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4 tiếng (nếu còn sốt) trong ngày đầu tiên, nếu qua hôm sau bé vẫn sốt thì nên đưa bé đi khám.

* Melamine la hoa chat gi, va lieu chat nay co nhap vao VN khong? Co can kiem tra nguon nguyen lieu sua tuoi trong nuoc luon khong? (lethuan, 34 tuổi, thuanle052000@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Ở Trung Quốc người ta sử dụng chất melamine để làm tăng độ đạm giả trong sữa. Không loại trừ việc này có thể xảy ra ở các nước khác. Như vậy, tất cả các nguồn nguyên liệu sữa đều phải kiểm tra chất melamine, không loại trừ nguồn nguyên liệu trong nước.

* Chúng tôi rất cảm ơn ngành y tế đã cung cấp thông tin tên, chủng loại sữa và bánh kẹo có melamine, tên các công ty đã biết. Vậy liệu những nhãn hiệu có xuất xứ không phải từ TQ có bảo đảm là không có melamine? Hậu quả của chất melamine đối với những trẻ đã sử dụng phải, ai chịu trách nhiệm? Có cần phải giám định tất cả các loại sữa có mặt tại Việt Nam hay không (kể cả các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước)? Liệu sữa có melamine sẽ bị cất giấu và sẽ được tung ra thị trường sau khi vụ việc này đã tạm ổn? Lúc đó cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn thế nào về vấn đề này? (Thành, 32 tuổi, lgiathanh@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Tất cả các nhãn sữa, bánh kẹo có dùng sữa dù nhập khẩu từ bất cứ nước nào hay sản xuất trong nước đều phải kiểm tra chất melamine để không loại trừ trường hợp các nước khác cũng dùng nguồn nguyên liệu của Trung Quốc để sản xuất sữa hoặc bánh kẹo trước khi xuất khẩu sang Việt Nam.

Hậu quả của chất melamine gây ra bệnh tật, về nguyên tắc đơn vị nào có sản phẩm gây bệnh cho người tiêu dùng thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp bạn hỏi, Bộ Y tế cũng đang xem xét để có hướng giải quyết những trường hợp bệnh tật mà sữa có melamine gây ra.

Không loại trừ trường hợp cơ sở phát hiện sản phẩm sữa hay bánh kẹo của đơn vị mình bị nhiễm melamine cất giấu không thông báo cho cơ quan chức năng. Đây là hành động vi phạm pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì đã không thông báo cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý tiêu hủy sản phẩm nhiễm melamine, nếu cơ sở lại còn đưa sản phẩm này ra thị trường thì mức độ vi phạm pháp luật trầm trọng hơn và chắc chắn cơ sở này sẽ bị truy tố hình sự.

* Các cơ quan kiểm nghiệm đã không đưa melamine vào chỉ tiêu bắt buộc xét nghiệm khi đăng ký mẫu sữa và giờ đây nó đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, vậy ngoài melamine liệu còn chất nào mà các nhà sản xuất có thể thêm vào sữa và có thể lại gây ra một scandal trong tương lai hay không? Và lúc đó các cơ quan kiểm nghiệm lại nói rằng chất đó cũng không nằm trong chỉ tiêu bắt buộc? (Quốc cường, 43 tuổi, qc70la@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Chất melamine có trong sữa là do con người chủ động cho vào để làm tăng độ đạm giả, là chất độc đương nhiên là không được phép có mặt trong thực phẩm. Chỉ tiêu bắt buộc chỉ quy định những chất quyết định chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu chỉ danh ô nhiễm và các chất không mong muốn có trong thực phẩm, chứ không thể bắt buộc đưa cụ thể tất cả các chất độc không mong muốn vào chỉ tiêu sản phẩm được.

* Tôi muốn tự mang sữa bột mà con tôi uống từ bé (hiện con tôi 13 tháng tuổi) đi đến trung tâm kiểm nghiệm được không? Thời gian bao lâu? Chi phí bao nhiêu một lần? Ngoài melamine thì còn loại chất độc công nghhiệp nào nữa không? Bé 13 tháng tuổi có uống sữa bò tươi vắt trực tiếp được không? Bảo quản như thế nào? Xin chân thành cảm ơn. (Hoa, 27 tuổi, ngochoa20002000@...)

- Bác sĩ Trần Văn Ký: Bạn hoàn toàn có thể tự mang sữa đi thử chất melamine ở các phòng xét nghiệm sau: Viện vệ sinh y tế công cộng, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực III, Trung tâm dịch vụ và phân tích thí nghiệm hoặc ở các phòng xét nghiệm khác mà Bộ Y tế đã công bố. Thời gian xét nghiệm một mẫu sữa tìm chất melamine bình quân mất ba giờ đồng hồ, trong thời điểm này các phòng xét nghiệm đang quá tải nên thời gian sẽ mất khá lâu, từ 5-10 ngày.

Sữa bò tươi vắt trực tiếp mà chưa được tiệt trùng thì tuyệt đối không nên cho trẻ nhỏ uống. Vì sữa chưa được tiệt trùng có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh lao lây từ bò hay từ người vắt sữa sang.

* Sữa có chứa melamine khi uống vào thì bị nhiễm độc liền hay sau đó một thời gian mới bị bệnh? (DoanHuongTrung, 42 tuổi, HuongTrung_66@...)

- TS.BS.Trần Thị Minh Hạnh: Nếu sử dụng thực phẩm nhiễm melamine với lượng trong giới hạn an toàn cho sức khỏe (0,63mg/kg cân nặng/ngày) thì không ảnh hưởng gì. Nếu quá mức an toàn, melamin sẽ tích lũy qua nhiều ngày tháng và tạo thành sỏi chứ không gây nhiễm độc ngay.

......................

Đã có gần 250 câu hỏi của bạn đọc gửi trực tiếp đến cuộc giao lưu, nhưng do thời gian có hạn và có nhiều câu hỏi trùng lắp nên cuộc giao lưu trực truyến tạm dừng tại đây. Bạn đọc có thể tham khảo thêm các thông tin tương tự trên các bài viết đã được đăng tải trên Tuổi TrẻTuổi Trẻ Online tại địa chỉ www.tuoitre.com.vn cũng như các diễn biến thời sự trên báo chí và các phương tiện tuyền thông trong thời gian sắp tới.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên