![]() |
Giới trẻ không có lí tưởng và mục tiêu để sống? Đâu là những nguyên nhân chính hay chính họ cũng là những nạn nhân “bất đắc dĩ”? Các bạn nghĩ thế nào?!
Khoan hãy lí giải những câu hỏi trên là đúng hay sai mà hãy nhìn xem giới trẻ hiện nay đang chịu tác động như thế nào từ cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế. Hãy nhìn xem họ sống như thế nào trước khi có lời phê phán.
Không thể phủ nhận rằng giới trẻ đang sống một cuộc sống với muôn mặt và đầy biến động phức tạp. Sống cuộc sống sau chiến tranh, cách quá khứ không xa nhưng cũng đủ cho chúng ta chiêm nghiệm về những ảnh hưởng của chiến tranh, lớn lên trong thời bao cấp với nhiều khốn khó của một xã hội đang “thay da đổi thịt”, đang từng bước “quá độ”, thay đổi liên tục buộc chúng ta cũng phải thích ứng liên hồi.
Chúng ta đang sống trong một môi trường có nhiều cơ hội để thách thức, để dấn thân, đang hòa mình vào giai đoạn hội nhập quốc tế, văn hóa đa dạng với đầy đủ những mặt tốt, xấu. Sự cuốn hút của đồng tiền cũng đã tác động vào tư tưởng, suy nghĩ của lớp trẻ, kích thích lối sống vật chất ở nhiều bộ phận của giới trẻ, điều đó chúng ta không hề phủ nhận.
Sống trong một xã hội đang chuyển giao, chẳng trách nhiều bạn trẻ có suy nghĩ hỗn độn, kể cả sự mâu thuẫn trong nhiều giá trị cũ và mới làm cho giới trẻ có phần “lo lắng” và trong số đó không ít bạn đã “hoang mang” và phần nào mất định hướng. Nhưng không vì thế mà chúng ta không tin tưởng vào giới trẻ, không vì thế mà vội phê phán giới trẻ sống thực dụng, sống không lí tưởng.
Hơn ai hết, chúng ta đang nhận thấy giới trẻ phải chịu áp lực mạnh mẽ bởi vì để định hình xu hướng sống, giới trẻ cần có bản lĩnh và sự tỉnh táo. Giới trẻ biết cách hoạch định mục tiêu rõ ràng, biết dấn thân và có trách nhiệm với chính quyết định của mình, rõ ràng và thẳng thắn: như thế có phải là thực dụng hay thật ra giới trẻ chỉ đang sống rất thực tế, rõ ràng hơn những bậc đàn anh đi trước mà thôi.
Phân biệt thực dụng và thực tế
Nghe đến “thực dụng”, người ta nghĩ đến việc bạn trẻ yêu thực dụng, học thực dụng, sống thực dụng. Bản thân từ thực dụng, không biết từ khi nào đã trở thành từ nghĩa “xấu” dành riêng cho giới trẻ và bị người khác lên án, phê phán. Bạn Thảo Minh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Mỗi khi có chuyện buồn hay gặp khó khăn, ít khi tôi kể lể lung tung cho người thân. Tôi chỉ kể cho những ai có khả năng giúp đỡ tôi. Câu chuyện vừa đến đúng địa chỉ cần đến, vừa đỡ tốn hơi!” Thế là bị coi là thực dụng.
Hay như bạn Thanh Xuân, khi nhận vào làm ở công ty A, Xuân phải làm ở bộ phận hành chính như bao người khác. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc Xuân thấy mình có khả năng giao tiếp tốt qua điện thoại, biết cách lập kế hoạch, và có khả năng thiên bẩm dự đoán được thị trường và rất nhạy bén trong những vấn đề chuyển biến về kinh tế. Xuân thấy mình không hợp với công việc hành chính mà mình sẽ phát triển tốt ở phòng Marketing, có cơ hội thăng tiến nếu được làm việc trong môi trường đó. Thế là Xuân lân la tìm hiểu và học hỏi thêm ở anh Minh bên bộ phận Marketing rồi chuyển qua đó làm việc. Thế là mọi người trong phòng hành chính phán cho Xuân một câu là “Xuân lợi dụng”.
Cả hai câu chuyện đều phản ánh một sự thật rằng, giới trẻ sống rất thực tế chứ không thực dụng như mọi người nghĩ. Các bậc đàn anh đi trước cũng như thế nhưng họ ý nhị hơn, họ khéo léo hơn nên không bị “gán ghép” còn giới trẻ thì thẳng thắn, bộc trực, có hoạch định rõ ràng, sự hoạch định dựa trên những điều có trong tay. Họ không lợi dụng ai, không “đè bẹp” ai để leo lên, không mưu mô, toan tính để đạt được mục tiêu.
Chỉ vì nhìn thẳng, nhìn thật, không huyễn hoặc, không ru ngủ bản thân mình mà họ lại bị gán cho cái mác thực dụng sao? Thực tế hay thực dụng rất gần nhau nhưng nếu như thực dụng là biểu hiện của sự tính toán một cách quá mức, luôn hướng đến cái lợi của mình, quên bẵng cái lợi của người khác thì thực tế nhẹ nhàng hơn khi có sự cân bằng giữa mình và người khác nhưng có chú ý đến những gì cụ thể và hiệu quả mà không quá lãng mạn, xa vời...
Lớp trẻ hiện nay do chưa có tầm nhìn toàn cục nên chỉ vạch ra mục tiêu gần, đây cũng có thể là điều cần suy ngẫm. Nhưng nếu vì thế lại đánh giá họ là “không có lí tưởng”, “sống vụ lợi cá nhân hơn là vì cộng đồng” thì có thể là hơi “nặng tay”. Dung hòa giữa cái nhìn chung và cái nhìn riêng, giữa định hướng lý tưởng và nhu cầu là điều thực sự cần thiết.
Giới trẻ hay nói bông đùa rằng: “Không sống vì mình thì trời tru đất diệt”, nhưng qua đó chúng ta thấy rằng, nếu cá nhân sống thật tốt, sống có ích, không gây thiệt hại cho người khác thì có nghĩa là cá nhân đang làm cho cộng đồng, xã hội tiến bộ. Bản thân sống không tốt thì nói gì đến sự tiến bộ xã hội. Khoan vội nói đến lí tưởng xa vời, xây dựng và biến đổi xã hội thật cao siêu khi sức mình chưa kham nổi.
Luân lý ở chỗ là lý tưởng sẽ mang tính chủ quan của con người trong sự định hướng của toàn cục. Sống tốt cho mình và biết hướng đến những giá trị cao cả trong sự cân đối cũng là cái nhìn hợp lý. Lí tưởng rất gần gũi quanh chúng ta, đơn giản như một người trẻ miệt mài kiếm tiền, đặt khát vọng làm giàu chân chính lên trước hết hoàn toàn có thể là một người sống có lí tưởng rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận