![]() |
Nụ cười huyền ảo. Leonardo da Vinci đã cho nhân loại họa phẩm để đời. Mona Lisa còn có tên Ý là La Gioconda, người Pháp gọi La Joconde. Thiên tài Leonardo đã tạo người phụ nữ với gương mặt phảng phất nụ cười. Không có tác phẩm nghệ thuật nào được tôn vinh và lãng mạn hóa như thế.
Đến Paris vào thăm bảo tàng Louvre, tôi tìm ngay La Joconde. Đông người quá, chen lấn một chút mới tới gần sát. Tranh nhỏ xíu, tranh dầu trên gỗ thường kích cỡ ghi là 77x53cm. Lại để trong hốc sâu hút có kiếng dày bít lại, ánh sáng mờ mờ. Cố gắng gói trọn nàng La Joconde thật vào lòng. Nhiều người mới đến gần, tôi lui ra xa một chút. Ngắm bao quát cũng thú vị, những gương mặt cảm khái, nhiều người có vẻ hả hê. Được thấy nàng rồi, vậy là đủ. Rời xa mà ngẩn ngơ. Phải chăng vì nụ cười. Gương mặt, ánh nhìn, góc mắt, khóe miệng – hòa quyện thành nụ cười huyền ảo. Tác phẩm siêu đẳng của nhà danh họa muôn đời Leonardo da Vinci. Cha tổ phân tâm học Sigmund Freud cho rằng “nụ cười” bộc lộ sự ham muốn của Leonardo hướng về mẹ mình. Các người khác thì cho là có cả sự ngây thơ và mời mọc. Không rõ người phụ nữ là ai. Phải chăng là Madonna Lis del Giocondo, quý bà ở Florence. Có thể không phải chân dung cụ thể của ai. Tia X phát hiện có 3 Mona Lisa ẩn sau nàng La Joconde hiện nay. Vẫn nụ cười này.
![]() |
Truân chuyên. Leonardo mang tranh từ Ý sang Pháp năm 1516 khi vua Francis đệ nhất mời ông đến ở và làm việc tại Clos Lucé, gần lâu đài Amboise của vua. Rồi vua mua luôn bức tranh. Sau cách mạng Pháp, La Joconde về bảo tàng Louvre. Hoàng đế Nã-Phá-Luân đem về phòng ngủ của mình. Sau lại về Louvre. Có một bi kịch. Thi sĩ tài hoa Apollinaire, tác giả bài thơ nổi tiếng cầu Mirabeau bị tình nghi và bắt giam vào tháng 7 năm 1911, danh họa Pablo Picasso bị thẩm vấn vì La Joconde bị mất. Sau đó 2 người được trả tự do nhờ bắt được tên trộm vào tháng 8 năm đó. Vincinzo Peruggia lấy tranh vì tin rằng họa phẩm này thuộc nước Ý. Sau đó, tranh được trưng bày khắp nước Ý, và trở lại Louvre vào năm 1913. Vào thế chiến I và II, nụ cười được giấu kỹ. Có lúc phần dưới tranh hư nặng vì bị tạt axít, lại có người chọi đá. Nàng Mona Lisa đã mỉm cười với nhiều người. Năm 1960, công chúng Mỹ được ngắm nụ cười bất hủ tại New York và Washington D.C. Năm 1974, lại mỉm cười với người Nhật tại Tokyo, và người hâm mộ Nga ở Moscow.
Nghiêng thành đổ nước. Đến Tây An (Trung Quốc) tôi háo hức thăm Thanh Hoa Trì nơi sủng phi của vua Đường Minh Hoàng thường đến tắm suối nước nóng. Tượng Dương Quý Phi tắm suối trắng muốt cao hơn đầu người. Thật là “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Lặng ngắm người đẹp, nhớ chuyện ông vua tài hoa si tình. Người hướng dẫn khều tôi chỉ về dãy núi xanh xanh cao mút đàng xa. Đó là núi Ly Sơn, có đặt phong hỏa đài thời nhà Châu. Tôi nhớ nụ cười nghiêng thành đổ nước. Vua nước Bao mắc tội với thiên tử nhà Châu, dâng cho U Vương một mỹ nữ. Vua sủng ái vô cùng. Bao Tự sinh được 1 trai, vua lập thái tử, phế bỏ con lớn. Khó thấy Bao Tự cười. Nghe hiến kế, ông vua si tình cho đốt lửa ở các phong hỏa đài, các vua chư hầu kéo đến để cứu thiên tử. Hóa ra chẳng có gì, mọi người ngơ ngác phẫn khích, còn mỹ nhân lại bật cười, cười lớn cười dài. U Vương cho biết là “Nhớ các khanh, trẫm muốn ban rượu”. Lại vài lần đốt lửa để thấy ái phi cười. Rồi giặc Khuyển Nhung đến thật, các trấn chư hầu không đến. U Vương và thái tử bị giặc giết ở Ly Sơn, Bao Tự rơi vào tay giặc. Chuyện đã lâu lắm rồi hơn ngàn năm, vẫn còn đây núi Ly Sơn, ao Thanh Trì. Cả thế gian cười. Ngôi nhà của Charlie Chaplin ở Thụy Sĩ sẽ thành nơi hành hương thường trực của những người ái mộ diễn viên đã biến “chàng lang thang nhỏ bé” thành bất tử “Cha tôi đã rất hạnh phúc ở nơi đây”. Michael Chaplin đã nói về lâu đài mà cha mình đã sống hơn 20 năm và nuôi nấng 8 đứa con cho đến khi ông qua đời năm 1977. Vua hề bị cấm trở về Mỹ từ năm 1952 khi chủ thuyết McCarthy bài Cộng sản lên đỉnh cao. Ông chỉ trở lại Mỹ một thời gian ngắn ngủi để nhận giải thưởng Viện Hàn lâm (Academy Award) sau 2 thập niên. Thường có người đến xin được đi thăm. Đôi khi cả một xe buýt đầy du khách. Do đó, “chúng tôi nghĩ đến biến lâu đài này thành một bảo tàng”.
![]() |
Bản tin trên mới đây, ngày 23-11-2009, làm tôi sống lại tuổi ấu thơ, với vài phim thật là vui, tôi cùng các bạn cười đã đời, bể bụng luôn. Tụi tui chỉ biết đó là hề Sạc-lô. Rồi sau biết là vua hề. Không thể nào quên nhân vật ngây ngô dễ thương. Anh chàng lang thang bé nhỏ râu mép rậm áo quần rách sờn, chống gậy và bước đi xiên xẹo ngộ nghĩnh. Phim câm hay quá, không có tiếng nói thì có sao đâu! Lớn lên, tôi hiểu là phim chọc cười của ông rất cao siêu, chớ không rẻ tiền. Cảnh trong phim “Thời hiện đại” người thợ máy thật tức cười, nhưng ấn vào trí não mọi người sự khổ sở lệ thuộc vào máy móc. Hiểu thêm nữa tôi mê vua hề, bái phục ông.
Khoảng tuổi 20, Chaplin sang Mỹ, rồi tìm ra đất dụng võ. Vào mùa xuân năm 1915, lộ diện với nhân vật anh chàng lang thang trong phim “The Tramp”. Chỉ trong vòng 2 năm đầu xuất hiện ở phim hình di động, diễn viên phim câm đã thành nhân vật nổi tiếng. Rồi càng lúc tên tuổi nổi như cồn. Có nhiều tên phim quá! Tôi chỉ coi được “Anh chàng lang thang”, “Ánh sáng đô thị”, “Thời hiện đại”, cũng thấy đầy ắp rồi.
Chaplin không phải là vua hề, mà là ông tiên ban phát tiếng cười lành làm cả thế gian buông xả. Ông là bậc thầy điện ảnh. Ông theo dõi uốn nắn từng diễn viên. Ông đòi hỏi nguyên ê-kíp phải làm việc hài hòa để có sự thống nhất. Mặc dù thuộc về thời phim câm, nhưng người ta coi thành tựu của ông xuyên suốt cả điện ảnh ngày nay. Chaplin tốn nhiều thời gian để hoàn thành các phim của mình hơn là các đối thủ. Ông là đạo diễn “cầu toàn”. Một phụ tá thân cận kể lại việc ông ghi hình một cảnh hơn cả trăm lần, cho đến khi nào thật vừa ý. Bao nhiêu ngày miệt mài và bỏ đi hàng ngàn thước phim. Tốn kém để có sự hoàn thiện! Tôi bắt chước lập ra cách làm việc của mình. Phải chịu cực chịu khó, chi li từng khâu của công việc để được kết quả vừa ý.
George Bernard Shaw thán phục công việc và cách vua hề làm phim, là đạo diễn, nhà sản xuất, viết kịch bản, soạn nhạc phim... gọi Chaplin là “thiên tài độc nhất nổi lên từ kỹ nghệ điện ảnh”.
Ở Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Vĩnh có hơi khe khắt. Từ nhỏ thuộc truyện ngụ ngôn Fontaine, truyện cổ tích Perrault nhờ các bản dịch rất hay của Nguyễn Văn Vĩnh. Rồi hiểu được nhiệt tâm và tài ba của ông làm chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây. Câu nói nổi tiếng nước Nam ta sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ. Tôi khâm phục ông. Nhưng...
“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười...”, ông Vĩnh phê phán gay gắt cái cười này. Ông có hơi khe khắt chăng. Có dịp tiếp xúc với nhiều khách và bạn bè nước ngoài, phương Tây và các nước trong vùng, tôi thấy họ cảm nhận được sự cởi mở của người Việt chúng ta, thích nhất là cái cười. Tôi trân trọng người Hàn Quốc, đất nước con người phát triển tuyệt vời! Tôi thích xem phim Hàn Quốc, phong cảnh, diễn xuất, quần áo. Nhưng ước gì thấy thêm nhiều nụ cười của các vai diễn.
![]() |
Những năm trung học, tôi vớ được “Đắc nhân tâm” do Nguyễn Hiến Lê dịch từ Dale Carnegie. Sách thật hay mà dễ hiểu. Tôi nhớ hoài một lời khuyên “Buổi sáng rời khỏi nhà, hít đầy hơi và ánh sáng mặt trời, mỉm cười với mọi người và siết tay người quen”. Đâu đây mấy câu thơ của một thiền sư: “Thức dậy miệng mỉm cười - Hai mươi bốn giờ tinh khôi - Xin nguyện sống trọn vẹn - Mắt thương nhìn cuộc đời”. Tác giả Mỹ lại nhắc phương ngôn Trung Hoa: “Không biết mỉm cười, đừng mở tiệm”. Lời dặn cuối chương sách giữ nụ cười trên môi theo tôi miết.
Thấm dần từ những năm ở trường Y, rồi thành thầy thuốc, thầy giáo, nụ cười trên môi cùng ống nghe, cục phấn, giúp đỡ tôi biết bao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận