Phóng to |
Thuận mạnh dạn thừa nhận động cơ ban đầu khi tham gia làng thời trang của mình là vì... tiền. Thuận từng theo học quản trị kinh doanh của ĐHDL Văn Lang và tham gia ca hát ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM (nhóm nam Sunrise). Một năm rưỡi theo đuổi nghề hát, Thuận cũng được nhiều khán giả trẻ nhớ đến nhưng anh đành rời nhóm theo yêu cầu của gia đình: thay ba lèo lái cửa hàng áo dài thêu tay của gia đình.
Cái may mắn của Thuận là cửa tiệm nằm ngay khu trung tâm, trên “con đường tơ lụa” Đồng Khởi, lại có được những người thợ thêu lành nghề. Nhưng cũng rủi là Thuận bắt đầu ngay thời điểm áo dài thêu đang thất thế. Lúc đó khách Việt cho rằng mặc áo dài thêu là quê mùa và chỉ chọn áo dài vẽ đính kim tuyến, kim sa.
Tin vào nghệ thuật thêu tay, Thuận chọn hai chữ Thuận Việt cho cửa hiệu, với trang phục truyền thống VN, nghệ thuật thêu tay VN, nghệ thuật dệt và nhuộm vải thủ công VN... Ngày Thuận Việt chính thức ra mắt (cuối tháng 12-2004), những ai đi ngang cửa hàng đều phải ngoái lại nhìn: một dàn manơcanh cao 1,70m, số đo các vòng: 85-64-90, thật điệu đà trong những chiếc áo dài lụa màu hồng cánh sen thêu hoa ngũ sắc. Chẳng những thế, các “cô” còn đội những chiếc nón lá cách điệu to tướng, bên dưới là những cái... đầu trọc! “Lúc đầu khách chỉ vào xem vì thấy quái quái.
Nhưng rồi cũng bắt đầu có người chịu mua” - Thuận thích thú kể lại. Rồi anh lại cười: “Dễ gì một người gắn bó bao năm với áo dài như ba Thuận lại chấp nhận cho người mẫu đầu trọc mặc áo dài. Những màu sắc Thuận chọn ban đầu quá chói: hồng cánh sen, đỏ, cam, vàng, xanh đọt chuối... (để gây sự chú ý cho khách) cũng bị cho là thiếu sang trọng”.
Các mẫu thêu mới, kiểu áo mới (không tay, không cổ, nhiều tà, nhiều lớp...) cũng gây không ít khó khăn cho các nghệ nhân may và thêu áo. Nhưng gia đình ngày càng tin tưởng khi cửa hiệu bắt đầu có khách. Bộ sưu tập những chiếc áo dài lụa đỏ nhiều lớp thêu rồng vàng, kết pha lê trị giá cả ngàn USD/áo gây tiếng vang khi được người mẫu Thanh Hằng chọn làm trang phục dự thi tại Hoa hậu liên lục địa (7-2005). Và cái tên Thuận Việt cũng nổi lên từ đó.
Thuận chưa từng buồn khi bị cho là không chuyên nghiệp. “Tạo mẫu, vẽ kiểu ngoài việc được đào tạo chính qui còn phải kể đến năng khiếu nữa” - Thuận nói. Thuận vẽ đẹp từ bé nhưng vẽ mẫu áo dài thêu lại là một việc khác, rất khó nhọc bởi ngoài việc vẽ mẫu hoa văn, sắp xếp bố cục sao cho hài hòa còn phải biết chọn màu sắc thật “ăn”, phải ghi chú từng màu chỉ trên mỗi chi tiết của mẫu vẽ. Có khi 4-5 người làm đến hai, ba tháng mới xong một sản phẩm. Vì vậy người làm và cả người mua sẽ rất trân trọng từng chiếc áo của mình. Với Thuận, thiết kế không chỉ là vẽ mẫu, làm trang phục để người mẫu mặc trên sàn diễn, chụp hình trên các tạp chí... Thiết kế là sáng tạo và kinh doanh tốt trên những sáng tạo của mình.
Gần đây Nguyễn Ngọc Thuận xuất hiện liên tục trong các chương trình thời trang và cứ mỗi lần xuất hiện lại là một bộ sưu tập khác nhau, đầy màu sắc và rất kỳ công: sau chương trình Thời trang & cuộc sống số đặc biệt dành cho mùa cưới cuối tháng mười, áo dài Thuận Việt lại có mặt trong Ngày hội tiếp thị hình ảnh VN vào đầu tháng mười một Đêm thời trang Việt mừng Giáng sinh và năm mới 2007 tại công viên 23-9, chung kết cuộc thi Hoa hậu VN qua ảnh 2006 (28-12) và chương trình Duyên dáng VN lần 16 (30 và 31- 12). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận