11/10/2007 11:34 GMT+7

Thừa USD, nên chọn cất giữ đồng tiền nào?

Theo KHÁNH HUYỀN - Tiền Phong
Theo KHÁNH HUYỀN - Tiền Phong

Trái với thông lệ, năm nay thị trường ngoại tệ Việt Nam đang thừa USD, tỷ giá giữa USD và VND chênh lệch không đáng kể. Tại sao vậy, có phải đồng USD đã đến không còn được chuộng?

iCIdRnuB.jpgPhóng to
Giao dịch ngoại tệ thường sôi động trong những tháng cuối năm. Ảnh: TP
Trái với thông lệ, năm nay thị trường ngoại tệ Việt Nam đang thừa USD, tỷ giá giữa USD và VND chênh lệch không đáng kể. Tại sao vậy, có phải đồng USD đã đến không còn được chuộng?

USD thừa: Chỉ là ngắn hạn

Mấy ngày này, tại các Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) như Eximbank hay ACB đang diễn ra hiện tượng niêm yết cả giá mua vào, bán ra hay chuyển khoản USD bằng giá nhau thì về phía NHTM quốc doanh, “anh cả” lớn như VCB ngày 10-10 cũng niêm yết giá mua vào và chuyển khoản cùng ở mức 16.091 đồng/1 USD và giá bán ra chỉ lệch cao hơn đúng 2 đồng.

Trong khi đó, cũng ngày 10-10, tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 16.162 “ăn” 1 USD và tỷ giá tham khảo của Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào là 16.080 đồng và bán ra là 16.242 đồng cho 1 USD.

Theo bà Lư Kim Ngân - Giám đốc Thanh toán Quốc tế NHTMCP An Bình, thường thì khi huy động tiền gửi USD hay mua dự trữ USD, các NHTM luôn căn cứ vào quy mô cũng như nhu cầu sử dụng cho vay USD của ngân hàng mình.

“Trước đây vào thời điểm cuối năm từ tháng 10 trở đi, có một thời gian dài năm nào USD cũng biến động rất mạnh và các NHTM rất khó mua vào. Vừa qua, có thể do dự đoán thị trường sẽ biến động lên xuống theo chu kỳ hình sin, mua vào trước bán ra vào cuối năm sẽ có lãi nên có thể nhiều NHTM đã huy động nhiều hơn mức cần thiết” - Bà Ngân dự đoán.

Theo bà, để đồng tiền không “chết”, ngoài việc cho DN vay thanh toán xuất nhập khẩu, với lượng dư thừa còn lại, các NHTM thường phải đem gửi tại các NH ngoại. Trong bối cảnh lãi suất toàn thị trường trên thế giới giảm trong khi lãi suất huy động USD trong nước thời gian qua lại cao, rất khó tránh được việc bị lỗ về USD”.

Trước việc các NHTM kêu thừa USD, bà Ngân cho hay điều này chỉ đang xảy ra với các NH lớn có nguồn thu USD từ thanh toán xuất khẩu nhiều (có thể như Vietcombank, Ngân hàng nông nghiệp & Phát triển nông thôn) còn như ABBANK do đa phần là khách hàng nhập khẩu mà vào thời điểm cuối năm này, lượng hàng nhập khẩu bao giờ cũng cao nên ABBANK thấy không có vấn đề gì.

Một trong những lý do được nhắc đến khiến tỷ giá USD giảm và VND lên giá chút ít trong thời gian vừa qua đó là còn do dòng vốn đầu tư gián tiếp (FDI) đang chảy mạnh vào Việt Nam.

Trong tháng 9 và 10, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản và “đổ” một số lượng lớn USD vào thị trường chứng khoán cũng được nhắc đến như một lý do dẫn đến tình trạng thừa USD.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm từng làm việc trong thị trường thanh toán quốc tế, trưởng phòng ngoại hối một NHTM cho rằng cũng không nên quá lo lắng trước hiện tượng trước mắt bởi “họ đã tung tiền USD ra thì sẽ đến một thời điểm nào đó chắc chắn họ lại lấy về. Khi đó nhu cầu mua sẽ tăng mạnh”.

Hơn thế, trong năm 2007 này xu hướng nhập khẩu hàng hóa của các DN đang rất cao, từ tháng 10 trở đi doanh số thanh toán quốc tế có thể tăng đột biến và dĩ nhiên sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng thanh toán bằng đồng USD - ông này nhận định.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, Tổng giám đốc NHTM VPBank ông Lê Đắc Sơn cho rằng đã đến lúc quốc gia nên cân nhắc giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. “Để chống lạm phát, chúng ta hạ giá VND để có lợi cho xuẩt khẩu nhưng cũng cần phải thấy rằng bất lợi cho xuất khẩu lại có thể có lợi cho nhập khẩu rất nhiều.

Việc hạ giá thành nhập khẩu cũng là yếu tố thúc đẩy DN phát triển sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhất là trong giai đoạn chúng ta đang nhập siêu như hiện nay” - Ông Sơn nói.

Nên chọn đồng tiền nào?

Mấy năm trở lại đây, trong dự trữ ngoại tệ, NHTƯ nhiều nước trên thế giới đã có xu hướng thay đổi cơ cấu theo hướng đa dạng hóa. Thay vì tập trung vào đồng đô la, nhiều nước đã thêm vào danh mục đồng euro, yên Nhật... Tại Việt Nam, một quan chức NHNN cho hay điều này cũng được NHNN tính đến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tiền tệ, các hợp đồng ngoại thương trên thế giới vẫn chỉ dùng chủ yếu là USD và euro. Đối với Việt Nam, điều này càng rõ nét khi thanh toán bằng đồng USD chiếm khoảng 89% trong các hợp đồng ngoại trong khi đồng euro mới chiếm khoảng 7%; yên Nhật khoảng 3%; còn 1% là cho các đồng tiền khác.

Như vậy, với người dân ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại và trong tương lai nên chọn đồng tiền nào? Câu trả lời được đại diện một số NHTM phân tích trên mấy yếu tố sau.

Trong hiện tại, đồng bảng Anh (GBP) dù có thể lên rất cao (ngày 10-10 theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương 1 GBP có giá: mua vào là 32.299 đồng; chuyển khoản là 32.526 đồng; bán ra là 33.020 đồng) tuy nhiên đồng bảng cũng có những lúc xuống rất thấp cùng với đó nó ít được sử dụng, giao dịch tại Việt Nam.

Về đồng euro tính phổ biến là lớn hơn đồng bảng Anh nhưng chỉ khi gặp thời mua thấp, bán giá cao người dân mới có lợi; còn đồng yên dù Nhật là nước mạnh nhưng cộng đồng ngoại thương rất ít dùng đồng yên. “Xét về tổng thể, dù đồng USD có thể mất giá nhưng nó chỉ mất trong biên độ dao động hẹp.

Với tính phổ biến, giao dịch tại nhiều nơi, thanh khoản nhanh, xu hướng trên thế giới cho thấy hiện tại vẫn chưa thể thay đổi đồng đôla” - các chuyên gia nhận xét.

Chính vì vậy, theo kinh nghiệm của các NHTM, ngoài việc gửi tiền bằng đồng USD (có thể tính thêm euro, tuy lãi suất rất thấp), trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tốt như hiện nay, gửi tiền tiết kiệm bằng VND vẫn là xu hướng được nhiều người Việt lựa chọn nhất.

Theo KHÁNH HUYỀN - Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên