Thư viện cho những ước mơ
Những năm gần đây, những tủ sách, thư viện mọc lên ngày càng nhiều ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Hiện toàn huyện đã có gần 20 làng xây dựng được mô hình tủ sách, thư viện.
Phóng to |
Một góc thư viện Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: Đình Thức |
Nói đến tủ sách, thư viện ở huyện Quảng Điền, ông Trần Giải - phó chủ tịch Ủy ban, chủ tịch Hội khuyến học huyện Quảng Điền - không che giấu vẻ vui mừng. Đó là khi biết tin ông Lê Hữu Thận, một giáo viên của huyện Quảng Điền trước đây, đại diện cho nhóm công tác xã hội của những cựu học sinh Trường Quốc học Huế niên khóa 1961- 1964 hiện đang sinh sống ở TP.HCM đã quyết định mở các tủ sách ở thôn Giang Đông, thôn An Gia và còn đầu tư một số tủ sách khác trên địa bàn huyện.
Chúng tôi tìm đến tủ sách Lê Qúy Đôn, thôn An Gia, được đặt ở nhà riêng ông Hoàng Hữu Hy, một thương binh năm nay đã bước sang tuổi 69. Tuổi đã cao, chân lại đi cà nhắc nhưng ông Hy rất mê “thư viện” bé nhỏ này. Tủ sách của ông Hy ngoài sự giúp đỡ của nhóm thiện nguyện, ông còn huy động các giáo viên, bà con trong làng quyên góp mỗi người một quyển sách. Chính vì thế tủ sách bé nhỏ đó ngày càng tăng lên, từ 200 cuốn ban đầu đến nay sau 1 năm đã hơn 600 cuốn.
“Mỗi lần thấy các cháu vào tủ sách tìm đọc là tui rất vui. Tui già cả rồi không làm được chi nữa, chỉ mong tủ sách này càng có nhiều sách, các cháu thường lui tới tìm đọc và học thật giỏi, sau này sống có ích cho xã hội”, ông Hy tâm sự.
Thư viện đóng ở thôn Thạch Bình (thị trấn Sịa) được nhiều người biết đến bởi đây là một trong những thư viện ra đời sớm và hoạt động hiệu quả nhất. Ra đời cách đây 4 năm, với sự giúp đỡ của thư viện tỉnh và nhiều tổ chức khác, đến nay số đầu sách đã lên hơn 6.000 cuốn so với 200 cuốn lúc đầu.
Ngoài những tủ sách, thư viện lớn ở thị trấn Sịa, Quảng Điền còn có nhiều tủ sách, thư viện khác như: thư viện thôn An Thành (Quảng Thành), thư viện Hà Lạc (Quảng Lợi)…
Cần sự quan tâm, sẻ chia
Những tủ sách, thư viện ở những làng quê là mô hình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nó không chỉ là nơi để các em học sinh rèn luyện kiến thức ngoài nhà trường mà còn là chỗ để bà con nông dân tìm hiểu các loại sách về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi…và giúp ích trong cuộc sống hằng ngày.
Phóng to |
Tủ sách Lê Quý Đôn đặt ở nhà ông Hy - Ảnh: Đình Thức |
Em Võ Đức Quang, lớp 12B1 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Quảng Điền, nhanh nhảu: “ Khi chưa có các tủ sách, thư viện thì những ngày nghỉ, ngày hè của tụi em thường là những buổi đá banh, tắm sông, tắm biển... Nhưng từ khi các tủ sách, thư viện ra đời chúng em hay lui tới tìm sách đọc nhằm bổ trợ kiến thức cho việc học”. Bác Chức, phụ huynh em Quang, tự hào nói: “Tui thấy từ khi các tủ sách, thư viện ra đời không chỉ con tui mà các cháu trong thôn cũng siêng học hẳn ra, thay vì những cuộc đi chơi vô bổ như trước đây. Nhờ đọc sách nhiều ở các tủ sách, thư viện mà con tui đứa đầu đậu ĐH và đang là sinh viên năm 2 ở Huế đó”.
Các tủ sách, thư viện ở huyện Quảng Điền ra đời và hoạt động mang lại nhiều hiệu quả như vậy, nhưng cũng có nhiều tủ sách đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Bởi vì số lượng và nhu cầu người đọc ngày một tăng lên nhưng lượng sách không những tăng mà còn giảm. Chẳng hạn như tủ sách cô Đặng Thị Chuồi, ra đời năm 2005, sau 3 năm hoạt động số lượng sách không những tăng lên mà còn giảm xuống và buộc phải đóng cửa.
Cô Việt, quản lý thư viện Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Sịa, cho biết: “Hiện thư viện có 12.000 bản sách nhưng số lượng và nhu cầu các em đến tìm đọc ngày một tăng lên. Với chừng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các em dù hằng năm tỉnh, huyện cũng đã đầu tư cho thư viện hàng chục triệu đồng”.
Thiết nghĩ tủ sách, thư viện ở những làng quê là một mô hình cần được quan tâm và đầu tư, nhân rộng hơn nữa. Vì chính những tủ sách, thư viện bé nhỏ đó là những kho kiến thức vô giá để chắp cánh cho những ước mơ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận