20/07/2016 14:35 GMT+7

Thủ tục làm khó xuất khẩu

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Phải sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, các quy định bất hợp lý, tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh nhu cầu thị trường và đơn giá xuất khẩu của một số ngành hàng chủ lực giảm mạnh.

*** Error ***
Hiệp hội Dệt may VN cho rằng một số quy định, thủ tục hiện nay đang gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp - Ảnh: T.V.N 

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đề nghị như vậy tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2016 do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM ngày 18-7.

Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), lần đầu tiên trong 11 năm qua ngành dệt may có mức tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 12,7 tỉ USD so với kế hoạch 15 tỉ USD.

Các DN dệt may hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt về giá, thị trường xuất khẩu, công nghệ quản trị, năng suất lao động và thời gian giao hàng... từ các đối thủ, chưa kể chi phí lưu kho bãi, cân trọng lượng container bất hợp lý do các hãng tàu ấn định.

Tuy nhiên theo ông Giang, điều bức xúc nhất là hàng loạt cơ chế, chính sách quản lý đang “trói tay trói chân” DN trong ngành.

Dẫn số liệu cho biết ngành dệt may mất đơn hàng trị giá khoảng 2 tỉ USD/năm do vướng quy định cấm sản xuất quân trang, quân phục (thông tư 80 do Bộ Quốc phòng quy định hơn 10 năm trước và thông tư liên tịch 49 mới đây của Bộ Công thương), ông Giang cho rằng việc sản xuất quân trang, quân phục cho nước ngoài thông qua phương pháp đấu thầu mà cũng bị cấm là hết sức vô lý.

Chưa hết, trong khi những vướng mắc liên quan đến quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chưa được giải quyết dứt điểm, các DN lại phải đối mặt với việc quản lý chặt các loại máy in họa tiết trên vải giống như đối với các phương tiện in ấn.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết các DN thủy sản hiện cũng đang rất “mệt mỏi” với quy định phải công bố hợp quy đối với các lô hàng nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, kể cả gia vị, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Quy định không phù hợp ở chỗ có nhiều lô hàng chỉ nhập một lần, sau khi qua chế biến lại xuất đi ngay, không hề tiêu thụ hay lưu thông tại thị trường nội địa, nhưng thủ tục hợp quy phải thực hiện y như đối với sản phẩm dành cho thị trường nội địa. Mà để làm được thủ tục hợp quy phải mất từ 30-45 ngày, đến khi làm xong thủ tục cũng vừa hết hiệu lực sử dụng, vì có những đơn hàng thực phẩm phía nước ngoài chỉ cho phép có 3 tháng”, ông Hòe thông tin.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận “có những quy định chưa phù hợp với thực tế” và cho biết bộ này đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để giải quyết nhanh những vướng mắc mà các DN đang gặp phải.

Ngoài ra, ông Trần Tuấn Anh cho biết sẽ chỉ đạo thương vụ VN tại Trung Quốc phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT trao đổi, vận động với phía Trung Quốc bổ sung nghêu đông lạnh, cá đồng đông lạnh, cá rô phi nguyên con làm sạch, sản phẩm sữa... vào danh mục sản phẩm được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Riêng thương vụ VN tại Nhật, bộ cũng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) đối với thanh long ruột đỏ và vải thiều của VN để các mặt hàng này sớm được xuất khẩu sang Nhật dưới dạng quả tươi.

Thông tin tại hội nghị cho biết trong sáu tháng đầu năm, VN đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 82,13 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Công thương, giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tăng chưa cao.

Trong đó, nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 13,63 tỉ USD, tăng 4,1%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỉ USD, tăng 8,7%; nhóm nhiên liệu - khoáng sản đạt 1,65 tỉ USD, giảm mạnh 39,4%.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xuất khẩu dệt may