28/06/2008 05:20 GMT+7

Thủ tục đầu tư dự án bất động sản: Từ 3 năm xuống còn 1 năm?

 PHÚC HUY
 PHÚC HUY

TT - "Hoàn thiện cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án kinh doanh bất động sản", đó là chủ đề hội thảo diễn ra sáng 27-6 do Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức.

prUTzBxj.jpgPhóng to
Một dự án nhà ở tại khu Nam Sài Gòn - Ảnh: P.P.H
TT - "Hoàn thiện cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án kinh doanh bất động sản", đó là chủ đề hội thảo diễn ra sáng 27-6 do Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên cho biết có những dự án bất động sản phải trải qua 40-50 con dấu, có con dấu phải mất cả năm trời mới được đóng. Có chủ đầu tư bức xúc về thủ tục đã phải "chạy" ra tới Bộ Xây dựng để kêu.

Gom về "một cửa"

Mất hàng tỉ đôla vì thủ tục

Các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cho rằng hiện nay thủ tục hành chính chiếm đến 60% thời gian làm dự án, nếu cải tiến xuống còn một năm là quá tốt, tuy nhiên không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của qui trình này, vì các thủ tục đầu tư dự án không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng mà còn nhiều ngành khác. Theo một doanh nghiệp, nếu qui ra bằng tiền thì thời gian xin thủ tục cho các dự án kinh doanh bất động sản mất đến hàng tỉ đôla.

Ông Chu Văn Chung, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), nói rằng qua khảo sát chín dự án tại TP.HCM, Hà Nội và Hà Tây cho thấy trung bình mỗi dự án kinh doanh bất động sản phải mất ba năm làm thủ tục, qua 33 bước. Có dự án kéo dài đến 6-7 năm, đây là một rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh. Không ít thủ tục do các địa phương qui định bằng văn bản nhưng cũng có những loại thủ tục do chính cán bộ công chức đặt ra. Ông Chung dẫn chứng: lẽ ra các thông tin về chỉ giới đường đỏ, các số liệu về hạ tầng kỹ thuật phải công khai và cung cấp cho doanh nghiệp thì có địa phương ở Hà Nội cán bộ lại giấu, bán cho chủ đầu tư lấy tiền. "Như vậy là quá sai, chuyện này chúng tôi đã làm việc với Hà Nội để chấn chỉnh".

Theo ông Chung, thủ tục đầu tư dự án sắp tới sẽ được cải tiến. Trong đó sẽ bỏ bảy thủ tục như: xác nhận ranh giới đất không bị tranh chấp, khiếu kiện; thỏa thuận của địa phương về địa điểm dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án qui hoạch tỉ lệ 1/500; chấp thuận lập nhiệm vụ qui hoạch 1/500; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước…

Đồng thời nhập tám thủ tục (giới thiệu địa điểm dự án, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận kiến trúc, thẩm định thiết kế cơ sở…) thành hai khâu để tránh gây phiền hà, mất thời gian cho chủ đầu tư. Với cách làm này, thủ tục triển khai dự án chỉ mất trung bình một năm, bằng 1/3 thời gian so với hiện nay. Có những loại thủ tục trước nay doanh nghiệp phải qua nhiều "cửa" thì sắp tới chỉ cần qua "một cửa".

Bộ Xây dựng cho biết qua khảo sát tại các địa phương có những văn bản qui định về qui hoạch khá rõ ràng nhưng cán bộ công chức lại có rất nhiều "tiểu xảo" để bắt doanh nghiệp phải bổ sung, mỗi lần như vậy mất 1-2 tháng. "Sinh ra thủ tục là ở chỗ này" - một cán bộ Bộ Xây dựng nói. Theo Bộ Xây dựng, qui hoạch 1/2.000 là trách nhiệm của các địa phương, trong trường hợp chưa có qui hoạch này thì có thể giao cho doanh nghiệp lập qui hoạch.

Cần có khung pháp lý rõ ràng

Là một trong những doanh nghiệp bức xúc nhiều về thủ tục đầu tư dự án nhà ở, ông Nguyễn Văn Đực - phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành - dẫn chứng qua hai trường hợp cụ thể. Đó là một dự án nhà ở tại phường 16, quận 8 (TP.HCM), riêng thời gian thẩm tra qui hoạch mất gần ba năm rưỡi. Một dự án khác của công ty tại quận 12 kéo dài gần một năm rưỡi cho bước thỏa thuận, duyệt qui hoạch nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông đề nghị nên cải cách thủ tục theo hướng "mở mà kín còn hơn là đóng mà hở". Thực tế cho thấy đầu vào thủ tục của các dự án đang bị kiểm soát rất chặt nhưng dự án xây vượt tầng cao, xây sai phép rất nhiều.

Đồng tình với những đề xuất cải tiến thủ tục của Bộ Xây dựng nhưng ông Nguyễn Xuân Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - vẫn băn khoăn về khâu duyệt qui hoạch 1/500 hiện nay quá rối rắm, chưa rõ ràng giữa các cấp phường-quận-thành phố, khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Chính vì vậy, đề xuất cải tiến thủ tục này xuống còn 30 ngày là rất khó thực hiện được. Cùng quan điểm, ông Lê Chí Hiếu - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức - đề nghị cần có khung pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp thực hiện, nếu không dù có một "cửa lớn" nhưng các khâu ở dưới vẫn tồn tại nhiều "cửa nhỏ”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết những bất cập về thủ tục có 40% là do các chủ đầu tư chưa am hiểu, chưa nắm kỹ qui trình khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian; 30% do bất cập từ cơ chế chính sách; 30% cán bộ xử lý thiếu đồng bộ. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của bộ, ông Quân khẳng định sẽ kiến nghị sửa đổi, riêng những thủ tục thuộc các ngành khác thì bộ sẽ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ngành cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi qui trình trên "đụng" đến 3-4 luật liên quan. Do vậy những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quyết định, những vấn đề nào không thuộc thẩm quyền thì Chính phủ phải xin ý kiến Quốc hội. Dự kiến trong tháng 7-2008 Bộ Xây dựng sẽ hoàn chỉnh các góp ý và trình Chính phủ cho ý kiến về qui trình trên.

 PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên