17/04/2013 07:00 GMT+7

Thu tiền báo sự cố điện là vô lý

H.HẢI - ĐỨC THANH ghi
H.HẢI - ĐỨC THANH ghi

TT - Hầu hết phản hồi của bạn đọc về việc người tiêu dùng phải trả phí cao khi gọi điện thoại báo sự cố điện (Tuổi Trẻ ngày 16-4) đều cho đây là điều vô lý.

3.000 đồng cho mỗi phút báo sự cố điện

y5Gfda5D.jpgPhóng to
Xưởng cơ khí trên đường Lê Lai, Q.Gò Vấp, TP.HCM ngưng sản xuất vì cúp điện - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Xin giới thiệu phân tích của hai chuyên gia.

* Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nên miễn phí cuộc gọi đến

Hợp đồng giữa công ty điện lực và người sử dụng điện (còn gọi là hợp đồng mua bán điện sinh hoạt) có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên. Về nguyên tắc, quy định tại Bộ luật dân sự và Luật thương mại, nếu bên nào vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.

Theo hợp đồng, công ty điện lực phải thực hiện nghĩa vụ đảm bảo việc cung cấp điện liên tục cho khách hàng. Tuy nhiên mỗi khi xảy ra tình trạng thiếu điện, công ty điện lực thường cho rằng việc thiếu điện là nguyên nhân “bất khả kháng” để được giải trừ trách nhiệm pháp lý. Hiện thời ngành điện vẫn chưa giải thích “bất khả kháng” là thế nào. Theo cách hiểu về mặt pháp lý, bất khả kháng là sự việc bất ngờ nằm ngoài dự liệu, kiểm soát của con người, ví dụ như thảm họa thiên nhiên, bão lũ...

Như vậy, trường hợp thiếu điện trên cả hệ thống dẫn tới việc phải cúp điện luân phiên, những sự cố mà ngành điện thông báo trước trong thời gian nhất định để khách hàng có kế hoạch đảm bảo kinh doanh, sản xuất, thì rõ ràng không phải là trường hợp bất khả kháng. Với những trường hợp cúp điện này, ngành điện thường chỉ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và cung cấp đường dây nóng để người sử dụng có thể liên hệ và được giải đáp. Vậy mà khi khách hàng gọi đến đường dây nóng của công ty điện lực lại bị tính phí, thậm chí còn tính phí cao: 3.000 đồng/phút thì quả là điều bất hợp lý.

Khách hàng của điện lực có thể khiếu nại hoặc khởi kiện chuyện cúp điện ảnh hưởng đến họ và họ bị tính cước vô lý khi điện thoại báo sự cố điện cho ngành điện. Sẽ là công bằng nếu công ty điện lực thông báo cho từng khách hàng và thỏa thuận với khách hàng về nghĩa vụ bồi thường nếu việc cúp điện không thuộc trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, công ty điện lực không nên phối hợp với nhà mạng chia tỉ lệ cước phí cuộc gọi đến đường dây nóng, tốt nhất là miễn phí cuộc gọi đến cho khách hàng.

* Bà Phạm Thị Việt Thu (phó chủ tịch, trưởng phòng giải quyết khiếu nại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM):

Không hợp lý

Tổng công ty Điện lực TP là bên bán sản phẩm điện năng, khi có sự cố về điện như cúp điện, đường dây điện hỏng... bên điện lực phải có nghĩa vụ sửa chữa, phải đảm bảo dịch vụ mình cung cấp. Khi Công ty Điện lực TP và bên VNPT TP hợp tác để mở tổng đài thông báo sự cố về điện, Tổng công ty Điện lực TP phải có nghĩa vụ trả tiền mở tổng đài và không được tính cước đối với khách hàng gọi vào tổng đài để thông báo lỗi sản phẩm do bên Công ty Điện lực cung cấp. Nhưng ở đây khi khách hàng gọi điện vào tổng đài để báo cho công ty sửa chữa thì khách hàng lại phải trả phí điện thoại là vô lý. Càng không hợp lý khi Tổng công ty Điện lực TP được trích lại một khoản tiền từ cước phí khách hàng gọi vào tổng đài.

Trong hợp đồng cung cấp điện giữa Tổng công ty Điện lực TP và khách hàng cũng không thông báo khi khách hàng gọi điện thoại báo sửa chữa điện sẽ bị thu phí. Vì vậy khi khách hàng gọi vào tổng đài mà bị tính cước phí cao, phía Công ty Điện lực TP phải có trách nhiệm giải thích với khách hàng về việc này.

Về phía Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, chúng tôi sẽ xem xét lại cụ thể việc Tổng công ty Điện lực TP mở tổng đài có thu phí đối với khách hàng báo sự cố về điện. Nếu có những bất hợp lý như người tiêu dùng phản ảnh với Tuổi Trẻ, hội sẽ có văn bản kiến nghị với Sở Công thương để có hình thức điều chỉnh cho hợp lý.

Sẽ thương thảo giảm cước phí

Ngày 16-4, ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết đang làm văn bản gửi Viễn thông TP.HCM (VNPT TP) liên quan đến việc khách hàng phản ảnh giá cước gọi vào tổng đài 19001122 quá cao.

Trong đó, Tổng công ty Điện lực TP đề nghị phía VNPT TP xem xét lại giá cước, đặc biệt trong khoảng thời gian chờ được gặp điện thoại viên thì cách tính cước sao cho hợp lý. Riêng phần VNPT nói trích lại chi phí từ cuộc gọi khách hàng (từ 894-1.039 đồng/phút hoặc tin nhắn), tổng công ty khẳng định không có chủ trương chia lại, không đầu tư kinh doanh viễn thông qua hình thức này mà chú trọng phục vụ khách hàng sao cho tốt hơn. Ông Lý cũng cho biết từng nghĩ đến chuyện cấn trừ trực tiếp khoản chi phí trích lại để giảm giá cước cho khách hàng khi gọi vào đầu số 19001122 và đã đề nghị VNPT TP thực hiện việc này. Tuy nhiên do gói dịch vụ, kỹ thuật của VNPT đưa ra như vậy nên chưa thể làm khác được. “Lần này chúng tôi sẽ làm việc lại với đơn vị cung cấp đầu số để bàn kỹ vấn đề này để làm sao giảm được giá cước, nâng cao khả năng phục vụ khách hàng”, ông Lý cho biết.

QUANG KHẢI

H.HẢI - ĐỨC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên