20/07/2010 08:27 GMT+7

Thù lao luật sư: làm ít đòi nhiều

Luật sư Trương Xuân Tám
Luật sư Trương Xuân Tám

TT - Pháp luật có quy định mức trần về việc tính thù lao luật sư trong tố tụng hình sự (*) nhưng lại bỏ ngỏ trong các vụ án dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình... Việc này đã bị một số luật sư lạm dụng khi đưa ra mức thù lao quá cao so với công sức bỏ ra.

KnvX3owP.jpgPhóng to

Ông Huỳnh Thanh Liêm trình bày sự việc tại nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM chiều 19-7 - Ảnh: Minh Đức

Ông Huỳnh Thanh Liêm, ngụ đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, vừa gửi đơn “kêu cứu” đến nhiều cơ quan chức năng về việc tranh chấp thù lao với luật sư.

Ông Liêm kết hôn với bà Dương Ánh Tuyết và có hai con chung. Đến năm 2002, bà Tuyết qua đời không để lại di chúc. Di sản của bà Tuyết gồm một căn nhà riêng của bà trên tỉnh lộ 10, quận Bình Tân và 1/2 căn nhà trên đường Tân Hòa Đông sở hữu chung với ông Liêm. Trước khi kết hôn với ông Liêm, bà Tuyết đã có một người con riêng sinh năm 1991. Vì không thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế của bà Tuyết, tháng 4-2009, người con riêng của bà Tuyết đã đưa vụ việc đến TAND quận Bình Tân. Khi bị kiện, ông Liêm đã tìm đến văn phòng luật sư (VPLS) HĐ có trụ sở ở quận 5, TP.HCM để nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

Chỉ tham gia hòa giải, giá... 500 triệu đồng!

"Nếu một vụ tranh chấp thừa kế đơn giản trong việc xác định tài sản, hàng thừa kế theo pháp luật mà luật sư đưa ra mức thù lao quá cao là vi phạm quy định về đạo đức luật sư"

Sau khi xem xét hồ sơ của ông Liêm, luật sư S.V.Đ. đại diện cho VPLS HĐ ký với ông Liêm một hợp đồng dịch vụ pháp lý. Theo đó, VPLS HĐ có trách nhiệm cử luật sư để đại diện, bảo vệ quyền lợi cho ông Liêm cùng hai con tham gia tố tụng tại tòa án (TAND quận Bình Tân và TAND TP.HCM). Đổi lại, ông Liêm và hai con phải trả cho VPLS khoản thù lao tương đương 20% tổng trị giá tài sản tranh chấp đạt được. Ông Liêm đã ứng trước cho luật sư 15 triệu đồng và VPLS HĐ cũng cam kết nếu làm không đạt kết quả tốt thì sẽ không có thù lao và phải trả lại số tiền tạm ứng.

Tuy nhiên, vụ kiện chỉ mới qua thủ tục hòa giải (khoảng ba tháng sau) hai bên tranh chấp đã thỏa thuận được với nhau. Theo thỏa thuận, khoản tài sản thừa kế sẽ được phân chia theo đúng Luật dân sự: căn nhà thuộc sở hữu riêng của bà Tuyết và phần sở hữu của bà trong khối tài sản chung với ông Liêm sẽ được chia bốn phần bằng nhau cho những người gồm: con riêng của bà Tuyết, ông Liêm và hai người con chung của bà Tuyết - ông Liêm. TAND quận Bình Tân đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trên đây. Tính cụ thể thì người con riêng của bà Tuyết và hai con của ông Liêm được nhận mỗi người 500 triệu đồng, ông Liêm được nhận 1,5 tỉ đồng.

Sau khi có quyết định của tòa án, VPLS HĐ đã yêu cầu ông Liêm phải thanh toán thù lao luật sư là 500 triệu đồng. Thấy việc hòa giải thành công mà chưa phải diễn ra tranh tụng kéo dài tại các phiên tòa, gia đình ông Liêm đề nghị thương lượng mức thù lao cho luật sư là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, VPLS HĐ không đồng ý. Cho rằng đã bỏ “công sức” rất nhiều trong việc có được kết quả hòa giải trên, luật sư Đ. đã làm một văn bản thanh lý hợp đồng với số tiền thù lao là 250 triệu đồng (tức đã giảm một nửa so với mức thù lao ban đầu).

Do không đồng ý với mức thù lao 250 triệu đồng, ông Liêm chưa thanh toán thù lao cho luật sư thì bị VPLS cho người đến tận nhà để đòi nợ. Theo ông Liêm, những người đòi nợ rất hung dữ và đe dọa sẽ “thanh toán” gia đình ông nếu không chịu trả tiền cho luật sư.

Khách hàng tự nguyện thì phải trả

Trao đổi với chúng tôi, luật sư S.V.Đ. (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Ninh Thuận) xác nhận có ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với gia đình ông Liêm. Giải thích về khoản thù lao quá lớn trên, luật sư Đ. cho rằng đó là mức gia đình ông Liêm đã đồng ý thỏa thuận. Ông Đ. cũng cho rằng vụ tranh chấp rất phức tạp, VPLS đã có nhiều công sức thì mới có được kết quả giải quyết như trên. Ông Đ. nói: “Lúc đầu phía nguyên đơn đòi nguyên cả căn nhà trị giá 1 tỉ đồng, đôi co mãi thì mới có được con số 500 triệu đó chứ không phải dễ”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề vụ việc tranh chấp đơn giản, chỉ cần căn cứ theo đúng Luật dân sự là có thể biết ngay khoản tài sản mà các đồng thừa kế được hưởng là bao nhiêu, vì sao mức thù lao luật sư lại quá cao thì ông Đ. trả lời: “Thỏa thuận lấy thù lao luật sư bao nhiêu là pháp luật cho phép, đương sự cũng tự nguyện đồng ý thì chẳng có vấn đề gì”. Ông Đ. cũng nói có cho người đến đòi nợ ông Liêm nhưng đó là người nhà của ông chứ không phải “xã hội đen”.

Luật sư Đ. còn cho biết thêm lúc đầu ông cũng đã tự nguyện “bớt” 50% phí luật sư, tức chỉ còn lấy 250 triệu đồng nhưng hiện nay do phía ông Liêm cố tình không chịu trả, lánh mặt nên ông đã gửi văn bản đòi đủ 500 triệu đồng. Nếu không chịu trả nữa thì ông sẽ tính đến chuyện kiện ra tòa.

Thoải mái “ra giá”

Một luật sư mới vào nghề cho chúng tôi biết: hiện nay mức thù lao luật sư không chỉ căn cứ vào độ khó, thời gian, công việc luật sư làm trong vụ kiện mà còn dựa vào “thương hiệu” của luật sư. Thường với các vụ kiện đơn giản, những luật sư chưa có thương hiệu chỉ đưa mức giá 5-10 triệu đồng/vụ, nhưng cũng với vụ việc đó thì các luật sư nổi tiếng có thể “hét” tới vài chục triệu đồng.

Luật sư Trương Xuân Tám, ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, nói thù lao luật sư trong các loại việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại sẽ được tính toán dựa trên tính chất phức tạp của vụ kiện, khối lượng công việc, khoảng thời gian làm việc của luật sư và còn cả vấn đề uy tín, tên tuổi của luật sư nữa.

Theo luật sư Tám, rất khó để khống chế mức trần thù lao của luật sư, tuy nhiên vẫn có thể nhận diện việc luật sư lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để đưa ra mức thù lao quá cao. Nếu có căn cứ cho rằng luật sư đã cố tình lợi dụng sự hiểu biết của mình để “bắt chẹt” khách hàng lấy thù lao cao một cách phi lý thì đoàn luật sư vẫn có thể căn cứ tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp luật sư để xử lý.

Luật sư Đinh Văn Thảo - phó chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng và kỷ luật, Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng khách hàng cũng cần tỉnh táo để tự bảo vệ mình. Nếu thấy mức thù lao luật sư đưa ra quá cao thì khách hàng có thể tìm đến luật sư khác vì hiện nay có hàng ngàn luật sư cùng hành nghề.

Nhiều luật sư từng kiện thân chủ ra tòa

Chuyện tranh chấp căng thẳng về thù lao giữa luật sư và khách hàng trên đây không phải là cá biệt. Trước đây đã từng có nhiều vụ luật sư kiện thân chủ ra tòa. Điểm chung của các vụ kiện này là các khách hàng cho rằng mức thù lao luật sư là quá cao đến mức vô lý.

Có thể dẫn chứng bằng vụ kiện của luật sư N.V.A. (nguyên luật sư Đoàn luật sư TP.HCM) với khách hàng để đòi 150 lượng vàng là khoản thù lao mà luật sư A. đã thỏa thuận để lo hợp thức hóa giấy tờ một căn nhà tại quận 1 cho khách hàng. Khách hàng không đồng ý trả thù lao vì cho rằng bị luật sư A. lừa đảo khi chi phí thực tế mà luật sư A. đã bỏ ra để làm giấy tờ nhà rất thấp.

Vụ kiện kéo dài nhiều năm đã kết thúc với kết quả khách hàng đành phải trả cho luật sư khoảng 100 lượng vàng do đã đặt bút ký hợp đồng.

(*) Tối đa không quá 100.000 đồng/giờ làm việc của luật sư.

Luật sư Trương Xuân Tám
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên