29/10/2005 19:08 GMT+7

Thư kiến nghị khẩn thiết

TTCN
TTCN

TTCN - Các thành viên của Phòng thương mại Hoa Kỳ, Úc và châu Âu tại VN cùng khẩn thiết đề nghị ngài không cho dự thảo như hiện tại của Luật đầu tư được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này.Những điểm sau đây trình bày sơ lược một số lo ngại của cộng đồng đầu tư nước ngoài đối với dự thảo 16 của Luật đầu tư:

(Trích thư ngày 25-10 của AmCham, AusCham và EuroCham gửi tới ông Nguyễn Đức Kiên, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội)

Bảo lãnh của Chính phủ

Quyền hạn của Chính phủ đối với việc cấp bảo lãnh cho các nghĩa vụ ngoài bảo lãnh vay vốn nước ngoài đã bị loại bỏ khỏi luật. Điều này có nghĩa là những bảo lãnh của Chính phủ mà trước đây đã được cung cấp, ví như trong trường hợp của các dự án Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và dự án khí đốt Nam Côn Sơn, sẽ không còn được phép sử dụng nữa.

Theo chúng tôi, bảo lãnh của Chính phủ đối với các nghĩa vụ ngoài bảo lãnh vay vốn nước ngoài là cần thiết để thu hút sự tham gia của nước ngoài trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Về điểm này, điều 66 của Luật đầu tư nước ngoài hiện tại cần được đưa vào lại vì nó giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng.

Giải quyết tranh chấp

Dự thảo 16 nói rằng trong trường hợp không có điều ước, tranh chấp với các cơ quan quản lý nhà nước VN cần phải được giải quyết tại tòa án VN hoặc trọng tài VN. Điều này có thể cần đến sự xem xét lại hàng loạt hiệp định đầu tư đã có, và theo quan điểm của chúng tôi, điều này không hấp dẫn đối với các bên nước ngoài tham gia các dự án của VN.

Giá trị bảo lãnh của Nhà nước sẽ bị suy giảm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài vì họ không cảm nhận được chất lượng hoạt động tốt của tòa án/trọng tài VN. Điều này một lần nữa sẽ có tác động lớn đến sự tham gia của đầu tư nước ngoài vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng qui mô lớn và các dự án khác có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước của VN.

Hơn nữa, việc yêu cầu rằng các tranh chấp không có “yếu tố nước ngoài” phải được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài VN sẽ dẫn tới việc nhiều dự án qui mô lớn khó có thể được tài trợ trên thị trường quốc tế nếu như một công ty đầu tư nước ngoài không được chỉ rõ là có yếu tố nước ngoài.

Hệ thống đăng ký và cấp phép mới

Luật đầu tư đã nêu ý định hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục thành lập đầu tư. Việc áp dụng một hệ thống mới ba cấp và hai bước (ba cấp: dự án đăng ký, dự án đăng ký chứng nhận, dự án đăng ký thẩm tra; hai bước: đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư - PV) sẽ làm nặng nề thêm một bước cho quá trình thủ tục hiện tại đã là nặng nề mà các nhà tham gia nước ngoài phải chịu đựng khi thành lập sự hiện diện của mình tại VN.

Dự thảo 16 cũng không đưa ra các tiêu chí cấp phép, điều sẽ tạo cơ hội cho việc lạm dụng hệ thống này và sự tham nhũng. Sự thật là dự luật này sẽ vi phạm cam kết của VN trong việc “phát triển các hệ thống hiệu quả và minh bạch trong dịch vụ công”, mà VN đã ký kết ngày 14-6-2004 như là một phần trong “Kế hoạch hành động chống tham nhũng cho châu Á - Thái Bình Dương”.

Thêm vào đó, các yêu cầu đối với dự án có sử dụng vốn của Nhà nước sẽ có thể dẫn tới một chế độ thẩm định đối với các dự án liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước, mà lẽ ra các dự án đó chỉ cần phải đăng ký nếu vốn đầu tư dưới 300 tỉ đồng và không nằm trong danh sách đầu tư có điều kiện. Điều sau cùng là danh sách các lĩnh vực đầu tư có điều kiện quá rộng, vậy không rõ liệu có được dự án triển khai mà chỉ cần thông qua đăng ký mà thôi.

Ưu đãi đầu tư

Dự thảo 16 loại bỏ sự ấn định rõ ràng các ưu đãi trong giấy phép đầu tư. Theo đó, gánh nặng xác định quyền hưởng các ưu đãi đầu tư sẽ thuộc về các nhà đầu tư. Điều này là không thể chấp nhận được đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi mà ngay với hệ thống hiện tại, trong nhiều trường hợp họ vẫn không được hưởng các lợi ích của những ưu đãi được ghi rõ trong giấy phép đầu tư của mình bởi vì cơ quan thuế từ chối thực hiện.

Việc đòi hỏi các nhà đầu tư phải chứng minh quyền được hưởng ưu đãi của mình, mà không chỉ đơn thuần là việc đấu tranh để hệ thống thực hiện, là không hợp lý và sẽ tạo ra một sân chơi chưa thể coi là bình đẳng.

TTCN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên