![]() |
PGS-TS Trương Văn Việt Ảnh: K.S. |
Ngay sau khi bị nạn, tâm lý người dân và cả BS ở tuyến dưới là muốn chuyển về Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Nhẹ cũng chuyển, nặng cũng chuyển, chuyển cả bằng xích lô, xe máy... Nhiều trường hợp ở xa, bệnh nhân (BN) chết trên đường vận chuyển, có tới được BV Chợ Rẫy cũng đành mang xác về.
Ông nói: “Rất nhiều ca từ tỉnh đưa lên nếu được giải quyết sớm hơn thì sẽ không có di chứng, có thể BN không tử vong...
Trước những hình ảnh đau đớn của người thân, câu hỏi đặt ra trong đầu tôi: Tại sao BN không được cứu chữa ngay sau khi bị tai nạn, mà có khi phải đi mất tám tiếng đồng hồ mới tới BV Chợ Rẫy?
Trong khi đây là khoảng thời gian còn cứu chữa được và cứu chữa có hiệu quả nhất. Từ đó chúng tôi đưa ra khái niệm “thời gian vàng trong chấn thương sọ não (CTSN)”.
Mà muốn tận dụng được thời gian vàng này chỉ có một cách duy nhất là xây dựng mạng lưới ngoại thần kinh (NTK), làm thế nào để BS ở các tỉnh cũng mổ được CTSN”.
Tận dụng tối đa thời gian vàng
Câu chuyện đi xây dựng mạng lưới NTK bắt đầu từ những suy nghĩ tự phát như vậy và anh em lên đường về các tỉnh.
Không có công tác phí, không có ôtô công. Nhiều BS trẻ bỏ phòng mạch “nằm” dưới tỉnh một tuần, 10 ngày...
Có nơi khó khăn, anh em ăn, ngủ tại phòng khám, phòng cấp cứu.Về rồi lại đi, với quyết tâm “cầm tay chỉ việc” đến khi BV tỉnh cũng mổ CTSN và phải mổ được.
Ông tâm sự: “Gian nan lắm. Tôi đi thuyết phục BV tỉnh, sở y tế, rồi lãnh đạo tỉnh. Gom tất cả dụng cụ hiện có của cơ sở để đưa vô mổ sọ não - từ kềm, kéo, cái gặm xương...
Tôi lội chợ trời mua khoan điện công nghiệp đem về cải tạo thành khoan y tế, dù có ít ỏi cũng chia cho nhau và khi tìm không được nữa thì đi xin.
Cái khó lớn nhất mà chúng tôi gặp là tỉ lệ tử vong mổ NTK bao giờ cũng cao hơn bệnh khác nên một số BS học xong chùn tay không mổ, cứ chuyển viện.
Hỏi ra mới biết họ sợ mổ BN chết, mà ở tỉnh chỉ cần một ca thất bại sẽ bị đồn ầm lên thì phòng mạch... ế! Nên buổi khởi đầu, những ca nặng, khó, tử vong... BS Chợ Rẫy nhận hết, còn những ca nhẹ mổ thành công dành cho BS cơ sở”.
Vậy đó. Họ âm thầm nhận cái khó, cái rủi về mình. Nhiều đêm nghe gọi chi viện ca khó là họ lên đường.
Ông kể: “Có một lần khi nhận được tin đã 9 giờ đêm.Với chiếc xe Jeep cũ, chúng tôi lại lên đường. Mổ xong đã gần 3g sáng, họ cho ngủ ở hội trường BV. Đoàn có hai BS nam, hai nữ..., cả êkip tìm tới nhà người thân của một BS Chợ Rẫy ở gần đó, gõ cửa, lục cơm nguội ăn, ngủ một chút rồi quay về. BN đó được cứu sống”.
Khoa NTK bắt đầu đi tỉnh năm 1993, đến những năm 1995, 1996 một số đơn vị như BV đa khoa Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... đã mổ được CTSN.
Tại Hội nghị Việt - Úc về NTK (3-1999), BS của BV đa khoa Cần Thơ, Đồng Nai đã tự tin báo cáo về những ca mổ CTSN với đúc kết: Nhờ tránh mất thời gian vàng do chuyển viện, mổ CTSN ở tuyến tỉnh đã góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong, di chứng cho BN bị máu tụ ngoài màng cứng.
Đến nay, mạng lưới BS ở tỉnh được BV Chợ Rẫy đào tạo mổ CTSN là 156 người, rải khắp các BV 28 tỉnh phía Nam. Mạng lưới này vẫn tiếp tục được củng cố.
Chưa hề có một ngân sách nào dành cho chương trình này, cũng không có một biên bản cam kết nào, mà chỉ có chung một mục tiêu “cướp” lấy thời gian vàng cho mạng sống của những người bị TNGT, “chỉ có một hợp đồng thỏa thuận bắt nguồn từ... những trái tim nhân hậu...” - BS Trương Văn Việt nói.
Người thích… đột phá
Năm 1995, khi còn là trưởng khoa NTK, BS Việt cứ ao ước “làm thế nào để BV có được một máy CT-scanner”.
Giờ đây BV có bốn máy CT-scanner (một máy multislice), máy cộng hưởng từ (MRI), máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), máy xạ trị X-knife...
Khoa ung bướu được thành lập trong chương trình chống ung thư quốc gia, kinh phí cấp 9 tỉ để đầu tư máy Cobalt.
Ông quyết định “đốt giai đoạn”, không dùng máy Cobalt mà vay vốn thành phố để trang bị hệ thống xạ trị 87 tỉ đồng.
Vậy là những người mắc bệnh hiểm nghèo trước đây phải chịu chết hoặc bằng mọi giá phải tìm ra nước ngoài chữa trị, thì nay điều kỳ diệu đã đến (không ít Việt kiều từ nước ngoài đã tìm về BV Chợ Rẫy).
Bằng nội lực, chỉ trong thời gian ngắn BV đã trang bị được hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Ông tâm sự: “Phải vượt qua tất cả. Điều quan trọng là làm thế nào để BV có thiết bị hiện đại nhất và phải khai thác hiệu quả nhất.Và tôi đang ấp ủ nhiều chương trình bứt phá nữa trong trang bị kỹ thuật y khoa, đó là máy thở. Chúng tôi đang nghiên cứu hình thức để thuê máy thở và đào tạo sử dụng sao cho hiệu quả”.
Không chỉ có những táo bạo trong đầu tư trang bị kỹ thuật, ông còn có những cải cách táo bạo khác.
Bộ Y tế qui định xếp lịch mổ mỗi tuần, ở nhiều BV lớn có BN nằm chờ thường từ 10 ngày đến cả tháng, rất tốn kém và đau đớn.
Có nơi hẹn 2-3 tháng, BN phải phong bao để được mổ sớm. Nhiều BV mở ra mổ dịch vụ, từ 2g chiều đã đóng cửa phòng mổ chương trình để mổ dịch vụ. Vậy là người nghèo cũng phải đi vay mượn để được mổ sớm.
Giữa năm 2000, ông cho sắp xếp lại toàn bộ qui trình khám, xét nghiệm và quyết định xếp lịch mổ mỗi ngày.
Quyết định làm đảo lộn cả một trình tự, thói quen. Phòng mổ làm việc đến 7- 8 giờ tối để giải quyết hết số ca đã lên lịch trong ngày. Khi không còn cảnh ứ đọng, BN không cần phải đăng ký mổ dịch vụ, tiêu cực cũng không còn đất sống.
Vừa nhận chức giám đốc, ông đã quyết định... thay ngay 13 trưởng khoa. Một quyết định gây chấn động tâm lý nhiều người.
Ông nói: “Khi ấy tôi biết rằng sẽ có khó khăn và tôi cũng lượng sức mình phải chịu đựng những phản ứng. Nhưng chúng tôi có được thuận lợi khác đó là một đội ngũ cán bộ trẻ”.
Bây giờ, BV Chợ Rẫy đã đạt chuẩn để người bệnh, bạn bè trong và ngoài nước tin cậy. Đặc biệt nhiều BS trẻ đang tiềm ẩn tài năng đã tìm đến BV Chợ Rẫy để được thể hiện.
BV có 1.100 giường với số nằm nội trú trên 2.000 người thì ít nhất có khoảng 5.000 thân nhân nuôi bệnh, chưa kể số ngoại trú.
Trước đây người bệnh tự lo bữa ăn, thân nhân đun nấu dưới gốc cây, dọc bờ tường... vô cùng nhếch nhác.
Ông hợp đồng với Công ty Dussmann (Đức) cung cấp suất ăn định chuẩn theo bệnh lý, hợp đồng với Dussmann làm sạch BV theo công nghệ mới, bàn giao một số hộ lý cho công ty để được huấn luyện sử dụng thiết bị vệ sinh chuyên ngành, có người được đào tạo ở nước ngoài.
Ông nói: “Dù trong qui chế và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế là hộ lý làm vệ sinh BV và chăm sóc BN, nhưng theo tôi cả hai nhiệm vụ này đều không hợp lý. Làm vệ sinh BV mà không được học thì nhiều nguy hiểm cho chính bản thân, cho BV cũng như cho môi trường. Thế giới đã có chuyên ngành làm sạch BV, tại sao ta không tham gia?”.
Không để người ở tỉnh xa nuôi bệnh phải lây lất khắp các hành lang, ông xây nhà cho thân nhân ngay tại khu nhà dành cho giám đốc BV thời trước giải phóng.
PGS.TS Trương Văn Việt quê ở Giồng Riềng, Kiên Giang. Từ 1975-1977 phó khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy, 1977-1979 thực tập sinh ở CHDC Đức, 1979-1989 trưởng khoa ngoại thần kinh, 1994-1996 phó giám đốc và từ 1997 là giám đốc BV Chợ Rẫy đến nay. Năm 1989 ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại Viện Hàn lâm đào tạo sau đại học (DDR) CHDC Đức với đề tài “Một thủ thuật mổ dò động mạch cảnh xoang hang”. Theo đánh giá của GS.TS H.G.Niebeling - viện trưởng Viện Phẫu thuật thần kinh, chủ tịch hội đồng: tác giả đã không bó tay mà đưa ra kỹ thuật mới giải quyết được một khó khăn trong lĩnh vực dò động mạch cảnh xoang hang. Ông đã được trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng II, III; Huân chương Lao động hạng III; danh hiệu thầy thuốc ưu tú; huy chương Vì sự nghiệp phát triển công nghệ; huy chương Vì thế hệ trẻ... Ông từng là phó chủ nhiệm bộ môn ngoại thần kinh Trường đại học Y dược TP.HCM (1981) - rồi chủ nhiệm (1996), đã tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận án cho bốn tiến sĩ, 19 thạc sĩ và nhiều BS chuyên khoa cấp I, II. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận