Phóng to |
Biệt phủ Thảo Nhi, nơi được nhiều du khách phương Tây ưa thích mỗi lần đến Huế |
Những quả đồi ở xã Thủy Bằng (huyện Hương Thủy - TP Huế) trước đây có giá rẻ như cho nay bỗng dưng đắt như vàng. Ở Huế đang rộ lên phong trào lên đồi lập biệt phủ. Mỗi phủ mỗi vẻ, mỗi thế mạnh riêng, song đã góp phần làm cho bức tranh du lịch Huế thêm phong phú, hấp dẫn du khách thập phương.
Xã Thủy Bằng nằm về phía Tây Nam TP Huế có chiều dài đến 17 km, chạy men theo Tỉnh lộ 13. Địa hình vùng này chủ yếu là những quả đồi có dạng hình bát úp. Đất đai rộng rãi nên có nhiều gia đình đang sở hữu cả quả đồi, họ sẵn sàng bán khi có người hỏi mua.
Bỏ phố lên đồi núi
Ven theo đồi thông vi vu trong gió rồi rẽ vào một con đường nhỏ dài chừng 200 m, sỏi đá lởm chởm, anh Tuấn, cán bộ xã Thủy Bằng, chỉ tay về phía mấy ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng cây nói: “Biệt phủ Bội Trân đây rồi”. Đẩy nhẹ cánh cổng, một phụ nữ bước ra chào khách. Anh Tuấn giới thiệu: “Bà Bội Trân, chủ nhân biệt phủ”.
Pha nước chè xanh đón khách, bà Bội Trân kể năm 1999, khi mua đất dựng phủ giữa rừng thông nhiều người ở thôn Thư Chánh 1 bảo điên hay sao mà bỏ phố phường lên ở giữa rừng. Đáp lại, bà chỉ cười và nghĩ rằng không gì tuyệt bằng được sống và làm bạn với rừng thông trăm tuổi.
Biệt phủ Bội Trân rộng 5.000 m2. Để có khu vườn xinh tươi này, bà Bội Trân đã bỏ ra không biết bao công sức, trí tuệ. Bà kể hồi mới xây dựng phải đổ vào hàng trăm khối đất phù sa mới trồng được cây xanh. Kỳ công hơn, bà mua nguyên ngôi nhà sàn từ Mai Châu, Hòa Bình rồi đưa vào Huế dựng lại trong khu vườn của mình.
Biệt phủ Bội Trân có rất nhiều cây trên trăm tuổi như những lão mai, vạn tuế, thiên tuế... Cái độc đáo của biệt phủ Bội Trân là cách bố trí cụm cây tạo thành những bức tranh mang đường nét hội họa. Cạnh ngôi nhà chính là một ngôi nhà cổ chạm trổ tỉ mỉ. Đây là không gian dành riêng trưng bày tranh mỹ thuật và hiện vật cổ hàng trăm năm tuổi từ thời văn hóa Đông Sơn, đến hiện vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần, cũng như những hiện vật mang phong cách kiến trúc Chăm, đó là các pho tượng tròn tuyệt tác.
Không nằm giữa đồi thông nhưng biệt phủ Thảo Nhi lại gần mặt tiền Tỉnh lộ 13. Chủ nhân biệt phủ - ông Trần Đài - kể năm 2001, gia đình ông mua lô đất này với giá 500 triệu đồng. Từng một thời lái xe du lịch, nắm bắt được nhu cầu của khách phương Tây khi đến Huế không muốn ăn ngủ tại khách sạn ở TP mà muốn được nghỉ ngơi trong khu vườn rợp mát bóng cây nên ông Đài lên đồi dựng biệt phủ.
Anh Abel David, một du khách người Anh, nói: “Tôi đến biệt phủ Thảo Nhi theo giới thiệu của một người bạn vừa trở về sau chuyến du lịch ở Huế. Thật là tuyệt vời khi bạn được nghỉ ngơi trong một khu vườn như thế này”.
Cung đường biệt phủ
Tỉnh lộ 13 chạy từ TP Huế lên phía Tây Nam đang được mệnh danh là cung đường “vàng” hay cung đường biệt phủ. Đây là tuyến đường lên lăng Minh Mạng, Tự Đức và nhiều điểm tham quan khác. Ngoài hai biệt phủ nổi bật trên, cung đường này còn có nhiều biệt phủ khác như trà đình Vũ Di, biệt phủ của Quang Dũng, biệt phủ Nguyễn Đức Huy... Ông Phùng Viên, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, cho biết đa số biệt phủ dựng lên đều đón khách trên tuyến đường tham quan du lịch...
Phóng to |
Chuyện lập biệt phủ “nóng” đến mức huyện Hương Thủy đã đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội. Huyện này quy hoạch thêm hơn 2 ha đất ven Tỉnh lộ 13 để các cá nhân, tổ chức đấu giá đất xây biệt phủ du lịch. Chỉ tay ra phần đất “vàng” ven Tỉnh lộ 13, ông Phùng Viên nói: “Phần đất dự trù xây thêm biệt phủ được đấu giá xong hết rồi. Các chủ nhân trúng nền đã san ủi mặt bằng, sắp tới sẽ có thêm nhiều biệt phủ nữa ra đời đón khách du lịch”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận