Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Hồ sơ vụ án cho thấy: khoảng 3g sáng, sau khi uống rượu tại TP Vĩnh Long, cả nhóm bảy người của Phan Hải Đăng chạy xe về nhà ở huyện Long Hồ. Trên đường đi, cả bọn gặp anh L.H. - là nhân viên tiếp thị, đang chạy xe cùng chiều. Thấy xe anh H. vượt qua mặt, Hải Đăng liền vọt lên khiêu khích rủ anh H. đua xe. Anh H. không đồng ý, Hải Đăng liền gây sự ép xe anh. Kế đến Bửu Châu lái xe vọt lên ép, còn Vũ Châu ngồi phía sau dùng dây nịt đánh khiến anh H. bị té ngã xe.
Tức giận, nên khi thấy Hải Đăng, Minh Thắng, Minh Hoàng đang đứng trên cầu, anh H. đến đạp vào người Hải Đăng rồi lên xe chạy về hướng Trà Vinh. Cay cú khi thấy Hải Đăng bị đạp, Minh Thắng về lấy mã tấu, cả nhóm đuổi theo anh H. quyết liệt. Hải Đăng đẩy xe anh H., xe không ngã. Lúc này Minh Thắng cho xe vượt lên và đưa mã tấu cho Minh Hoàng ngồi phía yên sau. Hoàng chồm lên chém nhưng không trúng anh H. mà trúng thùng inox.
Anh H. tăng tốc chạy, phía sau nhóm của Hải Đăng cũng nhấn ga rượt theo. Có lẽ hoảng sợ trước sự truy đuổi rất gắt của nhóm Hải Đăng nên anh H. chạy xe với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái đã đâm sang lề trái, đụng vào một môtô khác khiến anh chết ngay tại chỗ.
Giọng bà mẹ sũng ướt: “Cháu ơi! Cháu viết như thế nào để người ta đừng hở một chút là gây sự rồi gây ra cái chết cho những người vô tội khác”. |
Ngày 15 và 16-9-2010, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo với tội danh giết người. Hải Đăng và Minh Thắng bị phạt 10 năm tù, Minh Hoàng 9 năm tù, Vũ Châu 7 năm 6 tháng tù, Bửu Châu và hai bị cáo khác mỗi bị cáo 7 năm tù. Bửu Châu kháng cáo.
Khi vị đại điện Viện kiểm sát đọc cáo trạng trong phiên tòa phúc thẩm ngày 25-11-2010 (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM), tâm trí tôi hiện ra cảnh giữa đêm khuya đường vắng, một thanh niên phải vất vả mưu sinh. Một đám người sau khi ăn nhậu chạy theo anh, vô cớ sinh sự dẫn đến tai nạn giao thông làm anh chết ngay tại chỗ.
Những kẻ thủ ác đó, tuổi đời từ 20-34, sống trong những gia đình khá giả, hầu hết có trình độ học vấn từ lớp 12 trở lên nhưng lại hành động đến mức vô tri. Trong đó Phan Hải Đăng là con của chánh văn phòng một xã. Chuyện oan khốc sẽ không xảy ra nếu Hải Đăng không vô cớ kiếm chuyện với một người không thù oán, không quen biết. Và cả bọn sẽ không truy đuổi anh H. nếu như Hải Đăng không kêu: “Rượt theo đánh chết mẹ nó”. Riêng Lưu Minh Thắng cũng tốt nghiệp THPT và trung cấp lương thực, đã chuẩn bị hung khí và hô hào đồng bọn: “Rượt theo chém chết mẹ nó”, rồi liên tục ép xe anh H..
Đáng nói nhất trong số bị cáo là Nguyễn Minh Hoàng, 26 tuổi, tốt nghiệp trung cấp luật. Hoàng là em ruột của chủ tịch xã, bản thân Hoàng là cán bộ tư pháp xã. Lẽ ra Hoàng phải biết việc sử dụng mã tấu tự chế là vi phạm pháp luật, thế mà không khuyên can đồng bọn lại còn hùng hổ góp sức. Là cán bộ tư pháp nhưng lại hành động như bọn giang hồ ác bá. Lạnh lùng tàn nhẫn cầm mã tấu chém thẳng vào nạn nhân đang cuống cuồng chạy bán mạng để thoát thân. Còn hai anh em Vũ Châu và Bửu Châu sinh ra trong gia đình trí thức có mẹ là giáo viên, cha là bác sĩ. Với điều kiện tốt như thế, việc trở thành người tốt không khó nhưng họ đã hành động y như những kẻ côn đồ thất học.
Nước mắt người mẹ
Bà Phan Thị Muội, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tôi ở cùng ấp với H. nên biết rõ H. là một thanh niên rất hiếu thuận, hiền lành, siêng năng, là lao động chính trong gia đình. Khi nghe H. bị chết oan khốc như vậy, cả xóm đều bàng hoàng”. |
Cái chết oan khốc của nạn nhân 24 tuổi khiến tôi tìm đến Bến Tre gặp gia đình của anh. Tháng 11, trời tối sớm, mới hơn 17g mà bóng đêm đã phủ xuống khắp xã Tiên Long, huyện Châu Thành. Nhà anh H. nằm hun hút hẻm sâu giữa tít tắp vườn dừa. Bà L., mẹ của anh, nằm trên võng, mái tóc bạc xóa và nỗi buồn phong kín mặt. Ràn rụa nước mắt, bà kể bà có năm người con, H. là út. Từ nhỏ H. đã đi vớt bèo về cho vịt ăn phụ cha mẹ. Khi học trung cấp điện, anh làm thợ hồ để có tiền đi học chứ không xin gia đình.
Giọng bà buồn rười rượi: “Nó đi làm tiếp thị cho người ta ở tận Vĩnh Long, tuy tiền lương nhiều nhưng cực lắm cháu à. Độ 2 giờ mấy sáng là phải thức dậy. Rồi đi bán suốt. Nó rước qua (*) lên ở với nó, bảo là để phụng dưỡng, chứ ở quê anh chị đi xa làm ăn, cha thì đi làm công quả ở chùa, chỉ còn một mình mẹ ở nhà buồn lắm. Vả lại qua cũng bị bệnh tim, ở đấy gần bệnh viện dễ chữa bệnh hơn. Qua mệt một chút là nó quýnh quáng đưa vô bệnh viện. Cơm nước thì ăn tập thể. Có món gì ngon nó đều mua về cho qua. Đi làm cực như vậy nhưng tối về là giặt quần áo, đấm lưng, bóp tay chân cho qua. Làm bao nhiêu tiền nó đưa qua giữ hết, chỉ để lại một ít uống cà phê với bạn bè”.
Rồi bà đem bức di ảnh của anh H. ra cho tôi xem. Trong ảnh là khuôn mặt một thanh niên khá đẹp trai, tươi cười. Thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng, một số tiền không nhỏ ở tỉnh lẻ, nên đi làm được ba năm anh H. đã dành dụm tiền sửa lại căn nhà tươm tất để anh mình cưới vợ. Khi lo cho các anh xong, anh H. mới tính tới phần mình, dự định đi làm thêm vài năm mua một mảnh đất cất nhà để mở tiệm điện tử ở chợ xã. Theo lời kể của bà L., anh H. sống rất điều độ, mực thước. 20g là anh đi ngủ để lấy sức, mai thức sớm đi làm. Những tối cuối tuần, anh đi chơi với cô bạn gái cùng xóm. Cả hai yêu nhau bảy năm, dự định sang năm sẽ làm lễ cưới. Ước mơ lấp lánh màu hạnh phúc đang dần trở thành hiện thực thì bọn côn đồ xuất hiện đập nát tất cả.
Nỗi nhớ niềm thương khiến khi ngủ bà hay nằm mơ thấy con hiện về. Đau khổ là ngay cả trong mơ người mẹ cũng biết con mình đã chết khiến bà thảng thốt giật mình choàng thức. Giấc ngủ của người già vốn đã ngắn, những lần tỉnh giấc càng rút ngắn giấc ngủ hơn khiến bà héo hon tiều tụy. Bà nghèn nghẹn: “Phải chi chiêm bao qua đừng biết nó chết thì qua có thể nói chuyện rồi ôm nó vào lòng... Con người ta ở trong song sắt rồi cũng ra tù, người ta cũng được ôm ấp con vào lòng, còn qua nhớ con chỉ biết ôm mộ đá”.
Bà đã không kháng cáo, bởi bà nói làm mẹ nên bà hiểu nỗi đau của người mẹ, bà không muốn có thể sẽ có thêm những bà mẹ khác đau đớn dằng dặc xa con thêm một thời gian dài, “thôi kệ, chắc người ta cũng khổ tâm bởi sinh con chứ đâu sinh lòng”. Vả lại bà có khấn nếu con được lên thiên đàng, bà sẽ không kiện cáo gì nữa. Nhưng trên hết, bà không muốn lại ra tòa. Hôm dự phiên tòa sơ thẩm, lòng bà đau khi nghe luật sư nói rằng trong vụ này có phần của bị hại. Bà bảo lúc nghe luật sư nói thế bà giận lắm định đứng lên cự lại, nhưng cổ họng tắc nghẹn, tim đập thình thịch, chịu không nổi bà phải ra ngoài uống thuốc trợ tim. Dự xong phiên tòa sơ thẩm, bà buồn phiền, sinh bệnh phải nằm viện một tháng.
Bà đứng nhìn theo khi tôi dẫn xe ra về. Ánh đèn hắt ra in bóng bà đổ liêu xiêu dài trên mặt đất như bao nhiêu ngày đứng tựa cửa khắc khoải đợi đứa con mà bà biết rất rõ nó sẽ vĩnh viễn không trở về.
(*) Cách xưng hô của người lớn tuổi ở Nam bộ khi nói chuyện với người nhỏ tuổi hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận