Phóng to |
Đoàn nhà văn trẻ đi thăm tượng đài Sông Lô |
Trong hội nghị lần này, số đại biểu lý luận phê bình 9 người, đông nhất từ trước đến nay. Có đại biểu là lính biên phòng như Nguyễn Phú, có đại biểu là cảnh sát biển như Lê Mạnh Thường, có đại biểu là đại diện các dân tộc thiểu số như Lý A Kiều (Dao Thanh Y), Ma Thị Hồng Tươi (Tày), Nie Thanh Mai (Êđê). Phạm Nguyễn Ca Dao, học sinh lớp 12 chuyên văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng là đại biểu trẻ nhất hội nghị lần này.
Bên cạnh các đại biểu nhà văn trẻ, còn có khách mời gồm nhiều nhà văn nhà thơ lão thành: Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Văn Thảo, Giang Nam, Trần Ninh Hồ...
Ngày trước đó, trên đường từ Hà Nội đi Tuyên Quang, đoàn nhà văn ghé thăm đất tổ Phú Thọ và viếng đền Hùng, tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Khi đến thành phố Việt Trì, đoàn nhà văn trẻ rất thích thú khi nhìn những tán lá cọ xanh ngắt và các cô gái đi trên đường với chiếc dù che nắng trên đầu, nhiều đại biểu chợt nhắc lại câu hát “Cọ xòe ô che nắng/ râm mát đường em đi...”.
Trên đường, đoàn đến thắp nén nhang tại tượng đài chiến sĩ sông Lô. Bên dưới tượng đài, là giao thủy của dòng sông Lô và sông Chảy, nơi xảy ra trận chiến thắng đội tàu chiến Pháp lẫy lừng đã đi vào lịch sử.
Khai mạc hội nghị, đoàn nhà văn trẻ được xem về tình hình biển đảo và thông tin về Hải quân Việt Nam.
Buổi tối diễn ra giao lưu Văn học trẻ với biển đảo Tổ quốc.
Sáng ngày 10-9 có hai tọa đàm tại hai nơi: “Văn trẻ - nhận diện và phát triển” do nhà văn Nguyễn Khắc Trường và hai nhà văn trẻ Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú dẫn dắt. “Thơ trẻ - dòng chảy và công chúng” do các nhà thơ Bằng Việt, Phan Huyền Thư cùng Nguyễn Danh Lam chủ trì.
Tại tọa đàm thơ, Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ những kỷ niệm thời viết trẻ của mình. Theo nhà thơ, nghề văn là một nghề trong n nghề. Biết tất cả những con đường cũ mới tìm ra con đường mới.
Nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ kinh nghiệm làm thơ của mình cho các nhà thơ trẻ, cây bút trẻ rất thú vị. Theo chị, tính chuyên nghiệp của nghề văn bây giờ chưa cao, nếu muốn theo đuổi nghề văn thì phải chịu được đòn và dám trả giá.
Nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa - người đang phụ trách trang thotre.com: “ Các bạn trẻ hiện nay vẫn còn “máu” với văn chương lắm. Họ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc thơ, sẵn sàng dấn thân vào con đường đau khổ này”.
Nhà văn trẻ Biển xanh màu lá Nguyễn Xuân Thủy, người từng công tác hai năm trên đảo Trường Sa: “Người viết văn giỏi phải là một thợ lặn giỏi”. Theo anh, phải lặn vào cuộc sống, phải có thực tế thì trang viết càng hay hơn.
Nhà văn Di Li: “Hiện nay việc quảng bá tác phẩm dễ dàng, công nghệ thông tin và Internet tiện lợi, thông tin chỉ cần lấy từ màn hình vi tính, vừa là lợi vừa là khó khăn. Đôi khi chúng có tác dụng ngược. Nếu lạm dụng quá nó sẽ biến nhà văn trẻ trở thành gà công nghiệp”.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ: “Các cây bút bây giờ có vốn văn hóa và luôn học hỏi chân thành từ lớp nhà văn nhà thơ đi trước. Với tình yêu văn chương như thế, chắc chắn trong thời gian không xa các cây bút sẽ có các tác phẩm giá trị”.
Nhà lý luận phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm nêu lên những quan ngại của những cây bút trẻ, việc mở đề tài hẹp quá. Cần một dòng văn như văn kiếm hiệp hiện đại thì cũng hấp dẫn và lôi cuốn. Trong khi đó, đại biểu Mai Anh Tuấn nói rằng không cần chạy theo đề tài. Nếu cứ chạy theo đề tài thì mất đi tính phổ quát. Theo anh cần đào sâu tìm kỹ về con người thì tác phẩm càng có giá trị. Nhà văn Phong Điệp: “Nhà văn cần lắm nội lực, sự tự thân vận động bao giờ cũng cần thiết. Bên cạnh những thách thức các tác giả trẻ vẫn có những cơ hội và thuận lợi cho việc sáng tác”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhận xét về văn học trẻ: “Hạn chế của tác phẩm hiện nay là mang tính xã hội chưa cao nên từ trường của nó còn hạn hẹp. Các nhân vật cứ loay hoay trong cái áo cá nhân tù túng, chưa có sức lay gọi, sức tỏa sáng làm say lòng người đọc. Bên cạnh đó, nội dung còn nhạt chưa đủ sức cuốn, những nhân vật thiếu sự sống động và độc đáo. Nếu nội dung nhạt cộng với câu văn không có bản sắc riêng thì thật là vô phương cứu chữa”.
Ngày nay tác giả và người đọc đang xích lại gần nhau nhưng không phải là sự dễ dàng nên việc đi tìm và thử nghiệm cứ âm thầm diễn ra. Các cây bút trẻ lắng nghe trao đổi về nghề viết, sự sáng tác và xuất bản tác phẩm sao cho đạt hiệu quả nhất. Vấn đề vẫn là chất lượng tác phẩm. Người viết vừa hăng hái nhưng cũng không ít lo lắng. Họ cần lắm sự động viên giúp đỡ từ lớp nhà văn đi trước, thắp lửa cho họ vững tin hơn trên con đường sáng tác của mình.
Đại biểu Lục Mạnh Cường tha thiết mong rằng những người viết hãy yêu thương và thắp lửa cho nhau. Đại biểu trẻ Phạm Nguyễn Ca Dao bày tỏ: “Ban đầu em cảm thấy ngại ngùng vì xung quanh mình là các nhà văn nhà thơ có tên tuổi, nhưng dần dần rất hạnh phúc vì được quan tâm, chia sẻ. Em được gặp gỡ giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà văn nhà thơ đi trước khi nghe những tham luận và cuộc tọa đàm. Chuyến đi này giúp em mở mang nhận thức về công việc sáng tác sau này”.
Đoàn nhà văn trẻ thăm di tích cây đa Tân Trào và An toàn khu Định Hóa Thái Nguyên. Chia tay trong sự quyến luyến. Năm năm nữa biết có còn gặp nhau nữa hay không. Sự hâm nóng bầu không khí văn chương trong những ngày diễn ra hội nghị và ngọn lửa sáng tác sẽ còn mãi trong hành trang mang về.
Như lời chủ tịch Liên hiệp các hội nghệ thuật, chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh: “Làm văn học cô đơn vô cùng. Chỉ có tình đồng nghiệp mới làm vơi đi nỗi buồn, mới bù đắp lại những lao tâm khổ tứ và sự cộng hưởng của các nhà văn”.
Áo Trắng số 17(số 103 bộ mới) ra ngày 15/09/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận