17/01/2012 01:52 GMT+7

Thoát nghèo nhưng không vui

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Chuyện trớ trêu này đến với nhiều hộ dân ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Những hộ dân này đang thuộc diện nghèo, nhưng đùng một cái được chính quyền đưa vào danh sách thoát nghèo từ đầu năm 2012.

XOaxHfol.jpgPhóng to

Vợ chồng anh Lê Văn Phúc ở ấp Bình Đông A, xã Bình Châu, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đi làm thuê để con gái nhỏ ở nhà - Ảnh: Ngọc Hậu

Thoát nghèo nhưng vẫn không có công ăn việc làm ổn định, không nghề nghiệp để có thu nhập ổn định, chẳng khác gì khi còn là hộ nghèo nên bà con không vui.

Có người thuê làm mướn: thoát nghèo!

Chúng tôi đến căn nhà trống hoác của anh Lê Văn Phúc ở ấp Bình Đông A, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm khi cả hai vợ chồng anh đều đi vắng. Ông Lê Văn Ban (cha anh Phúc) bảo: “Vợ chồng nó đi làm mướn rồi”. Chúng tôi hỏi làm nghề gì, ông Ban thở dài: “Có nghề ngỗng gì đâu chú, ai mướn gì làm nấy. Hai vợ chồng nó đi đốn mía thuê cho người ta. Bữa đực bữa cái chứ không phải làm quanh năm”.

Vợ chồng anh Phúc có hai con 13 tuổi và bốn tuổi. Trước đây khi cháu thứ hai còn nhỏ, vợ anh Phúc là chị Vân chỉ ở nhà lo cho con. Hiện bé được 4 tuổi, thương chồng cực khổ chị Vân xin đi làm thuê kiếm thêm vài chục ngàn đồng/ngày. Ông Ban cho biết tiền công đốn mía của anh Phúc được 70.000 đồng/ngày, làm nhiều thì được 100.000 đồng. Còn chị Vân chỉ kiếm được 60.000 đồng/ngày. Tuy nhiên mỗi năm chỉ đi làm thuê được 5-6 tháng theo vụ mùa, còn lại thất nghiệp. Ba năm trước gia đình anh Phúc được cấp sổ hộ nghèo, nhưng từ đầu năm 2012 này gia đình anh đã bị đưa ra khỏi danh sách này. “Tui đi họp nghe xã nói do vợ thằng Phúc đi làm thuê nên thoát nghèo. Trong khi vợ chồng nó chỉ có cái chòi che mưa che nắng và nửa năm không có việc làm thường xuyên, lo tiền mua gạo ăn cũng đuối làm sao thoát nghèo được” - ông Ban nói.

Hộ anh Nguyễn Văn Hai ở tổ 18, ấp Phú Thuận, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm được chính quyền địa phương đưa ra khỏi diện nghèo trong tình cảnh hết sức khó khăn: vợ anh bị bệnh u tuyến vú, bướu cổ, con gái 8 tuổi bị bệnh viêm phổi nặng trong khi cả nhà chỉ trông chờ vào một công ruộng và ai thuê gì anh làm nấy. Mỗi lần vợ đi khám bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, anh Hai phải chạy vay mượn khắp xóm. “Không hiểu tại sao xã cho gia đình tui thoát nghèo. Tiền công làm thuê không tăng, chi phí điều trị bệnh cho vợ con lo không nổi mà thoát nghèo cái nỗi gì? Nếu khá tui sẽ tự giác đem trả sổ hộ nghèo chứ ai mà ham mang tiếng nghèo bao giờ” - anh Hai bức xúc.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Đẹp ở ấp Phú Thuận “được” xã cho thoát nghèo từ năm 2009 nhưng cái nghèo cái khổ vẫn đeo bám gia đình bà. Hai năm qua, chồng bà đi làm thợ hồ, bà sống bằng nghề cắt lúa thuê, một tuần làm, ba tháng nghỉ... “Có nhiều hộ khá hơn tui, lại có ruộng đất nhưng vẫn được cấp sổ hộ nghèo. Tui không hiểu họ xét hộ nghèo căn cứ vào cái gì” - bà Đẹp nói.

Bình xét không chính xác?

Trong khi những hộ nghèo rớt mồng tơi được đưa ra khỏi danh sách nghèo thì cũng có nhiều trường hợp hộ nghèo được tặng nhà tình nghĩa đã bỏ thêm cả trăm triệu đồng xây nhà. Chẳng hạn, bà N.T.T. ở ấp Bình Đông A, xã Châu Bình được hỗ trợ nhà tình thương trị giá 15 triệu đồng, nhưng căn nhà xây xong có giá hơn 100 triệu đồng làm mọi người trong xã... ngẩn ngơ! Còn ở ấp Thới Hòa, xã Châu Hòa có ông T. là hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà tình thương nhưng nhà xây xong cũng hoành tráng với chi phí ngót nghét cả trăm triệu đồng.

Ông Lê Duy Khanh, phó chủ tịch UBND xã Châu Hòa, cho biết quy trình xét hộ nghèo là xã phát phiếu điều tra thực tế xuống từng hộ gia đình. Sau đó tổ nhân dân tự quản sẽ xét và đưa ra ấp bình xét. Theo ông Khanh, thời gian qua các cơ sở sản xuất cơm dừa nạo sấy, may công nghiệp trong xã giải quyết việc làm cho nhiều người nên số hộ nghèo trong xã từ 480 hộ giảm còn 398 hộ (giảm 3%), cả xã còn 14% hộ nghèo.

Ông Khanh thừa nhận trước đó các ấp bình xét tỉ lệ hộ nghèo còn tới 15%, nhưng thấy số liệu này còn cao nên UBND huyện yêu cầu xã thẩm tra lại. Sau khi xã thẩm tra lại có một số hộ thu nhập khá tiếp tục bị loại ra khỏi diện nghèo.

Chúng tôi đặt vấn đề: “Liệu có đưa những hộ còn nghèo ra khỏi hộ nghèo như dân phản ảnh?”, ông Khanh trả lời: “Vừa qua một số hộ được thoát nghèo đã khiếu nại nhưng khi xã giải thích họ không khiếu nại nữa”.

Sẽ thẩm tra lại

Ông Huỳnh Ngọc Chiến, phó chủ tịch UBND xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, cho biết căn cứ xét hộ nghèo là tính thu nhập của các thành viên trong gia đình. Nếu cả hộ có thu nhập từ 401.000 đồng/tháng trở lên sẽ được đưa ra khỏi diện hộ nghèo.

Từ thống kê, tính toán của xã, các tổ nhân dân tự quản sẽ họp lại và bình xét. Về trường hợp vợ chồng anh Lê Văn Phúc đi làm thuê, không có đất sản xuất nhưng được đưa ra khỏi diện hộ nghèo, ông Chiến cho rằng: “Người dân sống gần nên họ biết thu nhập của hộ này và bình xét. Xã tôn trọng quyết định của người dân, nhưng tới đây xã sẽ xem xét, tính toán lại thu nhập của hộ này”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao những người đi làm thuê làm mướn, thu nhập không ổn định vẫn được đưa ra khỏi diện nghèo, ông Nguyễn Hồng Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, nói việc này cần phải thẩm tra, tính lại mới biết chính xác. Cũng theo ông Sơn, những hộ được hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa mà chi thêm tiền xây nhà cả trăm triệu đồng thì sau khi thẩm tra lại đã đưa ra khỏi diện nghèo. Nếu có hộ nào khiếu nại việc bình xét hộ nghèo không công bằng sẽ chỉ đạo kiểm tra lại.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên