24/01/2011 11:49 GMT+7

Thỏa "cơn khát" thông tin cho vùng cao

MINH GIẢNG - HÀ BÌNH
MINH GIẢNG - HÀ BÌNH

TT - Ở nơi mà những thông tin cơ bản nhất về thi và tuyển sinh vẫn còn ít ỏi, sự có mặt của các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp tổ chức đã trở thành cơ hội hiếm có để thí sinh thỏa “cơn khát” thông tin.

Xem nội dung chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đắk Lắk

iUlCr07Q.jpgPhóng to
Thí sinh “vây” ThS.BS Trương Tấn Trung, Trường ĐH Y dược TP.HCM, để đặt câu hỏi sau khi thời gian tư vấn chính thức đã kết thúc - Ảnh: T.B.DŨNG

Chính vì thế, trong suốt chương trình diễn ra sáng 23-1 tại huyện Krông Pắk, hàng ngàn câu hỏi về ngành học, nhu cầu nhân lực, làm sao chọn nghề phù hợp, cơ hội nghề nghiệp... đã được học sinh đặt ra.

Tư vấn cho từng học sinh

Kết thúc phần tư vấn chung, tại các khu vực tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành, học sinh liên tục đặt nhiều câu hỏi về chương trình đào tạo, cơ hội trúng tuyển và đặc biệt là cơ hội việc làm khi ra trường. Sau khoảng 60 phút tư vấn chuyên sâu, nhận định khó lòng trả lời hết câu hỏi của thí sinh theo trình tự, ban tư vấn quyết định “chia nhỏ” ra để học sinh hỏi trực tiếp. Học sinh quan tâm đến nhóm ngành nào trực tiếp gặp từng thành viên ban tư vấn để hỏi.

Hỏi - đáp trực tiếp nên mặc dù thời gian tư vấn đã kết thúc nhưng nhiều thành viên ban tư vấn vẫn bị học sinh “vây” để hỏi.

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ - y dược, 30 phút sau khi chương trình tư vấn kết thúc, TS Nguyễn Kim Quang (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) và ThS Trương Tấn Trung (Trường ĐH Y dược TP.HCM) mới được học sinh “trả tự do”. Trong khi đó, nhiều học sinh vẫn tiếp tục đặt câu hỏi cho ThS Lâm Tường Thoại (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM) cho đến khi thầy bước lên xe ra về.

Giúp học sinh tự tin chọn nghề

Ông Trương Thức cho rằng điểm nổi bật của chương trình năm nay là được đưa về huyện Krông Pắk. Ông nói thêm Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắk) có cự ly gần với các trường THPT trong huyện và những huyện khác, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến tham dự. Quan trọng hơn, học sinh ở đây thật sự thiếu thông tin về ngành nghề và tuyển sinh.

Trong khi đó, thầy Trần Văn Hùng - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - khẳng định chương trình tư vấn đã mang lại cho học sinh những thông tin rất cần thiết trước việc chọn ngành nghề. Thầy Hùng nói: “Những thông tin của thầy cô tư vấn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chọn ngành phù hợp với học sinh”.

Tương tự chương trình tư vấn ở Đắk Nông (22-1), rất nhiều nữ sinh Đắk Lắk chọn theo khối ngành công an, quân đội. Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, luật, công an, quân đội và các trường địa phương, khi TS Lê Thị Thanh Mai (phó trưởng Ban đại học và sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa ra câu hỏi: “Trong những bạn ở đây, bạn nào sẽ dự thi vào nhóm ngành công an, quân đội trong kỳ thi đại học sắp tới?”, lập tức một rừng cánh tay giơ lên. Có bạn tâm sự mình chọn theo nhóm ngành này vì yêu thích, bạn khác lại theo vì “ngành này thấy oai oai” và cũng có bạn theo hướng này vì được Nhà nước “bao” học phí, ăn, ở và không phải xin việc làm khi ra trường. Hầu hết đều băn khoăn về điều kiện theo học ngành cũng như thời gian, địa điểm nhận hồ sơ và cách thức sơ tuyển.

Nhu cầu tuyển giáo viên thấp

Một học sinh đặt câu hỏi về nhu cầu nhân lực ngành sư phạm ở Đắk Lắk hiện nay và tương lai. Ông Trương Thức, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở

GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết: “Hằng năm tỉnh chỉ tuyển khoảng 20% trong số những đơn xin vào ngành sư phạm vì nhu cầu không cao. Năm nay, nhu cầu giáo viên ở các trường THPT, giáo dục thường xuyên, trường nội trú cũng không cao. Bên cạnh đó, do việc chia tách huyện và dự báo những năm tới nhu cầu cần tuyển dụng ngành sư phạm không nhiều. “Chúng tôi đã thống kê số lượng giáo viên nghỉ hưu hằng năm là bao nhiêu. Đội ngũ giáo viên của Đắk Lắk còn khá trẻ và khẳng định nhu cầu tuyển dụng ngành này không nhiều” - ông Thức nói.

Về nhu cầu nhân lực tại địa phương, ông Thức cho biết thêm hiện nay Đắk Lắk bắt đầu hình thành các khu công nghiệp tập trung nên nhu cầu về các ngành nông lâm ngư nghiệp, kỹ thuật rất lớn. Nhóm ngành xã hội cũng đang rất cần. Chẳng hạn khối ngành tư pháp đang rất cần nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp địa phương rất lớn nên hi vọng sinh viên sau khi học sẽ quay về Đắk Lắk làm việc và xây dựng quê hương.

Để học thi hiệu quả

Bên cạnh các thắc mắc về ngành nghề, rất nhiều học sinh băn khoăn không biết làm thế nào để việc học có kết quả tốt nhất, thi đạt kết quả cao nhất. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, các thành viên ban tư vấn đã chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như những lời khuyên bổ ích cho học sinh trước những kỳ thi quan trọng. Một học sinh muốn được thầy cô trong ban tư vấn giải đáp giúp có nên thức khuya để học hay không, thời gian nào học bài là tốt nhất, Th.S-BS Trương Tấn Trung - Trường ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ: “Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình để các em có thể tham khảo thêm. Khi học THPT tôi tập thức dậy lúc 4g sáng và học tới 6g. Thời gian này rất yên tĩnh nên học bài rất mau thuộc. Hôm nay học bài này, ngày mai chúng ta đọc lại một lần. Ngày mốt đọc lại bài vừa học hôm qua. Ta cứ học bài mới và ôn bài cũ cuốn chiếu như thế. Chúng ta không nên cố nhớ tất cả các bài học. Các bạn nên chia thời gian của mình ra và có thời gian biểu cụ thể cho từng môn học. Ở kỳ thi ĐH, các bạn nên chuẩn bị tốt, nếu môn thi nào chưa tốt thì nên học bạn của mình và những thầy cô khác”.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nói thêm: “Trong thời gian sau khi tốt nghiệp THPT, các em phải có kế hoạch học tập cụ thể kèm với việc rèn luyện thể thao, nghỉ ngơi. Tinh thần, sức khỏe tốt thì học tập mới có kết quả cao được. Các em nên tập trung học, hệ thống lại kiến thức sách giáo khoa chứ không nên đi luyện thi quá nhiều. Những thủ khoa gần đây đều là những học sinh ở các miền quê, không có điều kiện đi học thêm”.

Không ít thí sinh cũng bắt đầu bày tỏ lo lắng trước áp lực của các kỳ thi quan trọng. Một học sinh hỏi: “Khi vào phòng thi em bị áp lực tâm lý rất lớn nên làm bài thường không tốt, thầy cô có thể chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để không bị áp lực?”, ThS Cổ Tấn Anh Vũ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - chia sẻ: “Chúng ta cần sắp xếp thời gian và có kế hoạch học tập tốt. Giữ gìn sức khỏe để làm sao khi bước vào phòng thi các bạn có sức khỏe tốt nhất. Về kinh nghiệm của bản thân, trước ngày thi thường không ôn bài, cần để tinh thần thật thoải mái. Có nhiều em đêm trước khi thi vẫn cặm cụi ôn tập, như vậy là không nên. Cần để tinh thần thật thanh thản và khi vào phòng thi tập trung hết sức câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau”.

Ghi âm lời tư vấn cho con

6g sáng, trong tiết trời se lạnh, ông Cao Đình Tùng (46 tuổi, ở xã Cư Ewin, huyện Cư Kuyn) cùng con gái Cao Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Y Jút, đã chạy xe máy hơn 35km về Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm dự chương trình tư vấn. Chọn góc ngồi phía sau, sợ không nhớ được những nội dung quan trọng các thầy nêu ra nên ông Tùng đã dùng điện thoại di động ghi âm lại tất cả câu hỏi và trả lời.

Ông chia sẻ: “Bây giờ nghe thì có thể hiểu và phân định rõ ràng khối ngành cụ thể nhưng sợ về nhà không nhớ hết nên tôi thu lại. Về nhà phần nào không nhớ tôi mở điện thoại ra nghe lại để tư vấn cho con sát thực hơn”. Ông Tùng cho biết thêm trước đó hai bố con ông rất “căng thẳng” trong việc chọn ngành, trường thi của con và hi vọng sau buổi tư vấn này hai bố con sẽ thống nhất được với nhau để có lựa chọn phù hợp nhất. Với học lực khá và thiên về các môn tự nhiên, Thu Thảo thích và chọn ngành an ninh trong khi gia đình lại hướng em thi vào ngành tài chính - ngân hàng hay ngành nào thuộc nhóm ngành kinh tế.

A3dWpzHz.jpgPhóng to
Ông Cao Đình Tùng ghi âm nội dung chương trình tư vấn - Ảnh: Đức Hùng

Đơn vị tài trợ:

MINH GIẢNG - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên