Phóng to |
Vương Trí Nhàn |
Ông chia sẻ với Tuổi Trẻ về tình cảm của mình với tập thơ mà theo ông sẽ là sự kiện của văn học 2008.
- Với tôi, và theo tôi, với rất nhiều người quan tâm đến văn học, Trần Dần là tác giả cần phải đọc. Không nên mặc định là đọc vì nó có vấn đề, hay vì nó khó đọc mà ta cố đọc. Đọc, vì Trần Dần là một tác giả lớn của văn học Việt Nam, và vì trước đây chúng ta chưa có điều kiện tiếp xúc với văn bản chuẩn, nay đã có nó, chúng ta phải đọc. Đọc không phải để kêu lên vì tìm thấy cái gì đó hợp với mình, mà còn để kiểm chứng về những điều từng nghe, từng biết một cách không đầy đủ.
Phóng to |
Sách do Nhã Nam & NXB Đà Nẵng ấn hành. Bìa sách là hình minh họa của chính tác giả cho bài thơ Bài hát cho người lớn: Đi chởi!/Đi chơi!/Đầu trọc bình vôi/Hai tay hai hòn sỏi/Đi chơi!/Đi chởi!/Hai tay hai hòn sỏi/Đầu trọc bình vôi... Đi chởi!/Đi chơi! |
* Thưa ông, có khá nhiều tác giả - tác phẩm khi còn ở dạng bản thảo được thì thầm chuyền tay hay rỉ tai thì có vẻ hấp dẫn, nhưng đến khi được in ấn phát hành rộng rãi lại thấy cũng chỉ… vậy vậy thôi, và càng để thời gian thẩm định thì giá trị tác phẩm càng phai nhạt.
Theo ông, làm sao thơ Trần Dần vượt lên được những lẽ đó, để đến khi xuất hiện thậm chí 50 năm sau khi được viết ra, vẫn gây sự kinh ngạc và cảm phục về bút lực của một nhà thơ?
- Trần Dần là nhà thơ có nhiều cái hơn những nhà thơ đương thời, có người nổi vì những quan niệm được tuyên bố, có người nổi vì những câu thơ gây sốc nhưng thật ra không phải thơ, lại có những người nổi vì những tai nạn nghề nghiệp. Trần Dần không thế, ông là nhà thơ mang trong mình cả hai thái cực: con người muốn làm một nghệ sĩ kiểu mới, đi trước thời đại, đồng thời cũng là một nghệ sĩ dám đằm mình xuống để viết.
Ông viết trước hết để cho mình, để thỏa cái khát khao sáng tạo trong mình, cứ viết đã, chứ không như rất nhiều nhà văn khác chưa viết đã sợ không được hiểu, không được in. Chính vì thế mà quá trình cách tân của ông bắt đầu rất sớm, từ những năm 1940 của thế kỷ trước, và đi rất xa.
Đọc một cách có hệ thống thơ của ông, trong tuyển tập này, mới thấy hình như ông đã đi qua tất cả các thời kỳ của thi ca hiện đại thế giới, từ thơ siêu thực đến thơ hội họa. Hơn bất cứ nhà thơ VN nào, ông có một khả năng phi thường mà trời phú cho những nghệ sĩ lớn: đó là khả năng chịu đựng sự cô đơn, cô độc, chịu đựng sự im lặng và quên lãng. Về điểm này, tôi thấy ông gần với các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên...; bất chấp các biến động nghiệt ngã của thời cuộc, họ cứ sáng tác cái đã, họ biết lao động sáng tạo của mình sẽ được đón nhận dù 20-30 năm nữa. Họ biết đầu tư cho tương lai.
* Thưa ông, nhưng như vậy thì Trần Dần rất có thể sẽ khó đọc với công chúng trẻ hôm nay, nó quá nhiều u uất và quá nhiều suy tư mà chỉ có người trong cuộc và người cùng thời mới hiểu?
- Tôi không nghĩ thế, có thể ngay lúc mới ra thơ Trần Dần chưa được đánh giá hết, nhưng chỉ nói riêng hình thức thôi thì thơ Trần Dần đã hết sức hấp dẫn rồi. Tôi là người cũ, chỉ thích những tìm tòi chữ nghĩa của ông từ Cổng tỉnh trở về trước, nhưng tôi thấy những cách tân của ông về bố cục, sắp đặt, màu và co chữ, phông chữ cũng đủ là sự thách đố thú vị với bạn đọc trẻ.
Còn về tư tưởng thơ Trần Dần, tôi vẫn nói với con cái trong nhà, với những bạn trẻ mà tôi quen biết, và với mình: Hãy học cách bứt ra khỏi dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống, để im lặng, và tư duy. Và muốn được như vậy, hãy đọc thơ Trần Dần, để tập đơn độc với bản thân mình, dù chỉ 15 phút mỗi ngày.
Trần Dần im lặng trong cô đơn để viết cho tương lai. Có lẽ vì thế mà có những câu thơ của ông 50 năm sau đọc vẫn mới: "Nếu quả thực anh không lường đảo - hãy trữ đủ đau thương - cho mãn hạn làm người", hay: "Tôi cô đơn trời xanh cô đơn trời tím - cô đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô” (trích tập Cổng tỉnh). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận