![]() |
Ông Vĩnh Thọ và vợ đang hoàn tất nốt những "bức tranh chữ" cuối cùng của tác phẩm, hứa hẹn ra mắt công chúng vào dịp Festival Huế vào tháng sáu tới - Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Nét chữ phiêu bồng trên vải
“Tui nghĩ Lục Vân Tiên mang đậm triết lý Á Đông, với trung, hiếu, tiết, nghĩa... làm đầu. Những giá trị xuyên suốt thời gian ấy, với cuộc sống hiện tại vẫn mang ý nghĩa thời sự - ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ, 63 tuổi, tác giả chính của cuốn thư pháp truyện thơ Lục Vân Tiên, tâm sự - Ngoài ra chúng tôi cũng muốn sinh viên có điều kiện tiếp cận tác phẩm, xem nó như một nguồn tư liệu chữ Nôm để tham khảo”.
Tác phẩm được thực hiện dựa trên ấn phẩm Lục Vân Tiên của tủ sách văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa - Sài Gòn năm 1975 (bản hiệu đính phụ bản chữ Nôm).
Trên nền vải lụa trắng dài 120m, tác phẩm Lục Vân Tiên xếp thành 260 trang (khổ 0,85 x 0,45m) với phần chữ quốc ngữ thể hiện theo lối thư pháp và chữ Nôm viết theo lối chân phương. Cả hai đều là song ngữ đối chiếu viết song song trên hai mặt trang vải liền kề.
Nét chữ tài hoa, khoáng đạt, phiêu bồng của Vĩnh Thọ kết hợp với mặt vải được điểm xuyết bằng hình ảnh của tứ bình (mai, lan, cúc, trúc hay tùng, cúc, trúc, mai) càng tăng thêm sự trang trọng, mềm mại, thanh thoát của tác phẩm. Tác phẩm dài 120m nhưng khi hoàn thành nó sẽ được phân rạch ròi từng trang một và không đóng gáy, để giúp người xem dễ lật từng trang thưởng thức.
Cuốn sách nặng hàng chục kilôgam này sẽ được đặt trên chiếc giá xếp bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh xảo do ông Vĩnh Thọ đặt hàng từ bàn tay nghệ nhân xứ Huế.
Cuốn thư pháp truyện thơ bằng... lương hưu
“Nếu ở khu vực phía Bắc đã có cuốn thư pháp Truyện Kiều của anh Nguyệt Đình, hiện đặt tại nhà thờ cụ Nguyễn Du ở Hà Tĩnh thì sao không nghĩ đến chuyện nhà thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu cần có một tác phẩm thư pháp tương tự để trưng bày? Nếu được, chúng tôi sẽ tặng tác phẩm này cho tỉnh Bến Tre” - ông Vĩnh Thọ nói. |
Nếu hai người bạn của ông trong CLB thư pháp Huế là Viên Đức và Hồng Vân giúp ông khâu kỹ thuật trang trí thì người vợ của ông - bà Lê Thị Lệ Thủy, một giáo viên tiểu học nghỉ hưu, chính là người bên ông sớm tối trong tất cả công đoạn thực hiện tác phẩm: từ việc bưng bê, cuốn, ép, cắt giấy lót, ghim từng trang để viết chữ trên trang vải đến chia trang sao cho phù hợp một cách sóng đôi chữ quốc ngữ - chữ Nôm...
Khi mới thực hiện tác phẩm , vợ chồng ông mất cả tháng để thử nghiệm, phải bỏ 10m vải đầu tiên, rồi mua cồn, hồ, mực, thuốc tẩm... để thử trong ba tuần liền sau đó rút kinh nghiệm mới chính thức làm. Tất cả kinh phí để thực hiện cuốn sách chưa có trong tiền lệ này đều bằng đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng ông. “Mình làm bằng cái tâm mà thôi, chi phí đáng kể chi. Hơn nữa, ông nhà tui là rứa...” - bà Thủy cười kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận