10/10/2010 08:42 GMT+7

Thịnh "đen" lận đận

V.TOÀN
V.TOÀN

TT - Vụt sáng từ Giải bóng đá U-16 châu Á năm 2000 sau khi dẫn dắt tuyển U-16 VN đánh bại U-16 Trung Quốc trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), nhưng sau mười năm HLV Nguyễn Văn Thịnh cười buồn nói:

“Đến bây giờ tôi vẫn là người đi không yên ổn, đứng không vững vàng”...

8ozoe7GB.jpgPhóng to
Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng SLNA vẫn là “máu thịt” của HLV Nguyễn Văn Thịnh (áo đen) - Ảnh: S.H.

Cũng từ cái dáng khắc khổ, trầm mặc nên nhiều người đã nói: số tay này lận đận trong sự nghiệp. Ngay cả ông cũng nói về biệt danh “Thịnh đen” của mình với giọng đầy cảm thán: “Da tôi đen nên mọi người gọi là Thịnh đen. Nhưng nói tôi lận đận với nghĩa “đen” thì cũng đúng bởi đến giờ tôi vẫn là người đi không yên ổn, đứng không vững vàng”.

Khởi đầu đẹp

Năm 1990, Thịnh “đen” rời Trường đại học TDTT trung ương 3 tại Đà Nẵng về công tác tại Trung tâm huấn luyện - đào tạo năng khiếu thuộc Sở TDTT Nghệ An (cũ). Đầu năm 1995, CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA) thành lập, anh được rút về làm HLV tuyến trẻ.

Từ đây, Thịnh “đen” đã chọn ra Văn Quyến, Như Thuật vào tuyển U-12 dự Giải nhi đồng toàn quốc 1996, 1997. Tiếp đó là Minh Đức, Lâm Tấn, Văn Vinh để đưa tuyển nhi đồng Nghệ An đoạt ngôi vô địch toàn quốc năm 1998 tại Hà Nội. Cuối năm 1999, ông được giao cầm trịch đội tuyển U-16 phía Bắc để dự Giải U-16 châu Á tại Đà Nẵng vào tháng 9-2000.

Từ sàn đấu này, sau trận thắng chấn động U-16 Trung Quốc 3-2, tên Thịnh “đen” xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo cùng những viên ngọc thô cho bóng đá VN như Văn Quyến, Như Thuật, Minh Đức... Một chiến thắng làm bay bổng tất cả khi Như Thuật được đánh giá là “Hồng Sơn mới của bóng đá VN” bởi lối chơi thông minh và tài hoa ở tuổi 16.

Hay Văn Quyến được đánh giá là “mầm non triển vọng của châu Á” với lối chơi tinh quái cùng những quả vuốt bóng xoáy hiểm hóc làm chết lịm các thủ môn... Có vẻ đường công danh sự nghiệp đang thênh thang trước mặt Thịnh “đen”. Nhưng...

Một chữ “nhưng” đơn giản này lại gắn với một chặng đường chìm nổi của Thịnh “đen” bởi SLNA của những năm 2002, 2003 có nhiều cái tên lẫy lừng như Nguyễn Thành Vinh, “Khổng Minh” Nguyễn Hồng Thanh... cùng các cuộc đấu đá nội bộ mà có lần một cầu thủ SLNA đã phải cay đắng thốt lên: “Các bác có đánh nhau thì đánh nhanh nhanh để chúng cháu còn đá bóng”. Trong tình cảnh ấy, Thịnh “đen” đã phải bốn lần vào - ra SLNA trong bảy năm.

5eCxUpHi.jpgPhóng to
Ông Thịnh “đen” chỉ đạo Như Thuật khi còn dẫn dắt SLNA - Ảnh: S.H.

Chúng tôi vẫn quý trọng thầy Thịnh

Nhắc đến thầy Thịnh, Như Thuật và Văn Vinh nói: “Thầy Thịnh là người dìu dắt chúng tôi từ khi mới tập chơi bóng, vì vậy dù chơi ở đội nào chúng tôi vẫn trân trọng và quý mến thầy như xưa. Các dịp lễ tết tất cả chúng tôi đều đến thăm và chúc sức khỏe thầy”.

“Người đi sứ”,“kẻ chữa cháy”

Năm 2003, Thịnh “đen” về lại SLNA. Do bị đánh giá “chưa đủ tầm làm bóng đá chuyên nghiệp”, SLNA cử ông “đi sứ” để giúp đỡ bóng đá Hà Tĩnh ở Giải hạng nhì. Cuối năm 2004, do SLNA gặp “sự cố Cúp quốc gia” buộc phải giải tán toàn bộ ban huấn luyện, Thịnh “đen” được gọi về làm HLV trưởng. Nhưng chỉ làm được đúng một mùa bóng 2005, ông phải rời vị trí này dù đã đưa SLNA lọt vào tốp 5 V-League.

Nhắc đến đây, Thịnh “đen” không quên câu chuyện đau đớn về lá đơn tố ông của một số học trò từng được ông đào tạo khi nắm tuyển U-16. Ông nói: “Chính vì lá đơn cay nghiệt này mà tôi phải chia tay SLNA để vào Đồng Nai, nhường vị trí cho HLV Hữu Thắng”. Trong thời gian ông “đi sứ” ở Đồng Nai thì Hữu Thắng gặp cảnh lao lý bởi nghi án mua độ Cảng Sài Gòn buộc HLV Quang Hải lên thay. Lúc đó, SLNA như con thuyền chao đảo khi liên tục thua trên sân khách lẫn sân nhà.

Trong gian nan, người ta lại nhớ đến Thịnh “đen”. Tháng 4-2007, Thịnh “đen” được SLNA triệu về thay Quang Hải. Ông kể: “Ngày ấy khó ghê lắm! Trong cảnh nhà tài trợ Tài chính dầu khí rút kinh phí tài trợ 7 tỉ đồng/năm vì thành tích của đội bóng không đạt yêu cầu như hợp đồng, mùa bóng 2009 SLNA chỉ còn dựa vào nguồn ngân sách ít ỏi của tỉnh.

Lãnh đạo CLB tỏa đi “bấu víu” các kiểu nhưng tiền lương cho đội bóng vẫn thiếu. Đau lòng hơn, cả cầu thủ cũng không đủ những bữa ăn đủ dinh dưỡng”. Khó lại càng khó hơn khi tiền đạo Công Vinh và thủ môn Dương Hồng Sơn rời SLNA tìm bến đỗ mới.

Để chữa cháy về mặt lực lượng, Thịnh “đen” vừa đẩy lớp cầu thủ “măng tơ” lên thi đấu vừa bồi dưỡng kỹ năng, chiến thuật lại từ đầu. Lạ thay, đói ăn, thiếu lương, đội hình như áo vá nhưng SLNA vẫn đàng hoàng đứng vào tốp ba V-League 2009. Một kết quả khiến nhiều người bất ngờ.

Cuối năm 2009, CLB SLNA tiến hành cổ phần hóa thành Công ty bóng đá SLNA với nhà tài trợ Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á. Vừa thấy ánh sáng, Thịnh “đen” lại ra đi (vào Tiền Giang) để nhường chỗ cho HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Sau bốn tháng dẫn dắt CLB Tiền Giang, tình hình rối ren ở đội bóng này khiến Thịnh “đen” trở lại SLNA vào tháng 3-2010. Do lúc này ban huấn luyện SLNA đã có bốn người nên Thịnh “đen” trở thành người thừa. Thế là ông xin làm trợ lý cho HLV Vương Tiến Dũng ở đội Ximăng Hải Phòng “để thay đổi không khí”.

V-League 2010 kết thúc, Nguyễn Văn Thịnh lại về với Công ty bóng đá SLNA trong tư thế người ngoài cuộc. Ông nói: “Tôi dự định đề xuất công ty cho đi sứ để đỡ buồn”. Nói vậy nhưng ông tâm sự: “SLNA là cái lò đào tạo ra mình nên không được ở yên một chỗ để làm đúng sở trường tuyển chọn, đào tạo cầu thủ cho cái lò ấy thì buồn lắm!”. Dù gói lại nỗi truân chuyên của mình bằng hai chữ hụt hẫng nhưng ông không buồn bởi: “Mình đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất để SLNA vẫn giữ được thương hiệu. Vì thế, mình tự hào chứ không hề trăn trở...”.

Lá đơn và nỗi buồn Thịnh “đen”

HLV Nguyễn Văn Thịnh có một câu nói khá ấn tượng: “Cầu thủ như măng rồi trở thành tre. Vấn đề là cây tre ấy sẽ chống chọi với bão gió như thế nào? Chính kiến của HLV sẽ trả lời cho câu hỏi này”.

Câu nói của ông khiến người viết chợt nhớ về câu chuyện của năm 2000. Ngày ấy, trong cơn say chiến thắng của U-16 qua những buổi giao lưu mừng công, các bài báo bốc lửa..., ông Thịnh vẫn nói: “Các em còn bé lắm nên các bạn đừng để họ sinh kiêu”.

Năm 2001, Quyến và Ánh Cường lại bay bổng khi được HLV người Brazil Dido gọi vào đội dự tuyển U-23 VN tham gia SEA Games 21 ở tuổi 17. Nhưng sau đó, ông Dido đã loại cả hai vì vi phạm kỷ luật. Báo cho Thịnh “đen” tin này, ông thở dài: “Mình đã lo nhưng vẫn không thoát. Chỉ e đây không phải là bước vấp ngã cuối cùng của chúng...”. Nỗi lo của ông đã thành sự thật khi Quyến dính vào vụ tiêu cực tại SEA Games 23.

Ông thở dài khi nói về những học trò của mình ở tuyển U-16 năm xưa: “Ngoài trường hợp đáng buồn của Quyến, chấn thương đã làm Như Thuật, Lâm Tấn chững lại. Dù Ánh Cường đã trở thành cầu thủ của Khánh Hòa, Văn Vinh chơi tốt cùng Hòa Phát Hà Nội... Gieo gì gặt nấy, điều đó đã khiến dàn cầu thủ U-16 năm 2000 rơi vào cảnh măng đã già mà tre vẫn chưa thấy đâu”.

Trở lại câu chuyện bi ai của ông qua lá thư được cho là “trò tố thầy” ở đội SLNA, ông nói: “Tôi không nặng lòng với lá đơn có nhiều chữ ký của cầu thủ vốn là học trò yêu của mình, bởi tôi biết không phải các em viết lên tự đáy lòng mình mà có bóng dáng của người lớn ở phía sau”.

Là người đi không yên ổn, đứng không vững vàng nhưng với ông: “HLV cũng giống người lái đò đưa các cầu thủ qua sông. Sông còn đó, đò còn kia nên dù có bao nhiêu thăng trầm tôi vẫn tiếp tục thở cùng bóng đá...”.

10 năm đi - ở

* Sau thành công tại vòng chung kết Giải U-16 châu Á năm 2000, năm 2002 ông Thịnh được chỉ định làm HLV trưởng đội tuyển U-20 VN dự Giải vô địch Đông Nam Á.

* Năm 2004, lần đầu tiên ông Thịnh trở thành HLV trưởng đội SLNA sau nhiều năm làm công tác đào tạo trẻ.

* Năm 2005, một nhóm cầu thủ SLNA “nổi loạn”, làm đơn gửi lãnh đạo CLB đề nghị truất quyền HLV trưởng của ông Thịnh. Kết quả, nhóm cầu thủ “nổi loạn” này đã đẩy ông Thịnh khỏi SLNA. Từ thời điểm ấy, ông Thịnh phiêu bạt khắp nơi trong màu áo các đội hạng nhất như Đồng Nai, Tiền Giang.

* Tháng 4-2007, từ Đồng Nai, ông Thịnh được gọi về dẫn dắt SLNA thay HLV Nguyễn Quang Hải.

* Tháng 5-2009, ông Thịnh làm đơn từ chức sau chuỗi trận không thành công của SLNA, trong đó có việc nhiều cầu thủ không chịu thi đấu hết sức mình và có biểu hiện chống đối HLV trưởng. Lá đơn ấy không được chấp nhận. Khép lại V-League 2009, ông Thịnh đưa đội SLNA vào tốp ba. Nhưng cuối giải, ông Thịnh lại chia tay với SLNA để nhường chỗ cho HLV Nguyễn Hữu Thắng.

* Tháng 10-2009, ông Thịnh về làm HLV trưởng đội Tiền Giang. Sau vòng 5 Giải hạng nhất 2010, ông Thịnh từ chức sau một loạt trận thua khó hiểu của Tiền Giang.

* Tháng 4-2010, ông Thịnh đến Ximăng Hải Phòng với tư cách là trợ lý cho HLV Vương Tiến Dũng. Kết thúc V-League 2010, bóng đá Hải Phòng đoạt HCB và đó cũng là thành tích cao nhất của ông Thịnh sau sáu năm đến với bóng đá đỉnh cao VN.

V.TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên