22/09/2015 09:36 GMT+7

​Thiếu quy hoạch, không gắn với nhu cầu nhân lực

TT - Không phải đến bây giờ sự tăng trưởng về số lượng các trường ĐH, CĐ cũng như việc sắp xếp hệ thống các trường, quy mô đào tạo các trường mới lộ ra những bất cập.

GS Nguyễn Minh Đường - ủy viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - cho rằng ĐH tràn lan, chỉ tiêu ĐH tăng trưởng ầm ầm không phù hợp với nền kinh tế thật ra không chỉ là lỗi của ngành giáo dục mà là hệ quả dây chuyền của việc thiếu quy hoạch nguồn nhân lực từ cấp địa phương cho đến trung ương.

Đồng quan điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng việc thiếu một quy hoạch chỉnh thể các trường ĐH, CĐ nằm trong tình trạng thiếu quy hoạch chung của nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực hoạt động chủ yếu... dựa vào ngân sách.

Từ năm 2004, các chuyên gia đã cảnh báo nhu cầu nhân lực thực tế mỗi năm của nền kinh tế khi đó chỉ cần 20.000 sinh viên mới tốt nghiệp, trong khi quá vô lý khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cao gấp 10 lần.

Đến nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh thậm chí còn tăng thêm hơn ba lần so với giai đoạn đó. Sự chênh lệch giữa nhu cầu thực tế và quy mô đào tạo tất yếu dẫn đến hệ quả lũy tiến của tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng với người có trình độ ĐH, CĐ.

Thực tế, không phải đến bây giờ sự tăng trưởng về số lượng các trường ĐH, CĐ cũng như việc sắp xếp hệ thống các trường, quy mô đào tạo các trường mới lộ ra những bất cập.

Từ năm 2010, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát và có báo cáo cụ thể về tình hình tăng trưởng nóng các trường ĐH, CĐ do trong năm năm (2005 - 2009), với nhận định “việc cho phép thành lập mới các trường CĐ, ĐH có phần dễ dãi”, còn “các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp”.

Đoàn giám sát cho rằng: “Bằng nhiều phương thức khác nhau, từ năm 1998 - 2009 có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp”, nâng tổng số trường ĐH, CĐ lên con số 412 trường.

Theo đó, có đến 62/63 tỉnh thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ (chiếm 98%). Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ khi đó tăng đến 13 lần so với 20 năm trước, trong đó cơ cấu đào tạo mất cân đối khi ĐH chiếm đến hơn 72% và CĐ chỉ có hơn 23%.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn trong việc mở thêm trường ĐH, CĐ, thậm chí có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp đối với các trường ĐH, CĐ...

Tuy nhiên, theo GS Thuyết, những cảnh báo này vẫn bị trì hoãn thực hiện nên hậu quả ngày càng nặng nề...

Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) là trường ĐH bị đình chỉ tuyển sinh nhiều năm nay - Ảnh: Như Hùng

Tính đến nay, Đắk Nông là tỉnh duy nhất trong cả nước không có trường ĐH, CĐ. Hiện nay tại tỉnh này chỉ có một trường trung cấp chuyên nghiệp đang hoạt động, còn Trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông đang được xây dựng.

TP Hà Nội là TP có nhiều học viện, trường ĐH, CĐ với 114 trường (trong đó gồm cả các khoa, trường trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Tiếp theo là TP.HCM với 74 học viện, trường ĐH, CĐ (trong đó gồm cả các khoa, trường trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM).

Các tỉnh chưa có trường ĐH, cơ sở đào tạo ĐH (phân hiệu của các ĐH, trường ĐH): Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bình Phước, Đắk Nông, Bến Tre, Sóc Trăng.

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh hơn bốn năm, đây là trường ĐH duy nhất trên cả nước bị đình chỉ tuyển sinh trong thời gian dài như vậy. Nguyên nhân do trường chưa khắc phục các quy định của Bộ GD-ĐT về ngừng tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... theo quy định.

(Số liệu năm học 2014-2015 - Nguồn: Bộ GD-ĐT, số liệu này chưa tính đến các trường công an, quân đội)

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên