Loạt điêu khắc Cảm xúc có thể mở ra cho người xem một thế giới khác của sơn mài. Trong ảnh: tác phẩm Cảm xúc 03 của họa sĩ Huỳnh Thảo - Ảnh: MAI THỤY
Nền tảng của nghệ thuật sơn mài trăm năm nay dựa trên sơn ta nhưng ngày nay lại bị nhiều họa sĩ thay thế bằng sơn công nghiệp - một loại sơn nhanh khô nhưng hoàn toàn không có chiều sâu. Thiếu chiều sâu cùng những sắc độ màu biến ảo, tranh sơn mài sẽ trở thành đồ mỹ nghệ.
Họa sĩ Huỳnh Thảo
Nếu một nhà sưu tập ngoại bất giác nhìn vào giá tranh chót vót của lứa họa sĩ Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Nguyễn Huyến... trên sàn đấu giá quốc tế chắc hẳn sẽ khó tin lời từ họa sĩ Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM - thốt lên: "Thời nay, ít ai làm sơn mài truyền thống lắm!".
Từ chất liệu sơn ta truyền thống vốn chỉ dùng để phủ lên đình chùa, cách đây ngót một trăm năm, nhiều họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã sáng tạo nên nghệ thuật mài sơn mang đậm hồn cốt Việt Nam.
Thế nhưng, hiện nay ước chừng chỉ còn có khoảng 30 - 40 người sáng tác bằng chất liệu sơn ta dù cho số họa sĩ sơn mài đang tăng lên vô kể.
Trong một bài viết mới đây trên tạp chí Lý Luận, Phê Bình Văn Học - Nghệ Thuật, nhà nghiên cứu Phạm Quốc Trung đã bày tỏ sự lo ngại đối với sơn mài công nghiệp.
Nhiều họa sĩ sử dụng sơn, hóa chất mới ứng dụng vào sáng tác tranh sơn mài, bỏ qua các công đoạn truyền thống tuy có thể tạo ra hiệu quả thị giác bắt mắt tức thời nhưng cũng dễ gây tác dụng phụ.
Hóa chất ảnh hưởng đến sự bền vững, giá trị tác phẩm do những đặc tính lý hóa chưa được kiểm chứng. Các loại chất liệu mới trộn lẫn với sơn mài nếu qua thời gian bị xuống cấp, xỉn màu, nứt... thì danh tiếng chất liệu sơn mài truyền thống sẽ bị ảnh hưởng. Thực trạng này diễn ra càng nhiều trong vài năm gần đây.
Tác phẩm Ký ức giấc mơ - Ảnh: MAI THỤY
Cũng vì vậy mới thấy triển lãm Vùng trời mơ của họa sĩ Huỳnh Thảo (sẽ kết thúc vào ngày 29-9) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang cất tiếng nói khẩn thiết nhường nào để bảo vệ sơn mài truyền thống.
Người xem nhìn thấy trong 43 tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Thảo sự mềm mại, dịu dàng đến kinh ngạc. Nếu bức Trong vườn mây là một tự họa say sưa của tác giả trước thiên nhiên thì Vườn trăng lại là một bản giao hưởng của những người phụ nữ đang rung động vì cái đẹp.
Tác phẩm Trong vườn mây - Ảnh: MAI THỤY
Tác phẩm Vườn Trăng - Ảnh: MAI THỤY
Cách sử dụng chất liệu với sắc độ nhịp nhàng của tác giả gợi lên những gì tinh nhất trong màu sắc, vẻ rực rỡ của ánh vàng uyển chuyển theo tà áo dài hay màu then làm nên không gian của đêm tối tịch mịch...
Không "trói" sơn ta ở lại với những bức vẽ, họa sĩ Huỳnh Thảo mày mò thử nghiệm chất liệu này lên tượng composite.
Loạt điêu khắc Cảm xúc có thể mở ra cho người xem một thế giới khác của sơn mài: những sắc vàng óng ánh trên khuôn ngực, trứng được cẩn tinh xảo theo nếp áo, ngay vẻ thô cứng của tượng cũng bị xóa nhòa bởi đường uốn lượn của sơn.
Khó có thể tượng tượng một nền nghệ thuật sơn mài thiếu vắng sơn ta - Ảnh: MAI THỤY
Có thể xem thử nghiệm táo bạo trên là câu trả lời đắt giá của họa sĩ cho những ai nghi ngờ khả năng vận dụng đa dạng của chất liệu truyền thống này.
Thực tế, tranh sơn mài Việt Nam có thể đang có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhờ thành tựu của các thế hệ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Thế nhưng, một khi những "quả ngọt" ấy dần bị thay thế bởi các chất liệu kém chất lượng và thiếu chiều sâu thì thị trường nghệ thuật Việt Nam (dù chỉ đang manh nha) sẽ gánh lấy những tổn hại nặng nề nhất.
Hay nói như lời cảnh báo của nhà nghiên cứu Phạm Quốc Trung: "Đã đến lúc chúng ta cần báo động về khả năng mất dần những công nghệ, kỹ thuật đặc biệt truyền thống của các nghệ nhân vì sự nhanh và rẻ trong sáng tác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận