![]() |
Chiến sĩ Trường Sa |
Nghĩa tình đất liền - hải đảo
Sau ba ngày vượt qua dông gió, chúng tôi bỗng reo lên vui mừng khi thấy ánh sáng của ngọn hải đăng cao 36m - biểu tượng của đảo Song Tử Tây trù phú. Do tàu đến trễ nên đoàn công tác phải chờ trời sáng mới lên đảo nhằm bảo đảm an toàn cho các đại biểu. Sáng hôm sau, quân dân xã đảo đã ra âu tàu đón khách từ rất sớm. Sau lễ đón tiếp trọng thị, đoàn công tác chúng tôi đi thăm các gia đình trên đảo.
Ấn tượng nhất với tôi chính là căn hộ số 4, nơi gia đình anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liền sinh sống. Anh chị là cha mẹ của bé Hồ Song Tất Minh - em bé đầu tiên sinh ra trên quần đảo Trường Sa. Bé Tất Minh năm nay 2 tuổi. Khi chị Liền sắp sinh cháu, lãnh đạo xã Song Tử Tây nêu ý định đưa chị về đất liền sinh nhưng chị kiên quyết ở lại vì: “Vợ chồng em đã quyết gắn bó với đảo thì các anh cứ để em sinh con tại đây”.
Nhận món quà từ tay đồng chí Đào Anh Dũng, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, anh Dương xúc động nói: “Chúng em sẽ cố gắng chăm sóc bé Tất Minh để cháu ngày càng xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người. Xứng đáng với tình cảm của bà con đất liền dành cho”.
Ở xã đảo Sinh Tồn, chúng tôi chỉ có ba giờ gặp mặt nhưng không khí vẫn rộn ràng như ngày tết. Do hội trường của xã không đủ sức chứa nên lãnh đạo xã dời sân khấu ra chỗ cột mốc chủ quyền. Trung tá Đinh Trọng Thắm, đảo trưởng đảo Sinh Tồn, quê ở Hà Nam nên được đoàn Hà Nam “quan tâm đặc biệt”. Lần đầu tiên sau mấy năm lên đảo, quân dân đảo Sinh Tồn đã được nghe đảo trưởng của mình hát với những người đồng hương.
Thấy khách đến đảo, các em thiếu nhi cứ xúm xít quanh cánh phóng viên để được nhận kẹo và chụp hình. Em Nguyễn Thị Thu Hiền, 9 tuổi, bộc bạch: “Kẹo ngon lắm chú ơi. Lần sau các chú đến nhớ mang cho tụi con nữa nhé!”.
Những món quà như vỏ sò, vỏ ốc, hoa bàng vuông... được chiến sĩ ở các đảo đem tặng cho đoàn công tác như tâm hồn lính đảo chân tình, nồng ấm. Trên đảo Trường Sa Lớn, sau khi đoàn công tác chúng tôi lên tàu, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ra tận cầu cảng tiễn chúng tôi dưới cơn mưa nặng hạt.
Theo lời chiến sĩ các đảo thì ai ra thăm quần đảo Trường Sa cũng muốn mang về đất liền một trái bàng vuông - biểu tượng cho ý chí, quyết tâm của quân dân Trường Sa - làm kỷ niệm, nên có thời điểm trên các đảo rất khan hiếm trái bàng vuông. Chính vì thế lúc chia tay, một chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đã bất chấp mưa gió quyết đi tìm bằng được quả bàng vuông và chạy lên tặng người bạn gái mới quen. Hình ảnh ấy đã gây xúc động cho tôi và nhiều người có mặt trên boong tàu.
“Chúng tôi sẽ chết vì chủ quyền Tổ quốc!”
Trên đảo Song Tử Tây, tôi gặp các chiến sĩ công binh đang đào đá, trộn bêtông để xây nhà ở, công sự... Một số chiến sĩ trồng rau, trồng cây, đôi tay gieo mầm sự sống và phủ xanh đảo nhỏ. Trong khi đoàn công tác chúng tôi thấy rát bỏng cả cổ, áo ướt mồ hôi, cứ cố tìm bóng mát cây phong ba mà đi thì các anh kiên cường đứng đón từng cơn gió biển dưới ánh nắng chói chang như thiêu như đốt.
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Trịnh Xuân Tô, chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã đảm bảo được nhu cầu rau xanh, thực phẩm cho quân dân trên đảo. Đảo chúng tôi là nơi có đàn bò duy nhất của Trường Sa và trồng được cả cây ăn trái”.
Được như hôm nay là cả một quá trình đổ mồ hôi cho sự sinh sôi, nảy nở. Bởi khí hậu đảo không phải dễ để chăn nuôi, trồng trọt. Mỗi một cơn gió từ biển thổi vào là con người, cảnh vật khoác lên mình một lớp muối. Hơi muối từ biển cũng khiến việc trồng rau, củ rất khó khăn. Thậm chí cá phơi khô cũng không dùng được lâu vì thời tiết quá khắc nghiệt!
Trên đảo Cô Lin (cách đảo Gạc Ma của ta bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép 4 hải lý về phía đông nam) chúng tôi đã gặp những cán bộ kiên cường bám biển với khuôn mặt rám nắng nhưng môi không bao giờ tắt nụ cười.
Cô Lin được xem là “điểm nóng” của quần đảo Trường Sa khi thường có tàu nước ngoài đến quấy phá, khiêu khích. Cán bộ của ta vừa xua đuổi vừa ngăn chặn để không xảy ra tình huống xấu nhất. Do là “đảo chìm” nên cuộc sống nơi đây rất vất vả, nhất là thiếu thốn rau xanh. Rau ở đây chủ yếu được trồng trên các chậu, chênh vênh và được che chắn cẩn thận nhằm tránh sóng biển và gió mang hơi muối xâm hại.
Nước ngọt chủ yếu từ đất liền chở ra nên các anh rất tiết kiệm. Tất cả phải giữ nước tắm rửa để tưới rau vì phải dành nước cho nấu ăn, uống và hỗ trợ các tàu đánh cá khi cần. Đại úy Tống Ngọc Tùng, chính trị viên đảo Cô Lin, cho biết: “Dù gian khổ nhưng anh em chúng luôn quyết tâm vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2010, chúng tôi trồng được gần 1 tấn rau các loại. Không những thế chúng tôi còn giúp đỡ ngư dân gặp nạn nước uống, thực phẩm... để cùng nhau bám biển”.
Anh Tùng chỉ cho chúng tôi xem mấy chú chó và heo đang đùa vui dưới chân đảo. Anh bảo nhờ thế nên đỡ nhớ quê, nhớ gia đình. Bên cạnh đó, điện thoại đã phủ sóng tới tận nơi nên “anh em rất an tâm công tác” vì chuyện gia đình đều biết rõ.
Ở bãi Quế Đường trên thềm lục địa phía Nam, dông gió đã làm đoàn công tác chúng tôi không thể lên thăm cán bộ ở nhà giàn như kế hoạch đã định. Thế nhưng khi thấy bóng tàu đến, cán bộ trên nhà giàn DK18, DK19 đã ùa ra lan can, vẫy tay chào đoàn công tác. Một cán bộ trên nhà giàn đã vẫy liên tục lá cờ Tổ quốc để mong đoàn chúng tôi có thể nhận thấy từ xa.
Trong giây phút xúc động ấy, rất nhiều người đã ùa lên boong tàu, vẫy tay đáp lại tình cảm của các anh. Tiếng gọi “Các anh ơi! Chúc các anh mạnh khỏe!” âm vang khắp mặt biển như muốn tiếp thêm sức mạnh cho những người giữ biển kiên trung.
Áo Trắng số 15(số 101 bộ mới) ra ngày 15/08/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận