![]() |
Cổng chính Thiền Viện Trúc Lâm - Ảnh: HÀ VĂN ĐẠO |
Cõi bình yên sâu lắng
Thiền viện được thiền sư Thích Thanh Từ khai sơn kiến tạo, đặt đá xây dựng xuân Quí Dậu năm 1993, tọa lạc trên núi Phụng Hoàng, trước mặt là hồ Tuyền Lâm nơi quanh năm nước biếc, bao bọc là rừng thông xanh ngát. Vào mùa xuân Giáp Tuất 1994, thiền sư Thích Thanh Từ tuyên bố khai sinh Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thiền viện có diện tích 24 mẫu chia làm ba khu chính: Khu ngoại viện, khu nội viện Tăng, khu nội viện Ni. Ngoài ra còn có thất hòa thượng, thư viện, phòng trưng bày, nhà thờ tổ. Qua mười bốn năm trưởng thành thiền viện đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn và khôi phục thiền tông thời Trần, được coi như một trong những cõi chân tu lớn nhất Việt Nam và điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Trong không khí se lạnh của thành phố cao nguyên thông reo bốn mùa, những con đường nhỏ trong khuôn viên thiền viện với những hàng thông thẳng tắp buông tiếng gọi theo tiếng gió vi vu. Thả mình trong khung cảnh đó du khách có cảm giác cởi bỏ mọi nhọc nhằn. Đồng thời tiếng oong oong, u, u của những chiếc chuông gió khổng lồ treo trước các am, các lầu của thiền viện rót vào tai tựa tiếng gọi tâm linh cho lòng người thanh thản.
Trừ nội viện Tăng là nơi tu luyện kinh phật của các sư nam, nội viện Ni là nơi tu luyện kinh phật của các sư nữ, thất hòa thượng nơi xuống tóc. Còn hầu như mọi nơi du khách đều có thể ra vào tự do từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều
Chánh điện nằm ngay tay phải cổng chính. Đó là một không gian tĩnh lặng, rộng lớn. Tọa lạc chính giữa là tượng phật Thích Ca. Bức tượng lớn: mặt thánh thiện, miệng cười mỉm hiền từ, tay cầm cành sen như luôn muốn ban phát phước lành và giải tỏa mọi kiếp nạn. Du khách cũng không khỏi chùng lòng suy ngẫm khi bước qua lầu chuông phía bên trái, đỉnh lầu gắn bông sen đang nở. Trong lầu là quả chuông cao gần 2m, nặng hơn 1 tấn được Nguyễn Văn Sính - pháp danh Thanh Trì thiết kế tại phường Đúc, Huế đưa vào. Trên quả chuông ngoài vẻ uy nghiêm, những câu triết lý nhà phật còn có bài thơ của Trúc Lâm Đầu Đà mang đầy nghĩa nhân sinh: "Phải lá rụng theo hoa buổi sớm/ Lợi danh lạnh với mưa đêm/ Hoa tàn mưa tạnh non im vắng/ Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim".
Nếu nán lại buổi chiều nghe tiếng chuông, du khách sẽ thấy lòng mình tan đi mọi phiền não. Bước vào thư viện, phòng trưng bày, du khách có thể lưu vào lòng mình nhiều câu triết lý nhân sinh về đạo phật, về tâm linh. Nhà thờ tổ là nơi thể hiện lòng tôn kính của các thế hệ phật tử với những ông tổ khai sinh ra thiền tông.
Lúc chưa bước vào thiền viện mỗi người có thể mang mỗi gương mặt khác nhau nhưng khi bước vào đều có chung một điểm trang nghiêm, lịch sự, hòa nhã. Khi dạo quanh thiền viện xong đừng quên ghé vào quầy lưu niệm phía cổng để lựa chọn cho mình một món quà làm kỷ niệm. Ngoài những lời truyền dạy và diễn giải bằng thư pháp về: Tâm, Trí, Nhân, Phúc, Đức còn có đủ các loại tràng hạt, hình phật, hình rồng, hình sư tử...
Nơi hoa, cỏ, núi, hồ cùng hòa ca thơ mộng
Nếu ai từng đến với Thiền viện Trúc Lâm đều nhận thấy hầu như không có một loại cỏ, hoa, cây cảnh nào thành phố Đà Lạt có mà thiền viện lại không có. Đặc biệt cách bài trí, sắp xếp tạo nên vẻ hài hòa, quyến rũ. Ở đây có đủ các loại hoa như: xác pháo lùn, móng rồng đỏ, bạch huệ Ba Lan, hồng (có vàng, tím, đỏ, trắng), bất tử, thược dược, mộc hương, các loại hoa lan. Du khách cũng sẽ không khỏi trầm trồ trước những bông hoa cánh bướm mỏng manh đủ màu sắc.
Xen vào giữa bạt ngàn hoa là đủ loại cây cảnh lớn nhỏ. Đặc biệt ở đây còn có những loại cây cảnh quí mà nơi khác hiếm có như: cây Banksia có nguồn gốc từ Úc, tán lá xòe, mặt trên lá xanh đậm, mặt dưới màu trắng lấp lánh nhìn rất hút mắt. Rồi những cây cau champagne nõn nhọn hoắt, tán rộng, thân phình ra giống những chai rượu champagne.
Ẩn dưới những chùm hoa liễu rũ đẹp như mái tóc người thương trong thơ Xuân Diệu, còn có sự cổ kính của những cây Bồ Đề. Và một cây có tuổi thọ lớn nhất ở đây là cây me ba trăm năm tuổi, thân to hai người không ôm hết nằm ngay bên trái chánh điện. Rải rác trong khuôn viên còn có nhiều loại cây uốn thành hình rồng, sư tử, công... ngự trên những thảm cỏ phẳng lì, xanh ngát. Hai bên cổng là hàng hoa đại đang trổ hoa và vươn cành ra như những cánh tay chào đón du khách.
Với khách thập phương nếu không muốn ở lại phòng nghỉ của thiền viện có thể ở trong khách sạn Thung Lũng Xanh phía sau thiền viện. Như thế, vừa có điều kiện đắm mình cùng thiên nhiên trong lành vừa có thể thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng xứ núi.
Áo Trắng số 25 (ra ngày 1-06-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận