![]() |
Ngày càng có nhiều người trẻ tập thiền. Trong ảnh: Chị T.T.T.Nh. đang tập thiền - Ảnh: Hoàng Độ |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Khi đó đã có chừng hơn 50 người yên vị. Ai nấy cũng ngồi im như pho tượng, xếp bằng kiểu hoa sen, chân bắt tréo lên đùi, bàn tay ngửa để trên lòng bàn chân, hai mắt khép hờ, lưng thẳng đứng. Không gian yên ắng tưởng chừng một chiếc lá rơi cũng nghe được.
Một nhà sư hướng dẫn tôi tư thế ngồi. Ông dặn: “Lưng thẳng vừa phải, đừng quá ưỡn cũng đừng quá cong, đầu hơi cúi, mắt nhắm hờ, chỉ mở 1/3, mặt bình thản, toàn thân bất động”. Đoạn ông hướng dẫn cách thở: “Mũi hít sâu, đừng mạnh cũng đừng gấp, phải đều đều nhẹ nhẹ, tâm ý tập trung, tưởng như có một luồng không khí trong sạch đang chạy khắp châu thân. Sau đó há miệng thở ra, tưởng như phiền não, bệnh hoạn, đều theo hơi thở ra ngoài”.
Tôi đi học thiền
Tôi cố gắng tập trung vào hơi thở, cố không nghĩ ngợi lung tung. Nhưng... cũng khó. Hồi chiều cuộc họp trong cơ quan rất căng, đến nỗi đã trễ giờ một cuộc hẹn làm tôi lo nôn cả ruột mà mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Đã thế tiền học phí cho mấy đứa nhỏ cùng mấy cuốn sách chưa kịp mua cho chúng, thế nào vợ cũng cằn nhằn... Chuyện giấy tờ nhà, chuyện công việc không suôn sẻ..., bao nhiêu là chuyện lo bời bời trong tôi.
Bỗng có bàn tay vỗ nhẹ vào vai làm tôi giật mình. Thì ra là vị sư già. Tôi thú thật với ông là mình không thể tập trung được. Ông từ tốn: “Phải kiên trì con à!”. Rồi ông chỉ: tập trung hơi thở, đếm từ một tới mười, sau đó trở lại từ đầu nhưng nhớ không quá 11, 12. Tôi làm theo, có đỡ hơn một chút, nhưng lúc này thì hai chân lại tê mỏi. Vị sư khuyến khích: “Học thiền phải có chữ “nhẫn” - rồi ông chỉ qua mọi người xung quanh - Ở đây ai cũng mất cả tháng trời mới quen dần. Cố gắng lên con ạ!”.
Đa số người học thiền ở đây đều ở tuổi trung niên, khoảng từ 40 trở lên. Hòa thượng Thích Giác Toàn, trụ trì tịnh xá Trung Tâm, cho biết: “Vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người lớn tuổi có nhu cầu tọa thiền để giữ gìn sức khỏe, đầu óc thư thả. Do đó tệ xá mở cửa tiếp đón và cử người hướng dẫn. Việc tu thiền không chỉ dành cho người xuất gia mà nay đã mở rộng cho tất cả chúng sanh ngoài đời”.
Không riêng ở đây mà đã có nhiều chùa lớn tổ chức các lớp học thiền cho mọi người như thiền viện Thường Chiếu, Viên Chiếu (Bà Rịa - Vũng Tàu), tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng), chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM)... Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết một số người rất trẻ cũng gõ cửa tọa thiền.
Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh (tu viện Làng Mai - Pháp), trong đời sống hằng ngày, tâm và thân thường đi theo hai hướng khác biệt, ý một đàng, thân một nẻo, ta thường nói "lực bất tòng tâm". Thế nhưng giữa tâm và thân có một gạch nối: đó là hơi thở. Chỉ cần quay về với hơi thở, thở cho thật đúng cách thì tâm và thân có thể hợp nhất, thấy nhẹ nhõm, khoan khoái, mọi mệt nhọc ưu phiền hầu như tan biến. |
Anh Lê Văn Ngà ở P.1, Q.Gò Vấp, TP.HCM trước đây bị bệnh phổi, nghe bạn bè chỉ dẫn anh tìm đến học thiền ở thiền viện Vạn Hạnh. Anh cũng trải qua những ngày đầu “vật lộn” vất vả với tê mỏi, thở không được, tim đập mạnh, người rêm nhức... Nhưng sau một tháng kiên trì, anh bắt đầu cảm thấy trong người có sự thay đổi. Anh kể: “Cảm giác đầu tiên là ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn, đặc biệt là phổi bớt khò khè”.
Ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) có ông Nguyễn Thành Khẩn, 74 tuổi, theo học thiền gần một năm nay ở chùa Hoằng Pháp. Hiện ông vẫn tập thiền tại nhà và coi đó như là cơm ăn hằng ngày. Ông cho biết: “Cứ 4g sáng là tôi dậy ngồi thiền tới 5g30. Ngày nào cũng vậy, riết rồi đâm ghiền, giống như thằng cháu tôi ngày nào cũng phải ra sân tennis mới chịu nổi. Tọa thiền với tôi là cách thở, xả hết ra ngoài mọi âu lo, mặc cảm, buồn phiền; hít vô người không khí trong lành cùng sự lạc quan vui sướng ở đời. Tự nhiên cảm thấy mình không có bệnh tật gì cả”.
Soi rọi chính mình
“Lúc đầu tôi chỉ nghĩ mình đi học thiền để chữa bệnh thôi, nào ngờ đi sâu vào tôi còn khám phá nhiều điều mới lạ - bà Trần Thị Hương, 65 tuổi, nhà ở P.12, Q.Gò Vấp, nói - Trước đây tôi hay cáu gắt. Ai góp ý gì với tôi đều không được, bởi tôi không thích nghe, chỉ thích nói theo ý mình. Tôi bị con cháu xa lánh hồi nào không hay. Vào học thiền, các thầy hướng dẫn phải “soi rọi chính mình”. Tôi bỗng giật mình vì từ trước tới giờ cứ tự làm khổ mình chứ nào phải ai đâu. Những lúc ngồi thiền, tôi cứ tập trung vào ý nghĩ: gạt bỏ mọi thứ buồn giận ra khỏi đầu óc. Và tôi cảm thấy người mình nhẹ nhõm trở lại khi không còn cáu kỉnh”.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, 70 tuổi, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở P.9, Q.Phú Nhuận, quan niệm: “Có tiền nhưng chưa chắc hạnh phúc khi tâm vẫn còn động. Cuộc sống bon chen khiến nhiều người chạy theo danh lợi, tiền bạc, thậm chí đấu đá, mưu hại lẫn nhau. Khi học thiền, bên cạnh không gian tĩnh lặng còn có sự tập trung tư tưởng giúp ta bình tâm lại. Có lúc thấy những thứ xa hoa chỉ là phù phiếm, cuộc đời như một giấc mơ, chạy đua theo nó khổ nhiều hơn sướng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận