Ký sự pháp đình:
![]() |
Ảnh minh họa |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Giống như nhiều gia đình trẻ khác, cuộc sống của vợ chồng Ngô Thị Cẩm Dung, 26 tuổi, và Trịnh Cao Bằng, 27 tuổi có những khoảnh khắc đong đầy hạnh phúc và những lúc mâu thuẫn, cự cãi. Tuy nhiên gia đình họ luôn tiềm ẩn bi kịch bởi tính Bằng bi quan, lại luôn ghen tuông. Vấp phải khó khăn hoặc nghi ngờ vợ có ý với người khác là Bằng đòi uống thuốc tự vẫn.
Tháng 5-2006, họ về quê Dung ở Hồng Ngự, Đồng Tháp sinh sống. Ngày ngày chồng sửa xe, vợ may gia công, mâm cơm đầm ấm bởi tiếng bi bô, cười nói rộn rã của đứa con yêu, bé Thịnh, 4 tuổi. Những hôm nào Dung đi làm về trễ là Bằng hờn dỗi. Ngày 1-7-2006, trong cơn giận Bằng mua bịch thuốc diệt chuột định uống nhưng Dung phát hiện kịp ném bịch thuốc ra sân. Chiều 3-7-2006, Dung đi qua nhà hàng xóm có việc, ở nhà Bằng vừa buồn vừa bực, suy nghĩ vẩn vơ rồi thấy bịch thuốc diệt chuột bị liệng hai hôm trước còn nguyên, Bằng nhặt lên quyết tự tử.
"Mẹ ơi! Con nóng quá!"
Bằng pha thuốc vào cà phê sữa đá cho bé Thịnh uống để hai cha con cùng chết. Gặp món ưa thích, lâu lâu mới được uống nên bé Thịnh cứ ôm ly nhấp từng ngụm ngon lành mà không biết tử thần đang nằm trong chất nước ngọt lịm đó. Khi bé uống được 2/3, người cha giật lấy nốc cạn. Bồng con vô mùng, giọng trẻ bi bô, ngọng nghịu nói: "Mai ba mua cho Thịnh uống nữa nha". "Ừ, ngủ ngoan, ba mua" - giọng người cha nghèn nghẹn.
Đôi mắt thiên thần lấp lánh niềm vui, ôm cha hôn một cái chụt, rồi ngoan ngoãn nằm xuống cho cha đắp chăn. Nhìn con bình yên rơi vào giấc ngủ, sự tin tưởng của con đối với mình khiến người cha choàng tỉnh: mình không che chở cho con lại tàn nhẫn cướp đi sinh mạng của trẻ, trẻ thơ có tội tình gì! Càng nghĩ Bằng càng thấy sợ về hành động của mình.
Bằng hốt hoảng báo cho mọi người biết. Tất cả hãi hùng chết điếng, hộc tốc đưa bé Thịnh đến bệnh viện. Trên đường đi đứa trẻ vật vã, oằn oại khóc thét: "Mẹ ơi!... Ngoại ơi!... Con nóng quá!... Con khát nước!". Dung ôm chặt lấy con, toàn thân bé nóng hừng hực, người mẹ trẻ cảm thấy có ai đang đốt chín ruột gan mình.
Chị nức nở: "Sao con lại uống?". Bé Thịnh vẫn khóc thét: "Ba… ba… bảo uống". Ngoại, dì, cậu… cố gắng theo cách của mình: khấn vái trời phật, chạy hỏi bác sĩ tình hình… nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Đôi mắt thiên thần mở to như thu giữ hình ảnh người thân lần cuối trong cuộc đời thiên sứ bốn năm ngắn ngủi ngập tràn hạnh phúc, rồi khép lại vĩnh viễn trong tiếng khóc người thân…
"Mong đừng ai hành động dại dột như bị cáo"
Lượng thuốc chuột còn lại không đủ để cha đi theo con. Cha đứng trước vành móng ngựa với tội danh "giết người"- giết chính đứa con rứt ruột của mình. Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 17-4-2007 tại tỉnh Đồng Tháp, bị cáo cúi đầu khóc: "Bị cáo hối hận lắm! Con bị cáo hãy còn nhỏ lắm mà! Bị cáo còn hơn cả hổ dữ! Mong đừng ai hành động dại dột như bị cáo". Giọt nước mắt đàn ông rơi xuống vành móng ngựa.
Trong lúc bác sĩ giành lại mạng sống cho Bằng từ tay tử thần, giữa lằn ranh sinh tử đó Bằng đã lại thấy quí sự sống và ngộ ra nhiều điều mình phải đối mặt với cuộc sống, không nên trốn chạy sự thật. Hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm phân tích: mạng sống con người là vốn quí nhất, phải biết quí thân thể do cha mẹ sinh ra. Cho dù bị cáo là cha cũng không có quyền tước đi sinh mệnh con mình. Huống hồ thiên chức người cha là phải bảo vệ, che chở cho con. Đã là vợ chồng phải tin tưởng nhau, còn nếu không thì đường ai nấy đi chứ sao lại làm chuyện dại dột như thế!
Cơ bản cuộc sống ít hoặc nhiều đều sẽ phải có đau khổ, thất vọng, chứ không phải hoàn toàn hạnh phúc, không thể cái gì mình cũng khăng khăng theo ý mình, thì sẽ biến cuộc sống của mình và người thân thành địa ngục chốn trần gian. Giá như bị cáo không bằng lòng điều gì phải bảo với vợ, nghe vợ giãi bày, cả hai kịp thời chỉnh đổi thì cuộc khủng hoảng tinh thần sẽ không tăng nặng, ngày càng bộc phát dẫn đến hành động dại dột tạo ra bi kịch thảm khốc như thế.
Bằng bị tuyên phạt mức án 18 năm tù.
Hối hận muộn màng
Hàng xóm cho biết hai vợ chồng Bằng đều hiền lành. Bé Thịnh mắt to, mũi cao, môi son, da trắng mịn như thiên thần lại thông minh, ngoan ngoãn, gặp ai cũng khoanh tay lễ phép chào nên cả khu phố ai cũng mến. Khi nghe tin Bằng tự vẫn, bé Thịnh mất, ai nấy cũng đều chới với, thương đứa trẻ bao nhiêu càng trách người cha sao cạn nghĩ bấy nhiêu.
Thời gian đầu khi con mất, người mẹ trẻ muốn quẫn trí, hình ảnh đứa con sà vào lòng mẹ líu lo chuyện học hành, bi bô hát những bài mà cô giáo dạy cứ hiện về trong giấc ngủ. Có đêm Dung đi như người mộng du đến trường mẫu giáo nơi con học, đứng đó chờ rước con về. Nhớ con quá, chị chỉ còn biết lấy những tấm hình ra xem, nước mắt rơi xuống nhòa cả hình bé Thịnh đang chống nạnh với nụ cười tươi trên môi.
Khi vuốt mắt cho con, chị nghĩ mình sẽ không bao giờ tha thứ cho chồng, nhưng khi thấy Bằng gục đầu hối hận trong suốt phiên tòa, rồi nghĩ đến nghĩa phu thê đầu ấp tay gối nên đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ tội cho chồng. Sợ chồng cắn rứt lương tâm làm chuyện dại dột nên mỗi tháng Dung đều đi thăm để an ủi và cũng để cho Bằng hiểu ra rằng trên đời này người ta sẽ sống hạnh phúc nếu biết tin tưởng nhau, cùng chung tay vượt qua khó khăn.
Một vị thẩm phán tâm sự: "Trong những bị cáo bị xét xử theo điều 93 Bộ luật hình sự, có không ít trường hợp kẻ sát nhân là chồng, là cha với nhiều nguyên nhân: suy nghĩ nông cạn, mâu thuẫn gia đình gay gắt, ghen tuông, nghèo khó, thất học… Rồi đi đến suy nghĩ, giải quyết vấn đề một cách tiêu cực như tự tử, đồng thời muốn người thân chết theo mình. Đến khi ra tòa, người thân mất, ăn năn, hối hận thì đã quá muộn...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận