13/07/2007 15:04 GMT+7

Thị trường ô tô VN: Rục rịch chuyển sang... nhập khẩu

Theo MINH THUẬN - SGGP
Theo MINH THUẬN - SGGP

Thị trường ô tô VN cùng lúc diễn ra 2 sự kiện: hãng xe đến từ Nhật Bản Daihatsu tuyên bố đóng cửa nhà máy tại VN; cùng lúc đó, hãng xe nổi tiếng của Đức - BMW sau khi rời khỏi VN, nay lại thông báo sẽ quay trở lại bằng con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc.

ws5G9MbG.jpgPhóng to
Thị trường VN đang chuộng xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc. Ảnh: Lê Nam

Công nghiệp ô tô sẽ bị thu hẹp?

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất và lắp ráp ô tô đều băn khoăn trước các chủ trương và chính sách phát triển ngành công nghiệp (CN) ô tô VN. Theo các DN, hiện VN có hai hướng đi rất trái ngược nhau, khó mà biết phải hiểu theo hướng nào cho đúng? Thể hiện rõ và cụ thể nhất hiện nay là việc Chính phủ đang áp dụng biện pháp hạn chế phát triển thị trường ô tô, do lo ngại sẽ dẫn đến sự quá tải của hệ thống giao thông đường bộ.

Vì vậy, nhiều biện pháp đã được áp dụng như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu sản phẩm, linh kiện và phụ tùng cao ngất ngưỡng. Chính sách hạn chế này buộc người tiêu dùng trong nước phải chấp nhận mua xe với giá cao gấp hai, gấp ba lần so với mặt bằng giá của thế giới.

Tuy nhiên, ở hướng đi khác, VN từ lâu cũng đã xếp CN ô tô là ngành rất quan trọng, cần ưu tiên phát triển trên lộ trình CN hóa đất nước. Mục tiêu đến năm 2010 ngành CN này sẽ phát triển theo hướng không phải lắp ráp giản đơn mà là sản xuất, được thể hiện qua chính sách khuyến khích nội địa hóa sản phẩm.

Nhà nước còn chủ trương “bảo hộ” các liên doanh sản xuất ô tô, nhằm thực hiện nội địa hóa 30% - 40% sau 10 năm đầu tư vào VN. Tuy nhiên, mục tiêu này đang có nguy cơ sẽ phá sản. Bởi lẽ với một thị trường có lượng xe tiêu thụ quá nhỏ bé: chỉ khoảng 40.000 xe mỗi năm, chủng loại xe lại đa dạng, thì khó có DN nào mạo hiểm chịu đầu tư.

Chủ trương nội địa hóa CN ô tô còn vướng phải cản ngại khác. Đó là sau nhiều năm “nỗ lực” kêu gọi, đến nay ngành CN ô tô VN mới có trên 60 DN sản xuất linh kiện và tổng trị giá tài sản mỗi DN không vượt quá 20 tỷ đồng, cung ứng chỉ khoảng 20% nhu cầu thị trường, mà chỉ toàn là những linh kiện giản đơn, giá trị thấp như săm, lốp, ắc quy, ghế ngồi, dây điện...

Ngừng lắp ráp để kinh doanh xe nhập khẩu

Ngành CN ô tô VN đang tồn tại những bất cập: quy mô thị trường nhỏ bé, không đảm bảo đầu tư có hiệu quả; chính sách cho nhập khẩu ô tô cũ gần đây càng làm cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ô tô khó khăn hơn. Đó là lý do dẫn đến quyết định giải thể của Công ty Ô tô Vindaco – nhà lắp ráp ô tô thương hiệu Daihatsu vào tháng 6 qua. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, có thể sẽ còn nhiều DN lắp ráp khác nối gót Daihatsu sau khi VN hoàn tất cắt giảm thuế theo cam kết WTO. Tại sao vậy?

Tuần qua, thị trường ô tô xôn xao một sự kiện mới: hãng xe nổi tiếng của Đức BMW sau 2 năm lặng lẽ rút quân khỏi VN, giờ quay trở lại thị trường qua con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc. BMW có mặt tại VN từ 1994, nhưng sau 11 năm cầm cự với lượng tiêu thụ 100 – 150 xe/ năm, đã quyết định chia tay thị trường năm 2005.

Trước BMW là “đại gia” Nissan. Cuối năm 2006, Nissan đã bước vào thị trường phía Nam, thông qua việc khai trương phòng trưng bày đầu tiên tại TPHCM qua Công ty Ô tô Lâm Long - một đại lý ủy quyền chính thức. Trước đó, Nissan đã đưa vào 4 đại lý ở phía Bắc trong đó có ba đại lý tại Hà Nội và một đại lý tại thành phố Vinh.

Xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc đang trở thành hướng đi mới của các hãng ô tô thế giới trên thị trường VN. Nhà sản xuất nhãn hiệu xe thể thao nổi tiếng đến từ Đức – Porsche cũng đã tìm đến VN qua Công ty TNHH Xe hơi Thể thao Uy Tín, dưới danh nghĩa nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền xe Porsche ở VN. Mẫu xe đầu tiên - Porsche Cayenne sẽ ra mắt vào tháng 9 tới, và đến cuối năm nay, Porsche sẽ hội tụ đủ các dòng sản phẩm của mình gồm cả 911, Boxster và Cayman tại VN.

Hiện tượng chuyển hướng từ lắp ráp sang kinh doanh xe nhập khẩu của nhiều đại gia BMW, Nissan, Porsche và một số hãng đã đến trước như Hyundai, Kia, Land Rover, Peugeot… chứng tỏ một thực tế là ngành CN ô tô VN đang bắt đầu tự thanh lọc. Những tín hiệu này cho thấy, chiến lược phát triển CN ô tô VN có nguy cơ phá sản trước làn sóng thôi sản xuất, lắp ráp để chuyển dần sang phân phối từ các hãng xe.

Theo MINH THUẬN - SGGP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên