09/07/2004 05:00 GMT+7

Thị trường kim cương VN: Toàn "hàng đi lậu"?

T.TUYỀN
T.TUYỀN

TT - Mỗi năm khoảng 200 triệu USD kim cương được nhập về. Từ một chiếc nhẫn vài trăm ngàn đồng đến một đôi bông vài chục ngàn đôla... “chợ” kim cương với đủ loại hàng đa dạng, phong phú.

laicTCr2.jpgPhóng to
Khách hàng chọn mua kim cương tại cửa hàng vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) - Ảnh: THANH ĐẠM
TT - Mỗi năm khoảng 200 triệu USD kim cương được nhập về. Từ một chiếc nhẫn vài trăm ngàn đồng đến một đôi bông vài chục ngàn đôla... “chợ” kim cương với đủ loại hàng đa dạng, phong phú.

Giá nào cũng có!

Ai mua kim cương (KC)? Theo những nhà kinh doanh nữ trang có tiếng của TP, giờ đây KC không còn là mặt hàng của những người có tiền, ai cũng có thể mua KC. Sinh viên, công nhân, công chức trước đây đeo vàng thì nay chuyển sang mua KC hạt tấm có giá từ 50.000 đến vài trăm ngàn đồng/viên.

Giới trung lưu, những người có kinh tế ổn định thì sắm loại 3-4,5 li. Những người có của ăn của để thì sắm loại trên 5 li. KC cao cấp thì dành cho những doanh nhân thành đạt. Không ít nữ doanh nhân đang sở hữu những chiếc nhẫn KC có giá vài chục ngàn USD. Giới kinh doanh nữ trang tiết lộ rằng một nữ doanh nhân khá nổi tiếng trong ngành giấy luôn xuất hiện với những viên KC đắt giá, có viên có giá hơn cả chiếc xe Mercedes! Giới kinh doanh kim hoàn cho biết cách nay khoảng một năm, một Việt kiều đã mang về viên KC tuyệt đẹp lên đến 12 li và giá bán không dưới 100.000 USD (trong khi KC 9,1 li giá chỉ 54.000-70.000 USD).

Không ai biết chủ nhân của viên KC đó. Có thể đó là viên KC có giá nhất được biết đến tại VN hiện nay. Còn loại KC 9,1 li lác đác cũng xuất hiện theo các đơn đặt hàng và phần lớn được sở hữu bởi các nữ doanh nhân. Cũng theo những người trong ngành kim hoàn, sở dĩ họ biết được những viên KC hàng độc vì người bán không thể giấu được do muốn bán thì phải đưa đi kiểm định. Nhưng người mua nó là điều luôn được giữ bí mật.

Khi mua KC có thể biết được giá trị cao thấp thông qua các giấy tờ mà nơi bán cấp cho người mua. Tùy nơi bán nhưng thường KC dưới 3,5 li chỉ có hóa đơn đỏ.

Còn trên 3,5 li thì ngoài hóa đơn còn có giấy kiểm định chất lượng KC mà giới kinh doanh gọi là “giấy khai sinh”. Giấy này được cấp từ đơn vị có uy tín, có tay nghề và thiết bị kiểm định theo những tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Khi bán lại sẽ bị mất giá nếu không kèm theo các giấy tờ này.

Hiện ở TP.HCM có một số đơn vị kiểm định KC như Công ty Vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn (SJC)...

Tuy nhiên, người bán cũng chẳng mặn kinh doanh KC hàng độc vì vốn quá lớn, từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, lại còn kén khách. Hiện bán chạy nhất là KC có kích cỡ 3-4,5 li vì giá phù hợp với túi tiền của đại đa số người mê KC. Loại 3 li giá 100-120 USD, loại 3,5 li giá 200-240 USD, loại 4 li giá 420-460 USD, loại 4,5 li giá 810-920 USD. Thế nhưng từ 5 li trở lên người ta không còn tính bằng li (tức theo kích thước ở VN thường dùng) mà theo carat (đơn vị đo lường, tức theo trọng lượng). KC 5 li giá 1.400-1.700 USD nhưng chỉ cần nhích lên 5,4 li thì giá đã leo đến 2.200-2.700 USD. Nhưng li hay carat chỉ là một trong bốn tiêu chuẩn để xác định giá trị của viên KC.

Những người kinh doanh KC cho biết dân mê KC ở VN rất chịu chơi, luôn đòi hỏi có được viên KC chất lượng cao nhất. Giải thích về xu hướng này, theo giám đốc Trung tâm Kim hoàn Sài Gòn, là do người Việt mua KC với hai mục đích: trang sức và làm của, trong đó làm của quan trọng hơn. Vì thế họ chỉ mua viên KC có chất lượng cao. Ngược lại người phương Tây thì đơn thuần xem KC chỉ để trang sức, do vậy họ chọn KC không nhất thiết theo giá trị mà theo màu họ ưa thích. Do vậy không chỉ KC trắng trong mà còn có màu xanh nước biển, màu vàng, thậm chí cả màu nâu. Tại VN đã có KC xanh nước biển nhưng chỉ là hàng mẫu, riêng màu nâu chưa thấy xuất hiện dù đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Toàn là... “hàng đi lậu”?!

Theo thống kê của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quí Phú Nhuận, giá KC tăng trong năm năm qua. KC lại được tính bằng USD, giá USD luôn trong xu hướng nhích lên so với VND, do vậy đầu tư vào KC cũng là cách bảo toàn vốn được nhiều người thực hiện. Thực tế khá nhiều người đã nâng cấp chiếc nhẫn KC của mình bằng cách đổi từ hột nhỏ lên hột to hơn, có chất lượng cao hơn. Dù mỗi lần đổi có thể bị thiệt từ 5% (nếu là hột có giá trị cao) đến 10% (hột có giá trị thấp hơn) nhưng người mua vẫn sẵn lòng.

Một doanh nghiệp vàng bạc đá quí nhận xét thị trường KC trong nước sẽ còn phát triển và trong tương lai gần sẽ vượt qua cả doanh số nhập khẩu vàng hằng năm. Thế nhưng, gần như 100% KC đang tiêu thụ trên thị trường trong nước đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Hầu hết KC đang tiêu thụ ở VN là hàng nhập khẩu.

Trước đây các công ty nhà nước có nhập KC của các doanh nhân Bỉ, Israel và Ấn Độ thông qua đường Thái Lan và Hong Kong. Thế nhưng các công ty này đã ngừng nhập kể từ khi có Luật thuế giá trị gia tăng đánh trên vàng và KC quá cao khiến hàng nhập có nộp thuế giá cao hơn cả giá bán trên thị trường. Từ đây toàn bộ nguồn cung KC cho thị trường trong nước đã được nhường lại cho tư nhân nhập qua đường đi lậu. Hiện nay muốn mua hàng độc phải gõ cửa cửa hàng tư nhân.

Bằng nhiều cách, tư nhân đã hợp thức hóa được nguồn gốc của KC để tiêu thụ trên thị trường trong nước. Các doanh nghiệp ngành nữ trang nói rằng đi lậu KC còn dễ hơn cả vàng vì KC nhỏ, gọn hơn vàng. Đi một chuyến, một hộp giá trị cũng lên đến vài trăm ngàn USD là thường.

Việc kinh doanh KC, chất lượng và giá cả có thể sẽ thay đổi nếu Nhà nước điều chỉnh chính sách thuế đối với KC. Còn hiện nay giá cả tùy thuộc nguồn nhập không chính thức. Với cách tính thuế như hiện nay Nhà nước mất thuế, doanh nghiệp chân chính chỉ tham gia kinh doanh KC cầm chừng, người mua KC phải mua theo giá trồi sụt của nguồn hàng lậu. Những thiệt hại này sẽ tăng theo tốc độ tăng trưởng của thị trường KC.

Giá của một viên KC được định theo tiêu chuẩn 4C theo thứ tự là cut (giác cắt hay mặt cắt), carat (trọng lượng), clarity (độ trong suốt) và colour (cấp độ màu). Chưa hết, từng tiêu chuẩn lại còn chia ra nhiều thang, cấp độ khác nhau. Vì vậy cùng trọng lượng như nhau nhưng có khi giá chênh lệch rất khác xa.

Giác cắt được chia ra đến sáu loại khác nhau: giác cúc, giọt lệ, oval... Thế nhưng ở thị trường VN chỉ chuộng giác cúc (hình bông cúc). Độ trong suốt hay tinh khiết cũng được chia ra nhiều thang bậc.

Cao nhất là FL (trong suốt hoàn hảo), soi dưới kính hiển vi không thấy vết sướt, một gợn bọt hay dấu than trong viên KC. Kế đến là IF (bên trong trong suốt, trung thực nhưng bên ngoài chưa hoàn hảo như FL), rồi đến VVS1 (chưa trong suốt, tuy tinh khiết nhưng có gợn bọt rất, rất nhỏ), VVS2, sau nữa mới là VS1, VS2... Thấp hơn nữa là I 1, I 2, I 3 tức có thể thấy được sự không trong suốt bằng mắt thường. Ở VN loại VVS1 là “chiến” lắm rồi

T.TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên