![]() |
Các chuyên gia kinh tế trao đổi với các nhà đầu tư tại hội thảo - Ảnh: HỒNG NHỰT |
Mua lai rai vẫn có lời
Nhà đầu tư Trần Văn Hợp cho rằng xu hướng đầu tư trong thời điểm hiện tại, thay vì để ý đến sự biến động của chỉ số VN-Index, các nhà đầu tư nên quan tâm đến sự biến động của từng mã chứng khoán.
Ông Hợp cho rằng mã chứng khoán BMC là chứng khoán "kim cương", từng có giá 576.000 đồng/cổ phiếu vào thời hoàng kim của chứng khoán Việt Nam. Trong năm nay đáy BMC là 19.200 đồng/cổ phiếu, đến ngày 25-3 có giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đầu tư theo lô 10.000 cổ phiếu, mua đầu năm và bán hôm 25-3 thì sẽ có lời 70%.
"Nếu tôi để ý vào VN-Index thì sẽ không dám đầu tư vào BMC. Tuy nhiên, cổ phiếu càng tăng giá mạnh thì nhà đầu tư càng khó mua. Đó là nghịch lý của thị trường" - theo ông Hợp.
Chuyên gia tài chính Vũ Duy Bằng cho rằng thị trường có một vài hiện tượng đột biến trong thời gian gần đây, chẳng hạn BMC có giá tăng mạnh nhưng có khối lượng cổ phiếu lưu hành ít, chủ yếu là đầu cơ nên giá dễ dàng bị thao túng. Một bài học mà nhà đầu tư cần nhớ khi đầu tư vào từng mã cụ thể là cổ phiếu thanh khoản kém thì rủi ro luôn cao nhưng lợi nhuận cũng rất cao.
Chuyên gia tài chính Vũ Duy Bằng cho rằng với mã BMC mà nhà đầu tư Trần Văn Hợp lướt sóng có lời là đáng được chúc mừng.
"Khi thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư sẽ khó có cơ hội mua vào" |
"Thời điểm này âm thầm mua vào là tốt nhất, chứ đến khi thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư sẽ khó có cơ hội mua vào" - nhà đầu tư Đặng Đức Thành chia sẻ kinh nghiệm.
Theo chuyên gia tài chính Vũ Duy Bằng, thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài mua một số mã blue-chip như BVH (Tập đoàn Bảo Việt), MSN (Tập đoàn công nghệ Masan)... là do các tổ chức nước ngoài mua vào để hỗ trợ VN-Index không giảm sâu. Nếu loại bỏ những blue-chip đó ra thì VN-Index chỉ còn khoảng 300 điểm. |
Mua cổ phiếu như một tài sản
Theo tiến sĩ Phạm Linh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam, ở thời điểm hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam chưa chạm đến đáy nhưng có thể thấy nhiều cổ phiếu trên sàn đã về mức giá khá thấp, cổ phiếu của 161 công ty có giá dưới mệnh giá, 147 cổ phiếu có P/E dưới 5 lần. Nếu nhìn vào sự biến động của chỉ số VN-Index thì thị trường chứng khoán thời điểm này khó thu hút nhà đầu tư tham gia.
Nhưng theo ông Linh, thời điểm này phần lớn các tin tiêu cực đã được công bố, cùng với mặt bằng giá cổ phiếu đang khá thấp, các kênh đầu cơ khác đang bị co hẹp, dòng tiền đầu cơ vào chứng khoán dự báo sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên coi việc mua cổ phiếu như một tài sản thật sự. Khi đó, sẽ chú tâm vào việc đầu tư giá trị nội tại của doanh nghiệp hơn là lướt sóng.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) - cho rằng từ khi ông về nước tham gia vào thị trường (2006) đến nay, chưa từng thấy nhà đầu tư nào lướt sóng mà thắng lớn cả. Với ông, vẫn trung thành trường phái đầu tư vào giá trị doanh nghiệp theo kiểu... Warren Buffett.
Ông Chí cho rằng về lâu dài thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tốt hơn lên vì các quyết sách của Chính phủ thể hiện trong nghị quyết 11 đã rõ ràng. Nếu kiểm soát được lạm phát, kìm được giá vàng, USD và mặt bằng lãi suất giảm... thì thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh.
Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành - giám đốc chính sách công chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện là phải ổn định lại vĩ mô cho dù cái giá phải trả trước mắt là lãi suất cao và thị trường chứng khoán đi xuống. Tình trạng này được duy trì ít nhất trong vòng sáu tháng tới, chừng nào chính sách kinh tế vĩ mô ổn định thì thị trường chứng khoán mới bật dậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận