27/03/2007 12:01 GMT+7

Thị trường âm nhạc Việt Nam: Nhập gì? xuất gì?

Theo DANH ANH - VietNamNet
Theo DANH ANH - VietNamNet

Tình trạng "nhập siêu" âm nhạc, đón gió bên ngoài khiến nhạc Việt trở thành một "nồi lẩu", thế nhưng "nồi lẩu" đó khiến người xem ở ta luôn phải sống trong cảm giác "no mà vẫn đói".

KPchNqN0.jpgPhóng to
VietNamNetChương trình của Bi - Rain trở thành sản phẩm âm nhạc nhập khẩu lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam
Tình trạng "nhập siêu" âm nhạc, đón gió bên ngoài khiến nhạc Việt trở thành một "nồi lẩu", thế nhưng "nồi lẩu" đó khiến người xem ở ta luôn phải sống trong cảm giác "no mà vẫn đói".

"Tạp kỹ" hay "tạp nham"?

Có nơi nào trên thế giới mà chương trình nghệ thuật thường được gọi tên là ca nhạc "tạp kỹ" như ở ta? Nhìn kỹ thì sẽ thấy khái niệm "tạp kỹ" không khác "tạp nham" là mấy. Các ca khúc được "hội nhập" từ khắp nơi và đủ mọi dòng: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ... và hàng loạt thể loại âm nhạc có gốc gác từ nhiều vùng miền trên thế giới.

Các trung tâm văn hóa Pháp, Đức, Anh, Italia, Nhật... nối tiếp nhau tổ chức các chương trình nghệ thuật đa dạng, nghệ sĩ nước ngoài đến "giao lưu văn hóa" khá đều đặn ở Hà Nội và TP.HCM.

Quá nhiều tác phẩm âm nhạc nước ngoài tràn vào nước ta và người nghe, người xem ở ta luôn được sống trong cảm giác "no mà vẫn đói". Có quá nhiều lựa chọn nên không ít người tự tin cho rằng mình có trình độ lựa chọn tốt, thẳng thắn tuyên bố: không thưởng thức những tác phẩm của các nhạc sĩ trong nước, không nghe nhạc ấm ớ của nước ngoài.

Còn với nhạc sĩ, khi nghe nhạc của người nhiều thì việc làm giống người, theo người, đi sau thiên hạ không còn là chuyện khó hiểu. Đó là lý do để một số nhạc sĩ đạo nhạc bị phát hiện lấy đó để giải thích một cách... nhẹ bẫng. Âm nhạc bên ngoài đổ vào ào ạt, trong khi mình chưa đủ sức đề kháng thì việc "hắt hơi, sổ mũi" giống nhạc sĩ X,Y,Z nào đó của nước ngoài cũng là chuyện thường tình (!?).

Âm nhạc, công nghệ tổ chức (show biz) trong nước nếu không phải đang dậm chân tại chỗ hay "cài số lùi" mà có thể nhìn nhận khách quan, lạc quan hơn là mức độ đầu tư, chất lượng có phần tăng lên thì lại thấy một điều, mình có một thì người đã phô diễn mười. Chương trình của Bi - Rain vừa qua tại TP. HCM chẳng hạn. Chỉ hai đêm nhưng mức độ hoành tráng có lẽ bằng tất cả các liveshow của các ca sĩ nhà dự định làm trong năm nay cộng lại.

Một chương trình với các vị khách từ nước ngoài đến biểu diễn có thể thu hút cả Tây và Ta xem, nhiều khi còn miễn phí vé, nhưng một chương trình ta làm thì quả là hiếm khách ngoại. Thu hút đông khách bên ngoài có chăng là những chương trình dân ca nhạc cổ, chèo, tuồng... Mà những thể loại này thì khán giả mình lại... ngó lơ.

"Nồi lẩu" có xuất khẩu được không?

Một nhạc sĩ từng làm dự án "lai ghép" nhạc dân tộc và hiện đại cho rằng: Âm nhạc du nhập vào ta có đủ cả tinh lẫn rác. Khó chỉ ra được ra chính xác tỉ lệ hay và dở thế nào vì chúng ta vẫn đang ồ ạt tiếp nhận sản phẩm âm nhạc đến từ khắp nơi. Một sự mất cân bằng lớn xảy ra và những tinh túy trong âm nhạc của chúng ta thì chưa biết đến hồi nào mới có thể tạo nên đôi ba phần trăm tỉ trọng xuất khẩu tới bên ngoài?!

Nhạc sĩ Quốc Trung từng phát biểu thẳng thắn: "Một chương trình âm nhạc đang diễn ra ở ta có quá nhiều thể loại nhạc, nhiều ca sĩ cùng diễn khiến cho khán giả bị ép phải nghe những thứ mình không thích. Showbiz và băng đĩa chẳng khác gì các nồi lẩu và khán giả vẫn phải thưởng thức một cách miễn cưỡng.

Đừng trách khán giả không biết chọn lựa, đời sống âm nhạc ở Việt Nam nếu muốn chọn thì cũng chẳng biết chọn cái gì. Hơn nữa, những người làm nhạc và cả những người tổ chức biểu diễn không có những ý tưởng mới, nếu như không nói là họ quá nghèo nàn ý tưởng. Khán giả vì thế cứ nhìn âm nhạc nhiều hơn là nghe và cảm nhận".

Nếu nói rằng "âm nhạc ta 20 năm nay... vẫn thế" thì xem ra kỳ vọng đưa nhạc Việt ra bên ngoài, được công chúng các nước đón nhận như chúng ta đang tiếp nhận họ trở thành chuyện quá xa vời.

Là người đi ra bên ngoài, có những nhìn nhận về âm nhạc trong nước, ca sĩ Trần Thu Hà còn thẳng thắn cho rằng nhập khẩu của ta còn chưa chuyên chứ đừng nói xuất khẩu. "Nếu muốn kinh doanh nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam (mà không phải là gồng gánh cả ê kíp sang như trường hợp của Bi -Rain) thì làm thế nào đảm bảo kỹ thuật cho người ta? Ai đủ trình độ và kinh nghiệm đảm trách khâu tổ chức? Biểu diễn ở đâu?...", cô nói.

Thị trường âm nhạc của ta chưa có gì, vì thế có nhập siêu như trên thì vẫn là tự phát. Ta còn chưa có thị trường cho chính ta thì làm sao có thị trường thực sự hấp dẫn để người tìm đến bán đĩa xin chứ không phải... đĩa lậu?!.

"Đi ra một bước, đến Thái Lan đã có thể xem tour của những ngôi sao danh tiếng do nước sở tại tổ chức. Nhập khẩu của ta còn thua bạn như thế thì nói gì đến chuyện xuất khẩu", ca sĩ Trần Thu Hà chia sẻ.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo nhìn nhận: "Nói chuyện xuất khẩu nhạc Việt bây giờ chỉ là nói cho vui thôi. Nhạc ta mà ta còn không nghe nổi cơ mà". Xuất khẩu âm nhạc là nói cho vui, còn "nhập khẩu" âm nhạc, nghĩ lại thấy buồn. Kinh tế Việt Nam đo đếm được mức độ tăng trưởng, cán cân xuất nhập khẩu dần tiến tới cần bằng, liệu điều đó có kéo được âm nhạc đi lên?

Theo DANH ANH - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên