Theo thông tin từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay sẽ có hai phần: phần chung dành cho tất cả thí sinh, phần riêng dành cho thí sinh học chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, thí sinh được tự chọn một trong hai phần đề riêng. Nhưng ở kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh học chương trình nào phải làm đúng phần đề dành cho chương trình ấy. Và mọi băn khoăn bắt đầu từ đây.
Phóng to |
Thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại hội đồng thi Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Quy định bất khả thi!
Cấu trúc đề thi 2009 đã làm phá sản mục tiêu chương trình phân ban THPT |
“Làm sao phát hiện thí sinh có làm đúng phần đề theo chương trình đã học hay không? Nếu phát hiện được có xử lý không? Phải tách thí sinh các ban khác nhau ngồi ở những hội đồng thi khác nhau, hoặc ít nhất phải ngồi ở các phòng thi khác nhau. Đây là cách duy nhất để thực hiện được quy định học chương trình nào làm đúng phần đề chương trình ấy của bộ” - thầy Cao Huy Thảo, hiệu phó Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM), góp ý.
Nhưng để làm được điều này, các sở GD-ĐT phải rà soát, phân loại HS theo từng ban, có phương án xếp thí sinh theo từng ban. HS THPT đang học lớp 12 hiện chia làm ba ban: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ban cơ bản. Riêng ban cơ bản có cơ bản chuẩn dạy hoàn toàn theo bộ sách chuẩn; các ban cơ bản phân hóa A, B, C, D theo các môn thuộc bốn khối thi ĐH. Có ít nhất bốn kiểu ban cơ bản phân hóa (mỗi kiểu sẽ dạy một số môn theo sách chuẩn và một số môn theo sách nâng cao).
Như vậy, HS THPT hiện chia thành ít nhất bảy nhóm với trình độ, kiến thức khác nhau. Khâu tổ chức thi theo từng ban sẽ vô cùng vất vả kèm theo những xáo trộn lớn, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng dự thảo quy chế thi tốt nghiệp 2009 không có quy định nào đề cập chuyện này và cũng chưa rõ bộ có yêu cầu xếp thí sinh theo từng ban hay không!
Hẳn nhiên để tránh những xáo trộn lớn cho kỳ thi tốt nghiệp (và kèm theo nó là trách nhiệm nặng nề của bộ phận chỉ đạo, tổ chức kỳ thi), tốt nhất việc bố trí hội đồng thi vẫn cứ làm theo cách cũ, tức là thí sinh các ban vẫn ngồi cùng phòng. Điều này ắt hẳn sẽ dẫn đến tình trạng như hai năm trước: thí sinh được tự do lựa chọn phần đề nào dễ có điểm cao hơn. Không thể bắt buộc hay kiểm tra việc thí sinh có làm đúng phần đề của mình hay không! Và quy định của bộ khi đó chỉ còn là những câu chữ trên giấy, không thể thực hiện được trên thực tế.
“Hi sinh” mục tiêu phân ban?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 sẽ được tổ chức như thế nào để đánh giá hiệu quả chương trình phân ban THPT? Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ năm 2009, hầu hết nội dung đề thi có trong phần nội dung sách giáo khoa theo chương trình chuẩn. Những trường THPT có trình độ HS đầu vào không cao, toàn bộ HS học ban cơ bản đang thở phào nhẹ nhõm, chỉ cần học kỹ sách chuẩn HS có thể “qua cầu” ở kỳ thi tốt nghiệp. Kể cả trong kỳ thi ĐH cũng không nhất thiết phải học sách nâng cao khi phần điểm đề riêng chương trình chuẩn và chương trình ngang bằng nhau.
Trong khi đó, các trường dạy theo sách nâng cao không khỏi băn khoăn. Nói như cô Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM): “Khi bộ công bố cấu trúc đề, nhiều giáo viên tâm tư nếu biết thi như vầy, học theo chương trình nâng cao chi cho nặng nề, tội nghiệp mấy đứa nhỏ! Thầy và trò chúng ta vật lộn với sách nâng cao mấy năm trời để làm gì khi cách kiểm tra đánh giá vẫn như cũ?”.
Theo nội dung kiến thức ôn thi (bộ vừa công bố), giới hạn ôn tập dành cho HS học chương trình nâng cao rộng hơn chút ít so với chương trình chuẩn. Và phần đề dành cho chương trình nâng cao, theo cách hiểu đơn giản nhất, có thể cao hơn hoặc nằm ngoài chương trình chuẩn. Hai phần đề có điểm số như nhau, hẳn nhiên ai cũng muốn chọn phần cơ bản, học nhẹ nhàng, dễ có điểm cao.
Với kiểu thi này, sang năm còn bao nhiêu HS “dũng cảm” chọn theo học sách nâng cao? Ngành giáo dục đánh giá được gì về hiệu quả chương trình phân ban với cách thi này? “Cấu trúc đề thi 2009 đã làm phá sản mục tiêu chương trình phân ban THPT” - thầy Võ Anh Dũng, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nói. Một chương trình phân ban được đưa vào thí điểm rồi thực hiện đại trà cả nước năm năm trời, kéo theo nó là việc thay bộ sách giáo khoa cũ bằng hai bộ sách khác nhau. HS THPT được phân chia thành nhiều ban với hàng chục nhóm trình độ kiến thức khác nhau…
Với cấu trúc đề thi như thế, nhiều giáo viên đặt câu hỏi có phải ngành giáo dục đang chấp nhận hi sinh mục tiêu chương trình phân ban cho qua kỳ thi năm 2009?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận