19/09/2016 08:54 GMT+7

Thi thể bó chiếu: xót tủi phận nghèo, đòi hỏi Nhà nước

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Hình ảnh “gửi thân vào chiếu lác một manh” (Nguyễn Du - PV) rong ruổi trên yên xe máy gần 100km để về nhà của người phụ nữ Thái ở Sơn La ngay tháng 9-2016 làm dấy lên bao nhiêu dấu hỏi về phận người, tình người trong xã hội.

Theo thông tin từ người dùng Facebook có tên thật là Điêu Thị Hải Q. - sống ở Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La, những ngày đầu tháng 9 chị vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La điều trị và ngày 8-9 đã chứng kiến cảnh một gia đình nghèo phải bó chiếu đưa thi thể bố về quê
Theo thông tin từ người dùng Facebook có tên thật là Điêu Thị Hải Q. - sống ở Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La, những ngày đầu tháng 9 chị vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La điều trị và ngày 8-9 đã chứng kiến cảnh một gia đình nghèo phải bó chiếu đưa thi thể bố về quê

Tuổi Trẻ trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - người đã và đang tiếp tục chủ biên nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát về người nghèo, công nhân nhập cư, những cộng đồng thiểu số trong xã hội để viết, vẽ nên “diện mạo đương đại của con người Việt Nam” - về những dấu hỏi này.

* Cảm giác đầu tiên khi anh nhìn thấy tấm ảnh đó là gì?

- Xót xa về thân phận con người, chính xác hơn là thân phận người nghèo và sự mất mát của xã hội.

Có người cho rằng ở các vùng sâu, vùng xa, đường đi hiểm trở, ôtô không vào được, cảnh chở người chết về bằng xe máy hoặc thậm chí khiêng đòn tay là việc thường xảy ra, nhưng dẫu sao đến hôm nay khi chúng ta đưa ra những khẩu hiệu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đời sống “văn minh, hạnh phúc” mà vẫn có những cảnh đời thiếu nghèo như trăm năm trước thì đó là điều cả xã hội phải suy nghĩ.

* Đã có cả một sự chấn động đến nhân tâm nhiều người, rất nhiều lời xót xa, cay đắng rồi. Trên góc độ nghiên cứu, anh thấy tâm thế của người nghèo hôm nay thay đổi thế nào?

- Người nghèo trong xã hội VN xưa không phải chứng kiến khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo dữ dội như bây giờ. Như hoàn cảnh hai gia đình đã phải bó chiếu, bó chăn đưa thi thể người thân về nhà ở Sơn La, chắc chắn trên đường đi họ đã bị vượt qua bởi nhiều chiếc ôtô, người chụp lại tấm ảnh đó cũng đang ngồi trên ôtô.

Những người nghèo nhập cư ở đô thị mà chúng tôi nghiên cứu cũng vậy, họ bị gạt ra bên lề cuộc sống hào nhoáng bởi những quy định như cấm xe ba gác, cấm bán hàng rong... Con người bỗng bị đặt ở các cấp độ, chiến tuyến cách biệt nhau. Những trớ trêu như vậy khiến ẩn ức trong người nghèo bị dồn nén. Phản ứng của họ sẽ làm tăng độ phức tạp của xã hội và ví dụ thì chúng ta đã có nhiều rồi.

* Những người nghèo, yếu thế, thiểu số mà anh từng khảo sát đã đối phó như thế nào với những rủi ro gặp phải, họ thường tìm sự hỗ trợ ở đâu?

- Kể cả khi đã nhập cư vào thành phố, nguồn vốn xã hội chủ yếu và mạnh nhất của họ vẫn là các mối quan hệ thân thuộc, họ hàng và đồng hương, tức không khác mấy với khi ở quê hương bản quán. Ở nhiều khu xóm trọ, vai trò tương trợ mạnh nhất lại chính là ông bà chủ nhà trọ.

Tất nhiên, vai trò của các mạng lưới dân sự phi chính thức này là rất quan trọng nhưng lại không vững chắc, nhất là trong hoàn cảnh có những mất mát về cái tình và niềm tin trong cộng đồng mà chúng ta vừa nêu. Lương tâm và tình cảm là đối tượng nên hi vọng và bồi đắp lâu dài, còn đòi hỏi, yêu cầu là điều phải làm với những mạng lưới chính thức của Nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Ảnh: T.T.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Ảnh: T.T.

* Cụ thể hơn những yêu cầu đó?

- Cấu trúc xã hội phải được xây dựng vững chắc hơn nữa, phân định chức năng, trách nhiệm của các cơ quan công quyền, công vụ, dịch vụ phải rõ ràng, không đùn đẩy việc mình phải làm cho các hình thái xã hội hóa.

Chúng tôi đồng ý là bàn tay của Nhà nước không thể vươn tới hay bao phủ tất cả những ngõ ngách của cuộc sống, nhưng nền tảng tối thiểu về cái ăn cái mặc, môi trường, chăm sóc y tế, giáo dục cho đời sống người dân phải được đảm bảo, và nhất là đảm bảo trước khi nghĩ đến những giá trị tinh thần khác.

Như câu chuyện cụ thể ở Sơn La: nghĩa vụ y tế với người bệnh và cộng đồng nhất định là quan trọng và thiết thực hơn dành tiền làm tượng đài. Nếu lãnh đạo tỉnh này nghĩ như vậy, hẳn là đã dành ra được một khoản để bệnh viện lập quỹ tương trợ bệnh nhân nghèo, các bác sĩ sẽ mạnh dạn đề xuất hơn, ít ra là một chuyến xe cuối cùng cho bệnh nhân khi tiên lượng tình trạng xấu.

* Và những mất mát sẽ được bù đắp lại chứ?

- Tất nhiên. Khi Nhà nước làm đúng và đủ trách nhiệm của mình, người ta biết mình có chỗ dựa và được bảo vệ, niềm tin sẽ được bồi đắp lại, dễ mở miệng và mở lòng với nhau hơn khi cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

Hiện nay, cộng đồng chúng ta đang quyên góp xây trường, làm cầu, lo bữa cơm có thịt ở vùng sâu vùng xa, cơm 2.000 đồng cho người nghèo đô thị, rồi tai nạn, thiên tai, những hoàn cảnh ngặt nghèo...

Lòng người có thể vô tận nhưng cũng có thể rất hẹp, bị tận dụng quá nhiều có thể thành chai sạn, vô cảm. Đòi hỏi những định chế của Nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là một cách tiết kiệm và giữ gìn lòng nhân ái, tình cảm cộng đồng trong xã hội, để khi cần thiết có thể tuôn chảy như thác lũ.

Trách nhiệm của các cơ quan công vụ

“Mất mát lớn nhất trong câu chuyện này là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan công vụ, cụ thể là bệnh viện, đã bị từ bỏ. Trong khi câu chuyện của chị P. được giải thích là do người nhà xin đưa về khi chị còn đi được, thở được, thì đã có ngay những hình ảnh khác về một bệnh nhân khác đã phải bó chăn ngay trong sân bệnh viện.

Các nghĩa vụ y tế của bác sĩ với bệnh nhân và thi thể của bệnh nhân, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng như vậy là không được làm tròn. Chuyện xảy ra và đến công luận vì gia đình các bệnh nhân quá nghèo, và chứng tỏ rằng trong các trường hợp khác, mọi nghĩa vụ với môi trường và cộng đồng là do gia đình bệnh nhân tự lo.

Mất mát nữa là ở cộng đồng. Sự giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cảnh ngặt dường như đã mai một khá nhiều. Tôi không rõ việc vận động để có một chuyến xe đưa người đã mất về nhà an lành ở khu vực đó có quá khó khăn không, nhưng bản thân từng chứng kiến có tai nạn dọc đường mà xung quanh không có người xắn tay áo giúp.

Một nhà xã hội học nước ngoài đã từng cộng tác với chúng tôi để làm nghiên cứu về hệ thống “an ninh nhân dân” ở VN. Kết quả là cách đây vài chục năm hình thái đó được phát huy rất tốt, hiệu quả nhưng hiện giờ đã mai một dần. Người Việt ngày nay sợ trách nhiệm và không còn lòng tin vào nhau do những trải nghiệm xã hội của mình”. (PGS.TS Nguyễn Đức Lộc)

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên