Một trong những người phản đối chính là NSND, đạo diễn Hải Ninh, thành viên Hội đồng giám khảo Cuộc thi viết kịch bản về đề tài 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu lược trích bài viết của ông (đầu bài và tít nhỏ do chúng tôi đặt):
Một điều thật lạ tai
Những người làm nghề đạo diễn, kể cả những người đã đi hết sự nghiệp của mình, cũng chưa bao giờ nghe nói những điều lạ tai như “đấu thầu kịch bản phân cảnh”, hoặc “thi kịch bản phân cảnh”.
Kịch bản phân cảnh (quốc tế gọi là bản phân cảnh kỹ thuật), do đạo diễn viết dựa trên kịch bản văn học, thực tế mới chỉ là bản phác thảo tổng phổ về một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp - từ cấu trúc, âm nhạc, âm thanh cho đến tạo hình, thiết kế mỹ thuật và quy mô sản xuất...
Trừ quy mô sản xuất cần cụ thể ngay từ đầu để xác định kinh phí đầu tư, còn về nghệ thuật, KB phân cảnh mới chỉ chứa đựng những “ký hiệu” nghề nghiệp cô đọng cho những tư duy về phương pháp, thủ pháp, phong cách riêng biệt của từng nghệ sĩ... mà để hiện thực hóa chúng còn phải trải qua cả một quá trình sáng tạo.
Đấy là chưa nói đến một số đạo diễn lớn (mà sau khi xem tác phẩm người ta gọi là bậc thầy) ra hiện trường quay với những cảm hứng mang tính trực giác trong quá trình thực hiện, không dựa vào một kịch bản phân cảnh viết sẵn. Vì ý tưởng của kịch bản văn học đã nằm trong ý nghĩ và tâm hồn của họ, và ta chỉ thấy được rõ chúng sau quá trình sáng tạo nghệ thuật của người đạo diễn khi bộ phim hoàn thành. Như vậy tài năng của người đạo diễn chỉ thể hiện được qua toàn bộ quá trình dàn dựng, cấu tứ, tạo hình, khắc họa nhân vật, thể hiện hình tượng nghệ thuật... cho đến khi hoàn thành bộ phim.
Nếu hiểu quy luật sáng tạo của đạo diễn là như vậy thì làm sao lại có thể chỉ dựa vào kịch bản phân cảnh để đánh giá một tài năng đích thực. Trong đời sống văn học nghệ thuật cũng có những người viết đề cương rất hay, song khi lên tác phẩm lại làm ta thất vọng. Cũng có họa sĩ ký họa lấy chất liệu rất tốt, nhưng để có một tác phẩm hội họa có giá trị thì còn có một khoảng cách, mà nhiều khi không thể với tới được.
Nghệ sĩ không phải là cái máy chỉ “ấn nút” là chạy
Cái khó của người làm phim lịch sử các triều đại phong kiến là phải hiểu sâu về lịch sử dân tộc. Đối với người đạo diễn còn phức tạp hơn nhiều, vì phải chuyển hóa những chữ nghĩa trên những trang kịch bản thành hình ảnh cụ thể, bối cảnh thời đại, đời sống xã hội, mối quan hệ con người, vua quan, dân chúng, cách ăn mặc, màu sắc... cho đến cử chỉ ăn nói, sinh hoạt thường ngày của người xưa, nghĩa là phải chân thật với lịch sử. Trong khi ấy các tên tuổi đạo diễn được huy động vào cuộc thi có lẽ chưa ai chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức để làm phim về đề tài lịch sử trung đại.
Như vậy họ cũng cần thời gian nghiên cứu lịch sử, thâm nhập vào sử liệu, các địa linh của các vị tiền bối, anh hùng dân tộc, các sự kiện lịch sử, các cuộc giao tranh, các kiến trúc thành quách, cung điện, làng mạc, các phương tiện chiến tranh, cách ăn mặc của vua quan, dân chúng như 6 nhà văn, nhà biên kịch đã đi thâm nhập thực tế, nghiên cứu trong 2 năm mới có được một kết quả khả quan trong cuộc thi kịch bản văn học lịch sử 2003-2004 vừa qua.
Nếu quá trình sáng tạo của người đạo diễn không diễn ra như vậy, nếu coi sứ mệnh cao quý của người nghệ sĩ như một cái máy chỉ việc “ấn nút” là chạy ngay thì vô cùng tai hại cho một công trình nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà người nghệ sĩ phải sáng tạo bằng trí tuệ và tình cảm thiêng liêng của mình.
Thời gian gấp rút lắm rồi
Một câu hỏi được đặt ra là cuộc thi viết kịch bản phân cảnh sẽ diễn ra trong thời gian bao lâu, trong khi đó số thời gian còn lại, trừ đầu trừ đuôi, chỉ còn hơn 3 năm. Người trong nghề không thể tưởng tượng nổi một bộ phim sử thi hoành tráng thời trung đại, phải tái tạo lại toàn bộ về hình ảnh cuộc sống con người thời phong kiến cách đây cả ngàn năm chỉ cần làm trên dưới 2 năm, trong khi không có trường quay, không có từ cơ sở vật chất, kinh nghiệm làm phim cho đến những người làm nghề!
Như ta đã biết, ngay cả các bộ phim thời cận đại như Hà Nội - 12 ngày đêm, Giải phóng Sài Gòn cũng phải làm mất 7 năm đến hơn 10 năm. Đã có ý kiến cho rằng bộ phim sẽ hoàn thành thôi, chỉ có điều nó sẽ giống như những bộ phim “cúng cụ” như lâu nay vẫn làm, hoặc như một bộ phim truyền hình!
Một khi đã không đặt vấn đề chất lượng bộ phim và quy trình sản xuất một cách khoa học và hợp lý, thì chỉ còn mục tiêu tranh cướp tiền đầu tư là chủ yếu, còn lại sẽ là “hạ hồi phân giải”! Các hãng phim các nước có thể có các cuộc thi kịch bản, hoặc đặt một đề tài cho một vài người viết để chọn cái nào tốt trước khi đưa vào sản xuất.
Còn chọn đạo diễn thì họ theo dõi, nghiên cứu cả quá trình sáng tạo đã được thử thách, và những thành công trong các tác phẩm của người đạo diễn để quyết định “tìm mặt gửi vàng”. Trong các hoạt động trí tuệ, đặc biệt là tài năng nghệ thuật không thể bỗng chốc xuất hiện, ăn may, mà là cả một quá trình rèn giũa, lao động sáng tạo như một cuộc hành xác, cộng với 1% năng khiếu trời cho.
Không nên làm điều mà cả thế giới điện ảnh không ai làm
Tôi nghĩ thay vì một cuộc thi viết kịch bản phân cảnh, Ban chỉ đạo nên thông qua các cố vấn chuyên môn phân tích một số phong cách tài năng của các đạo diễn Vn hiện nay để tìm ra người có khả năng thực hiện tốt kịch bản được đưa vào sản xuất.
Và nếu có tổ chức một cuộc “thi” thì Ban chỉ đạo có thể mời một số đạo diễn theo ý muốn để nghe họ trình bày ý tưởng sáng tạo, phần nào thấy được ý đồ thể hiện có giá trị nghệ thuật và hấp dẫn, trình bày các phương án thực hiện công trình, quy mô sản xuất, kể cả thời gian thực hiện, vừa đảm bảo chất lượng tác phẩm, vừa đảm bảo dịp lễ lớn- kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chúng ta không nên làm điều mà cả thế giới điện ảnh không ai làm như vậy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận