26/05/2006 03:21 GMT+7

Thi công kiểu... hành dân!

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Trẻ em nhiễm các chứng bệnh về đường hô hấp ngày càng nhiều; tai nạn liên tục xảy ra; nhiều cơ sở buôn bán, quán ăn, quán nước ế ẩm vì bụi!... Tuyến quốc lộ N1 đoạn Tịnh Biên (An Giang) - Hà Tiên (Kiên Giang) thi công theo kiểu "rùa bò" là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên.

7v8VzZ78.jpgPhóng to
Một cống ngầm ở đoạn thuộc Tân Khánh Hòa, Kiên Lương (Kiên Giang) đang làm nửa chừng rồi... để đó. Trên toàn tuyến có hàng chục cái bẫy như thế! - Ảnh: Đ.Vịnh
TT - Trẻ em nhiễm các chứng bệnh về đường hô hấp ngày càng nhiều; tai nạn liên tục xảy ra; nhiều cơ sở buôn bán, quán ăn, quán nước ế ẩm vì bụi!... Tuyến quốc lộ N1 đoạn Tịnh Biên (An Giang) - Hà Tiên (Kiên Giang) thi công theo kiểu "rùa bò" là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên.

Con đường đau khổ

Đoạn từ ngã ba Cây Bàng đến trụ sở xã Phú Lợi (chừng 15km, thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Giang) mặt đường đã rải đá suốt nhiều tháng qua nhưng chưa được thảm nhựa. Cứ mỗi lần xe qua bụi lại tung mịt mù, người đi đường phải dừng xe lấy mũ trùm mặt.

“Ngày nào đi học tụi con cũng... no bụi. Bụi còn bay lan vào tận lớp” - một tốp học sinh vừa phủi bụi vừa nói. Hai bên đường cây lá, mái tôn nhuốm màu đất. Chị Huỳnh Thị Thỏa, ấp Rạch Gỗ, than: “Hôm nào nắng gắt, ăn cơm thiếu đường phải giăng mùng. Mấy đứa nhỏ hửi bụi riết bị ho khẹc khẹc hoài”.

Từ đây qua tới Vĩnh Phú, xen những đoạn lổn nhổn đá là những đoạn chưa thi công, nhiều đoạn mới đổ lên lớp đất ruộng rồi... để đó.

Ngày nắng thì bụi cuốn mù trời, nhà dọc hai bên đường bị bụi đóng lớp lớp. Chị Trịnh Thị Hà - ấp Văn Sáp, xã Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương - thở dài: “Bụi từ mặt đường đang thi công, rồi bụi từ xe chở, đổ đất đá... Trời nắng nóng mà bụi bay cả ngày, ngột ngạt không chịu nổi!”. Và hễ mưa xuống thì mặt đường trở nên lầy lội, xe chạy bắn bùn đất tung tóe.

Riêng chặng cạnh Trường THPT Tân Khánh Hòa, chừng ba cây số, cả ngày nắng vẫn trơn lầy không thể vượt qua. Học sinh phải đi xuồng trên sông Hà Giang để tránh đoạn đường đau khổ đó.

Những đoạn đang thi công trên địa bàn tỉnh An Giang cũng tương tự, chặng thì mới đổ đất, đoạn thì rải lớp đá lởm chởm, trơn trượt. Chỉ những đống đá to giữa lòng đường, người dân ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) nói: “Nó cứ nằm ì đó. Ban đêm nhiều xe gắn máy đâm sầm vào!”. Một cán bộ y tế xã này nói: “Đường lổn ngổn đá khiến xe gắn máy dễ trượt bánh, té liền liền!".

Nhưng đáng sợ nhất là những chỗ đang làm cống ngầm. Mặt đường đào xuống tạo thành hố sâu hoặc mới đặt vài ống cống rồi... để đó.

Ông Lê Văn Chưa - ấp Phú Mỹ, Phú Lợi, Kiên Lương - hằng ngày chạy xe đạp rảo bán vé số, kể: “Không biển báo, ban đêm không gắn đèn chiếu sáng nên nhiều phương tiện đã đâm đầu xuống đấy! Chỉ có dân hai bên đường hay biết rồi giúp đỡ, đưa đi cấp cứu”. Từ Cây Bàng (Kiên Giang) qua tới Xuân Tô (An Giang) có hàng chục... cái bẫy người như thế!

“Chưa biết bao giờ hoàn thành”

Dự án mở rộng nâng cấp đường cũ thành quốc lộ N1 dài 62,7km (tổng kinh phí đầu tư 297 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ). Công trình chia thành nhiều phân đoạn với năm gói thầu về đường và năm gói thầu về cầu. Đường bắt đầu khởi công tháng 9-2004, cầu khởi công từ 6-2005. Thi công kiểu “rùa bò từng chặng” gây nắng bụi mưa lầy và tai nạn giao thông.

Lãnh đạo mấy xã nằm dọc tuyến quốc lộ N1 than: “Làm cầm chừng, lúc làm lúc nghỉ hàng tháng trời. Kiểu này không biết bao giờ mới xong. Thật là thi công kiểu... làm khổ dân!".

Khi đề cập đến tình trạng thi công chậm trễ, các đơn vị thi công cho biết do ngập lũ hằng năm và khâu vận chuyển vật tư, phương tiện rất khó khăn. Anh Ngô Quốc Dũng, Tổng công ty Thương mại & xây dựng Vietracimex đang thi công phân đoạn km177 - 189, giải thích thêm: “Đất làm nền hạ sử dụng loại đất ruộng mua của dân. Vào mùa lũ không thể đào lấy đất, mùa mưa thì khó vận chuyển. Loại đất ruộng này phải chờ phơi cho khô mới thi công được”.

Các đơn vị còn cho rằng thường xuyên thiếu nhiên liệu nên phương tiện chỉ hoạt động cầm chừng. Thiếu nhiên liệu do nhà thầu gặp khó khăn về vốn do trượt giá vật tư, đặc biệt xăng dầu và do nợ quá hạn ngân hàng thu hồi rồi không cho vay tiếp... Công tác giải phóng mặt bằng cũng quá chậm. Đến nay trên toàn tuyến vẫn còn 10km và trên 300 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Khắc Quân - phó tổng giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông 9, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư) - than: “Vô cùng khó khăn. Những khó khăn nói trên đã làm chậm tiến độ thi công dù chúng tôi đã nỗ lực. Khả năng dự án sẽ kéo dài, không biết... đến bao giờ mới hoàn thành!.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên