25/12/2007 05:14 GMT+7

Theo dòng lịch sử trên VTV2

VŨ LÂM
VŨ LÂM

TT - Game show Theo dòng lịch sử phát sóng trên VTV2 vào 18g thứ bảy và 9g30 sáng chủ nhật hằng tuần sắp tròn sáu tuổi.

85esr25O.jpgPhóng to

Khán giả trẻ tại trường quay

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Không phải là một game show "hot" về tính giải trí nhưng chương trình lại đặc biệt trong tính chất vui đùa mà nghiêm túc cung cấp tri thức; càng đặc biệt với hôm nay khi lời dặn "dân ta phải biết sử ta" đã không được truyền dạy một cách hiệu quả. Và lịch sử bi tráng của dân tộc cũng nhiều khi bị lãng quên...

Chương trình Theo dòng lịch sử (TDLS) ra đời năm 2001. Đây là trò chơi tìm hiểu về lịch sử đầu tiên của Đài truyền hình VN dành cho những người quan tâm và trân trọng những giá trị lịch sử dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung.

Format chương trình này hoàn toàn "thuần Việt", không mua bản quyền nước ngoài. Trong sáu năm vận hành, nhà đài phải bỏ tiền túi, không hề nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào, bởi vậy giải thưởng của chương trình rất "hẻo". Giải thưởng tối đa cho người thắng cuộc trong trò chơi hằng tuần lúc đầu là... 2 triệu đồng, rồi tăng lên 4 triệu đồng. Giải nhất cho cuộc thi cả năm (năm 2006) là 15 triệu. Nhìn các bạn sinh viên cầm số tiền thưởng ít ỏi hớn hở ra về sau khi quay xong, người làm chương trình thấy vui lây nhưng cũng hơi ngậm ngùi...

Tuy số tiền giải thưởng rất thấp (so với các game show đang ăn khách khác thường có giá trị rất cao, có game show lên tới 120 triệu...), nhưng TDLS luôn được giới học sinh - sinh viên ủng hộ nhiệt tình và tham gia đông đảo. Cái họ được ngay lúc ấy không phải là tiền thưởng, mà là sự vui vẻ trong quá trình học mà chơi và chắc chắn không ai là không thích sử hơn sau khi đã đến với TDLS, dù chỉ một lần...

"Ý nghĩa của việc học sử là gì? Làm sao cho học sinh quan tâm đến môn sử hơn?". Đây là câu hỏi khiến nhiều nhà giáo dục đau đầu. Đúng là để nhận thức được tầm quan trọng của những bài học về sự tồn tại trong quá khứ thì phải đến một độ tuổi nào đó. Còn để tuổi trẻ yêu sử, ham thích từ bé và từ đó dẫn đến am hiểu, không có cách nào khác là tạo điều kiện để họ được xem một "lịch sử sống động thú vị”. Từ xưa đến nay, loại lịch sử hay nhất vẫn là loại sử "truyền khẩu" kể như chơi, có nhiều "mắm muối gia vị”. Các pho sử nổi tiếng nhất của Trung Quốc đã lưu truyền dân gian rất lâu rồi mới được các nhà làm sử tập hợp lại. Trận chiến thành Troy làm sao ai biết nếu không có thi hào mù hát rong Homer!

Nhưng trong thời hiện đại, kể chuyện thì chưa đủ. Mỹ học hiện đại chỉ ra rằng muốn nạp một thông tin (trong biển thông tin ứ ự này) cho ai đó, cách tốt nhất là tạo ra một trò chơi thông tin. TDLS ra đời trên những nguyên tắc quan trọng đó nhiều hơn là ý nghĩa của một chương trình "phổ biến kiến thức" thông thường.

Có thể những điều đó lý giải tại sao một chương trình không hề có tài trợ như TDLS tồn tại đến tận bây giờ. Trong khi một game show truyền hình thế giới trung bình chỉ tồn tại 3-5 năm. Giữa một loạt game show "vui vẻ trẻ trung" xem xong rồi quên biến như hiện nay, TDLS vẫn nằm trong số ít chương trình có ý nghĩa và thật sự quan trọng.

MC Nguyên Sơn: Vui buồn cùng lịch sử nước nhà

5YjcRyWn.jpgPhóng to

MC Nguyên Sơn

Đi cùng TDLS là bốn người dẫn chương trình: Nguyên Sơn, Tuấn Anh, Diệu Hương, Như Quỳnh, trong đó có thể nói Nguyên Sơn là người dẫn chương trình lâu nhất và được khán giả yêu thích nhất.

Niềm vui mà Nguyên Sơn có được trong quá trình làm MC của TDLS là nhận được những lá thư. Có lẽ nhiều nhất là thư của Việt kiều ở nước ngoài gửi về, tuy ở xa quê hương nhưng tấm lòng yêu nước và hướng về tổ quốc luôn cháy bỏng. Cô kể có lần nhận được thư tay của một người Mỹ gốc Việt, hiện là cố vấn Mỹ tại Saudi Arabia. Trong thư, ông nói là người gốc miền Tây Nam bộ, hồi bé rất sợ môn lịch sử vì không thuộc, nên rất lơ mơ về lịch sử nước nhà. Bây giờ xem lại những chương trình TDLS, hiểu thêm về lịch sử quê hương nòi giống nên ông rất thích...

Qua những bức thư gửi về từ khắp nước và khắp các miền trên thế giới, Nguyên Sơn cảm nhận được rằng đối tượng xem chăm chú và yêu thích chương trình TDLS nhất lại là Việt kiều ở nước ngoài, sau đó mới đến học sinh - sinh viên trong nước. Thứ hai, chương trình lại được người có tuổi yêu thích nhiều hơn giới trẻ. Cô nghĩ rằng lớp người trung niên và cao tuổi đã từng trải qua nhiều mất mát và đau thương thật sự.

Họ hiểu giá trị cấu thành của con người và dân tộc VN bằng chính cuộc đời và kinh nghiệm xương máu của mình. Nên những câu chuyên sử xa xưa cũng gần gũi với họ hơn... Lớp trẻ bây giờ mới lớn lên, chưa hiểu thế nào là đau thương mất mát để có được hạnh phúc, độc lập. Các câu chuyện sử dành cho họ cũng cần phải được kể bằng cách khác, từ dễ đến khó, từ những chuyện gần cho đến chuyện xa.

Cũng bởi vậy, trong Nguyên Sơn luôn có một trạng thái xen lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn sau suốt sáu năm dài đằng đẵng đeo đuổi một chương trình. Đó là qua các cuộc thi, thấy lòng ham muốn hiểu, nhớ sử dân tộc của sinh viên, học sinh rất cao; nhưng không hiểu do cách dạy, cách soạn giáo trình dạy sử suốt từ cấp II lên đại học thế nào mà làm cho lòng yêu sử của họ cứ bị cùn nhụt đi. Cô đã gặp hàng ngàn câu trả lời... lỗ mỗ và buồn cười đến mức đáng sợ. Lịch sử cận hiện đại cũng là một mảng trống, trong khi rất nhiều sinh viên lại thuộc sử phong kiến hơn (vì đọc được nhiều cuốn sử hay hơn).

Vui là sau khi xem, chơi trong chương trình, hầu như ai cũng có thái độ quan tâm khác hẳn đối với lịch sử dân tộc. Có người trở thành "fan" của Nguyên Sơn và coi chương trình TDLS như những giờ học lịch sử thú vị. Cho nên gần như buổi quay nào họ cũng đến xem và ngồi ở hàng ghế đầu tiên, cổ vũ hết mình, nhăn nhó tức tối khi người chơi không trả lời được câu hỏi và vỗ tay thật lớn khi lại được biết thêm điều mới. Cứ vào trường quay, nhìn thấy những gương mặt quen thuộc này (khoảng 20 sinh viên đủ các trường) là Nguyên Sơn lại như có thêm sức mạnh và tự tin để dẫn tiếp chương trình.

Sáu năm đã trôi qua như thế, bền bỉ với một chương trình "khó và khô”, buồn nhất, Sơn kể, có lẽ là những hôm mở cửa đi vào trường quay chỉ thấy lèo tèo độ 20 khán giả, vỗ tay như... pháo xịt. Chương trình TDLS thường xuyên thu hút không ít học sinh - sinh viên, nhưng vì bây giờ đài nhiều game show "hot" quá, lại có mỗi trường quay S9, nên lịch quay TDLS cứ bị đẩy lên đầu tuần (là lúc các khán giả hăng hái nhất còn bận đi học). Giá như lịch quay TDLS thường được ưu tiên vào thứ bảy, chủ nhật như mấy năm đầu... Thì mơ ước vậy thôi, đi qua những lúc nản lòng, cái mà Nguyên Sơn nhận được, Sơn bảo, niềm vui vẫn nhiều hơn nỗi buồn.

Huy chương bạc cho chương trình "Hoàng Sa - Trường Sa"

gs5SlKcH.jpgPhóng to

Chuẩn bị cho các thí sinh trước giờ lên sóng

Chương trình TDLS là game show 100% "made in Việt Nam". Chương trình đã hai lần được huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc: chương trình "Lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội" (2004) và "Lịch sử Trường Sa và Hoàng Sa từ thế kỷ 17 đến nay" (2005).

Trong sáu năm, giai đoạn lịch sử được đề cập nhiều nhất là giai đoạn chống Bắc thuộc từ khi Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc đến năm 938. Có ba chương trình đề cập tới giai đoạn lịch sử này với những nhân vật, những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Phùng Hưng... Những cuộc khởi nghĩa đã nói lên tinh thần quật cường của một dân tộc không chịu làm nô lệ, quyết đứng dậy chống lại đế chế phương Bắc hùng mạnh.

Năm 2006, theo yêu cầu của khán giả, tần suất phát sóng chương trình tăng lên mỗi tuần một số (trước đây hai tuần/số). Đây là game show đầu tiên trên VTV2 được tăng số. Giải thưởng từ đó cũng tăng gấp đôi so với bình thường…

Hiện nay, nhóm biên tập của chương trình đang hoàn thiện một format TDLS hoàn toàn mới. Nét mới của format này là thông qua các câu chuyện lịch sử, chương trình sẽ đặt ra các tình huống, câu hỏi cho người chơi. Đây là hình thức làm người chơi và đặc biệt là khán giả sẽ nhớ và thuộc lịch sử hơn.

VŨ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên