Phóng to |
“Gia bảo” tộc họ
Đó là những tờ giấy cổ có niên đại hàng thế kỷ, viết bằng chữ nho đã phai màu, ghi chép chuyện thuở đầu vượt biển, lập nghiệp của 13 vị tiền hiền trên đảo. Ngoài xác lập gia phả, các cổ thư này cũng ghi chép việc làm, đối nhân xử thế của người xưa. Trong đó có cả các sắc phong, tờ lệnh của triều đình kể lại tên tuổi, hải trình, công trạng của những thủy quân trong Hải đội Hoàng Sa. Đặc biệt, ngay các linh vị, bài cúng trong các tộc họ nhiều đời ở Lý Sơn cũng chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử của tiền nhân.
Từ xưa, các tài liệu cổ này được con cháu nhiều đời truyền giữ cẩn thận trong nhà thờ tổ tiên. Và người Lý Sơn xem chúng như vật “gia bảo” linh thiêng. Cứ chu kỳ nhiều năm trong các dịp tế lễ trọng đại, họ mới mở chìa khóa hòm kín cất giữ các tờ giấy cổ này một lần, để các bậc cao niên biết chữ Nho xướng đọc lên cho con cháu ghi nhớ công đức tiền nhân. Sau đó, chúng lại được cất kỹ vào hòm kín và thờ tự trang nghiêm để đến dịp tế lễ sau mới mở lại.
Có những sự kiện kỳ lạ đã xảy ra để nhiều gia tộc truyền đời niềm tin rằng nếu việc này không được gìn giữ, thờ cúng đúng phép tắc sẽ “động” đến long mạch, hương hồn tổ tiên và có thể xảy ra chuyện không hay. Tuy nhiên hoàn cảnh chiến tranh, biến động thời cuộc, kể cả sự tắc trách của một số người bên ngoài đã làm không ít tài liệu quý báu này bị hủy hoại, thất lạc và để lại nỗi ngậm ngùi cho người sau...
TS Nguyễn Đăng Vũ kể từ những năm 1990, ông đã bị những tài liệu cổ này hút hồn khi ra đảo Lý Sơn nghiên cứu văn hóa ngư dân biển. Về sau, khi dẫn các nhà sử học ra đảo hay lang thang điền dã dài ngày một mình, ông luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu vấn đề này. Ông hiểu đó là cả một “kho tàng” đặc biệt vô giá của Lý Sơn. Những tờ giấy, nét chữ phai màu thời gian không chỉ kể chuyện đảo xưa, mà còn ẩn chứa nhiều nội dung quan trọng khác về quá trình chinh phục biển của dân tộc Việt.
Tuy nhiên, việc tiếp cận “kho tàng” cổ thư này cực kỳ khó khăn. Trước đó, một nhóm nhà nghiên cứu thuyết phục mượn một số bản gốc đưa về Hà Nội và làm thất lạc, không trả lại được cho các tộc họ Lý Sơn. Hơn 20 năm sau, dân đảo vẫn còn giữ tờ biên nhận “mượn” tài liệu, nhưng ngày chúng được hoàn chủ vẫn bặt tăm. Sau chuyện không vui này, người đảo càng gìn giữ cẩn thận các tài liệu cổ hơn, mà đặc biệt là với người ngoài.
Mặc dù cũng là người đồng quê Quảng Ngãi, nhưng TS Vũ vẫn rất khó khăn để tiếp cận các tài liệu cổ ở Lý Sơn. Mãi sau khi ông đã đi hàng chục chuyến điền dã, làm được rất nhiều việc cho đảo và thân quen đến mức có thể ăn nhờ, ngủ đậu bất cứ nhà dân Lý Sơn nào, ông mới có được niềm tin của họ.
“Đến khi được tin tưởng cho tìm hiểu nội dung các cổ thư này, tôi choáng ngợp thật sự!” - TS Vũ kể đã bàng hoàng xúc động khi được tận tay chạm vào bí ẩn của người xưa. Đặc biệt, trong “kho tàng” này, ông và các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều tài liệu, văn bản cổ quý giá khác của triều đình, chức sắc liên quan đến Lý Sơn. Đó là hàng ngàn tài liệu cổ dưới nhiều hình thức khác nhau như sắc phong, tờ lệnh, gia phả, linh vị, bài cúng, bài thơ, kể cả trong trí nhớ được nhiều người đời truyền lưu...
Bí ẩn của tiền nhân
Lang thang điền dã giải mã các tài liệu cổ ở Lý Sơn, TS Vũ có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Ông nhớ có buổi tối nhận được cuộc điện thoại mà mừng đến mất ngủ. Chuyện liên quan đến một tộc họ lớn ở Lý Sơn có nhiều tổ tiên từng tham gia Hải đội Hoàng Sa. Trong đó có những hùng binh đã được lưu danh sử sách như cai đội Phạm Quang Ảnh được triều đình cử đi Hoàng Sa từ tháng giêng năm Ất Hợi (1815) để đo đạc thủy trình, xác lập chủ quyền ở quần đảo này.
Rồi trong một lần ra đi, ông đã vĩnh viễn gửi thân cho đại dương. Biết Phạm Quang là một tộc họ lớn ở Lý Sơn, có nhiều tiền nhân và tài liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa, TS Vũ cố công tìm hiểu một thời gian dài nhưng rất khó tiếp cận được tài liệu.
Bất ngờ một buổi tối, hậu duệ tộc Phạm Quang đã gọi điện gặp TS Vũ để gửi cho ông bản sao hàng trăm tài liệu cổ của dòng họ. Người này chỉ nói: “Tôi thấy anh là người có duyên và nhiều tâm huyết với Lý Sơn nên gửi cho anh nghiên cứu. Mong anh làm hết trách nhiệm của mình”.
TS Vũ kể ông và các nhà nghiên cứu biết chữ Hán đã bỏ ngủ nhiều ngày để dịch các tài liệu quý này. Chắp nối thêm một số tài liệu khác đã giải mã được, họ xúc động phát hiện người Việt xưa không chỉ cần mẫn điền nông mà còn có tư duy tiến ra biển và thật sự giỏi nghề đi biển. Người Lý Sơn từng giong thuyền vượt ngàn hải lý vào tận miệt biển Kiên Giang, Cà Mau để trao đổi sản vật, buôn bán hàng hóa. Đặc biệt thuở đó họ chỉ có kinh nghiệm đi biển bằng những chiếc ghe buồm nhỏ bé cùng với sức chèo và lòng quả cảm...
Ngoài tài liệu họ Phạm Quang, TS Vũ còn có kỷ niệm khó quên khi giải mã bí ẩn lịch sử của tộc họ Võ Văn ở Lý Sơn. Mười năm trước, khi điền dã nghiên cứu văn hóa biển trên đảo, ông đã thắp hương trong đình thờ cụ Võ Văn Khiết và phát hiện tộc họ này có nhiều người tham gia Hải đội Hoàng Sa. Tuy nhiên, người ngoài lúc đó rất khó mở được tài liệu cổ của họ Võ.
Không hiểu điều kỳ lạ hay sự trùng hợp nào mà tộc họ này từng xảy ra mấy cái chết bất thường khi cho một nhóm nghiên cứu mở tài liệu đột xuất. Sự lạ này trùng hợp với niềm tin tộc họ truyền đời rằng chỉ 20 năm mới được mở các cổ thư của tổ tiên một lần trong lễ cúng trang nghiêm, nếu không sẽ xảy ra chuyện xấu khó lường. Thế là từ đó không người nào dám tự tiện phá lời truyền nữa.
Thuyết phục mãi vẫn không được phép giải mã ngay bí ẩn của tộc họ Võ Văn, TS Vũ đành nuối tiếc chờ 10 năm sau để đến đúng chu kỳ 20 năm. Ngày đó, chính ông đã thành kính thắp hương khấn vái trước bàn thờ tộc để xin được mở tài liệu của người đã khuất. Tuy nhiên, ông đã không hoài công khi xúc động nhìn những dòng chữ phai màu thời gian kể rằng đây là một trong những tộc họ lớn ở Lý Sơn đã hiến dâng nhiều hùng binh cho chủ quyền đất nước ở Hoàng Sa.
Trong đó có những tên tuổi đã lưu danh lịch sử như Võ Văn Phú, Võ Văn Khiết, Võ Văn Hùng... trong hải đội Hoàng Sa từ cách đây hàng thế kỷ. Đặc biệt, tài liệu cổ của tộc họ này còn kể chuyện người Lý Sơn từng nhiều phen dũng cảm đứng lên bảo vệ đảo trước kẻ cướp, như một tài liệu có ghi rõ ngày 6 tháng 10 năm Kỷ Dậu (1789), 15 chiếc tàu ô đã vào đánh phá Lý Sơn...
_____________________
Tờ lệnh triều đình nhà Nguyễn cử người đi Hoàng Sa mới phát hiện gần đây ở Lý Sơn đã được công bố như một chứng cứ lịch sử chủ quyền của VN với quần đảo này. Phía sau nó còn rất nhiều chuyện chưa hé lộ...
Kỳ tới: Chuyện chưa biết sau tờ lệnh Hoàng Sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận