03/03/2004 06:12 GMT+7

Theo chân tượng đài"Chiến thắng Điện Biên"

UYÊN LY
UYÊN LY

TT - Từ Nam Định, tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” đã được 11 chiếc xe rơmooc siêu nặng đưa về thành phố Điện Biên. Lên phà ngược sông Đà, rồi vượt đồi núi, vượt đèo Pha Đin, sau tám ngày đoàn xe đưa tượng đài đã dừng dưới chân đồi D1...Phóng viên Uyên Ly của Tuổi Trẻ, phóng viên duy nhất đã theo suốt cuộc hành trình này và gửi về bài tường thuật.

LSchSNqi.jpgPhóng to
Các thiếu nữ Điện Biên đón đoàn xe đưa tượng đài đến Điện Biên

Sáng 25-2, mưa bao phủ lòng hồ sông Đà. Trong màn nước mờ mịt, những chiếc xe tải to lớn chở từng phần của tượng đồng được phủ bởi những tấm vải đỏ sũng nước chầm chậm trôi. Trên là trời, dưới là nước, hai bên, đằng sau, đằng trước là núi, trên những chiếc sà lan chúng tôi tiến về hướng Điện Biên, còn gần 100km đường thủy nữa...

Xuất phát

Sáng 23-2, anh Nguyễn Trọng Hạnh, người được tin cậy giao vào tay việc đúc tượng đài lớn nhất VN, đã suýt bật khóc vì xúc động khi đoàn xe chở 12 phần tượng bắt đầu xuất phát từ xưởng đúc đồng Công ty Mỹ thuật trung ương tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định.

12 phần tượng với tổng trọng lượng 220 tấn nằm trên 11 chiếc xe rơmooc hiệu Cometto loại siêu trọng (xe của Công ty Vận tải II) là kết quả của đúng 150 ngày lao động bất kể giờ giấc của anh và hơn 50 công nhân trong xưởng. Trước khi đoàn xe lăn bánh, không ai bảo ai, tất cả thành phần theo đoàn vận tải đều thắp một nén nhang trước bàn thờ Bác Hồ đặt tại xưởng đúc.

7g15, tiếng còi trầm trầm phát ra từ chiếc xe tải dẫn đầu, cả đoàn xe chuyển bánh, tiến dọc theo quốc lộ 10 về Hà Nội đi Hòa Bình. Đoàn xe đi đến đâu, dân cư hai bên đường đứng xem và cổ vũ đến đó.

Ngày đầu tiên của cuộc hành trình không lấy gì làm vất vả, xe đi với tốc độ 15km trên đường bằng. Đến 8g sáng 24-2, tất cả đoàn xe đã về tới cảng Ba Cấp. Toàn bộ ngày 24-2 được dùng vào việc chuyển các xe tải xuống sáu sà lan và hai phà của Công ty Vận tải thủy I đã nằm đợi sẵn tại cảng từ ngày hôm trước.

raNpBddl.jpgPhóng to
Thuyền chở tựong trên sông Đà
Đi giữa sông nước

Kể từ 7g15 sáng 25-2, tôi bước xuống chiếc sà lan hiệu TĐ42 theo chân tượng đài khổng lồ đi dọc lòng hồ sông Đà trên một quãng đường dài 250km từ cảng Ba Cấp tới cảng Tạ Hộc, tỉnh Sơn La.

May mắn, tôi là phóng viên duy nhất theo đoàn... Sáng hôm ấy, dõi theo đoàn sà lan của chúng tôi là hàng trăm đôi mắt háo hức tò mò trên bến cảng.

Trời lạnh và mưa, đoàn chỉ di chuyển được với tốc độ trung bình 10km/giờ. 13g chiều 25-2, giám đốc cảng Ba Cấp quyết định huy động thêm một chiếc tàu đẩy hỗ trợ nhưng tình hình không mấy khả quan hơn. Khởi hành được khoảng bốn tiếng đồng hồ, tôi được mời ăn bữa trưa đầu tiên trên tàu: thịt lợn nuôi trong bản người Mường luộc lên ăn với… mì tôm và bánh mì.

17g cùng ngày, chúng tôi dừng tại trạm Vạn Yên thuộc huyện Phú Yên, xã Tân Phong, tỉnh Sơn La, hai phà đi sau cập bến sau đó một tiếng rưỡi. Một điều bất ngờ đối với cả đoàn là sự có mặt của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Thịnh Đức tại trạm. Ông đến bằng đường bộ và chờ chúng tôi đã được chừng 30 phút.

Sau khi kiểm đủ số sà lan và số phà, ông hối hả lên xe đi thị xã Sơn La là nơi chúng tôi sẽ đến đó vào ngày hôm sau. Bữa ăn giao lưu tối hôm đó với các cảnh sát đường thủy quanh vùng (đều là người Mường) là bốn mâm thịt lợn Mường đầy tú ụ trải trên lá chuối, cơm và rượu mạnh.

6g sáng hôm sau, không kịp ăn sáng, đoàn chúng tôi hối hả lên đường. Càng gần đến Sơn La dòng nước ngược càng chảy mạnh khiến tốc độ chậm lại chỉ còn khoảng 8km/giờ. Hai chiếc phà đi sau vẫn ì ạch tiến lên phía trước.

14g, cập cảng. Ra đón chúng tôi là hàng trăm người dân tộc Thái, Mường, Mông áo quần sặc sỡ vui mắt. Mệt mỏi dường như tan biến hết. Trong buổi chiều 26-2, công việc của Công ty Vận tải II chỉ là dỡ xe ra khỏi cảng, tượng đồng vẫn nằm trong những tấm vải phủ. Vậy mà vẫn có rất nhiều người đến xem, thò đầu vào bên trong những tấm vải, bình luận và cười một cách thích thú.

Khoảng 18g, tôi gặp một đôi vợ chồng người Mông đứng bên chiếc Wave Tàu rụt rè từ xa nhìn lại. Hỏi ra mới biết chồng tên Giàng A Sáng, vợ tên Thào Thị Gánh, hai người ở bản Dựng Thông, xã Mường Poong, huyện Mai Sơn, cách cảng 30km, được người hàng xóm báo tin tàu đã về cảng liền vội vàng đi xem, chỉ tiếc là biết tin muộn quá, vừa đến nơi chưa đầy 30 phút thì việc dỡ hàng đã tạm ngừng.

Đoạn đường cuối cùng

Đến đầu giờ chiều 27-2, cả đoàn mới xuất phát từ Tạ Hộc về điểm tập kết cách thị trấn Hát Lót thuộc tỉnh Sơn La khoảng vài kilômet. Quốc lộ 6 đang thi công dở dang, bụi đất dày vài chục phân quấn lấy những bánh xe vốn chỉ thích hợp với đường nhựa khiến tốc độ di chuyển của đoàn xe chở nặng vô cùng chậm chạp. Chỉ cần một đoạn dốc chừng 10 độ cũng khiến chúng tôi mất hơn một tiếng đồng hồ mới leo qua nổi.

Mãi đến tận tối mịt chúng tôi mới đến được điểm tập kết. Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã có mặt ở đây. Người dân ở Hát Lót chờ xem đoàn xe từ 8g sáng. Khoảng 23g, cả đoàn mới về tới thị xã Sơn La để sáng hôm sau khởi hành sớm. Nghĩ đến sáng hôm sau lòng tôi cứ náo nức: đoàn sẽ qua đèo Pha Đin, dù tôi biết đó là đoạn đường khó khăn nhất...

7g sáng 28-2 chúng tôi lại lên đường. Chưa đến đèo Pha Đin nhưng đoàn cũng đã phải dừng lại một vài lần để chặt bớt cành cây cản đường và thận trọng cho xe đi qua cầu Vòm (một cây cầu yếu thuộc huyện Thuận Châu vừa được gia cố).

Trước khi đi qua trung tâm huyện Thuận Châu, toàn bộ hệ thống điện đã bị ngắt và dây điện được chống bằng sào để tránh hiện tượng dẫn điện vì xe chở tượng đồng quá cao, đặc biệt là chiếc xe chở phần thân giữa có chiều cao lên tới 5,5m. Hai bên đường đi, dân cứ đổ ra đường vẫy tay chào. Ra khỏi thị trấn, xe bắt đầu chạm đến những mét đầu tiên của đèo Pha Đin. Cả đoàn dừng lại kiểm tra kỹ thuật xe, toàn bộ phanh đã được thay mới từ trước cuộc hành trình. Giám đốc Nguyễn Văn Trung ra lệnh mỗi xe đi cách nhau 500m để tránh tuột dốc.

Thực tế cho thấy đoạn đường không quá khó khăn. Những chiếc xe lần lượt lên đến đỉnh đèo một cách an toàn. Còn khoảng 80km nưa thì đến Điện Biên. Ngày 29-2 đoàn xe chỉ phải vượt chừng 40km và tới đậu tại Mường Ẳng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. 7g sáng 1-3 đoàn xuất phát.

11g30 ngày 1-3, thành phố Điện Biên đã nằm trong tầm mắt. Những chiếc xe tải lừng lững phủ vải đỏ tiến vào thành phố trong bạt ngàn cờ hoa, bị vây xung quanh bởi hàng vạn người. Chiều 1-3, cả đoàn xe tập trung dưới chân đồi D1.

Khúc tượng đầu tiên mang hình bàn chân những anh bộ đội Cụ Hồ đã được anh Nguyễn Trọng Hạnh cho dựng trên đỉnh đồi. Theo dự kiến, vào khoảng giữa tháng tư, trên đỉnh đồi D1 sẽ đứng sừng sững tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” nặng 220 tấn, cao trên 12m.

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên