25/06/2022 09:27 GMT+7

Theo chân người Nhật làm bóng bàn

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - "Các em hãy đứng trước mặt tôi và nói to mục tiêu lớn nhất của mình trong tương lai. Đừng lo lắng, đừng ngại ngùng".

Theo chân người Nhật làm bóng bàn - Ảnh 1.

HLV Murakami thị phạm cho các tay vợt nhí ở Trung tâm TDTT Hoa Lư tập luyện - Ảnh: H.Đ

Ông Murakami Yasuzaku, HLV từng dẫn dắt tuyển bóng bàn nữ quốc gia của Nhật Bản, nói với các tay vợt nhí của bóng bàn TP.HCM trong buổi giao lưu ở Trung tâm TDTT Hoa Lư (quận 1).

Nhiều năm gần đây, các tay vợt trẻ bóng bàn TP.HCM đã quen với việc được tiếp xúc với những chuyên gia và HLV nổi tiếng đến từ Nhật Bản.

Cách làm phù hợp của người Nhật

Nói đến bóng bàn là nói đến Trung Quốc. Từ việc mời chuyên gia, đi tập huấn cho đến từng động tác kỹ thuật, cách xây dựng đường hướng phát triển, bóng bàn Trung Quốc một thời là "khuôn mẫu" cho nhiều quốc gia muốn phát triển môn banh nhựa trong đó có Việt Nam.

Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, bóng bàn TP.HCM lại xác định noi theo Nhật Bản để phát triển. Nói về việc này, trưởng bộ môn bóng bàn của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM Từ Nhân Luân cho biết: "Trung Quốc luôn là cường quốc của bóng bàn.

Nhiều chuyên gia của họ khi sang mình làm việc rất có tâm, cá nhân tôi từng được HLV Ngũ Trung Vị dìu dắt. Ông ấy là một người vừa có trình độ, vừa có tâm huyết.

Nhưng Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất về bóng bàn đáng để mình học hỏi. Chẳng hạn như Thái Lan nhiều năm gần đây rất thành công nhờ học theo Thụy Điển. Cá nhân tôi thấy Việt Nam mình khó lòng theo chân Trung Quốc từ góc nhìn của thể thao học đường.

Ở Trung Quốc, các tay vợt trẻ ban ngày tập luyện, đến tối mới học. Còn ở Việt Nam hiện nay, chuyện học là trên hết với các VĐV. Cách làm thể thao học đường của người Nhật vì vậy tương đồng với mình hơn, và có rất nhiều điều để mình học hỏi".

Với sự giới thiệu của ông Tomioka Takeyoshi - một doanh nhân người Nhật sinh sống tại Việt Nam, trong khoảng vài năm trở lại đây đã nhiều lần các HLV, chuyên gia, VĐV người Nhật sang giao lưu, cọ xát với các tay vợt trẻ của TP.HCM.

Gần đây, tay vợt kỳ cựu từng giành HCB thế giới Goro Shibutani còn đến Việt Nam để tìm gặp lại "kỳ phùng địch thủ" một thời là huyền thoại Lê Văn Tiết.

Chọn con đường lâu dài

Và kế hoạch theo chân người Nhật sẽ không chỉ dừng lại ở những buổi giao lưu hay thị phạm. Hôm 23-6, HLV kỳ cựu Murakami - người hiện làm việc với tư cách một diễn giả bóng bàn nổi tiếng - đến TP.HCM để trò chuyện với các tay vợt trẻ. Trước đó 2 tuần, ông đã nhờ HLV Mihara Takehiro sang huấn luyện. Ông Takehiro cũng từng dẫn dắt đội tuyển trẻ của Nhật.

Dù thời gian không quá dài nhưng ông Từ Nhân Luân cho biết các HLV bóng bàn TP.HCM đã học hỏi được rất nhiều từ những "cao thủ" lừng danh đến từ Nhật. "Họ cho chúng tôi thấy một tác phong huấn luyện khác hẳn.

Chẳng hạn như xưa nay các HLV của mình thường áp dụng một giáo án rồi từ đó tìm ra điểm mạnh của mỗi tay vợt. Còn người Nhật làm ngược lại, họ nghiên cứu điểm mạnh của các tay vợt trẻ trước rồi đưa ra từng giáo án phù hợp. Tuy nhiên, học theo họ thì phải có sự đầu tư nhiều hơn, đòi hỏi đội ngũ HLV dày dạn và đông đảo".

Ngoài những yếu tố chuyên môn, con đường phát triển bóng bàn của người Nhật dựa nhiều trên yếu tố cộng đồng. Sau nhiều năm phát triển bóng bàn trong thể thao học đường, HLV Murakami cho biết ở Nhật hiện có 3 triệu người tập bóng bàn hàng ngày. Ở Việt Nam, con số tương tự có lẽ chỉ là 1%.

Nhiều năm gần đây, bóng bàn TP.HCM không có chuyên gia nước ngoài và cũng hiếm khi có cơ hội được đưa đi tập huấn. Nhưng với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, những tay vợt trẻ của Trung tâm TDTT Hoa Lư ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận môi trường bóng bàn tiệm cận nhất với những người Trung Quốc.

HLV Murakami: "Chúng tôi phát triển bóng bàn theo mô hình tự do"

Đây là phát biểu của HLV Murakami trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc phát triển bóng bàn ở Nhật.

* Bóng bàn Nhật Bản phải làm gì để cạnh tranh với Trung Quốc, thưa ông?

- Trước tiên chúng tôi xác định phải học hỏi từ họ. Trong 30 năm qua, tôi đã sang Trung Quốc 20 lần và tìm hiểu rất kỹ cách họ đào tạo VĐV. Dù vậy, chúng tôi vẫn có phong cách riêng biệt so với Trung Quốc. Với thể thao Trung Quốc, tất cả đều làm theo chỉ đạo từ trên xuống. Còn ở Nhật Bản, chúng tôi phát triển bóng bàn theo mô hình tự do.

* Nhật Bản đã phát triển phong trào tập luyện bóng bàn như thế nào?

- Trước tiên chúng tôi đặt bàn bóng bàn ngay từ các trường tiểu học. Có 3 môn thể thao mà VĐV đặc biệt phải được đào tạo từ khi còn rất nhỏ là bơi lội, thể dục dụng cụ và bóng bàn. Những năm gần đây, chúng tôi tiến đến việc đặt bàn bóng bàn ngay ở trường mẫu giáo để các em nhỏ chơi bóng từ khi 3 tuổi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải phát triển từ hướng xây dựng truyền thống. Liên đoàn của chúng tôi xây dựng rất nhiều giải đấu U50, U60, U70. Con cháu họ sẽ đi cổ vũ, và truyền thống cả nhà chơi bóng bàn đến từ đó.

* Ở Việt Nam, nhiều phụ huynh không cho con theo đường thể thao chuyên nghiệp, ông có gặp phải tình trạng này không?

- Đây là vấn đề mang nhiều yếu tố xã hội. Chúng tôi cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn, nhưng ngày nay bóng bàn là một công việc mang đến thu nhập ổn định.

Có ít nhất 5 tay vợt Nhật Bản thu nhập hơn 1 triệu USD/năm và khoảng 2.000 cơ sở tập luyện mang đến công ăn việc làm cho các HLV. Những người chơi bóng bàn giỏi ở Nhật được tuyển dụng vào các công ty, với công việc duy nhất là chơi bóng bàn.

Sau 19 năm, tay vợt Thái Lan vẫn nể bóng bàn Việt Nam Sau 19 năm, tay vợt Thái Lan vẫn nể bóng bàn Việt Nam

TTO - Thể thao có những "ông vua về nhì" vĩ đại, và Phakpoom Sanguansin - người thất bại ở trận chung kết bóng bàn đơn nam ở SEA Games 2003 cũng như SEA Games 31 là một nhân vật như vậy.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên