27/03/2006 13:14 GMT+7

Thêm một nhà hát kịch ra đời!

HÒA BÌNH thực hiện
HÒA BÌNH thực hiện

TTO - Hội Sân khấu VN và Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh vừa “bắt tay” nhau bằng một “hợp đồng tài trợ” trị giá 150 triệu đồng để nâng chất một sân chơi tự quản có hiệu quả của sinh viên thành một “nhà hát chuyên nghiệp”… Liệu kế hoạch này có “đi đến nơi về đến chốn”?

vq5BdhRD.jpgPhóng to
Ngọc Tưởng và Anh Thư trong vở kịch ngắn Trò chơi định mệnh
TTO - Hội Sân khấu VN và Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh vừa “bắt tay” nhau bằng một “hợp đồng tài trợ” trị giá 150 triệu đồng để nâng chất một sân chơi tự quản có hiệu quả của sinh viên thành một “nhà hát chuyên nghiệp”… Liệu kế hoạch này có “đi đến nơi về đến chốn”?

1. Một năm rưỡi trước đây, một nhóm sinh viên khoa đạo diễn - diễn viên kịch đầy nhiệt huyết đã xin gặp thẳng hiệu trưởng trình bày nguyện vọng “được tận dụng cái sân khấu (SK) nhỏ mới xây, đang bỏ trống của nhà trường làm nơi thực hành nghề nghiệp”!

Đang trăn trở làm sao nâng cao hiệu quả đào tạo mà gặp đúng một hiến kế giải quyết, vị hiệu trưởng gật đầu cái rụp. Thế là CLB SK Thế Giới Trẻ (TGT) thuộc Trường cao đẳng SK - điện ảnh thuận lợi ra đời vào ngày 3-10-2005.

Mới hơn một năm mà CLB này đã được dư luận khen ngợi, ủng hộ nhiệt tình vì giới thiệu được một số vở diễn có chất lượng như Trái Cấm, Mảnh vỡ, Ánh sáng tâm hồn… Một vài cá nhân bên ngoài cũng “ké” vào hoạt động của CLB như đạo diễn Minh Thương với Điệu nhảy cuối cùng; Nguyễn Thu Phương với Tiếng chuông chùa.

Một số gương mặt sinh viên có triển vọng như Lan Phương, Thu Trang, Hoàng Hiệp, Minh Nguyệt, Huỳnh Đông, Tăng Bảo Quyên… cũng được trình làng từ đây.

Từ vào cửa tự do, CLB bắt đầu bán vé giá 10.000 - 20.000 đồng mà vẫn có không khí ì xèo, vẫn thường xuyên sáng đèn mỗi tuần đường hoàng bên cạnh những “đại gia” Kịch IDECAF, Phú Nhuận, Sài Gòn… bằng gần chục vở diễn dài, hơn 20 tiểu phẩm ngắn.

Hạch toán theo kinh tế thị trường, lấy thu bù chi - tất cả đạo diễn, tác giả, diễn viên, hậu đài… đều có lương; tính luôn tiền điện nước… - tính ra mỗi suất diễn chỉ bù lỗ khoảng trên dưới 1 triệu đồng.

Tính tổng mức bù lỗ này theo năm chỉ khoảng vài chục triệu đồng - một sự đầu tư quá hời so với hiệu quả thu được quá lớn trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành SK và tạo được một nơi giải trí lành mạnh, phù hợp túi tiển học sinh sinh viên!

2. Từ bao lâu nay, SK luôn khủng hoảng một lực lượng kế thừa có tài năng thật sự. Những người trong cuộc giải thích nguyên nhân chính: vì sức ép của thị trường, SK chỉ dành chỗ cho những ngôi sao với những cách làm cũ mòn, bảo đảm tính ăn khách. SK thiếu trầm trọng những sân chơi dành cho những người trẻ, mới với tiêu chí hoạt động thông thoáng, thành phần tham gia không bị “chọn lọc", không bị sức ép doanh thu nên phát huy được tính sáng tạo nơi người trẻ để phát hiện nhiều gương mặt mới như sự bùng phát ở CLB SK Nhỏ 5B thời kỳ đầu.

Thực tế cho thấy và qua phát biểu của nhiều nghệ sĩ uy tín khẳng định: khi nâng tầm thành Nhà hát kịch thể nghiệm, khi chịu sự quản lý bó buộc về cơ cấu hành chính nặng nề không thích hợp, SK Nhỏ 5B đã mất dần tính năng động, sáng tạo, trở nên trì trệ và xuống dốc…

3. Được biết, vào ngày 2-4-2006, CLB SKTGT không còn nữa với sự ra mắt chính thức của Nhà hát TGT. Trên sự đồng ý của nhà trường chủ quản, ngày 5-10-2005 Hội SKVN đã ký quyết định thành lập “Đoàn Nghệ thuật thử nghiệm SK xã hội hóa” hay còn gọi là Nhà hát TGT thay thế CLB SKTGT do đạo diễn Trần Ngọc Giàu (TNG) làm giám đốc; đạo diễn Đức Hải và nghệ sĩ Hoàng Yến làm phó giám đốc.

Được biết, kinh phí năm đầu hội rót cho nhà hát là 150 triệu đồng, chủ yếu dùng để dựng một vở chính kịch Là ai - đạo diễn: TNG, tác giả: Lê Quý Hiền, diễn viên: Công Ninh, Tiết Cương, Xuân Thùy, Tăng Bảo Quyên; và một vở kịch học sinh Cô gián đen do Đức Hải đạo diễn.

Trong thời gian chờ thay đổi, các thành viên chủ chốt của CLB đã có lúc hoang mang, CLB phải dừng kế hoạch biểu diễn Tết 2006 khi mọi thứ đã sẵn sàng. Đến ngày 12-3-2006 này, CLB mới diễn trở lại, và đó là những suất diễn cuối cùng trước cái mốc ngày 2-4.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Hà Quang Văn (HQV) - hiệu trưởng Trường cao đẳng SK - điện ảnh và ông đạo diễn Trần Ngọc Giàu (TNG) - tân giám đốc Nhà hát TGT những băn khoăn quanh mô hình này:

* Xin thưa, liệu việc nâng tầm CLB TGT thành nhà hát vào thời điểm này là có thích hợp, có phát huy hơn được hiệu quả?

Q1WyMPAE.jpgPhóng to
Ông Hà Quang Văn - hiệu trưởng Trường cao đẳng SK - điện ảnh
- Ông HQV: Có sự thay đổi này là do Hội SKVN đã có kế hoạch làm thử nghiệm phương thức xã hội hóa. Có hai nơi được chọn để hợp tác và đầu tư là Nhà hát Tuổi Trẻ phía Bắc và CLB SKTGT của trường chúng tôi trong Nam. Khi nâng thành nhà hát, cái lợi là hoạt động dàn dựng, biểu diễn sẽ được thuận lợi hơn, chuyên nghiệp trong cảnh trí, phục trang, thiết kế SK vì có sự đầu tư.

- Ông TNG: Tôi nghĩ đến tính mục đích. Nhà hát TGT thành lập trong môi trường có hoạt động SK mạnh nhất cả nước. Tuy nhiên thế mạnh lại nằm ở tư nhân, do sức ép của thị trường, SK thiếu những vở mẫu mực cho SV mơ ước, Nhà hát TGT sẽ làm việc lấp đầy chỗ thiếu, tạo ra những vở diễn mang tính qui chuẩn về dàn dựng, diễn xuất, thiết kế sân khấu, cách tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp để củng cố cho SV - đây là nhiệm vụ của các thầy khi tham gia vào nhà hát.

Giữa việc dạy - học và thực tế hiện nay lại đang có khoảng cách khá xa, nhà hát định hướng tính chuyên nghiệp và thực tế bằng phương thức xã hội hóa, tham gia vào thị trường qua việc bán vé và phải bán được vé - tức sản phẩm của nhà hát vừa phải đảm bảo tính học thuật vừa phải uyển chuyển tiếp cận thị trường.

* Xin thưa, khi mất tính CLB, việc tham gia của SV chưa và đã ra trường mà chưa có nơi hoạt động vào nhà hát có còn thoáng như xưa? Và liệu tính tự do sáng tạo của những người trẻ, mới có bị bó buộc bởi cơ chế điều hành của nhà hát?

- Ông HQV: Nhà hát vẫn dành cơ chế hoạt động như lúc CLB: hỗ trợ điểm diễn, tiền bồi dưỡng khi vở cần bù lỗ. Đối tượng tham gia vào hoạt động của nhà hát chính yếu vẫn là SV. Chủ trương của chúng tôi là các em vẫn tự do sáng tạo, các thầy chỉ thêm sự chăm sóc, chỉ bảo. Ngay khi còn là CLB, sự chỉ đạo của các thầy trong từng vở diễn là đã có.

erSzIiDt.jpgPhóng to
Ông Trần Ngọc Giàu
- Ông TNG: Trong kế hoạch hoạt động, chúng tôi tính đến nguồn “vốn” kịch mục, nguồn lực diễn viên sẵn có ngay tại trường: một năm có 2-3 lớp diễn viên kịch và khoảng 10-15 SV đạo diễn SK ra trường với khoảng 10 vở diễn dài, 10 chương trình ngắn do các em dàn dựng để thi.

Nhà hát là nơi giới thiệu sản phẩm, là nơi thực tập cho SV của trường. Tuy nhiên, khi đã là nhà hát thì phải có tính chuyên nghiệp, vở diễn của SV tham gia vào đây phải đạt tính chuyên nghiệp, dĩ nhiên không phải ở mức độ hoàn hảo, chúng tôi sẽ giúp gia cố. Tiêu chuẩn đầu tiên là các bạn phải thật sự có khát vọng làm nghệ thuật khi đến với nhà hát.

* Xin hỏi, trong điều kiện nào SV được nhà hát đầu tư kinh phí, không phải bỏ tiền túi để dựng vở; có vẻ như kinh phí chỉ được dành cho các thầy cô phụ trách nhà hát làm vở mà thôi?

- Ông HQV: Chúng tôi sẽ chỉ chọn những vở có chất lượng cao của các em để đầu tư, trau chuốt thêm thôi. Điều này cũng như một phần thưởng khuyến khích các em cố gắng hơn. Đầu tư vở của SV ngay từ đầu, tiêu chuẩn đưa ra sẽ rất khe khắt, e rằng các em khó mà đạt được.

* Chuyện xã hội hóa đã được làm từ lâu tại TP.HCM, xin hỏi, tại sao bây giờ Hội SK mới thể nghiệm từ Nhà hát TGT? Trước nay dư luận kêu nhiều về việc có những nhà hát được cấp kinh phí dựng vở, song vở không có khán giả, diễn chiêu đãi vài suất rồi cất kho mà không ai chịu trách nhiệm; Nhà hát TGT tham gia xã hội hóa như thế nào?

- Ông TNG: Chuyện xã hội hóa đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi. Nhà hát được hội hỗ trợ một số kinh phí bước đầu khoảng 150 triệu để làm vốn, chúng tôi qui tụ anh em (ngoài SV, có thêm diễn viên bên ngoài được mời về cộng tác), lấy chính công sức mình làm cổ phần.

Hoạt động ra sao với số vốn được giao, ăn chia thế nào, có tồn tại được hay không đều do mình cả. Nếu làm ăn được, nhà hát sẽ tồn tại, hội sẽ xem xét kinh phí hỗ trợ phát triển cho năm sau, nếu rã đám, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trước hội, trước trường!

* Xin cảm ơn vì cuộc trao đổi!

HÒA BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên