24/06/2009 08:08 GMT+7

Thể thao mùa hè - Kỳ 1: Nhu cầu lớn, sân chơi hiếm

TR.D.
TR.D.

TT - Tuy nhu cầu của học sinh là rất lớn vào mùa hè, nhưng ở TP.HCM và Hà Nội việc tìm được một địa điểm để học và chơi thể thao thật không dễ chút nào. Vì thế, hầu hết những địa điểm tập luyện thể thao vào mùa hè đều chật kín người.

69NMHW4m.jpgPhóng to
Cô My (Hà Nội) đưa năm đứa cháu đến học karatedo tại Cung Thiếu nhi Hà Nội - Ảnh: K.X.

17g ngày 20-6, tại phòng tập thể hình Lan Anh, Q.10, TP.HCM, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là các dụng cụ tập luyện của phòng tập đều kín người sử dụng. Người này vừa tập xong liền có người khác thế chỗ.

Dù lệ phí sinh hoạt không rẻ nhưng Lan Anh luôn có đông người tập. Một chiếc thẻ tập suốt (người tập được vào bất cứ giờ nào) giá 750.000 đồng/tháng. Riêng thẻ tập buổi sáng (vào trước 13g) giá 520.000 đồng. Còn vé lẻ (vào tập một lần) cũng có hai giá là 45.000 đồng và 60.000 đồng. Một người tập ở đây cho biết: “Tôi thích chơi đá bóng, nhưng việc thuê sân và tìm kiếm bạn cùng chơi quá khó nên phải từ bỏ sở thích của mình. Tôi mua thẻ tập suốt ở Lan Anh để hễ rảnh giờ nào là vào tập giờ đó”.

Không chỉ Lan Anh, hầu hết những điểm vui chơi thể thao khác ở TP.HCM cũng đông người tham dự. Trưa 23-6, có mặt tại hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3), chúng tôi chứng kiến hình ảnh khá nhiều ông bố, bà mẹ đội cái nắng gắt buổi trưa để kịp đưa con mình đến học bơi. Ông Ngô Hữu Nhị - trưởng văn phòng luật sư Thiên Ân (Q.10) - đưa con trai 8 tuổi đến đây học cho biết: “Phải tranh thủ buổi trưa bởi những giờ khác ở đây không còn suất...”.

Theo ông Trần Đình Dũng - phó chủ nhiệm hồ bơi Kỳ Đồng, vào dịp hè trung bình mỗi ngày hồ bơi Kỳ Đồng có khoảng 1.000 người đến tập luyện, trong đó chủ yếu là trẻ em. Cá biệt vào những ngày thứ bảy, chủ nhật số lượng tăng hơn nhiều. Được xem là một trong những nơi dạy bơi hiệu quả nhất tại TP.HCM, do đó CLB Kỳ Đồng cũng quá tải vào những giờ cao điểm. Hiện nay nơi này chỉ nhận dạy bơi cho học viên trong thời gian 11g-13g - thời điểm oái oăm cho các bậc phụ huynh trong việc đưa đón con.

Còn tại hồ bơi Yết Kiêu (Q.1, TP.HCM), có người từ Đồng Nai cũng đưa “quý tử” của mình đến theo học như trường hợp của ông Lê Văn Hải. Ông Hải cho biết qua báo chí được biết Yết Kiêu là cái nôi đào tạo VĐV hàng đầu của TP.HCM, do đó khi biết nơi này có mở lớp dạy bơi vào dịp hè liền tranh thủ đưa con xuống học với hi vọng con mình sẽ phát triển năng khiếu.

Một số điểm sinh hoạt thể thao miễn phí khác ở TP.HCM cũng luôn kín người. Chẳng hạn tại công viên Tao Đàn (Q.1), từ tờ mờ sáng đã có hàng trăm người đến chạy bộ, tập dưỡng sinh, chơi cầu lông, đá cầu... Buổi chiều càng đông người đến sinh hoạt hơn. Nhiều lúc nhân viên ở bãi giữ xe phải từ chối nhận giữ xe của người tập vì bãi không còn chỗ trống.

Hà Nội: chen chân cho con chơi thể thao

b2qkKEz6.jpgPhóng to
Một nhóm em nhỏ học bơi tại CLB Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM - Ảnh: TR.D.
Thiếu trầm trọng cơ sở vật chất TDTT tại TP.HCM

Ông Nguyễn Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM, người phụ trách mảng thể thao quần chúng TP.HCM - cho biết tại TP hiện nay số lượng các quận, huyện có cơ sở vật chất phục vụ thể thao đạt chuẩn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí một số quận huyện ngoại thành chẳng có cơ sở nào để người dân đến tập luyện.

Để khắc phục tình trạng quá tải ở các địa điểm tập luyện vào dịp hè, ông Hùng cho rằng trong tình hình hiện nay chỉ còn cách phân bố giờ giấc sao cho hợp lý, chứ không thể kêu gào Nhà nước đầu tư bởi thiếu thì ở đâu cũng thiếu!

Những ngày này thời tiết Hà Nội nóng như đổ lửa 38-39OC. Các bể bơi luôn chật kín người đến để giải cơn nóng bức. Trong khi đó, tại các trung tâm thể thao như Trường thể thao 10-10 (phố Giảng Võ, Q.Ba Đình), Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, nhà văn hóa các quận... hàng trăm phụ huynh vẫn miệt mài đăng ký cho con mình học thể thao hè. Cảnh quá tải đã trở thành chuyện như cơm bữa ở những trung tâm này.

Trường thể thao 10-10 là trường đào tạo thể thao lớn nhất của Hà Nội. Ở đây, các em được học các môn thể thao như bơi lội, bóng bàn, bóng đá, cờ vua... với giá rất “mềm”. Đây cũng là một trong những cái nôi của thể thao Hà Nội trong việc tìm kiếm và phát hiện tài năng.

Tuy nhiên, để có một suất cho con em học thể thao tại Trường 10-10 vào dịp hè không phải là chuyện đơn giản, nhất là đối với những môn hấp dẫn như bơi lội, cầu lông hay bóng bàn. Cứ mỗi năm vào giữa tháng 5, khi Trường thể thao 10-10 tuyển sinh các lớp thể thao mùa hè là các bậc phụ huynh phải một phen toát mồ hôi đăng ký cho con em theo học.

Ông Trịnh Hữu Nghị, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Riêng trong ba tháng hè trường tuyển khoảng 6.000 học sinh đến học các môn cờ vua, bơi lội, bóng đá, bóng bàn... Số lượng đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2009 số lượng đã tăng 15-20% so với năm 2008. Do đó dù cố gắng đến mấy thì trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng chỉ có vậy nên ở một số môn như bơi lội trường không thể nhận thêm học sinh do quá tải”.

Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những nơi lý tưởng để các bậc phụ huynh chọn lựa cho con đi học thể thao dịp hè. Hè năm 2009, khoa thể dục thể thao của Cung thiếu nhi tổ chức dạy 14 môn thể thao: taekwondo, karatedo, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi... Giá một khóa học ba tháng với tuần/hai buổi các môn này là 390.000 đồng với sĩ số 10-30 em/lớp. Năm nay, Cung thiếu nhi tổ chức thêm ba môn võ mới: vovinam, aikido, wushu và cờ vua trên máy tính với lượng học viên đăng ký cũng rất đông.

Ông Trần Đức Hòa, phó giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội, cho biết: “Cung thiếu nhi cũng thường xuyên diễn ra hiện tượng quá tải do nhu cầu của người dân luôn tăng trong khi cơ sở chỉ có vậy. Do đó, ở những bộ môn như: bóng bàn, cờ vua, cầu lông... hè năm nay chúng tôi phải từ chối nhiều phụ huynh vì không còn chỗ. Còn ở một số bộ môn khác, sự quá tải chỉ xảy ra ở một số giờ “vàng” (từ 15g-18g), do đây là thời điểm thuận lợi để các bậc phụ huynh đưa con mình đi tập thể thao.

TR.D.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên