Nằm trên một doi đất rộng ven bờ biển phía Bắc, cách trung tâm thành phố Pattaya chừng 3km, tòa lâu đài Prasat Sajjatham (The Sanctuary of Truth) là một tuyệt tác của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc truyền thống Thái Lan, đồng thời còn là một minh chứng cho năng lực sáng tạo nghệ thuật hiện đại ở đất nước này.
Cõi tâm linh của nhà tỉ phú
![]() |
![]() |
Toàn cảnh tòa nhà The Sanctuary of Truth | Những ô cửa sổ luôn rộng mở |
Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1981 theo ý tưởng của tỉ phú Lek Viryapan - chủ một tập đoàn bảo hiểm lớn của Thái, người đặc biệt yêu thích nghệ thuật, mê đồ cổ và sùng bái các giá trị tâm linh. Ông cũng là người tạo nên Thành phố cổ nổi tiếng ở Bangkok - một công trình nghệ thuật được ví như “nước Thái thu nhỏ”, tái hiện đầy đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của quốc gia này.
Người Thái Lan sùng kính đức Phật và các vị vua như những thần linh bất diệt, sẵn sàng cúng chùa miếng đất trị giá hàng trăm triệu baht mà chẳng chút ngần ngại. Có hiểu được điều đó, ta mới thấy chuyện xây dựng lên The Sanctuary of Truth không phải là một ý định “chơi ngông”, mà là một cuộc dạo chơi trên mảnh đất nghệ thuật, một cõi tâm linh thật sự riêng tư của người chủ nhân này.
Ban đầu, từ một cấu trúc thô không hơn không kém, dần dà tòa nhà được đắp thêm những bản chạm khắc gỗ một cách ngẫu hứng và theo gu mỹ thuật riêng của chủ nhân. Lek Viryapan từng đi rất nhiều nơi, thu thập về vô số kiểu mẫu và bản chạm khắc gỗ cổ để bổ sung vào kiến trúc của ngôi nhà. Có khi những bản khắc gỗ công phu đã được lắp lên lại bị gỡ xuống vì ông thấy thiếu sự hài hòa hay chưa đạt độ tinh xảo cần thiết. Đó là lý do giải thích vì sao tòa nhà 25 năm tuổi này đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Không gian của gỗ
![]() |
![]() |
Những nét chạm trổ tinh vi trên gỗ |
Từ ngoài khơi nhìn vào, công trình có dáng dấp như một chiếc thuyền buồm khổng lồ đang căng gió. Cao 105m, diện tích sử dụng rộng 2.115m2 (trong khu vực có tổng diện tích khoảng 12,8 ha), tòa nhà có chín tầng mái cong hình cánh chim theo kiến trúc cung điện xưa của triều đại thứ hai (Ayutthaya), được đỡ lấy bằng 170 cột gỗ có đường kính bằng vòng tay hai người ôm.
Nó dễ làm du khách liên tưởng đến ngôi đền Bantey Srei trong quần thể Angkor (Campuchia) về nghệ thuật điêu khắc, chỉ khác là một nơi dùng đá, một nơi dùng gỗ lim. Điểm độc đáo khác là công trình không sử dụng đinh. Các bộ phận được kết nối bằng những chiếc nêm gỗ được chế tác thủ công. Theo ước tính, ngôi nhà gỗ này đã nặng trên 10.000 tấn, bởi thế nên các cột móng của tòa nhà được đặt sâu tới bảy, tám mét (chỉ khi chạm đến lớp đá ngầm mới dừng).
Nhìn tổng thể, tòa lâu đài dường như tuân thủ kiến trúc truyền thống Thái Lan với lối kết cấu chatura hình chữ thập, chiều dài mỗi cạnh khoảng 100m. Nhưng nếu ngắm kỹ các chi tiết điêu khắc gỗ thì đây là nét tổng hòa của các nền nghệ thuật phương Đông.
Sự phóng tác thể hiện ở chỗ mỗi phương được thiết kế theo một kiểu kiến trúc: nếu mặt chính mang đậm phong cách Thái thì ba hướng còn lại mang một chút hoành tráng của Angkor Wat (Campuchia), chút mềm mại của chùa Trung Hoa và chút huyền bí của đền đài Ấn Độ. Sự hòa trộn ấy khiến cho mỗi góc, mỗi cạnh của tòa nhà đều toát lên một dáng hình phương Đông, mới lạ mà dường như vẫn thấy quen thuộc lắm.
![]() |
![]() |
Những sắc màu gỗ trong nắng |
Trong công trình kiến trúc hoành tráng này, chắc phải có đến hàng ngàn bức tượng, phù điêu bằng gỗ. Những nét chạm trổ chủ yếu dựa trên nghệ thuật truyền thống có từ thế kỷ XVII. Đảm nhiệm việc tạo tác là một xưởng điêu khắc với 250 người thợ quy tụ từ nhiều miền, trong đó đa phần là các nghệ nhân đến từ miền Bắc Thái Lan, nơi có nghệ thuật chạm khắc phát triển cao và đạt đến độ tinh xảo hoàn mỹ.
Suốt 25 năm qua, họ ngày đêm miệt mài đục, đẽo vô vàn bức tượng, phù điêu, từ những bức tượng cỡ người thật đến những vũ công bé xíu bằng ngón tay để ốp dọc suốt từ chân tới đỉnh các bức vách và cột trong tòa nhà.
Từng món chạm trổ xong cũng không cần đánh bóng, tô sơn mà để nguyên cho đúng chất “mộc”. Tòa nhà có đến hàng chục cửa sổ lớn nhỏ, nhưng tất cả đều không có cánh, một mặt là để thông thoáng gió trời, tránh ẩm mốc, mặt khác là để luôn đón nhận được ánh sáng mặt trời. Trong không gian tràn ngập nắng, mỗi hình ảnh trên từng thớ gỗ như mang một sắc màu riêng rất lạ và đẹp.
Khi nghệ thuật găn liền với đức tin
Theo lời giới thiệu của các hướng dẫn viên tòa nhà, việc sử dụng chỉ độc nhất chất liệu gỗ để thể hiện công trình kiến trúc này là do nhiều nguyên nhân.
Gỗ là vật liệu quen thuộc, gắn liền với nhiều công trình kiến trúc tại Thái Lan. Sử dụng gỗ là một cách để giữ gìn và phát huy truyền thống của người Thái. Sử dụng gỗ còn là muốn thể hiện, phản ánh quan điểm đậm chất nguyên sơ theo tư duy và triết lý cổ điển phương Đông. Bởi vậy, phần “nội dung” thể hiện ở nơi này đều xoay quanh thuyết luân hồi, thuyết nhân quả, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, thiện-ác và những đức tin từ cõi tâm linh.
![]() |
![]() |
Những nét chạm trổ tinh vi trên gỗ |
Các nghệ nhân vẫn miệt mài làm việc |
Nổi bật phía ngoài tòa nhà là bốn gương mặt Brahma - một trong ba vị thần lớn trong đạo Hindu - đang mỉm cười hiền hòa. Trên bốn đỉnh chóp, một thế giới lý tưởng theo quan điểm triết học phương Đông được vẽ lên bằng bốn bức chạm công phu. Đó là thiên đàng muôn vàn hoa lá, những gương mặt cười, thánh thiện, bên cạnh vị thiên thần tay cầm quyển sách biểu trưng cho trí tuệ và hình ảnh cánh chim bồ câu hòa bình.
Đi suốt dọc chiều dài ngôi nhà, du khách còn như được xem một màn kịch bằng tranh gỗ với bảy cảnh khác nhau, từ cuộc chiến giữa thiện và ác, sự vận hành của các hành tinh trong hệ mặt trời, các đấng thần linh cho đến sự hòa hợp của bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa để tạo nên thế giới muôn loài... Trong vở diễn ấy, phần lớn các cảnh trí được trích đoạn từ Mahabhata và Ramayana - hai thiên sử thi vĩ đại nhất của nền văn hóa phương Đông.
Có thể thấy, mỗi niềm tin tôn giáo, mỗi triết lý sống được đề cập đến ở đây bằng nhiều khía cạnh, hình cảnh khác nhau. Dù muốn dù không, khi đã đặt chân vào “ngôi đền chân lý” này, du khách cũng bỗng dưng phải lắng lòng mình, để suy nghĩ về những câu hỏi đậm phần tâm linh trong cuộc sống. Thế nên hình ảnh thường thấy khi đến tham quan nơi này là những con người đang mải miết ngắm nhìn, ghi chép trong yên lặng.
![]() |
Nét kiến trúc độc đáo của tòa nhà khiến nhiều du khách say mê |
Dù vẫn còn ngổn ngang, The Sanctuary of Truth đã trở thành một điểm dừng chân mới mẻ và độc đáo trong các tour đến Pattaya từ ba năm trước. Có lẽ vì xem trọng yếu tố tâm linh, ông Lek Viryapan đã biến tòa nhà thành nơi để chiêm ngưỡng và thờ phụng, không để ở mà cũng chẳng nặng về kinh doanh. Giá vé vào tham quan là 500 baht/người (khoảng 12 USD), tuy không rẻ nhưng toàn bộ số tiền thu được nghe đâu chưa đủ để trả lương cho nhân viên, nhân công hàng tháng!
Lê la khám phá hết mọi ngóc ngách trong The Sanctuary of Truth đến hơn nửa ngày, có hai câu hỏi mà đoàn du khách chúng tôi không thể nào trả lời được. Một là nếu phải đong đếm thì giá trị của “ngôi đền chân lý” này thì thật khó để trả lời, mà nếu được, câu trả lời cũng chỉ có thể là “vô giá”, bởi nơi đây được ví như một bộ sưu tập đồ cổ từ khắp nơi trên thế giới.
Một không gian tâm linh với vô số báu vật cổ từ nhiều nền văn hóa khác nhau, hòa trộn với nét điêu khắc tinh vi đã tự thân tạo nên một thứ nghệ thuật rất riêng. Hai là khi nào tòa nhà có thể hoàn thành? Có thể là “không bao giờ”, bởi đức tin và sức sáng tạo của con người không bao giờ có giới hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận