11/03/2005 05:02 GMT+7

Thế hệ F1, F2 và "VN của mama"

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Không gầy gò như bố mẹ hồi mới qua Nga, không khổ cực như những người đi trước, thế hệ F1, F2 của người Việt tại Nga đang được hưởng những điều kiện tốt nhất để phát triển thể chất và trí tuệ. Nhưng một số lớn trong họ đang bị mất dần gốc Việt. Họ ăn thức ăn Nga, nói tiếng Nga và bịt mũi khi cha mẹ ăn... mắm tôm!

mvMWt5NL.jpgPhóng to
Bé Toma đi học với "bà Tây"
TT - Không gầy gò như bố mẹ hồi mới qua Nga, không khổ cực như những người đi trước, thế hệ F1, F2 của người Việt tại Nga đang được hưởng những điều kiện tốt nhất để phát triển thể chất và trí tuệ. Nhưng một số lớn trong họ đang bị mất dần gốc Việt. Họ ăn thức ăn Nga, nói tiếng Nga và bịt mũi khi cha mẹ ăn... mắm tôm!

F1, nửa Tây nửa ta

Maika năm nay vừa tròn 12 tuổi, thuộc thế hệ thứ hai ở Nga. Hiện em đang học lớp 6 tại một trường phổ thông trên đường Dakuchaev. Maika là một trong những đứa trẻ người Việt may mắn ở Nga, nghĩa là em không phải ở nhà “bà Tây” như những em khác.

“Bà Tây” là cái tên chung cho tất cả những người Nga làm việc nuôi, dạy và dẫn trẻ em người Việt tới trường, mà phần lớn là những bà già đã về hưu. Ở đây, do bận bịu công việc tối ngày và để tiện cho con cái trong quá trình giao tiếp bằng tiếng Nga, các bậc phụ huynh thường chọn phương pháp gửi con tại nhà một gia đình người Nga nào đó.

Họ chỉ có chút ít thời gian đến thăm con vào cuối tuần, đôi lúc không đến được thì điện thoại nhờ “bà Tây” dẫn bé về nhà vài tiếng cho đỡ nhớ...! Toma là một trường hợp như vậy, khi vừa 10 tháng tuổi đã được ba mẹ gửi cho “bà Tây”. Chi phí để gửi một đứa trẻ như thế vào khoảng 150-200 USD tiền công, cộng với các khoản tiền ăn uống của bé. Nếu tính sơ sơ, mỗi đứa trẻ như thế hằng tháng bố mẹ phải chi ra khoảng 500 USD.

Bố mẹ của Maika tuy bận rộn nhưng do không kìm được nỗi nhớ con nên đã đưa bé về nhà cho một oshin người Việt chăm sóc sau khi gửi thử cho “bà Tây” vài tháng. Chị Hoa, mẹ của Maika, tâm sự: “Gửi bé cho “bà Tây” rồi nhưng do nhớ con quá, tôi và ba cháu cứ đi tới đi lui thăm hoài, tốn thời gian hơn cả để bé ở nhà nữa... Chính vì thế chúng tôi quyết định đưa bé về nhà để tự chăm sóc”.

Còn chị Vân, mẹ của Toma, thì nói trong nước mắt: “Vì bận quá nên phải gửi con chứ nhớ lắm. Nhất là khi chúng tôi đến thăm bé, vì ít gần gũi nên cháu cứ dửng dưng như người ngoài, thấy mà thắt cả ruột!”.

Bé Maika sau khi được đưa về nhà cho người Việt chăm sóc, khoảng hơn một tuổi lại được gửi đi nhà trẻ để học tiếng Nga. Ban ngày ở nhà trẻ Maika nói tiếng Nga với bạn, đêm về lại trọ trẹ tiếng Việt với cha. Đến tuổi tới trường, bố mẹ Maika lại phải mướn một “bà Tây” dạy kèm.

Nhờ thế mà Maika nói tiếng Nga khá chuẩn, thậm chí môn tiếng Nga của bé còn được đánh giá cao hơn cả những em người Nga chính cống! Còn tiếng Việt, Maika chỉ biết nói, viết và đọc thì cứ như mấy ông Tây viết tiếng ta. Một lần thấy em ngồi chat với bạn người Việt trên mạng, tôi hỏi: “Em có biết tiếng Việt đâu mà chat?”. Em cười rồi trả lời rất hồn nhiên: “Chat thì đâu có dấu, dễ ợt...!”.

Thì ra cái dấu của tiếng Việt là điều đáng sợ nhất đối với các em. Về cách diễn đạt tiếng Việt của các em cũng đã bị Nga hóa. Tôi còn nhớ câu chuyện Maika về thăm nội vào năm ngoái. Khi về VN, thấy nội ăn trầu em hồn nhiên hỏi trước mặt bà: “Bố ơi, chúng nó ăn cái gì mà bẩn thế?”. Ông bố và mọi người không nhịn được cười nhưng riêng nội thì giận cháu mất một tuần...

Thế hệ F1 phần lớn được sinh ra ở Nga, nhưng cũng có số ít được mẹ về VN sinh rồi để lại cho ông bà chăm sóc. Khi bé được vài tuổi bố mẹ lại đón trở lại Nga để học hành. Tội nhất là những bé như thế, phải mất thời gian đầu để học tiếng và làm quen với môi trường mới.

Tuấn là một trường hợp như vậy, bố mẹ đi làm tối ngày, em cứ lầm lũi ở nhà một mình, lâu ngày em trở nên trầm tính. Hoảng quá, anh Tiến - bố cháu - phải gửi đi nhà “bà Tây”. Nhưng thằng bé không chịu, cứ khóc oai oái... Hay như trường hợp bé Linh, do phải chuyển đi chuyển lại nhiều lần từ Việt qua Nga nên tiếng Việt cũng như tiếng Nga bé đều yếu. Nguy hiểm hơn, bé còn có dấu hiệu bị rối loạn ngôn ngữ...!

F2, Tây nhiều hơn... ta

Bố mẹ của Anton được sinh ra tại Nga và học hành ở Nga. Anton cũng chào đời ngay ở xứ sở giá lạnh này... Khác với thế hệ F1, thế hệ F2 tại Nga thường được đặt một cái tên hoàn toàn Nga. Anton, Nela, Misha, Natasha... là những cái tên do bố mẹ đặt cho các bé người Việt thuộc thế hệ thứ ba. Có một trường hợp khác cũng thường được đặt bởi cái tên rất Nga, đó là những đứa con được sinh ra bởi hai dòng máu Việt - Nga!

Thế hệ thứ ba hiện ở Nga chưa nhiều, nhưng vài năm nữa chắc chắn sẽ tăng lên rất nhanh. Nếu như thế hệ F1 ở nhà thường nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt thì thế hệ F2 lại chủ yếu nói bằng tiếng Nga. Đơn giản, bởi bố mẹ các cháu thường giỏi tiếng Nga hơn tiếng Việt, hay họ chọn tiếng Nga để nói với các bé cho đỡ phải giải thích lôi thôi! Anton chẳng bao giờ ăn thức ăn Việt. Em cứ nhăn mặt như “khỉ ăn ruốc” mỗi khi nhà xào nấu những món ăn VN. Nhiều khi do chiều con, bố mẹ em cũng ăn luôn thức ăn Nga, hay tranh thủ khi em tới trường mới nấu nướng.

Natasha lại là một trường hợp khác, ông ngoại của cháu là người Việt, bà ngoại là người Nga. Mẹ cháu là người lai, bố cháu lại là người Nga... Chính vì thế cháu chẳng biết một chút gì về VN cả. Trong một chuyến từ Pskov lên Matxcơva chơi em mới có dịp đắm mình trong cộng đồng người Việt. Nhưng đối với em, chẳng bao giờ em ý thức được rằng trong mình cũng đang mang dòng máu Việt.

Tuy nhiên em vẫn thân thiện và nói chuyện với người Việt, và sau một thời gian ở Matxcơva em đã học được vài câu tiếng Việt qua bạn bè cùng trang lứa là người Việt. Còn Misha, anh ruột của Natasha, lại rất ngại giao tiếp với người Việt. Mỗi khi có người Việt tới nhà là em bỏ đi chơi hay vào phòng riêng chốt cửa liền...

Nếu như thế hệ F1 vài năm lại được bố mẹ cho về VN thăm ông bà và họ hàng thì phần lớn các em thuộc thế hệ F2 rất ít được hưởng quyền nhìn thấy quê hương! Dòng họ, quê hương... đối với các em là một cái gì đó rất mơ hồ. Thi thoảng các em mới được nghe những câu chuyện về VN qua lời kể mà thôi.

Tôi còn nhớ một lần kênh truyền hình NTV của Nga chiếu cảnh về VN, Anton nhanh nhảu xuống bếp gọi mẹ: “Mama (mẹ) ơi, tivi chiếu cảnh VN của mama kìa!”. Thế đấy, đối với các em thì VN là của mama, của papa (bố) chứ không phải của các em.

Hãy giữ lấy mầm Việt

Phần lớn những đứa trẻ người Việt sinh ra ở Nga đều được bố mẹ tạo mọi điều kiện về sinh hoạt và học hành. Chính vì thế số đông các em có một thể chất tương đối tốt, cộng thêm đó các em được thừa hưởng nền giáo dục Nga nên chắc rằng các em sẽ là một thế hệ đầy triển vọng.

Một lần chuyện trò với một cô giáo đang dạy ở trường Maika đang theo học (cũng là trường có nhiều học sinh Việt tới học), tôi được bà cho biết: “Người Việt các bạn chú trọng chuyện học hành của con cái hơn người Nga chúng tôi nhiều. Và tụi nhỏ các bạn học khá lắm, tôi rất yêu chúng!”. Và không chỉ bà, nhiều người Nga khác cũng có nhận xét tương tự.

Nếu như những người Nga chỉ sống bằng đồng lương công chức thì việc đưa con ra một nước khác để du học là điều vượt quá tầm tay. Nhưng đối với những người Việt, một số không nhỏ trong cộng đồng sẵn sàng đầu tư cho con cái đi du học ở Úc, Anh, Canada, Pháp... Đấy là những nguồn chất xám mà chúng ta cần biết trân trọng và chào đón trong tương lai.

Nhưng ở Nga hiện nay, chỉ những em sống chung với gia đình tại các khu tập trung nhiều người Việt mới có điều kiện sinh hoạt xã hội với các tổ chức như Đoàn do đại sứ quán tổ chức. Còn một số khác do điều kiện phải sống với “bà Tây” hay phải sống ở xa Matxcơva thì rất ít được tham gia các hoạt động của cộng đồng.

Hiện dân số Nga đang già đi, lực lượng trẻ của Nga đang ít dần, nếu như chúng ta không tìm phương cách liên kết các em như là một bộ phận của dân tộc thì có lẽ một thời gian không xa nữa người Nga sẽ thu nạp các em vào cộng đồng của họ.

Trên bước đường phát triển kinh tế thị trường của chúng ta, thế hệ trẻ người Việt ở Nga sẽ là chiếc cầu nối hữu hiệu cho quá trình giao lưu văn hóa cũng như giao thương giữa hai nước trong tương lai! Thực tế hơn chút nữa, thế hệ ấy với những tiềm năng được thừa hưởng từ cha mẹ mình, chính họ sẽ là một nguồn vốn cần thiết cho đất nước nếu như chúng ta biết khai thác.

Rời nước Nga lạnh giá, trong tôi không khỏi ước ao một ngôi trường VN đầy nức những tiếng cười trẻ thơ cho cộng đồng người Việt ở Matxcơva... Tôi tin điều đó, một ngày không xa!

-------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 3: Người Việt làm giàu cho Trung Quốc. Tại sao?- Kỳ 2: Những điều tôi thấy, mà đau...- Kỳ 1: Đường bay Hà Nội - Matxcơva

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên