Bài báo năm 2015 của CNN cho biết theo số liệu của WHO, hằng năm có khoảng 1 triệu người chết vì dùng phải thuốc giả. Cũng theo số liệu của WHO, thị trường thuốc giả trong năm 2012 đã đạt lợi nhuận 431 tỉ USD, chủ yếu sản xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo BBC, năm 2016, mỗi năm tại châu Phi có 120.000 người chết vì thuốc chống sốt rét giả. Loại thuốc này hoặc kém chất lượng hoặc không có chứa chất chữa bệnh. Khoảng 2/3 thuốc sốt rét ở khu vực Hạ Sahara ở châu Phi là giả.

Thế giới từng chấn động những vụ thuốc giả nào? - Ảnh 1.

Tại châu Phi, thuốc được bày bán trên sạp trong chợ, giữa muôn vàn mặt hàng khác - Ảnh: AFP

BBC cho biết thuốc kém chất lượng thậm chí cũng nguy hiểm ‘chết người’ bởi nếu 1 viên thuốc không chứa đúng lượng thuốc quy định sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, đặc biệt đối với những loại bệnh như sốt rét hoặc viêm phổi.

WHO ước tính khoảng 10% lượng thuốc lưu hành trên thế giới là giả, trong đó dao động ở múc 30-40% ở những nước đang phát triển và khoảng vài phần trăm ở những nước phát triển. Tuy nhiên, lượng thuốc giả ở các nước phát triển cũng đang tăng lên.

Nghiên cứu tại Anh và Mỹ cho thấy 90% lượng thuốc mua trực tuyến có xuất xứ khác với quảng cáo trên mạng và thường số thuốc này được nhập từ những quốc gia có hệ thống kiểm định chất lượng thuốc lỏng lẻo.

Thế giới từng chấn động những vụ thuốc giả nào? - Ảnh 2.

Bảng hiệu cam kết không bán thuốc giả tại Macau, Trung Quốc - Ảnh: WIRED


2007

Cấp phép sai, quan chức Trung Quốc bị tử hình

Tháng 5-2007, dư luận Trung Quốc và thế giới chấn động khi Zheng Xiaoyu, 62 tuổi cựu Cục trưởng Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia bị tuyên án tử hình. Ông Zheng kháng án bất thành và bị hành quyết trong tháng 7-2007.

Án tử hình Zheng Xiaoyu gây xôn xao vì đó là lần đầu tiên kể từ năm 2000, Trung Quốc mới lại tử hình một quan chức cấp cao như vậy và trong lịch sử, đây mới là án tử thứ tư dành cho một quan chức ở cấp này.

Zheng Xiaoyu bị tuyên án tử vì nhận hối lộ để cấp phép cho một loại kháng sinh được cho là nguyên nhân làm 10 người chết và cấp phép cho nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn khác.

Zheng Xiaoyu giữ chức Trưởng Cục quản lý thuốc quốc gia từ 1994-1998; Trưởng Cục quản lý dược phẩm quốc gia 1998-2003 và Trưởng Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia 2003-2005.

Tân Hoa Xã trích cáo trạng xử Zheng Xiaoyu: "Hành vi của bị cáo giúp cấp phép cho nhiều loại thuốc đáng lẽ bị cấm hoặc rút khỏi thị trường, trong số này có sáu loại thuốc giả".

Thế giới từng chấn động những vụ thuốc giả nào? - Ảnh 6.

Zheng Xiaoyu bị tuyên án tử vào tháng 5-2007 - Ảnh: CHINA DAILY

2012

Hơn 100 người chết vì thuốc giả ở Pakistan

BBC cho biết tháng 1-2012, tại Pakistan hơn 100 người chết và 250 người phải nhập viện vì dùng thuốc tim giả. Hầu hết nạn nhân đều là người nghèo vì đây là loại thuốc miễn phí phát không. 

Tổng cộng hơn 40.000 người đã uống loại thuốc này. 

Tất cả mọi nạn nhân đều bị xuất huyết ở miệng và tiểu ra máu.

Asim Saeed - người nhà một nạn nhân

Ngay khi xảy ra sự việc, chính phủ Pakistan đã bắt chủ của ba cơ sở sản xuất thuốc địa phương được cho là cung cấp loại thuốc này.

Theo điều tra, giấy phép sản xuất của một trong ba cơ sở này đã hết hạn từ tháng 4-2011 nhưng họ vẫn tiếp tục sản xuất thuốc, cung cấp cho các bệnh viện công cũng như đưa ra thị trường.

Trước tòa, quan chức của Cơ quan điều tra liên bang (Pakistan) cho biết toàn bộ số thuốc đều không ghi ngày sản xuất cũng như hết hạn.

2016

Làm vaccine giả, 19 người Indonesia hầu tòa

Ngày 19-7-2016, Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek dẫn lại lời của Tổng thống Joko Widodo trấn an dư luận về bê bối vaccine giả của nước này. Cũng trong ngày 19-7, Straits Times cho biết những trẻ có thể đã bị tiêm vaccine giả được tiêm lại miễn phí bằng vaccine thật.

Thế giới từng chấn động những vụ thuốc giả nào? - Ảnh 10.

Phụ huynh Indonesia vui mừng sau khi tiêm được vaccine thật cho con - Ảnh: SMH

Đến tháng 11-2016, 19 nghi phạm trong vụ vaccine giả bắt đầu ra hầu tòa trong đó án cao nhất cho tội làm thuốc và cung cấp dụng cu y tế không đúng quy trình sẽ bị phạt tù tối đa 15 năm và đóng phạt tối đa 1,5 tỉ rupiah (tương đương 150.000 USD).

Sự việc khiến dư luận Indonesia dậy sóng trong đó họ hoài nghi về vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề đảm bảo an toàn thuốc.

Theo Reuters, nhóm này dùng những lọ ăn cắp và làm giả nhãn cùng với thuốc giả để làm giả ra vaccine của hãng GlaxoSmithKline và Sanofi. Tại Indonesia, vaccine nhập của các hãng này bán với giá 82,7 USD/liều trong khi vaccine nội địa do công ty quốc doanh Bio Farma sản xuất chỉ có giá 0,5 USD/liều.

2016

Trung Quốc: buôn bán lậu vaccine, đi tù 19 năm

"Tuy nhiên, cần lưu tâm rằng vaccine không được bảo quản đúng cách hoặc hết hạn sử dụng rất ít khi gây ra phản ứng độc"

Văn phòng WHO Bắc Kinh

Tháng 3-2016, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ tổng cộng 37 người ở miền đông Trung Quốc vì liên quan đến bê bối vaccine . Trước đó một tháng, cảnh sát bắt và buộc tội hai mẹ con sống ở tỉnh Sơn Đông buôn bán bất hợp pháp lượng vaccine trị giá 88 triệu USD và không bảo quản lạnh đúng cách.

Đường dây vaccine kém chất lượng này được xác định đã hình thành từ năm 2011 và có đến hàng trăm người ở hơn 20 tỉnh tham gia. Ngoài ra, ba công ty dược cũng bị điều tra, trong đó công ty Shandong Zhaoxin Bio-tech Co. bị đóng cửa.

Theo Tân Hoa Xã, Pang Hongwei đã kiếm được hơn 10,93 triệu USD sau các phi vụ buôn bán vaccine bảo quản không đúng cách.

Tháng 1-2017, Reuters đưa tin hai mẹ con ở Sơn Đông đóng vai trò chính trong đường dây là Pang Hongwei và Sun Qi bị tòa tuyên án tù. Với hai cáo trạng về buôn bán vaccine bất hợp pháp, Pang Hongwei bị tuyên 19 năm tù giam còn Sun Qi bị tuyên 6 năm tù giam vì tội tiếp tay cho Pang Hongwei.

Thế giới từng chấn động những vụ thuốc giả nào? - Ảnh 15.

Sau bê bối này, cảnh sát Trung Quốc tổng kiểm tra việc bảo quản vaccine tại các cơ sở y tế - Ảnh: EPA

2017

'Lang băm' Úc bị rút phép 22 tháng

Tháng 2-2017, tòa án tại Sydney, Úc rút giấy phép hoạt động trong 22 tháng và rút giấy phép dược sĩ trong 12 tháng đối với triệu phú Mina Attia. Lý do là vì công ty của Mina Attia bán thuốc giả cho bệnh viện tại Sydney.

Thế giới từng chấn động những vụ thuốc giả nào? - Ảnh 17.

'Lang băm' Mina Attia tại nhà ở Úc - Ảnh: DAILY TELEGRAPH

Sự việc đã xảy ra vào năm 2010 khi một bác sĩ tại Bệnh viện nhi Sydney trong khi tán nhỏ thuốc Viagra - được dùng để chữa cao huyết áp ở trẻ em - phát hiện bất thường. Khi liên hệ công ty sản xuất Pfizer, bệnh viện được Pfizer xác định đó là thuốc giả và không do họ sản xuất.

Tại tòa, Symbion - công ty cung cấp Viagra cho bệnh viện nhi – cho biết mua lại thuốc từ một nhà cung cấp khác, do Mina Attia đứng đầu. Trong thời gian tháng 6-2010, Symbion đã phân phối hơn 20.000 viên Viagra đến 260 hiệu thuốc và ba bệnh viện do đó phải tuyên bố thu hồi toàn bộ số sản phẩm này.

Trong tuyên bố sau tòa, Symbion cho biết bài học rút ra là không mua thuốc từ các công ty trung gian mà mua trực tiếp từ các nhà sản xuất.

2017

Thị trưởng Mexico đặt mua thuốc ung thư giả

Đầu năm 2017, ông Angel Yunes, thị trưởng bang Veracruz, Mexico cáo buộc hai người tiền nhiệm, ông Javier Duarte và Fidel Herrera đã ký lệnh mua thuốc ung thư giả để sử dụng cho các bệnh viện công tại đây.

BBC cho biết xét nghiệm cho thấy thuốc ung thư dùng để hóa trị cho trẻ em chỉ là nước cất. Tờ Mexico News Daily khẳng định có ít nhất tám trường hợp trẻ chắc chắn khỏi bệnh nếu như được hóa trị với thuốc ung thư thật.

Các công tố viên còn cáo buộc cựu thị trưởng Duarte biển thủ và dùng sai mục đích hơn 2 tỉ USD trong giai đoạn cầm quyền.

Global News cho biết các điều tra viên tìm thấy 23 tấn thuốc quá hạn tại kho chứa của bang. Đồng thời, nhóm điều tra cũng phát hiện nhiều công ty cung cấp thuốc cho bang không có văn phòng tại địa chỉ như kê khai với chính quyền.

Ông Yunes khẳng định khi hoàn tất công tác điều tra sẽ chính thức nộp đơn khởi kiện.

ĐẶNG KINH LUÂN
3-9-2017
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên