30/07/2006 13:15 GMT+7

Thế giới game online

MINH TIẾN - PHƯƠNG NGA - TUYẾT NGA - THANH HIỆP
MINH TIẾN - PHƯƠNG NGA - TUYẾT NGA - THANH HIỆP

TTCT - Những lo lắng, phê phán hoặc ủng hộ cho game online (GO) đến nay chủ yếu vẫn chỉ dựa trên suy luận chứ hoàn toàn chưa có cuộc khảo sát thực nghiệm nào để có thể hiểu rõ và có thái độ đúng đối với loại hình giải trí mới mẻ này.

W04eIytD.jpgPhóng to
TTCT - Những lo lắng, phê phán hoặc ủng hộ cho game online (GO) đến nay chủ yếu vẫn chỉ dựa trên suy luận chứ hoàn toàn chưa có cuộc khảo sát thực nghiệm nào để có thể hiểu rõ và có thái độ đúng đối với loại hình giải trí mới mẻ này.

Để cung cấp một cái nhìn “thực chứng” hơn về GO, chúng tôi đã tiến hành một khảo sát mang tính “khai phá” đối với 100 người chơi GO trong độ tuổi HSSV - đối tượng chính của GO vào tháng 6-2006 tại phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM, một khu vực có nhiều trường học và nhiều điểm Internet có trò chơi trực tuyến.

1. Bạn trẻ chơi GO là ai?

Jm4nQcpK.jpgPhóng to
Đông đảo các game thủ theo dõi trận đấu GO tại Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức vào tháng 9-2005
Khảo sát này được tiến hành nơi các HS-SV nên độ tuổi của họ còn rất trẻ. Độ tuổi trung bình là 19,27 tuổi, thấp nhất là 10 tuổi và cao nhất là 26 tuổi. Về học vấn, 15% đang học cấp II; 23% trung học và 62% là sinh viên CĐ-ĐH. Về nguyên quán, 50% số bạn trong nghiên cứu là “dân Sài Gòn” và 50% là người từ các địa phương khác. Về thu nhập (vì đối tượng khảo sát là HS-SV nên chúng tôi xem thu nhập của các bạn gồm hai nguồn: tự làm ra và/hoặc do cha mẹ cho).

Kết quả cho thấy thu nhập của các bạn không hề thấp: trung bình là 922.000 đồng/tháng, chỉ một bạn có thu nhập 20.000 đồng/tháng và ba bạn có thu nhập 5.000.000 đồng tháng.

Sở dĩ các bạn có mức thu nhập cao như vậy là bởi khi được hỏi về mức sống của gia đình, chỉ 4% đánh giá mức sống gia đình mình là nghèo, còn 96% cho rằng gia đình mình có mức sống từ trung bình (đủ sống) trở lên. Đặc biệt, các bạn ở tỉnh lại có thu nhập cao hơn các bạn ở TP.HCM khi có đến 67,3% có thu nhập từ 600.000 đồng/tháng trở lên so với 36%.

2. Bạn trẻ chơi những trò chơi nào? Ở đâu?

Trò chơi trực tuyến đang thu hút các bạn trẻ nhiều nhất chính là “Võ lâm truyền kỳ” (VLTK). Kết quả khảo sát cho thấy 78% số bạn được hỏi cho biết đang chơi trò chơi này, đứng thứ hai là MU với 9% và các trò chơi khác chiếm phần còn lại. Không có gì khó hiểu về sức hút mạnh mẽ của VLTK bởi đây là trò chơi mang đậm nét “kiếm hiệp” của Kim Dung từ tên địa danh, tên bang phái cho đến các loại võ công, binh khí... mà người Việt chúng ta từ nhỏ đến lớn khá quen thuộc các tiểu thuyết võ hiệp cũng như các phim được chuyển thể từ các tác phẩm của Kim Dung.

Về địa điểm chơi, có đến 86% chơi GO tại các dịch vụ và chỉ có 14% tại nhà. Đây là điều cũng dễ hiểu bởi phải chơi bên ngoài thì các “game thủ” mới có thể chơi lâu và có cơ hội bàn luận, hỗ trợ nhau hơn là khi chơi một mình tại nhà. Khi chơi GO tại dịch vụ thì chi phí cũng rẻ hơn.

3. Bạn trẻ đến với GO đã bao lâu? Bằng cách nào? Thường chơi với ai? Cha mẹ có biết không?

Xét về “thâm niên” chơi GO, kết quả khảo sát cho thấy có 38,4% đã chơi GO từ 1-6 tháng, 33,3% chơi từ 7-12 tháng và 28,3% từ 13 tháng trở lên. Với thời gian chơi GO trung bình của mẫu khảo sát là 12,08 tháng, các bạn trẻ này quả nhiên không phải là những “tay mơ” trong thế giới GO.

Về cách thức đến với GO, kết quả khảo sát cho thấy hơn phân nửa số bạn cho biết họ được bạn bè rủ chơi với 56,1%. Như vậy tác động của nhóm bạn đồng lứa đến hành vi chơi GO của các bạn trẻ là rất lớn. (Bảng 1)

D7j5Wmmi.jpgPhóng to

Cách thức chơi cũng cho thấy tính “liên kết xã hội” nơi các bạn trẻ là khá cao khi 62,7% số bạn cho biết thường chơi GO với những người khác (trong đó 52,5% thường chơi với bạn bè, 10,2% chơi với anh chị em trong gia đình). Sở dĩ các bạn chơi GO có tính liên kết xã hội này là bởi các trò chơi trực tuyến đòi hỏi phải có sự liên kết, hợp sức giữa các người chơi thì mới mau “lên cấp”. Chẳng hạn như trò chơi VLTK: khi muốn hoàn thành sớm nhiệm vụ được bang phái giao phó, người chơi thường phải tham gia vào nhóm thì mới có thể “đánh nhanh thắng nhanh” được nhằm tiết kiệm thời gian. Đây chính là sự khác biệt giữa GO với games offline (những loại games offline thì người chơi chỉ cần ngồi nhà chơi một mình mà không cần phải có “bang hội”). (Bảng 2)

CFqd23Cx.jpgPhóng to

Để đo mức độ quan tâm của cha mẹ đối với việc chơi GO của các bạn trẻ, chúng tôi đặt câu hỏi là liệu cha mẹ họ có biết họ chơi GO không. Kết quả khảo sát cho thấy 63% số bạn cho biết cha mẹ biết họ chơi GO, còn 37% là không hề biết gì. Con số này có khiến chúng ta cần phải suy nghĩ? Câu trả lời xin để dành cho các nhà giáo dục.

4. Số tiền và thời gian bỏ ra cho mỗi lần chơi là bao nhiêu? Nguồn tiền chơi GO từ đâu? Bạn trẻ nghĩ gì về thời gian và số tiền mỗi lần chơi của mình?

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy các bạn trẻ bỏ ra trung bình 16.750 đồng cho mỗi lần chơi, người tốn ít nhất là 2.000 đồng/lần và cao nhất là 100.000 đồng/lần. Về số lần chơi GO mỗi tuần và số giờ của mỗi lần chơi, cuộc khảo sát cũng cho thấy trung bình mỗi tuần các bạn chơi GO 5 lần (có 53% cho biết họ chơi GO từ 5-10 lần/tuần) và mỗi lần chơi các bạn bỏ ra trung bình 4,3 giờ.

Như vậy trung bình mỗi tuần các bạn trẻ bỏ ra một khoản là 83.750 đồng cho GO, vị chi mỗi tháng trung bình 335.000 đồng, tương đương 36,3% thu nhập và hơn 80 giờ cho việc chơi GO. Như vậy cũng đủ thấy các bạn trẻ hiện nay “ưu ái” cho loại hình giải trí này như thế nào.

Vì đối tượng của cuộc khảo sát là HS-SV và chủ yếu sống nhờ bố mẹ, nên đối với câu hỏi “bạn chơi GO bằng nguồn tiền nào?” thì có lẽ không có gì bất ngờ khi có 78,7% số bạn cho biết mình chơi GO bằng tiền do cha mẹ cho, và chỉ có 18,1% cho biết chơi GO bằng tiền do chính mình làm ra mà thôi.

Vậy thì các bạn trẻ đánh giá thế nào về số tiền và thời gian chơi GO hiện tại của mình? Kết quả cuộc khảo sát cho thấy có đến 69,7% số bạn cho biết số tiền chơi GO hiện tại của mình là “bình thường” và ít, đồng thời cũng có đến 67% đánh giá số thời gian họ bỏ ra để chơi GO cũng không đáng kể. Đây có lẽ là một “tin vui” đối với các nhà cung cấp các trò chơi trực tuyến, nhưng lại là một “hung tin” đối với các bậc phụ huynh và các nhà quản lý chăng? (Bảng 3)

sctnFIEE.jpgPhóng to

5. Lý do chơi GO của các bạn trẻ là gì? GO có tác động xấu đến người chơi không?

Có thể nói câu hỏi “trong GO có cái gì mà khiến mọi người say mê đến thế?” là câu hỏi các bậc phụ huynh, các nhà quản lý cũng như những người “ngoại đạo” đối với GO muốn giải mã nhiều nhất, bởi lý lẽ thông thường thật khó hiểu được tại làm sao người ta bỏ ra hàng giờ đồng hồ ôm máy vi tính để chơi GO. Tuy nhiên theo chúng tôi, trả lời được câu hỏi này có nghĩa là ta sẽ có thái độ, cách định hướng và quản lý tốt hơn đối với GO trong tương lai.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy những lý do chơi GO rất đa dạng và rất đáng chú ý. Cụ thể có 72% bạn trẻ đồng ý rằng GO là món “giải trí sinh động”, đứng thứ hai là chơi GO giúp “mở rộng quan hệ bạn bè” với 50% số bạn đồng ý, một tỉ lệ rất đáng chú ý và có lẽ làm cho nhận định “đóng mình trong thế giới ảo” khi chơi GO trở nên khó thuyết phục hơn.

Đặc biệt có 29% số bạn đồng ý rằng chơi GO giúp họ cảm thấy “mình là người mạnh mẽ”, 21% cho biết chơi GO giúp họ làm được những việc mà ngoài đời họ không thể làm được. Đây là một chi tiết đáng chú ý vì GO có một đặc điểm là rất “công bằng” đối với mọi người, tức nó không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay quyền lực của người chơi, mà mọi sự hơn thua đều phụ thuộc ở khả năng “luyện công”, sự mưu lược của từng người.

Hoặc nếu muốn “trừ gian dẹp loạn” nhằm mang lại công bằng ổn định cho “sơn hà”, hoặc “phi thân” cũng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được trên GO, như lời một sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế tâm sự: “Trong GO tôi tìm được những khả năng mà mình không có: bay nhảy như chim, sức mạnh siêu phàm hoặc ra tay trượng nghĩa, mà thú thật, nếu gặp những tình huống đó trong đời có lẽ tôi đã cúp đuôi chạy mất”. Bên cạnh đó cũng 18% nói rằng chơi GO giúp họ “cảm thấy không cô đơn”. (Bảng 4)

08hHX0w4.jpgPhóng to

Lý do chơi GO của các bạn trẻ

Dù lý do chơi GO là rất tích cực, nhưng khi được hỏi “bạn có đồng ý là GO có tác động xấu đến người chơi không?” thì chỉ có 25% số bạn trả lời không đồng ý. Còn lại 20% đồng ý là GO có tác động xấu đến người chơi và 55% phân vân giữa đồng ý và không đồng ý. Như vậy đa số bạn trẻ hiện nay không thừa nhận hoặc không xác định liệu chơi GO có tác động xấu đến mình hay không. (Bảng 5)

JwBLr5Je.jpgPhóng to

6. Bạn trẻ có chấp nhận làm mọi cách để chơi GO?

Vì có quá nhiều lý do tích cực để chơi các trò chơi trực tuyến (xem bảng 4), vậy các bạn trẻ có tìm mọi cách để có thể chơi GO không? Cuộc khảo sát cho thấy có 7% bạn trẻ chấp nhận “thực hiện các hành vi phạm pháp để chơi GO” và 20% không tỏ rõ quan điểm. Dù chỉ là thiểu số so với 73% cho rằng “không thể chấp nhận được”, nhưng đây vẫn là những con số hết sức đáng ngại, nếu ở cuộc khảo sát qui mô hơn mà vẫn cho kết quả như thế này thì quả thật chúng ta có lý do chính đáng để lo ngại về GO. (Bảng 6)

TlAGFBkk.jpgPhóng to

Bên cạnh đó, khi được hỏi một cách cụ thể hơn là nếu trong khi chơi GO mà hết tiền thì bạn sẽ làm gì, chúng tôi nhận được kết quả trả lời như sau: 79,4% bạn trẻ cho biết là sẽ ngừng chơi, nhưng có đến 14,4% số bạn cho biết sẽ tìm mọi cách kiếm tiền để chơi. Như vậy việc “thực hiện các hành vi phạm pháp để có tiền chơi GO” hoàn toàn không phải là câu trả lời suông, và do đó, nếu trong tương lai nếu có thêm một vài trường hợp giết người để có tiền chơi GO thì có lẽ cũng không có gì là ngạc nhiên.

Vì đối tượng khảo sát là HS-SV, chúng tôi cũng muốn biết xem các bạn trẻ này có thường xuyên bỏ học để đến với GO hay không. Kết quả cho thấy hơn 50% số bạn trẻ bỏ học để chơi GO ở các mức độ khác nhau. (Bảng 7)

93MxNlRt.jpgPhóng to

7. GO tác động gì đến sức khỏe, học tập của các bạn trẻ?

Trước tiên là vấn đề sức khỏe. Phần lớn ai trong chúng ta cũng đều biết việc thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vậy với trung bình mỗi lần chơi là 4,3 giờ, các bạn trẻ đánh giá thế nào về sức khỏe của mình sau khi chơi GO? Con số bạn trẻ cho biết sau khi chơi GO sức khỏe của họ xấu hơn trước khi chơi cao gấp hai lần so với số bạn cho rằng sức khỏe mình tốt hơn sau khi chơi GO (22% so với 11%). (Bảng 8)

LXE0QU3C.jpgPhóng to

Về việc học, kết quả cuộc khảo sát cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,01) giữa thời gian dành cho việc tự học trước và sau khi chơi GO. Cụ thể, các bạn cho biết trung bình số thời gian tự học của họ trước khi chơi GO là 3,14 giờ/ngày và sau khi chơi GO chỉ còn 2,81 giờ/ngày. Một đặc điểm của GO là càng chơi lên cao người ta càng cảm thấy thú vị hơn, nên thời gian dành cho nó cũng sẽ nhiều hơn và chắc chắn thời gian dành cho các hoạt động khác sẽ bị giảm đi. Đối với HS-SV thì đây là một điều rất đáng quan tâm bởi thời gian dành cho việc học của họ sẽ ngày càng bị thu hẹp khi “đẳng cấp” online càng tăng lên.

Về kết quả học tập, kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy ảnh hưởng không hề tích cực của GO: nếu trước khi chơi GO, có 37% số bạn cho biết họ có kết quả học tập loại khá/giỏi thì sau khi chơi GO, con số này giảm xuống còn 29%, trong khi các loại học tập từ trung bình khá trở xuống lại tăng lên sau khi chơi GO. (Bảng 9)

V7i8bqEW.jpgPhóng to

Nếu giữa “thâm niên” chơi GO và kết quả học tập có tương quan nghịch với nhau thì đây cũng là điều dễ hiểu, vì càng chơi GO thì thời gian dành cho nó càng nhiều, thời gian dành cho việc học giảm, kéo theo đó là kết quả học tập cũng giảm theo. Làm thế nào cân bằng giữa việc học và chơi GO?

H6F0dNB5.jpgPhóng to
Tuy nhiên GO có một tác động tích cực là làm tăng mối quan hệ xã hội của người chơi. Qua cuộc khảo sát, có 72% số bạn cho biết sau khi chơi GO số bạn bè của họ tăng lên, 23% cho biết số bạn bè không thay đổi và chỉ có 5% cho biết số bạn bè của họ giảm đi. Vậy có hay không sự “cô đơn” hay “khép kín” khi người ta “làm bạn” với Internet và GO như lâu nay mọi người vẫn nghĩ?

Về câu hỏi “liệu bạn có nghĩ đến lúc nào đó bạn sẽ không chơi GO nữa?”, kết quả có thể khiến chúng ta hơi bất ngờ khi có 48% khẳng định là “có”, 15% cho rằng “không” và 37% có thái độ lưỡng lự. Như vậy có thể thấy gần phân nửa “dân số” chơi GO trong mẩu khảo sát sẽ không gắn bó với GO “tương lai”, bởi họ đang là HS-SV nên có lẽ chơi GO đối với họ chỉ là một hành động theo phong trào, và trước mắt họ còn những chân trời khác.

Như đã nói, cuộc khảo sát này chỉ mang tính khai phá, nhận diện và gợi mở về vấn đề chơi GO và một số tác động của nó nơi một nhóm đối tượng duy nhất là HS-SV tại một phường của TP.HCM. Do đó kết quả của cuộc khảo sát này không mang tính đại diện cho toàn bộ người chơi GO hiện tại ở TP.HCM, và chúng tôi cũng biết chắc chắn rằng nếu cuộc khảo sát được mở rộng hơn thì kết quả cũng sẽ khác với kết quả của cuộc khảo sát này.

MINH TIẾN - PHƯƠNG NGA - TUYẾT NGA - THANH HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên