08/03/2011 07:54 GMT+7

Thế giới đối phó khủng hoảng lương thực

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

TTCT - Trong thế kỷ trước, hạn hữu mới xảy ra một lần khủng hoảng lương thực. Trong ba cuộc khủng hoảng, nghiêm trọng nhất là vào các năm 1972-1974, lần đó giá gạo tăng 206,3% và giá lúa mì tăng 118,2%. Sang thế kỷ này, khủng hoảng lương thực có chiều hướng xảy ra thường xuyên hơn.

Giá lương thực thế giới tăng caoChống lạm phát và bão giá ở châu Á

LPTxABxZ.jpgPhóng to
Trồng đậu nành biến đổi gen trong nhà kính - một trong các nghiên cứu tìm lối ra cho khủng hoảng lương thực - Ảnh: Reuters

Cách đây mấy năm, thế giới đứng bên bờ một cuộc khủng hoảng: từ năm 2006-2008, giá lúa mì, gạo và ngô (bắp) - ba loại lương thực chính nuôi sống dân số thế giới - tăng 96,7%. Năm 2007, giá gạo từ 300 USD/tấn đột ngột tăng lên 1.100 USD/tấn trong vòng sáu tháng, trước khi giảm còn khoảng 550 USD/tấn.

Hiện tại, cùng với cơn khát dầu hỏa và cơn sốt lạm phát trên thế giới, nhiều quốc gia đứng trước cuộc khủng hoảng lương thực mới. 44 triệu người bị đẩy vào tình trạng thiếu đói nghiêm trọng; chỉ số giá lương thực thế giới tăng 28,3%/năm, trong đó ngũ cốc tăng 44,1%. Khác với trước, lần này khủng hoảng lương thực như bóng ma gieo rắc sự bất ổn chính trị xã hội tại nhiều nước.

Xuống đường có nguyên nhân đói nghèo

Tại Bắc Phi và Trung Đông, nghèo và đói góp phần thúc đẩy các cuộc chính biến xã hội. Libya là nước nhập khẩu lương thực hoàn toàn. Trong cơn bạo loạn, hệ thống cung cấp lương thực của nước này có nguy cơ sụp đổ do hàng nhập khẩu không tới được các cảng và việc phân phối ra các vùng trên cả nước đang gặp trở ngại. Quá trình biến động chính trị xã hội tại các nước Ả Rập chỉ mới bắt đầu. Các cuộc biểu tình tạm thời giảm nhiệt có thể sẽ bùng lên nếu quần chúng thất vọng trước các giải pháp chính trị xã hội hoặc tuyệt vọng vì đói khổ, lạm phát không giảm, giá lương thực leo thang...

Các sự kiện ở Ai Cập, Libya đẩy giá dầu thô tăng cao, càng làm tình hình lương thực thêm căng thẳng. Đầu tháng 2-2011, chỉ số CRB của Reuters/Jefferies - một chỉ số đại diện các chỉ số giá cả hàng hóa của thế giới trong tương lai, trong đó có giá dầu thô - đã tăng lên hơn 340 điểm so với mức cơ sở 100 năm 1967 và tăng gần 70% so với mức 200 vào tháng 2-2009.

Nhưng khủng hoảng lương thực trong thế kỷ này phát xuất từ nhiều căn nguyên cơ bản và lâu dài. Sự mất cân bằng cung cầu là nguyên nhân hàng đầu. Với việc tăng thêm 80 triệu người mỗi năm, dân số thế giới hiện nay đông gần gấp hai lần hồi năm 1970. Mức tiêu thụ do đó cũng tăng theo. Với quá trình đô thị hóa tăng tốc, đất canh tác ở các quốc gia ngày càng thu hẹp.

Nước ngọt và đất thịt - tài nguyên chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp - đã không được bảo vệ đúng mức. Môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng do sự phát triển thiếu bền vững. Nguồn nước ngầm bị cạn kiệt vì nhiều khu rừng biến mất do nạn phá rừng bừa bãi, đất canh tác không còn đủ màu mỡ để trồng trọt. Một bài phân tích mới đây trên báo Nam Phương Chu Mạt, xuất bản tại Quảng Đông, cảnh báo “vựa ngũ cốc của Trung Quốc đang lâm nguy”.

Tại miền đông bắc Trung Quốc, vùng sản xuất ngũ cốc chính, đang diễn ra hiện tượng xói mòn lớp đất mặt. Thiên nhiên phải mất 400 năm để có được 1cm đất màu trồng trọt và 40.000 năm để có 1m đất màu. Với tốc độ xói mòn hiện nay là 1cm/năm, lớp đất màu dày 1m chỉ trong 50-100 năm nữa sẽ biến mất.

Theo đánh giá của Viện Chuyển giao công nghệ Trung Quốc, sản lượng thu hoạch ngũ cốc của vùng Mãn Châu (diện tích 1 triệu km2) đã mất 19 triệu tấn/năm. Từ năm 1960-2000, diện tích rừng bị mất tại vùng đất màu là 4,8 triệu ha. Hiện tượng xói mòn khiến 470.000ha đất nông nghiệp không còn canh tác được nữa.

Ưu tiên tìm kiếm giải pháp

Do hạn hán kéo dài và ảnh hưởng của lũ lụt, sản xuất lương thực tại nhiều quốc gia bị tụt giảm nghiêm trọng. Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cho biết có đến 2/3 số thành phố của nước này đang thiếu nước. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết suốt 100 ngày vừa rồi, thành phố không có tuyết mà cũng không có giọt mưa nào.

Cơ quan Phòng chống hạn Trung Quốc cho biết ở Sơn Đông, nơi sản xuất khoảng 80% lượng lúa mì của cả nước, nông dân đang khốn đốn vì hạn hán dữ dội nhất trong vòng 300 năm. Hơn 5 triệu ha hoa màu bị hư hại. Chính phủ nhập khẩu lượng lớn lúa mì và ngô càng góp phần khiến giá lương thực toàn cầu leo thang.

Chính phủ Trung Quốc thực thi các kế hoạch ứng phó khẩn cấp, trong đó có việc triển khai một hệ thống báo động hạn hán, hỗ trợ nông dân, đồng thời đề ra một số biện pháp để giảm thiểu sự phí phạm và sử dụng nước có hiệu quả hơn. Một dự án quy mô lớn đang được triển khai gọi là “Nam thủy bắc điều” nhằm đưa nước ở miền nam lên miền bắc. Đối với những con sông chảy qua nhiều quốc gia, vấn đề đang đặt ra là dự án thủy lợi như vậy ảnh hưởng thế nào đến lưu lượng nước ở các vùng hạ nguồn.

Mỹ, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, hiện dành ra 30% sản lượng ngô (tăng lên 37% vào năm 2012) để chiết xuất nhiên liệu sinh học, trong đó có ethanol dùng làm nhiên liệu cho ôtô. Hiện sản lượng ethanol của Mỹ khoảng 49 tỉ lít/năm. Quốc hội Mỹ từng đề ra mục tiêu sản xuất 136 tỉ lít xăng sinh học vào năm 2022.

Ngày 24-2, phát biểu trước các nhân viên của Bộ Nông nghiệp và Hội Nông dân Mỹ, cựu tổng thống Bill Clinton khuyến cáo nông dân nước này không nên sử dụng quá nhiều ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học vì có thể đẩy giá lương thực lên cao hơn, dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở các nước nghèo. Ông kêu gọi Washington có cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề trên. Hạ viện Mỹ vừa thông qua hai điều chỉnh nhằm làm chậm lại hoạt động sản xuất nhiên liệu này.

Bằng nhiều cách khác nhau, chính phủ nhiều nước đang tập trung đối phó với nạn thiếu hụt lương thực, kiềm chế “lạm phát nông nghiệp”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 26-2 cam kết ưu tiên bình ổn giá, bao gồm kiểm soát giá cả, đưa ra các chương trình thúc đẩy tăng sản lượng ngũ cốc, hỗ trợ giảm nhẹ ảnh hưởng hạn hán... Chính phủ Indonesia cho biết trong năm nay sẽ mua ít nhất 3,5 triệu tấn gạo nhằm đáp ứng mục tiêu dự trữ 1,5 triệu tấn.

Cũng như Trung Đông, các nước Trung Á dựa nhiều vào nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung lương thực. Robert Zoellick, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cảnh báo: “Trung Á là khu vực mà giá lương thực tăng đáng kể. Người dân phải dành phần lớn ngân sách gia đình, từ 50% trở lên, để mua lương thực”. Tổng thống Tajikistan vừa rồi đã kêu gọi mỗi gia đình phải tích trữ lương thực cho hai năm. Mexico nhập khẩu nhiều ngô để tránh tình trạng thiếu hụt như mấy năm trước.

Viện Chính sách Trái đất đặt tại Washington đưa ra cảnh báo ảm đạm khi cho rằng tình trạng bất ổn trên thế giới liên quan đến giá lương thực tăng mới chỉ khởi đầu. Sẽ đến lúc các quốc gia không đối đầu với nhau bằng vũ khí mà vì nguồn nước, thiếu lương thực, giá nhu yếu phẩm tăng vọt kéo theo hỗn loạn và bất ổn chính trị.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực còn thức tỉnh những nước đang có thế mạnh nông nghiệp xem xét lại chính sách phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Trong chiến lược nông nghiệp mới của Việt Nam, bên cạnh bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đất trồng, chúng ta cần định hướng sản xuất nhằm vào các thị trường rộng lớn tiềm năng của các quốc gia kề cận tại châu Á. Cần hiểu sâu sắc văn hóa tiêu dùng đang không ngừng thay đổi tại các thị trường này để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có chiều sâu, giá trị không ngừng gia tăng. Đồng thời biết phát huy các thỏa thuận hợp tác kinh tế khu vực để tạo thị trường ổn định cho sản xuất nông nghiệp, không để bị đưa đẩy biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước khác.

Bốn vấn đề cấp bách trong đảm bảo an ninh lương thực ở Việt Nam

- Nước biển dâng cao xâm thực đồng bằng sông Cửu Long cùng tình trạng xây đập thủy điện tại trung - thượng nguồn sông Mekong.

- Các đập thủy điện xây dựng tràn lan phá hoại dòng chảy tự nhiên các con sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

- Nạn phá rừng gây lũ lụt và xói mòn đất trồng.

- Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, thiếu ý thức và hệ thống luật pháp bảo vệ đất canh tác nông nghiệp.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên