24/04/2020 09:18 GMT+7

Thế giới chuẩn bị ứng phó lâu dài

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo "vẫn còn chặng đường dài" trước mắt trong cuộc khủng hoảng COVID-19 khi tổng số người bệnh chết trên toàn cầu đã vượt qua mốc 180.000 và vẫn còn nhiều nước chỉ mới bắt đầu cuộc chiến chống dịch.

Thế giới chuẩn bị ứng phó lâu dài - Ảnh 1.

Người dân đưa thẻ căn cước công dân cho nhân viên hữu trách kiểm tra trước khi vào mua nhu yếu phẩm tại Singapore ngày 23-4 - Ảnh: Reuters

Nhiều chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo nước này có thể còn đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai, thậm chí chết chóc hơn nữa trong mùa đông tới. Một số bang của Mỹ chập chững mở lại nền kinh tế sau những ngày giãn cách xã hội phòng dịch.

Coi chừng làn sóng thứ 2!

Nhiều nước trên thế giới vẫn đang trong quá trình cùng lúc giải quyết hai thách thức: chống dịch và giảm thiểu thiệt hại kinh tế vì dịch. 

Trong khi một số nước bắt đầu dỡ bỏ hạn chế, phong tỏa thì ngày 22-4 tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesu, đưa ra cảnh báo: "Đừng mắc sai lầm: Chúng ta còn một chặng đường dài nữa phải vượt qua. 

Con virus này sẽ còn bám theo chúng ta một thời gian dài nữa. Hầu hết các nước vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Và một số nước bị ảnh hưởng sớm trong đại dịch giờ lại đang bắt đầu chứng kiến việc tăng trở lại số ca bệnh".

Ở thời điểm tổng giám đốc WHO chia sẻ cảnh báo, châu Âu - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho tới nay - đã chứng kiến tổng số người chết vượt mốc 110.000 ca. Trong đó, số người chết tại Ý vượt qua 25.000.

Tại Mỹ, giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, ông Robert Redfield, cảnh báo nguy cơ nước Mỹ có thể đối mặt đợt dịch COVID-19 thứ hai dữ dội hơn. 

Chia sẻ quan điểm với tờ Washington Post, ông Robert nói: "Có khả năng đợt tấn công của virus corona với nước ta trong mùa đông tới sẽ thực sự còn khó khăn hơn những gì chúng ta vừa trải qua".

Tại Đức, ngày 23-4 đã ghi nhận hơn 150.000 ca bệnh COVID-19. Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel - vẫn cho rằng nước Đức chỉ mới đang ở giai đoạn bắt đầu của đại dịch. 

Cùng ngày, phát biểu trước Hạ viện Đức, Thủ tướng Anglela Merkel nói nước Đức sẽ phải sống với dịch bệnh trong một thời gian dài nữa. "Chúng ta chưa phải đang sống trong chặng cuối của đại dịch, mà vẫn chỉ ở giai đoạn bắt đầu" - bà Merkel cảnh báo.

Mỗi cá nhân nên thận trọng

Vẫn còn nhiều tháng chờ đợi nữa trước khi một vắcxin ngừa COVID-19 khả dụng có thể được phê chuẩn và lúc này hơn một nửa nhân loại vẫn đang phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Trong bối cảnh hiện tại, sự cẩn trọng phòng ngừa, trước hết ở bản thân mỗi người, không bao giờ thừa.

Không thể không lưu tâm tới lời kêu gọi khẩn thiết ngày 22-4 của ông Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Nhà Trắng. Ông kêu gọi cộng đồng hãy tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và đề nghị các chính trị gia lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế.

Theo báo Huffington Post, bác sĩ Anthony Fauci cho rằng ông tin dịch COVID-19 sẽ còn hoành hành ở Mỹ cho tới ít nhất mùa thu năm nay, nhưng quy mô số ca bệnh ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào việc người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội đến đâu và giới lập pháp lắng nghe ý kiến chuyên gia thế nào trước khi mở cửa lại mọi thành phần kinh tế.

Tại Tây Ban Nha, nơi vừa ghi nhận số người chết tăng nhẹ trong ngày thứ hai liên tiếp, chính phủ thông báo sẽ không gỡ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt cho tới giữa tháng 5. "Chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong giai đoạn này" - Thủ tướng Pedro Sanchez của Tây Ban Nha nói.

Ở Nam Phi, hơn 73.000 quân nhân đã được huy động để siết chặt kỷ luật tuân thủ lệnh phong tỏa phòng dịch của người dân, nhất là tại những khu thành thị đông đúc. Liên Hiệp Quốc lo ngại châu Phi có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên nhiều phương diện như an ninh lương thực, kinh tế, trật tự xã hội nếu dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở đây.

Ý thức người dân giúp kiểm soát dịch thành công

Không thể phủ nhận việc chính quyền hành động nhanh chóng, công tác theo dõi tiếp xúc, tổ chức tốt xét nghiệm đại trà đã giúp Hong Kong và Hàn Quốc kiểm soát dịch tốt mà không cần phong tỏa nghiêm ngặt.

Nhưng theo báo South China Morning Post (SCMP), giới quan sát còn chỉ ra một yếu tố quan trọng nữa đã góp phần to lớn cho sự thành công này, đó là ý thức tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh của mỗi cư dân nơi đây.

Báo SCMP dẫn ý kiến của bà Chae Su Mi, nghiên cứu trưởng tại Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc, khẳng định vai trò của người dân. Bà Chae dẫn ví dụ về việc người Hàn Quốc và người Trung Quốc đã tự nguyện đeo khẩu trang, áp dụng các biện pháp phòng bệnh ngay từ trước khi chính phủ của họ công bố những chỉ dẫn phòng dịch chính thức.

Trong khi đó nhiều người dân ở các nước phương Tây, như ở Mỹ, Ý, đều chỉ làm việc này khi chính phủ khuyến cáo và bắt buộc. Sự thụ động còn khiến dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn nữa khi chính phủ một số nước chậm trễ trong việc đưa ra khuyến cáo chính thức.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet Public Health, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong (HKU) nhận thấy, cùng với giãn cách xã hội và các biện pháp khác, thái độ phản ứng đúng đắn của người dân Hong Kong như thực hiện đeo khẩu trang, tránh các đám đông đã giúp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.

Người Hàn Quốc cũng đã bày tỏ tinh thần hợp tác chống dịch với chính quyền, ngay cả khi họ phải hi sinh quyền riêng tư để chia sẻ dữ liệu cá nhân. Tháng trước, khảo sát do Trường y khoa cộng đồng của ĐH Quốc gia Seoul thực hiện nhận thấy 78,5% người được hỏi cho biết sẽ hi sinh quyền riêng tư của họ để ủng hộ chiến dịch phòng dịch bệnh của đất nước.

ĐỖ DƯƠNG

Đợt 2, đó mới là điều đáng sợ!

2020-04-22t140117z_39031549_rc2m9g9j4mph_rtrmadp_3_health-coronavirus-italy 1(read-only)

Một cặp đôi người Ý hôn nhau sau lễ kết hôn không có khách mời ở Castiglione della Pescaia ngày 22-4 - Ảnh: REUTERS

Nhiều nước vừa qua đỉnh điểm dịch bệnh đang chuẩn bị đối phó với khả năng bùng phát trở lại lần thứ hai.

Ngày 23-4, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo: "Nguy cơ lớn nhất đối với chúng ta là nếu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội quá sớm sẽ gây nguy cơ bùng phát virus lần thứ hai, đe dọa mạng sống con người và việc phong tỏa lần nữa sẽ kéo dài sự đau đớn về kinh tế mà tất cả chúng ta đang trải qua".

Theo các nhà khoa học Anh, sẽ không có miễn dịch cộng đồng như tính toán ban đầu trong khi vắcxin vẫn chưa có, đợt bùng phát thứ hai tại nước này có thể rơi vào cuối năm nay với nguy cơ lây nhiễm và số người chết cao như đợt đầu tiên nếu không kiểm soát được dịch bệnh.

Đây cũng là nỗi lo của nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Ý và một số nước đang rục rịch nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch. Cuối tuần này, Chính phủ Ý dự kiến công bố kế hoạch gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa kéo dài gần hai tháng qua.

"Chúng tôi đang xem xét các kịch bản mà chưa nước nào áp dụng. Các nước khác đang coi chúng tôi như một chương trình thử nghiệm" - ông Silvio Brusaferro, giám đốc Viện Y tế quốc gia Ý, nói. Không có quốc gia nào ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề và phải áp dụng biện pháp phong tỏa như Ý.

"Chúng ta đã chứng kiến nhiều nước bùng phát lây nhiễm trở lại. Đây là một tình huống y tế khẩn cấp toàn cầu mà chúng ta phải tìm hiểu mỗi ngày" - người phát ngôn Bộ Y tế Úc nói trên Đài SBS. Giới chuyên gia cũng đồng tình rằng dịch COVID-19 có thể trở lại vào mùa đông.

"Đợt tiếp theo sẽ khó khăn hơn vì trong đợt thứ nhất chúng ta biết "kẻ thù" đến từ đâu - chủ yếu từ nước ngoài, biết phải xét nghiệm ai và truy dấu tiếp xúc với ai. Đợt thứ hai, nếu xuất hiện, sẽ xuất hiện trong cộng đồng và chúng ta không biết nó đến từ đâu. Đó là điều đáng sợ" - bác sĩ Chris Moy, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc tại khu vực Nam Úc, nhận định.

Tại châu Á, nhiều nước cũng đang nhìn vào Singapore để chuẩn bị đối phó với nguy cơ tái bùng phát dịch. Hãng tin Yonhap ngày 23-4 dẫn lời quan chức y tế cấp cao của Hàn Quốc Yoon Tae Ho cảnh báo dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại theo mùa giống cúm bởi "chúng do các chủng virus tương tự nhau gây ra".

Nước này sẽ tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 4-5 và đang chuẩn bị các biện pháp sống chung với virus sau đó, cũng như thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị bằng huyết tương.

Tại Nhật, Bệnh viện Đại học Keio khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân đề phòng sự lây lan virus đang tăng mạnh trong cộng đồng, sau khi kết quả xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với bệnh nhân đến bệnh viện này khám chữa bệnh cho thấy có tới 6% dương tính với virus.

TRẦN PHƯƠNG

Mỹ duyệt thêm cứu trợ, tổng cộng gần 3.000 tỉ USD Mỹ duyệt thêm cứu trợ, tổng cộng gần 3.000 tỉ USD

TTO - Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ với số phiếu thuận áp đảo đồng thời thúc đẩy thành lập một ủy ban giám sát các hoạt động chống dịch COVID-19 của chính quyền liên bang.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: COVID WHO