12/07/2015 09:55 GMT+7

Thầy trò “tám” chuyện tuổi 18: “Ở nhà có “bám váy mẹ” không?”

KHOA NGUYỄN
KHOA NGUYỄN

TT - Mở đầu, thầy phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Cải hỏi vui một bạn: “Ở nhà em có “bám váy mẹ” không?”. Bạn Huỳnh Ngọc Lâm nhanh nhảu đáp: “18 tuổi chỉ lớn trên giấy tờ à thầy ơi”.

Thầy trò quây quần bên nhau nói về tuổi 18 - Ảnh: Khoa Nguyễn
Thầy trò quây quần bên nhau nói về tuổi 18 - Ảnh: Khoa Nguyễn

Câu chuyện vui vẻ đó diễn ra ở một quán cà phê ngoại thành TP.HCM chiều 10-7. Sáu thầy trò Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) vừa uống nước vừa trò chuyện về chủ đề đang “hot” của chính các học sinh: tuổi 18 đã lớn chưa?

Mẹ ơi, đừng nói “để mẹ làm cho”

Huỳnh Ngọc Lâm kể câu chuyện năm lớp 4, từ trường về nhà Lâm hí hửng nói: “Mẹ để con nấu cơm, pha nước chanh cho”. Chả là món nước chanh bạn vừa được cô giáo ở trường dạy, còn món cơm đã thấy mẹ nấu hằng ngày.

Trong khi ba ra sức ủng hộ thì mẹ nói: “Thôi để mẹ nấu cho, con còn nhỏ không làm được đâu”. Lâm nói lúc đó hơi “thất vọng” tí nhưng quyết nói với mẹ là con sẽ làm. Kết quả là mẹ đồng ý “đóng vai phụ” vo gạo, cắt chanh, còn Lâm thì hoàn thành việc nấu cơm và pha những ly nước chanh cho cả nhà.

Với câu chuyện tương tự, bạn Nguyễn Thị Ngọc Trâm kể hồi đó ba mẹ đi làm nên Trâm sống với bà nội. Thấy bà làm cực, Trâm hay tới phụ giúp bà, nhưng thường là bà gạt ra: “Còn nhỏ mà phụ làm gì, để bà làm cho”.

Cô gái 18 tuổi nêu ý kiến: “Thật ra do ông bà, cha mẹ thương con, thương cháu thôi nhưng giờ lớn rồi mình thấy nếu lỏng lỏng tay hơn, tụi mình trưởng thành hơn. Mình thấy nhiều bạn bè được ba mẹ chăm bẵm khủng khiếp luôn, mà như vậy là làm cho chính bạn đó cứ nhỏ hoài, không có lớn.

Theo mình, nếu thấy ba mẹ chăm quá thì chính chúng mình cũng cần "thoát" ra để cuộc sống sau này đỡ chênh vênh”.

Cùng ý kiến, Ngọc Lâm chia sẻ: “Giờ lớn rồi, mình mong các ba mẹ đừng có thói quen dùng câu nói “để đó mẹ làm cho”, “để đó bà làm cho”, vì thật ra con nít rất muốn được tự làm việc của mình, nếu có vụng về chút xíu thì rồi sẽ làm được tốt hơn ở lần sau”.

Lâm nói mình được “úm” hơi kỹ nên mãi năm lớp 9 mới bớt rụt rè, chứ một số bạn cùng trường, cùng lớp, đầu cấp II là đã thấy lớn và vững chãi hẳn, nhiều chuyện tự thân giải quyết tốt.

“Trò chuyện với các bạn đó, mình mới hay là do ba mẹ các bạn ít “úm” mà xem các bạn như người lớn, trước việc gì cần giải quyết như học thêm hay đi hội trại, ba mẹ hỏi ý các bạn xem thấy thế nào rồi cùng đưa ra giải pháp chứ không phải áp cái ba mẹ thấy hay nhất lên các bạn”.

Trong buổi “tám” chuyện, điều dễ thấy là các bạn học trò 18 tuổi này rất muốn ba mẹ nhìn mình là một “thực thể” đã lớn, chứ không chăm bẵm như bé lên 3.

Nguyễn Linh Trung hào hứng chia sẻ: “Ba mẹ mình giúp mình định hướng chọn nghề, chứ không bắt ép mẹ muốn con học ngành này, ba muốn con học ngành kia. Ba mẹ hay quan tâm hỏi han xem con đam mê gì rồi từ đó khơi gợi giúp mình chọn ra con đường tốt nhất. Nên kỳ thi vừa rồi mình thi rất thoải mái”.

Bạn Thiên Trang kể thêm mẹ là giáo viên tiểu học nên bạn được uốn nắn ngay từ nhỏ. Mẹ của Trang thường hướng dẫn bạn những công việc đơn giản trong nhà.

“Mẹ nói bản thân tụi con phải tự học, tự phấn đấu để sau này có công việc tốt. Ai trong cuộc sống rồi cũng có gia đình riêng, không ai có thể giúp đỡ mãi. Mẹ tin vào chọn lựa của con và luôn ủng hộ con. Chính câu nói ấy tiếp sức cho mình rất nhiều” - Trang nói.

Câu chuyện chiếc vòng tay và 3 điều mong muốn

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Ngọc Lâm kể tiếp câu chuyện xảy ra ngày Lâm mới học lớp 2 mà ấn tượng mãi với bạn đến bây giờ. Hồi đó, bà ngoại Lâm vừa được cô chú ở nước ngoài về tặng một chiếc vòng tay rất quý.

“Mình lanh chanh tới bên bà nói “để con đeo cho bà”. Không biết lóng ngóng sao chiếc vòng rớt bể. Đến giờ này mình vẫn còn nhớ cảm giác lúc đó là sợ lắm” - Lâm kể.

Rồi cô chú của Lâm sang nhà, tỏ ra hết sức khó chịu khi thấy chiếc vòng đã bể. “Và mẹ mình đã đứng ra nhận do chính mẹ làm” - Lâm cho biết.

Hôm nay sau 10 năm, nhớ lại câu chuyện, Lâm nói: “Từ khi chuyện đó xảy ra, lúc nào mình cũng mang trong lòng nỗi sợ: sợ sai! Và mình trở nên không mạnh dạn trước rất nhiều việc do chính bản thân mình làm. Mình sợ mình làm sai thì mẹ mình hay người thân lại nhận hậu quả vì mình”.

Rồi Lâm chia sẻ: “Mẹ nào cũng thương con, sợ con bị mắng. Nhưng bây giờ khi lớn rồi mình thấy nếu lúc đó mẹ mình cứ để mình nhận lỗi thì mình đã vượt qua được nỗi sợ hãi, và có thể mình đã trở nên mạnh mẽ sớm hơn rồi”.

Quay lại với câu hỏi có “bám váy mẹ” của thầy Cải, bạn Trần Thị Uyên Nhi cho rằng: “Với mình, tuổi 18 ở mức lưng chừng nhưng vừa đủ để suy nghĩ, chịu trách nhiệm hành động, suy nghĩ, lời nói”.

“Tuổi này đã lớn rồi, nhưng so với kinh nghiệm 30-40 năm của ba mẹ thì vẫn còn quá ít, nên ba mẹ vẫn là người cố vấn, hướng dẫn con cái hành động đúng hơn. Những thất bại sẽ giảm đi, thành công sẽ được rút ngắn hơn” - Thiên Trang nói.

Còn bạn Nguyễn Linh Trung thì cho rằng: “Tuổi 18 là tuổi phải hoàn thiện những kỹ năng cơ bản, đó không phải là tuổi bắt đầu, mà cần là quá trình ngay từ khi còn nhỏ thì làm những việc nhỏ, lớn hơn thì làm việc lớn hơn, cứ dần dần như vậy”.

Theo bạn Nguyễn Thị Ngọc Trâm, những định hướng, chia sẻ về những điều ba mẹ biết là rất quan trọng với các con. Như khi biết Trâm thi ngành y, ba đưa ra các câu hỏi: sao con chọn ngành đó, con có sợ máu không, nghề này rất cực đó, con sợ không, con có sợ mổ không?...

“Mình nói lúc đầu có thể sợ, nhưng con phải cố gắng để quen nó, tập mới quen được. Và ba mình nói phải thật sự đam mê mới có khả năng hoàn thành ước mơ của mình” - Trâm nói thêm.

Đồng ý rằng ý kiến hay kinh nghiệm của ba mẹ là tài sản quý dành cho con, song Ngọc Lâm chia sẻ với Tuổi Trẻ ba điều mong muốn dành cho quý phụ huynh: một là không nuông chiều, không làm thay con; hai là cho con học kỹ năng giải quyết vấn đề và thứ ba (theo Lâm là quan trọng nhất) là cho con tự trải nghiệm và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Vì sao con chưa đủ lớn?

1. Một chị bán hàng ở chợ Phước Thạnh (huyện Củ Chi) than thở con gái đã học cao đẳng mà chẳng biết làm bất kỳ việc gì trong nhà. Hỏi ra mới biết từ nhỏ đến giờ dù bận rộn nhưng vợ chồng chị thay nhau làm tất cả từ giặt đồ, rửa chén, nấu cơm, ủi quần áo, lau chùi nhà cửa, bao sách vở, đưa rước con đi học mỗi ngày (dù nhà cách trường chỉ vài trăm mét), để cô con gái duy nhất này an tâm vui chơi, học hành!

Anh chồng thì bảo bây giờ mỗi gia đình chỉ có một đến hai con nên ai cũng xem con như vàng như ngọc, nếu không lo từ việc nhỏ đến việc lớn cho con thì sợ là mình vô trách nhiệm, để chúng lớn lên rồi chúng sẽ tự học lấy những việc mà chúng thấy cần!

2. Cách trường tôi chưa đầy một cây số là nhà của cô nữ sinh L., mồ côi cha từ khi còn ngồi trên ghế trường tiểu học. Mẹ mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo ba lần ở bệnh viện. Bà ngoại già yếu, bệnh tật mỗi tháng đi Chợ Rẫy hai lần.

Ông bác ruột không vợ con bị bệnh tâm thần sống chung với L.. Một em gái nhỏ hơn L. 3 tuổi... Gia sản hầu như con số không. L. làm tất cả những việc từ bán khoai, bán xôi bắp, kết hoa bán, dạy kèm văn hóa, dạy đàn cho lũ trẻ trong xóm để kiếm tiền nuôi cả gia đình cho đến chăm sóc sức khỏe cho từng ấy con người bệnh tật một cách chu toàn.

Không những thế, L. còn là một thành viên tích cực, hoạt bát với các phong trào của trường, của địa phương, ba năm THPT thì từng ấy năm được giấy khen cán bộ Đoàn xuất sắc của huyện và thành phố.

Với nỗ lực của bản thân vươn lên từ nghịch cảnh, L. giờ đã là cô giáo dạy tiếng Anh, nuôi em gái tốt nghiệp trung cấp đang làm điều dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM...

Ở Củ Chi quê tôi, câu chuyện về những bạn trẻ tự lập, vươn lên từ nghèo khó đi đến thành công, sống đẹp cho đời nhiều lắm. Thiết nghĩ những việc gì trẻ có thể làm được chúng ta cứ mạnh dạn hướng dẫn, định hướng, giao dần cho trẻ tự làm.

Có thể ban đầu có sai sót, người lớn cần theo sát để điều chỉnh và buông dần. Ngay từ bé, tập cho trẻ làm những việc từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Có như vậy mới mong trẻ lớn lên và từng bước trưởng thành theo độ tuổi.

Nếu ba mẹ cứ lo sợ, bao biện, làm thay vừa vất vả mà vừa kìm hãm sự phát triển của trẻ. Việc nhỏ không được làm thì làm sao có thể làm việc lớn?

NGUYỄN VĂN CẢI 
(Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM)

KHOA NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên