18/12/2017 09:37 GMT+7

Thầy pháp

T.DŨNG (st) - Theo TTCT
T.DŨNG (st) - Theo TTCT

TTO - Một dạo, xã tôi có chủ trương phát triển công nghiệp. Mà nói đến công nghiệp là nói đến nhà máy. Thiếu nhà máy sao có thể gọi là công nghiệp được?

Thầy pháp - Ảnh 1.

Thế rồi có một nhóm người kéo tới chặt cây, san nền, dựng lên một ống khói khá là cao. Chúng tôi tò mò hỏi nhà máy to cỡ nào và sẽ sản xuất cái gì. Họ trả lời: nhà máy rất to, còn sản xuất cái gì khỏi lo, cần thứ gì sẽ sản xuất thứ đó. 

Ít lâu sau, họ ra đi và không thấy quay trở lại, bởi vì chủ trương đã thay đổi. Chỉ còn lại cái ống khói.

Chúng tôi thấy mình bị quê - ống khói thì có mà nhà máy thì không. Chẳng thể gọi đó là nhà máy được. Chúng tôi bèn gọi Iozec đang coi rừng ra đốt lò. Ít ra thì ống khói cũng phải hoạt động chứ. 

Rồi chúng tôi cho đăng tin trên báo Wall Street Journal, nội dung là: "Chỗ chúng tôi có ống khói - thuận tiện cho việc xây nhà máy".

Mọi việc có vẻ bắt đầu tiến triển. Ống khói đã nhả khói, nhân lực đã có Iozec, thế nào mà chả có một nhà đầu tư từ Wall Street tới xây nhà máy.

Thời gian trôi qua, mãi không thấy ai tới. Tận cuối mùa thu thì có một người. Một ông Ấn Độ. Chúng tôi vui mừng hớn hở chào đón ông ta, nhà đầu tư, mà lại từ Ấn Độ nữa chứ! Giả thử nếu là người Do Thái hay Ả Rập thì chúng tôi biết làm thế nào. 

Ông Ấn Độ ngắm nghía cái ống khói, nói là đúng thứ mà ông đang tìm, và chuyện xây nhà máy chỉ là chuyện nhỏ, cần chút ít thời gian là xong. Mọi sự đã rõ, chúng tôi ký kết hợp đồng, ông ta thì xây nhà máy, còn chúng tôi bao ăn ở, giặt quần áo cho ông miễn phí.

Người ta xếp ông ở cùng nhà xã trưởng, ăn thì ra quán, vợ xã trưởng đảm nhận việc giặt khăn đóng cho ông. Ông ta tỏ ra là người có học, đương nhiên rồi. Ông không làm phiền ai, ăn gì cũng được, nhưng thích nhất là bánh rán và bia. 

Chỉ một người duy nhất không ưa ông, đó là cha cố, vì ông nhất định không bước chân vào nhà thờ. Chúng tôi chẳng ai bận tâm vì điều đó.

Ông rất ít khi đi ra ngoài, chỉ tới quán ăn rồi quay về. Phần lớn thời gian ông ngồi lỳ trong phòng để lo cho việc xây nhà máy. Chúng tôi rất nóng lòng muốn biết công việc đã tiến triển tới đâu, nhưng không dám hỏi ông ta, đành nhờ vợ xã trưởng thử nhìn qua lỗ khóa xem thế nào. 

Bà ấy nói là đã nhòm rồi, chẳng thấy có gì đặc biệt cả, ông ấy chỉ ngồi thổi sáo suốt ngày thôi. Lạ thật, thế này thì phải nói chuyện với ông ta mới được. Vào bữa trưa, ở quán ăn, chúng tôi hỏi:

- Ông thổi sáo để làm gì?

- Đó là đặc trưng của Ấn Độ. Mọi người ngồi thổi sáo, sẽ có một sợi dây hay thứ gì đó động đậy trong chiếc giỏ rồi ngóc đầu lên, sau đó sẽ trồi lên hẳn.

- Cũng thú vị đấy. Nhưng nó thì có gì liên quan tới nhà máy?

- Liên quan chứ. Khi nghe tiếng sáo, nhà máy sẽ từ từ mọc lên...

Hẳn là ông ta nói đúng. Từ trước tới giờ, mọi công ăn, việc làm của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào tiếng sáo. Nhưng dù sao cũng phải thận trọng.

- Thế còn phải thổi bao lâu nữa?

- Còn tùy thuộc nhà máy lớn hay nhỏ. Lớn thì lâu hơn, nhỏ thì mau hơn. Các vị muốn cỡ nào?

Chúng tôi nhìn nhau. Ai mà chẳng muốn nhà máy lớn, nhưng ông ta uống mỗi bữa tới ba vại bia, ăn toàn thịt nướng, mà suốt từ mùa thu đến giờ... Nhưng nếu nhìn theo góc độ khác... cần phải đuổi kịp Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế, mà điều này đòi hỏi phải có sự hi sinh.

- Chúng tôi muốn có nhà máy lớn!

- Khỏi lo - thầy pháp nói rồi gọi thêm mấy vại bia nữa.

Chúng tôi ra về để yên cho ông ta làm việc.

Đến lễ Phục sinh vẫn chẳng thấy nhà máy đâu. Nhưng bù lại, vợ xã trưởng đã có bầu, còn thầy pháp thì biến mất tăm.

Chúng tôi không trách cứ ông ta. Đúng là không có nhà máy thật, nhưng đã có sự bám rễ tự nhiên, đó mới là điều quan trọng. Mà lại là từ một dân tộc lớn nữa chứ. Lớn ắt sẽ phải mạnh rồi.

T.DŨNG (st) - Theo TTCT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên